Nghệ Nhân
Liệu
những người dân Văn Giang có thể góp vốn bằng chính giá trị quyền sử dụng đất của
mình và trở thành cổ đông của Vihajico?
Thay
vì phản ứng lại “lực lượng cưỡng chế”, những người dân Văn Giang bị thu hồi đất
có thể góp vốn bằng chính giá trị quyền sử dụng đất của mình và trở thành cổ
đông của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico).
Nhưng kịch bản tốt đẹp này vì sao chưa thể xảy ra?
Những
thử nghiệm thất bại
Ngay
cả khi chỉ phải đền bù với mức giá 135 nghìn đồng/m2, để giải tỏa những diện
tích lên tới hơn 500 ha như khu đô thị thương mại và du lịch Văn Giang
(Ecopark) tại Hưng Yên, các chủ đầu tư vẫn phải bỏ ra một khoản tiền mặt khá lớn,
lên tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng.
Thay
vì việc bỏ tiền mặt, chủ đầu tư có thể ghi nhận đóng góp của người dân bị thu hồi
đất dưới dạng cổ phần để họ có thể ủng hộ việc triển khai dự án một cách tuyệt
đối trên cơ sở được đảm bảo lợi ích lâu dài. Đến khi hoàn tất dự án, các bên
cùng chia sẻ lợi ích thu được trên cơ sở các giao kèo được ký từ trước. Điều tưởng
như rất lý thuyết này, trên thực tế đã được áp dụng thử tại một vài nơi.
Bản
dự thảo đề án “Khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và tài sản nhà nước phục
vụ phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020” được Bộ Tài chính công bố mới
đây cho hay việc nông dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có đất nông nghiệp
nằm trong quy hoạch sử dụng đất thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ
là một cơ chế rất mới và còn thiếu khung pháp lý để có thể triển khai thực hiện
rộng rãi trên phạm vi cả nước.
Trên
thực tế, một số địa phương đã chỉ đạo triển khai thực hiện khuyến khích nông
dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có đất thuộc quy hoạch dự án. An Giang
và Thanh Hoá có 4 dự án có tổng diện tích đât nông nghiệp góp vốn là 8.121 m2.
Ngoài ra, có thể kể tới 2 dự án lớn, có tính tiêu biểu là dự án khu đô thị công
nghiệp cảng Cái Phước do Công ty Cổ phần Tân Thuận làm chủ đầu tư liên doanh với
đối tác nước ngoài là tập đoàn Dubai World và dự án của Tập đoàn Cao su Việt
Nam tại tỉnh Sơn La do Công ty Cổ phần Cao su Sơn La làm chủ đầu tư.
Theo
chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã thực hiện tổng kết nâng lên thành chính
sách chung để áp dụng trong cả nước trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo các
chuyên gia trong ngành nông nghiệp, mô hình này vẫn thiếu tính khả thi. Chưa
nói đến việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào dự án bất động sản, việc nông
dân góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất trong các doanh nghiệp nông nghiệp
cũng đã là thiếu thuyết phục.
Vấn
đề nông dân khi tham gia làm cổ đông ở các công ty cổ phần có thể góp vốn bằng
giá trị quyền sử dụng đất đã được pháp luật nước ta công nhận trong Luật Đất
đai, Luật Dân sự và Luật Doanh nghiệp. Nhưng một báo cáo của Viện Chiến lược
chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) công bố mới đây đã cho biết
là mô hình này đã thất bại sau khi được thử nghiệm tại 4 tỉnh Thanh Hóa, Hòa
Bình, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc.
Báo
cáo cho hay nếu nông dân nhượng quyền sử dụng đất hoặc giao đất cho doanh nghiệp,
nhận đền bù bằng tiền mặt thì họ sẽ có nhiều lựa chọn, có tiền để chuyển đổi
nghề kinh doanh.
Trong
khi đó, nếu góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, thì giá trị đất đó được các
doanh nghiệp định giá rất thấp. Nhiều doanh nghiệp khi nhận đất góp của nông
dân nhiều năm báo lỗ và khoản lỗ này nông dân phải cùng gánh chịu và hậu quả là
chỉ sau vài năm, nhiều nông dân đã mất hết quyền sử dụng đất vào tay doanh nghiệp.
Chuyện
dài sở hữu
Vẫn
theo các chuyên gia của Ipsard, hầu hết nông dân sợ góp vốn bằng quyền sử dụng
đất vì sợ mất đất vĩnh viễn nếu phải làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng
sang công. Khi trở thành cổ đông, nông dân không thể tham gia vào quản lý công
ty vì họ không có kỹ năng, lượng vốn nhỏ không có đáp ứng tỷ lệ vốn của đại cổ
đông.
Không
thể giải quyết thấu đáo vấn đề sở hữu, việc người nông dân không mặn mà với ý
tưởng trở thành cổ đông cũng là điều dễ hiểu. Trước Ipsard, Viện Nghiên cứu quản
lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng đã tiến hành một nghiên cứu về ruộng đất của
nông dân, qua đó đi sâu vào vấn đề sở hữu đất nông nghiệp.
Chế
độ sở hữu đất nông nghiệp ở Việt Nam được phân chia thành hai quyền: quyền sở hữu
và quyền sử dụng. Hai quyền ấy được phân cho hai chủ thể khác nhau là nhà nước
và người nông dân.
Chính
“đặc thù” này đã đưa đến hệ quả là hình thành hai thị trường đất đai: thị trường
cấp 1 là thị trường giao dịch giữa nhà nước và người sử dụng đất với nhiều hình
thức khác nhau như giao đất có thu tiền, không thu tiền; giao có thời hạn khác
nhau; cho thuê…. Trong khi đó, thị trường cấp 2 là thị trường giao dịch giữa những
người sử dụng đất nông nghiệp với nhau.
Trong
khi thị trường cấp 2 chưa được tổ chức một cách đầy đủ để thúc đẩy hoạt động
chuyển nhượng, thị trường cấp 1 lại phụ thuộc quá nhiều vào vai trò nhà nước:
Nhà nước vừa quản lý hành chính công đối với đất đai, vừa là chủ sở hữu, có quyền
quyết định thu hồi quyền sử dụng đất của nông dân, chuyển mục đích sử dụng và
giao lại đất nông nghiệp cho tổ chức, cá nhân khác.
Điều
này dẫn tới tình trạng người nông dân luôn ở vào thế yếu trong giao dịch đất
nông nghiệp và, hoặc họ chống lại quá trình đó, hoặc họ đòi hỏi được “trả giá”
tương xứng.
Không
thể trách người dân đã thiếu “hợp tác” với các chủ đầu tư và chính quyền các cấp
trong việc đóng góp vốn tự có là đất nông nghiệp thành cổ phần. Thống kê của Tổng
cục Quản lý đất đai thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong khoảng thời gian từ
2001 đến 2010, cứ mỗi năm cả nước mất đi 100 nghìn ha đất nông nghiệp do đô thị
hóa và công nghiệp hóa. Đối với người nông dân, những ví dụ nhãn tiền từ các mảnh
đất vĩnh viễn mất đi, có sức nặng nhiều hơn là những chủ trương chính sách trên
giấy, dẫu đầy thiện chí!
Trở
lại với câu chuyện Văn Giang, Vihajico thì chưa bao giờ đề xuất với nông dân về
chuyện góp vốn cổ phần bằng đất nông nghiệp. Nhưng, như đã phân tích, nếu có đề
xuất này đi chăng nữa, thì trong bối cảnh hiện tại, thất bại cũng là điều được
dự báo trước. Chính vì vậy, hoàn thiện các quy định pháp lý để việc chuyển đổi
mục đích sử dụng đất nông nghiệp theo một cơ chế "thị trường" nhất và
hài hòa nhất về mặt lợi ích cần được xem là giải pháp căn cơ và lâu dài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét