Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




VÌ SAO PHILIPPINES ĐƯƠNG ĐẦU VỚI TRUNG QUỐC ?

Tác giả: James R. Holmes
Người dịch: Dương Lệ Chi

Philippines chẳng có hy vọng gì khi so sánh với Trung Quốc chỉ đơn thuần về mặt quân sự. Nhưng có những lý do lịch sử để giải thích vì sao họ sẽ không lùi bước trước Trung Quốc ở biển Đông.

Tháng trước, tôi đã viết một bài trên báo Global Times, trong bài đó tôi lưu ý rằng, Hải quân Trung Quốc để cho giới lãnh đạo nước này triển khai các tàu giám sát phi quân sự và các tàu chấp pháp, khi thực thi chính sách đối đầu đang diễn ra ở bãi cạn Scarborough. Họ có thể phát triển chính sách cây gậy nhỏ, dường như không khiêu khích, trong khi đang nắm giữ cây gậy lớn, đó là năng lực hải quân áp đảo, do đó họ để dành sự lựa chọn leo thang.

Tôi đã viết, có thể diễn giải thành “cưỡng bức và ngăn chặn ảo” đối với các nước châu Á yếu kém hơn. Nếu các nước yếu thách thức Bắc Kinh, họ biết điều gì có thể xảy ra sau đó. Các độc giả của báo Global Times rõ ràng đã diễn giải điều này như là lời tiên đoán của tôi, rằng các nước Đông Nam Á sẽ tuyệt vọng do không cân sức về quân sự ở biển Đông, và tự động chịu thua ngay trong khi tranh chấp giống như ở bãi cạn Scarborough.

Không phải thế. Ngoại giao và chiến tranh là các hoạt động ảnh hưởng qua lại. Cả hai phía, không chỉ có mỗi phía mạnh hơn có quyền lựa chọn. Manila từ chối lựa chọn theo cách của Bắc Kinh.

Có ưu thế về quân sự vẫn không thể bảo đảm giành chiến thắng trong chiến tranh, nói chi đến các cuộc tranh cãi trong thời bình. Lợi thế của kẻ khoác lác mạnh mẽ có thể kéo cuộc tranh chấp về phía có lợi cho họ, tuy nhiên, kẻ yếu vẫn có các lựa chọn. Manila có thể hy vọng cân bằng với lợi thế của Bắc Kinh và họ có đủ lý do để cố gắng làm như vậy. Nghe quen quá, phải không? Trung Quốc là nước yếu khi tham chiến trong mọi cuộc đụng độ vũ trang kể từ cuộc Chiến tranh Nha phiến hồi thế kỷ thứ 19. Tuy nhiên, cuối cùng thì Trung Quốc vẫn đứng đầu trong các cuộc tranh đấu quan trọng nhất.  

Nước yếu có thể đánh bại nước mạnh là một ý tưởng có từ lâu. Nhà độc tài La Mã Quintus Fabius đã chiến đấu chống lại Hannibal – một trong những nhân vật vĩ đại nhất trong lịch sử chiến tranh – trong hoàn cảnh bế tắc hoàn toàn khi từ chối đánh trong một trận quyết định. Do dự đã giúp cho Fabius – được tôn vinh là “Người trì hoãn” – sắp xếp nguồn tài nguyên phong phú và nhân lực chống lại quân xâm lược Carthage tiến hành chiến tranh trên đất La Mã.

Fabius đã chờ thời cơ thuận lợi. Rồi ông ấy đánh.

Tương tự như vậy, nhà lý luận về sức mạnh trên biển, ngài Julian Corbett khuyên các chỉ huy hải quân tiến hành “phòng thủ chủ động” trong những hoàn cảnh không thuận lợi. Chỉ huy của một hạm đội áp đảo có thể chơi trò chơi Fa-biên (trò chơi trì hoãn để kéo dài thời gian), ẩn trốn gần hạm đội của kẻ thù mạnh hơn, dù trận đánh đang suy giảm. Trong khi đó, họ có thể đưa thêm quân tiếp viện, tìm kiếm các đồng minh thân thiện là các cường quốc hải quân, hoặc triển khai nhiều mưu kế khác để làm cho kẻ thù kiệt sức. Cuối cùng thì họ có thể đảo ngược sự cân bằng hải quân, cho phép họ tránh sự rủi ro từ một cuộc chiến trên biển và giành chiến thắng.

Chiến thắng bằng cách trì hoãn chính là tập quán được ưa chuộng lâu đời của Trung Quốc. Mao Trạch Đông đã xây dựng khái niệm cuộc chiến kéo dài về chiến thuật trì hoãn, và cũng như Corbett, ông gán cho tầm nhìn chiến lược của mình bằng cái tên “phòng thủ chủ động”. Đối với hai lý thuyết gia này, chủ động phòng thủ là kéo dài cuộc chiến, để tồn tại lâu hơn các đối thủ vượt trội.

Mao chỉ ra rằng, Trung Quốc tự hào về những lợi thế bản địa đối với Quân đội Nhật Bản, đã chiếm đóng Mãn Châu và phần lớn lãnh thổ Trung Quốc trong thập niên 1930. Họ chỉ cần thời gian để chuyển đổi sức mạnh tiềm ẩn – đó là nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và nguồn nhân lực đặc biệt – vào sức mạnh quân sự có thể sử dụng được. Hồng quân của Mao Trạch Đông sau đó đã vượt qua các Lực lượng Quốc dân mạnh hơn, bằng cách thu phục được sự ủng hộ của dân chúng, và với cơ hội khai thác các nguồn lực, thiết lập các khu vực cơ sở ở nông thôn, và những điều tương tự.

Những điều tốt đẹp chỉ đến với những người biết chờ đợi.

Vì vậy, có một số tiền lệ cho các lãnh đạo Philippines hy vọng về sự thành công ngoại giao, liên quan tới bãi cạn Scarborough. Quân đội Philippines là một lực lượng tầm thường, có rất ít cơ hội chiến thắng trong một cuộc chiến khốc liệt. Nhưng cũng giống như những nước yếu hơn trong quá khứ, Manila có thể cầu viện tới luật pháp, công lý, và các nước hùng mạnh bên ngoài, có khả năng điều chỉnh cái thế đang nghiêng [về phía Trung Quốc] để cân bằng về phía Philippines. Chắc chắn, các quan chức Philippines chủ trương đệ trình việc tranh chấp này lên Toà án về Luật Biển và cầu viện đến hiệp ước có từ lâu, Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ – Philippines.

Cho dù có sử dụng tất cả những điều nói trên đi nữa, vẫn còn nhiều bất lợi đang đè nặng lên Manila. Vì sao kiên trì thách thức Trung Quốc, bất chấp sức mạnh áp đảo của họ? Thucydides (sử gia Hy Lạp) sẽ chào đón sự can trường của người Philippines. Nhà sử học Hy Lạp này đã ghi chép lại cuộc chiến Peloponnesus, một cuộc chiến kéo dài giữa Athens và Sparta hồi thế kỷ thứ 5 trước công nguyên. Một trong những câu châm ngôn nổi tiếng nhất của Thucydides là “sợ hãi, danh dự và lợi ích” là “ba trong số các động cơ mạnh nhất” thúc đẩy các hành động.

Trong một đoạn nổi tiếng [trong sách “chiến tranh Peloponnesus” của Thucydides], các sứ thần Athens thông báo cho các nhà lãnh đạo của Melos, một đảo quốc nhỏ, rằng khi lợi ích bị xung đột thì “kẻ mạnh làm những gì họ muốn và kẻ yếu phải chịu thua thiệt”. Các sứ thần muốn người Melian khuất phục. Người Melian phản đối, nhưng chẳng hy vọng nhận được sự giúp đỡ nào từ Sparta hoặc từ bất kỳ người nào đến cứu giúp. Khi họ vẫn có vẻ thách thức, người Athens đã giết tất cả những người đàn ông và bắt những người phụ nữ và trẻ em làm nô lệ.

Sợ hãi, danh dự và lợi ích là động cơ thúc đẩy các nước nhỏ như Melos và Philippines nhiều như là nó cổ vũ các siêu cường như Athens và Trung Quốc. Đòi chủ quyền trên biển là một vấn đề lợi ích riêng đối với người Philippines, nhưng đó cũng là vấn đề danh dự. Bắc Kinh không thể trông đợi Manila chỉ cân nhắc đến cán cân lực lượng, thừa nhận là họ đang vô vọng khi đối chọi với một lực lượng không cân sức, và rút lui. Các nhà lãnh đạo Philippines có thể cầu viện sự hỗ trợ nước ngoài, và họ biết Bắc Kinh không có lựa chọn kiểu Melian.

Vậy thì, việc gì [Philippines] phải chấp nhận thất bại sớm, hơn cả Fabius hay Mao?

Tác giả: Ông James Holmes là giáo sư về chiến lược của trường Cao đẳng Hải Chiến Hoa Kỳ. Bài viết thể hiện quan điểm của ông.

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
http://anhbasam.wordpress.com/2012/05/17/vi-sao-phi-duong-dau-voi-trung-quoc/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét