Tôi
sinh ra dưới ngôi sao xấu nên phải chứng kiến triền miên những bất hạnh xảy đến
với đất nước và dân tộc mình. Chẳng hạn như trận dịch hạch Cải Cách Ruộng Đất
trên Miền Bắc thập niên 50 của thế kỷ trước, lúc tôi vừa có trí khôn, và tai
ương Cưỡng Chế Ruộng Đất đang xảy ra khắp nước, ở tuổi cuối đời. Cả hai tai họa
đều do con người tạo nên, và đều có cái tên viết tắt là CCRĐ; chỉ khác ở chỗ
CCRĐ xưa và CCRĐ nay ở tầm cở mức độ “hoành tráng”.
Tôi
còn nhớ như in ánh mắt kinh hãi của mẹ tôi cái buổi tối bên ngoài trời mưa phùn
gió rét, đang ngồi bên bếp bị du kích xông vào nhà thúc ép đi xem buổi đấu tố
ông Lý Thưởng là người bà con mẹ tôi gọi bằng cậu. Mẹ tôi nghe đến hai chữ đấu
tố là kinh hoàng vì mới đây dì Bang ngoài Hà Tĩnh bị đấu tố giết chết. Cảnh đấu
tố diễn ra sao thì ngày nay ai cũng đã biết được phần nào sự dã man khủng khiếp
của nó rồi. Điều tôi muốn đề cập nơi đây là sự thay đổi quá dễ dàng của lòng dạ
con người.
Làng
Yên Phú bên bờ La Giang không giàu như cái tên gọi, nhưng từ khi có trí khôn,
tôi biết được dân làng sống với nhau rất yên hoà và thuận thảo. Vậy mà chẳng
bao lâu sau ngày có đám người lạ mặt đầu nón cối chân dép râu, bên hông mang kè
kè cái xắc cốt về “phát động phong trào quần chúng đấu tranh”, họ trở ra e dè với
nhau rồi có những kẻ đối xử với nhau thậm tệ hơn loài thú... Những người bần
cùng nhất làng được đoàn cán bộ Cải cách ưu ái chiếu cố. Chẳng hạn bà X ... là
chỗ đi lại thân tình với gia đình tôi một hôm khoe với mẹ tôi bà được học tập để
đấu tố địa chủ. Mẹ tôi sửng sốt bàng hoàng song không dám ngỏ lời khuyên can.
Bà X khoe tiếp là, sau khi đấu tố bà sẽ được chia phần “quả thực” là tài sản tịch
thu của địa chủ. (Nhưng rồi đấu tố xong, chờ mãi không thấy gì, bà lại đến xầm
xì với mẹ tôi lòng ăn năn việc bà làm).
Đó
là Cải Cách... những năm xưa, người dân bần cùng hiền lành chất phác chỉ vì một
lời hứa lèo mà đã thay lòng đổi dạ, quên mất mình là ai để đứng khua tay múa
chân chỉ vào mặt người từng giúp mình trong lúc hoạn nạn hỏi “mày có biết tao
là ai không...” rồi kể ra một lô tội lỗi do đoàn cán bộ mớm cho và tập đi dượt
lại nhiều đêm nơi trụ sở xã.
Trong
Cưỡng Chế thời hiện đại thì “hoành tráng” hơn nhiều. Đất đai, ruộng vườn, nhà
thờ chùa chiền nghĩa trang hay bất cứ thứ gì muốn tiếm đoạt hôm nay, người ta
không cần mượn tay nhân dân bần cố nữa, mà đường chính chính là Công An nhân
dân, Quân Đội nhân dân, lại còn cả Côn Đồ nhân dân và Chó nghiệp vụ nhân dân.
Hàng hàng lớp lớp trước sau trong ngoài.
Khác
với CCRĐ xưa “đấu sĩ” trang bị... tay không, chỉ mới được hứa lèo phần “quả thực”
mà đã làm như vậy. CCRĐ nay, các lực lượng “cưỡng sĩ” được hứa thật, phần “quả
thực” - chưa nói đến các món thuộc “bí mật quốc phòng” không thể tiết lộ - đã nắm
trên tay như cơm hộp, nước ngọt Coca Cola, nước say Heineken; lại mặc đồng phục,
trang bị dùi cui lựu đạn, súng dài súng ngắn, xe trục xe ủi, thì bọn “địa chủ”
như cụ già kia chúng đánh cho nằm xỉu bên lề đường; chị phụ nữ gầy còm nọ bị
lôi đi như quân Du Dêu điệu Chúa Giê Su đi đóng đinh; hai nhà báo chính thống,
chúng cũng khện nhừ tử, lại còn dắt về đồn là chuyện không gì phải ngạc nhiên.
Trong
Cải Cách Ruộng Đất, các “đấu sĩ” thay phiên nhau từng người một, đứng trước mặt
địa chủ đang bị quỳ trước toà án nhân dân kể tội, mạnh lắm là nhui đầu hay đá
điạ chủ vài cái; chứ không có quyền đánh gục “đối thủ” tại trận. Trong Cưỡng Chế
thì “cưỡng sĩ” một lúc vài ba ngàn quân ào ào xông tới; kết quả như mọi người
thấy nơi video clip đang được phổ biến khắp toàn cầu.
Cải
Cách Ruộng Đất xưa xuất phát từ chính sách chủ trương của nhà nước. Cưỡng Chế
Ruộng Đất nay là do cái gật đầu của kẻ đứng đầu công ty nọ, công ty kia thuộc
tư nhân. Nhưng ngọn cờ Cưỡng Chế Ruộng Đất ngày nay phất cao hơn, phấp phới hơn
ngọn cờ Cải Cách Ruộng Đất 60 năm về trước, khi Việt Nam ta mới giải phóng được
một nửa nước. Sở dĩ được như vậy là nhờ sự kết hợp kỳ tài giữa nhà nước với một
bộ phận nhân dân ưu tú. Cứ cái đà kết hợp nhuần nhuyễn như thế này, làm cho khí
thế vụ cưỡng chế sau cao hơn vụ cưỡng chế trước, chắc chắn chẳng bao lâu nữa
con cháu ta khỏi phải bận tâm về chuyện tái cải cách ruộng đất nữa. Bởi vì khi
đó, ruộng đất Việt Nam ta đã được bê-tông hoá, nhựa đường hoá, sân Gôn hoá, cây
cảnh hóa, khu sinh thái hoá, sòng bài hoá, khách sạn hoá, vân vân hoá... và nhất
là “bạn” hoá từ đất liền đến biển đảo .
Từ
Cải Cách Ruộng Đất đến Cưỡng Chế, lòng người dân quê từ chỗ mộc mạc hiền lành
chất phác qua truyền thống bao đời bỗng chốc biến thành dạ thú, ngày một ác độc
hơn, bầy đàn hơn. Những anh Công an, chú Bộ đội, cậu Dân phòng trong lực lượng
Cưỡng Chế kia, và nhất là những kẻ quyền lực đứng sau lưng, từ đâu sinh ra vậy?
Nhớ
lại ánh mắt mẹ tôi thời Cải Cách Ruộng Đất khi bị du kích đến bắt đi xem đấu tố,
tôi bất chợt nghe tiếng thét của bà cụ Lê Hiền Đức khi người đảng viên CS kỳ cựu
này đứng trên cao chứng kiến toàn cảnh Cưỡng Chế đất của đồng bào huyện Văn
Giang tỉnh Hưng Yên vừa rồi. Và bên tai tôi văng vẳng tiếng hát Việt Khang, “Việt
Nam tôi đâu?”
Vì
ai nên nỗi!
Nguyễn
Bá Chổi
http://danlambaovn.blogspot.com/2012/05/tu-cai-cach-en-cuong-che.html#more
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét