Tác giả: TNS John McCain
Người dịch: Dương
Lệ Chi
Thượng nghị sĩ
John McCain nói rằng Hoa Kỳ vẫn là đối tác được nhiều nước châu Á lựa chọn. Nhưng
Washington cần phải đặt chuyện tranh cãi chính trị của mình sang một bên.
Trong tháng này, tôi đã gặp một phái đoàn doanh nghiệp đến từ
Malaysia, một người trong số họ đã nói với tôi rằng: “Thượng
nghị sĩ McCain, khi chúng tôi nhìn vào nước Mỹ hiện giờ, dường như các ông hoàn
toàn bị rối loạn. Hệ thống chính trị của các ông dường như không có khả năng
đưa ra các quyết định cơ bản để khắc phục các vấn đề tài chính và cho thế giới
thấy quyết tâm để giải quyết vấn đề“. Và nhân tiện, ông ấy cũng đã
nói thêm: “Một số người ở châu Á sử dụng những thất bại đó để phá hoại lòng tin mà
bạn bè của các ông vẫn còn tin vào các ông“. Tôi hoàn toàn đồng ý với
ông ta.
Đây là một vấn đề rất lớn.
Và điều này làm gia tăng nghi ngờ về sự cam kết của chúng ta trong khu vực châu
Á – Thái Bình Dương. Trong khi nói về việc “chuyển hướng” sang châu
Á là sai lầm, nhưng ý kiến về việc chúng ta phải cân bằng lại chính sách đối
ngoại của Mỹ, chú trọng hơn nữa vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương thì hoàn
toàn đúng. Nhưng thách thức quan trọng mà chúng ta phải đối mặt đó là, làm cách
nào để cho nỗ lực tái cân bằng này có ý nghĩa, bởi vì vào lúc này, giữa lúc
chúng ta đang gặp khó khăn về các vấn đề chính trị và tài chính, kết quả là
chúng ta hứa hẹn quá nhiều, mà thực hiện thì quá ít các cam kết mới của chúng
ta ở Thái Bình Dương.
Khó có thể phóng đại tính nghiêm trọng về những sự lựa chọn đặt ra
cho chúng ta hiện nay. Chúng ta phải đối mặt với các quyết định tức thời, sẽ định
hướng cho sức mạnh của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương – về mặt ngoại
giao, kinh tế, và quân sự – trong nhiều thập niên tới. Chúng ta phải đi đúng hướng.
Nếu đi sai đường, chúng ta sẽ bị vuột khỏi tiến trình và bị tụt lại phía sau.
Tuy nhiên, nếu những quyết định lớn này được quyết định đúng, chúng ta có thể tạo
ra các điều kiện bền vững để mở rộng sức mạnh của Mỹ, nhằm tăng cường sự lãnh đạo
của Mỹ, và để bảo đảm lợi ích quốc gia của Mỹ trong khu vực Thái Bình Dương.
Cuối cùng, trong bối cảnh châu Á đang thay đổi, lợi ích của Mỹ ở
châu Á vẫn không có gì thay đổi. Chúng ta vẫn vươn tới các mục tiêu tương tự
như chúng ta vẫn luôn hướng tới, đó là khả năng phòng ngừa, ngăn chặn, và nếu cần,
đánh bại trong một cuộc xung đột, bảo vệ các đồng minh của Mỹ, mở rộng tự do
thương mại, thị trường tự do, tự do lưu thông, và tự do trên vùng trời, vùng biển,
không gian, và bây giờ là không gian mạng. Và trên hết, duy trì sự cân bằng quyền
lực để thúc đẩy việc mở rộng nhân quyền, dân chủ, pháp luật, và các giá trị
khác một cách hòa bình, những giá trị mà chúng ta chia sẻ với những người dân
châu Á ngày càng tăng.
Tất cả những lợi ích này không có điểm nào chống lại bất kỳ nước
nào khác, kể cả Trung Quốc. Trung Quốc tiếp tục phát triển hòa bình đó là lợi
ích của chúng ta. Chúng ta phản đối khái niệm cho rằng Hoa Kỳ muốn kiềm chế Trung Quốc, hoặc [cho rằng] chúng
ta đang nhắm tới một cuộc chiến tranh lạnh mới ở châu Á, nơi mà các nước buộc
phải lựa chọn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Tóm lại, câu hỏi mà chúng ta cần phải trả lời là: chúng ta ở Hoa Kỳ,
có thể ra các quyết định chiến lược lớn ngay bây giờ, các quyết định sẽ mang lại
sự thành công cho chúng ta về lâu về dài ở châu Á?
Một trong những quyết định lớn liên quan đến thương mại. Người ta
thường nói rằng công việc của châu Á là kinh doanh, nhưng khi nói đến thương mại,
thì Hoa Kỳ đứng bên lề, và châu Á đang tiến về phía trước mà không có chúng ta.
Sau bốn năm, chính phủ này (ND: ý nói chính phủ Obama) vẫn chưa ký hay phê chuẩn
một hiệp định thương mại tự do nào cho riêng mình. Mãi cho đến năm ngoái, họ mới
thông qua Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với
Hàn Quốc,
Colombia và Panama mà chính phủ Bush đã đúc kết trước đó. Trong khi đó, từ năm
2003, chỉ riêng Trung Quốc đã ký chín hiệp định thương mại tự do với châu Á và
châu Mỹ Latin. Họ đang đàm phán thêm năm hiệp định khác, và đang xem xét bốn hiệp
định nữa.
Và không chỉ Trung Quốc. Trong tháng này, Thủ tướng Nhật Bản cũng
đã tuyên bố rằng ông muốn Nhật Bản bắt đầu đàm phán một khu vực thương mại tự
do với Trung Quốc và Hàn Quốc. Ấn Độ đang đàm phán một hiệp ước thương mại tự
do với Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không hoàn thành hiệp ước đầu
tư song phương hẹp với Ấn Độ, nói gì đến hiệp ước thương mại tự do đầy đủ mà
chúng ta nên có. Hồi năm ngoái, một báo cáo cho thấy các nước châu Á đã ký hoặc
đang thương lượng gần 300 hiệp ước thương mại, không có hiệp ước nào trong số
đó mà Mỹ đã tham gia. Việc khởi động Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương đã
làm cho hình ảnh của chúng ta sáng sủa hơn một chút, nhưng để đi đến một thỏa
thuận, có thể phải mất thêm nhiều năm nữa, nếu có điều đó xảy ra.
Thay vào đó, chúng ta nên đi tới một nghị trình thương mại song
phương, bắt đầu với Ấn Độ và Đài Loan. Chúng ta cũng nên hành động tích cực hơn
trong môi trường đa phương. Quan hệ Đối tác xuyên Thái Bình Dương đã chia rẽ
các nước ASEAN. Chúng ta, hoặc là đưa tất cả các nước ASEAN vào Quan hệ Đối tác
xuyên Thái Bình Dương, hoặc là thúc đẩy một hiệp ước tự do thương mại chính thức
giữa Mỹ-ASEAN. Điểm mấu chốt là, thành công về kinh tế và chiến lược lâu
dài của Mỹ đòi hỏi một chiến lược thương mại đầy tham vọng ở châu Á.
Một quyết định thứ hai có tác động lớn đó là, việc bố trí lực lượng
của chúng ta trong khu vực. Tất cả chúng ta đều chia sẻ cùng mục tiêu: tăng cường
quan hệ liên minh Mỹ – Nhật, trong khi vẫn duy trì các cam kết chiến lược của
chúng ta trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, thông qua sự hiện diện mạnh mẽ
của các lực lượng quân sự triển khai về phía trước. Tuy nhiên, cũng như nhiều
người trong số quý vị, một số vị trong Ủy ban Quân vụ Thượng viện đã chỉ trích
kế hoạch trước đó là, tổ chức lại lực lượng Hoa Kỳ ở đảo Okinawa và đảo Guam, kế
hoạch này hoàn toàn không có khả năng chi tiêu. Chỉ riêng kinh phí bố trí binh
lính ở đảo Guam không thôi cũng đã tăng gấp đôi trong bảy năm, lên tới hơn 20 tỷ
đô la.
Cuộc khủng hoảng này thực sự là một cơ hội để chúng ta có một cái
nhìn rộng hơn về việc sắp xếp lại lực lượng trong khu vực. Một số nước châu Á
thể hiện sự quan tâm mới đối với sự luân chuyển lớn của lực lượng Hoa Kỳ trong
khu vực. Thỏa thuận gần đây là đưa 2.500 lính
thủy quân lục chiến Mỹ tới Úc, có thể xem như một mô hình cho các hoạt động tương tự ở những
nơi khác, chẳng hạn như Philippines. Cuối cùng, những điều này và những phát
triển mới khác đã tạo cơ hội để có được suy nghĩ sáng tạo và toàn diện về việc
sắp xếp lại lực lượng quân sự trong khu vực, việc sắp xếp này bao gồm những
thay đổi mới, trong việc tổ chức lại binh lính trên đảo Okinawa và đảo Guam. Đó
là lý do vì sao quốc hội nên có một điều khoản trong Đạo luật Ủy nhiệm Quốc
phòng hồi năm ngoái, cho một đánh giá độc lập về những câu hỏi liên quan đến việc
bố trí lực lượng này.
Vẫn chưa rõ tuyên bố chung gần đây của Hội đồng Tư vấn An ninh Mỹ
– Nhật sẽ phù hợp với yêu cầu đánh giá sâu rộng hơn về việc bố trí lực lượng của
chúng ta trong khu vực như thế nào. Hiện tuyên bố chung đó đặt ra nhiều câu hỏi
hơn là có được câu trả lời – trong đó, các câu hỏi về ước tính chi phí, các yêu
cầu hậu cần, duy trì lực lượng, các kế hoạch lớn, và đề nghị này liên quan đến
khái niệm chiến lược rộng lớn hơn của các hoạt động trong khu vực như thế nào.
Chúng ta cần thực hiện đúng những quyết định quan trọng này. Và đó là lý do tại
sao, ngay cả khi chúng ta tìm thêm chi tiết trong bản tuyên bố chung, quốc hội
sẽ không có bất kỳ quyết định tài trợ lớn nào cho đến khi chúng ta nhận được và
đánh giá các đánh giá độc lập về tình hình lực lượng trong khu vực châu Á-Thái
Bình Dương, theo quy định của pháp luật.
Một quyết định tương tự và lớn hơn nhiều mà chúng ta cũng cần phải
quyết định đúng, đó là chi tiêu quốc phòng. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương chủ
yếu là một đấu trường trên biển, nên khả năng phô trương sức mạnh quân sự của
chúng ta phần lớn phụ thuộc vào Hải quân Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Hải quân vẫn thiếu
313 tàu so với chỉ tiêu. Điều tệ hại hơn là chính quyền hiện nay đề xuất loại bỏ
7 tàu tuần dương sớm hơn dự định, loại bỏ 2 tàu vận chuyển loại lớn mà lực lượng
Thủy quân Lục chiến cần, và hoãn việc mua lại một chiếc tàu đổ bộ có boong lớn,
một tàu ngầm tấn công loại Virginia, 2 tàu chiến duyên hải, và tám tàu vận tải
tốc độ cao. Hiện chúng ta loại bỏ các con tàu nhanh hơn là chúng ta có thể thay
thế chúng. Cắt giảm khả năng hải quân như thế mà không có một kế hoạch bù lại,
sẽ đặt mục tiêu của chúng ta ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào rủi ro lớn
hơn.
Và tất cả những điều nói trên hiện đang đứng trước ảnh hưởng luật
mới. Việc cắt giảm ngân sách quốc phòng của chúng ta, nếu được thực hiện theo
quy định của luật mới này sẽ chẳng khác gì một hành động đơn phương giải trừ
quân bị, chắc chắn dẫn đến sự giảm sút thực sự về sức mạnh quân sự của Mỹ. Một
số vị trong quốc hội đã đưa ra đề nghị tránh chuyện tự động cắt giảm ngân sách
quốc phòng theo luật định, nhưng chúng ta không có được độc quyền về những ý kiến
hay (*). Chúng ta muốn ngồi xuống với Tổng thống để cho ra một thỏa thuận lưỡng
đảng, nhưng tổng thống đã từ chối tham gia. Ông ấy không có đề nghị nào để ngăn
chuyện cắt giảm ngân sách quốc phòng mà Bộ trưởng Quốc phòng của ông gọi là những cắt giảm “chết người”. Trừ khi tổng thống
tham gia vào về vấn đề này, nếu không thì ông ấy sẽ làm tổng thống trong thời kỳ
các lực lượng vũ trang của chúng ta bị thiếu hụt tồi tệ nhất trong giai đoạn lịch
sử gần đây.
Ngoài sự hiện diện quân sự, chúng ta cần duy trì các phương diện
ngoại giao ở châu Á. Và ở đây, chúng tôi có một câu chuyện hay hơn để kể – cám
ơn ngoại trưởng của chúng ta rất nhiều, bà đang làm cho chính sách ngoại giao của
Mỹ hiện diện trong khu vực và ảnh hưởng hơn bao giờ hết. Điều đó nói rằng,
chúng ta hiện phải đối mặt với những thử thách lớn, những thử thách này báo hiệu
cho biết Hoa Kỳ sẽ đóng vai trò gì ở châu Á, cũng như chúng ta liên quan đến những
thách thức của châu Á như thế nào.
Một trong những thử thách đó là biển Đông. Hoa Kỳ không có yêu
sách trong vụ tranh chấp này, và chúng ta không nên đứng về phía bên nào trong
các nước tranh chấp. Tuy nhiên, việc tranh chấp này đi vào trọng tâm lợi ích của
Mỹ ở châu Á – không chỉ vì các thương vụ trị giá 1.200 tỷ của Mỹ đi ngang qua
biển Đông mỗi năm, và cũng không phải vì Philippines, một trong các nước tranh
chấp, là đồng minh của Mỹ, mà là vì rất quan trọng để một châu Á đang trỗi dậy
tránh được những mãng tối của chính sách thực dụng, nơi mà những nước mạnh muốn
làm gì thì làm và những nước yếu hơn thì phải chịu đựng. Cuối cùng, vụ tranh chấp
này không chỉ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, mà là mối quan hệ của Trung Quốc với
các nước láng giềng. Nhưng chúng ta phải hỗ trợ các đối tác ASEAN của chúng ta
– khi họ yêu cầu – để họ có thể nhận ra mục đích của họ về việc cho ra một mặt
trận thống nhất và giải quyết những sự khác biệt của họ một cách hoà bình, trên
cơ sở đa phương.
Một thách thức lớn cho ngoại giao Mỹ là Miến Điện. Tôi đã đi đến Miến Điện hai lần trong năm
qua. Chắc
chắn là họ vẫn còn một chặng đường dài để đi tới, đặc biệt trong việc ngăn chặn
bạo lực và theo đuổi tiến trình hòa giải thật sự với cộng đồng các dân tộc thiểu
số của đất nước. Nhưng tôi tin là tổng thống Miến Điện và các đồng minh của ông
trong chính phủ chân thành trong cải cách, và họ đang tiến bộ thực sự.
Trong năm qua, tôi đã nói rằng các hành động cụ thể của chính phủ
Miến Điện đối với cải cách dân chủ và kinh tế, cần được đáp lại bằng
các hành động đối ứng của Hoa Kỳ để có thể giúp gia tăng những cải cách này,
mang lại lợi ích cho những người Miến Điện bình thường, và cải thiện mối quan hệ
của chúng ta. Cuộc bầu cử mới đây đã đưa bà Aung San Suu Kyi và Liên đoàn Quốc
gia vì Dân chủ vào quốc hội, tôi nghĩ rằng bây giờ đã đến lúc nên ngưng các biện
pháp trừng phạt của Mỹ, ngoại trừ lệnh cấm vận vũ khí và các biện pháp mà chúng
ta duy trì, nhằm chống lại các cá nhân và các tổ chức ở Miến Điện phá hoại nền
dân chủ, vi phạm nhân quyền, và cướp bóc tài nguyên của quốc gia. Đây không phải
là dỡ bỏ lệnh trừng phạt, mà chỉ tạm dừng. Và bước này cũng như bất kỳ sự nới lỏng
các biện pháp trừng phạt, sẽ tùy thuộc vào sự tiến bộ và cải cách liên tục ở Miến
Điện.
Chúng ta cũng phải thiết lập các chuẩn mực mang tính nguyên tắc,
và cả ràng buộc về trách nhiệm cho các hoạt động kinh doanh của Mỹ ở Miến Điện.
Bà Aung San Suu Kyi đã nêu ra những điều phân biệt giữa các loại đầu tư đúng và
sai. Đầu tư đúng đắn sẽ đẩy mạnh khu vực kinh tế tư nhân ở Miến Điện, mang lại
lợi ích cho người dân Miến, và cuối cùng là nới lỏng sự kiểm soát của quân đội
đối với nền kinh tế và chính phủ dân sự. Đầu tư sai lầm thì sẽ đi ngược lại, tạo
ra một tập đoàn chính trị mới và đẩy lùi sự phát triển của Miến Điện trong nhiều
thập kỷ. Vì lý do đó, tôi tin rằng vào lúc này các công ty Mỹ không nên được cấp
giấp phép làm ăn với các công ty chính phủ Miến Điện, hiện vẫn còn do quân đội
điều hành.
Cách doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ không bao giờ thắng trong một cuộc đua
ngược dòng với một số đối thủ cạnh tranh ở châu Á, và ngay cả châu Âu. Không
nên cố đua như vậy. Thay vào đó, họ nên hợp tác với bà Aung San Suu Kyi và người
dân Miến Điện, những người muốn sự đầu tư có trách nhiệm, tiêu chuẩn lao động
và môi trường cao, và ủng hộ nhân quyền và chủ quyền quốc gia, được xác định
làm ăn với người Mỹ là tốt nhất. Mục tiêu của chúng ta là thiết lập các tiêu
chuẩn toàn cầu về trách nhiệm xã hội cho các tập đoàn công ty ở Miến Điện, một
tiêu chuẩn mà chúng ta, cũng như bà Aung San Suu Kyi, có thể dùng để áp lực lên
những công ty khác làm theo chúng ta, và điều đó có thể trở thành cơ sở cho luật
pháp mới Miến Điện.
Những thách thức này chắc chắn là lớn, và nó đòi hỏi tất cả chúng
ta phải đặt những tranh cãi chính trị và ghi điểm sang một bên, để thúc đẩy một
số lợi ích an ninh quốc gia quan trọng nhất của chúng ta. Tôi tin tưởng rằng
chúng ta có thể ngồi lại với nhau và làm điều này. Tôi tin rằng các tiên đoán về
suy sụp của Mỹ một lần nữa được chứng minh là sai. Và tôi sẽ cho quý vị biết lý
do tại sao – bởi vì ngay cả khi chúng ta làm việc để giữ vững sức mạnh của Mỹ,
nhu cầu về sức mạnh quân sự của Mỹ ở châu Á chưa bao giờ lớn hơn như bây giờ.
Ví dụ, trong chuyến đi thăm Miến Điện vừa rồi, tôi đã gặp tổng thống
Miến. Hầu hết các thành viên trong nội các của ông cũng có mặt ở đó, và sau cuộc
họp, tôi bước tới bắt tay họ. Khi tôi đi xuống, một người trong số họ đã nói:
“Fort Leavenworth, 1982″. Rồi một người khác nói: “Fort Benning, 1987″. Và cứ
tiếp tục như thế. Tôi nhận ra rằng: nhiều người trong số những người này là các
cựu sĩ quan quân đội, những người đã tham gia vào các chương trình trao đổi
quân sự của chúng ta, trước khi chúng ta cắt đứt quan hệ với quân đội Miến Điện.
Ngay cả sau một thời gian như thế, đã trải qua giai đoạn lịch sử sóng gió như
thế, nhưng họ vẫn nhớ đến Mỹ một cách trìu mến, và họ muốn được gần gũi hơn với
Mỹ.
Một ví dụ khác: Vì sao các nhà bất đồng chính kiến và người xin
tị nạn ở Trung Quốc lại chạy vào Đại Sứ quán Mỹ, khi sự an toàn của họ
bị đe dọa? Họ không chạy vào Đại Sứ quán Nga, hay Đại Sứ quán Nam Phi, hay thậm
chí các đại sứ quán châu Âu. Vì sao vậy? Bởi vì chúng ta mạnh? Chắc chắn, nhưng
các nước khác cũng là những cường quốc. Phải chăng vì chúng ta là một nước dân
chủ, bênh vực cho các quyền bình đẳng và nhân phẩm của tất cả mọi người? Chắc
chắn là như thế, nhưng các giá trị này là không phải chỉ có mỗi chúng ta có.
Vậy thì vì lý do gì?
Tóm lại, đó là vì chúng ta ràng buộc sức mạnh vĩ đại và các
giá trị dân chủ của chúng ta lại với nhau, và chúng ta hành động dựa trên cơ sở
này. Đó là vì, trong cộng đồng các quốc gia, thì nước Mỹ vẫn là nước độc nhất –
một nước đặc biệt – một cường quốc dân chủ, sử dụng ảnh hưởng chưa từng có
không chỉ để nâng cao lợi ích hẹp hòi của mình, mà còn đẩy mạnh một loạt các
giá trị siêu việt. Trên hết, đây là lý do vì sao rất nhiều nước ở châu Á và ở
những nơi khác bị chúng ta hấp dẫn – bởi vì chúng ta đem sức mạnh của chúng ta
vào phục vụ cho những nguyên tắc của chúng ta. Đó là lý do tại sao, trong các
chuyến đi của tôi đến châu Á, tôi đã gặp hết người này đến người, hết lãnh đạo
này đến lãnh đạo khác, những người muốn chọn Mỹ làm đối tác. Họ không muốn ít
mà họ muốn nhiều hơn nữa từ Mỹ – thương mại nhiều hơn, hỗ trợ ngoại giao của
chúng ta nhiều hơn, và hỗ trợ quân sự và hợp tác của chúng ta nhiều hơn.
Và vào lúc mà hầu hết người Mỹ nói rằng, họ đang mất niềm tin vào
chính phủ của chúng ta, chúng ta nên nhớ rằng, có hàng triệu người trên thế giới,
đặc biệt ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, những người này vẫn còn tin tưởng
vào Hoa Kỳ, và họ vẫn muốn sống trong một thế giới được định hình bởi sức mạnh
của Mỹ, các giá trị Mỹ, và sự lãnh đạo của Mỹ. Với rất nhiều người đang trông cậy
vào chúng ta – và không có cách nào để loại chúng ta ra ngoài – ít nhất chúng
ta có thể làm là nỗ lực hơn nữa để xứng đáng với sự kỳ vọng mà họ đặt vào chúng
ta.
Tác giả: Ông John McCain là Thượng nghị sĩ cao cấp của Mỹ từ bang Arizona
và là thành viên cao cấp của Ủy ban Quân vụ Thượng viện. Bài viết
này dựa trên bài phát biểu của ông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở
Washington, DC trong tháng này.
———-
Ghi chú: Để hiểu đoạn này, cần
hiểu bối cảnh cắt giảm ngân sách ở Mỹ. Đề nghị đưa ra là sẽ cắt 1.200 tỉ trong
10 năm tới. Trong khi Đảng Cộng hòa muốn cắt ngân sách liên quan đến các chương
trình xã hội (non-security programs), thì Đảng Dân chủ muốn cắt ngân sách liên
quan đến các chương trình an ninh (security programs), như ngân sách quốc
phòng. Cả hai đảng không thể đi đến một thỏa thuận, nên theo luật mới ra cách
đây không lâu là sẽ tự động cắt, nghĩa là sẽ chia đều ra, mỗi bên bị cắt phân nửa,
non-security programs: 600 tỉ và security programs: 600 tỉ, trong đó, ngân sách
quốc phòng có thể bị cắt 500 tỉ.
Ông John McCain thuộc Đảng Cộng hòa và đã từng là một sĩ quan hải
quân, dĩ nhiên là ông phản đối việc cắt giảm ngân sách quốc phòng. Ông nói: “Một số vị
trong quốc hội đã đưa ra đề nghị tránh chuyện tự động cắt giảm ngân sách quốc
phòng theo luật định, nhưng chúng ta không có được độc quyền về những ý kiến
hay”. Câu này có nghĩa là, ông cho chuyện không ủng hộ cắt giảm
ngân sách quốc phòng của những người trong quốc hội là ý kiến hay, bởi vì đó
cũng là ý kiến của ông.
Nguồn: The Diplomat
Bản tiếng Việt
© Ba Sàm 2012
http://anhbasam.wordpress.com/2012/05/27/vi-sao-chau-a-can-my/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét