Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




TRẤN ÁP NGƯỜI DÂN CHỈ CHỨNG TỎ CHÍNH QUYỀN ĐANG RẤT YẾU VÀ SỢ DÂN

Thụy My

Theo ông Lê Hiếu Đằng, thì việc trấn áp chỉ chứng tỏ rằng chính quyền đang rất yếu và rất sợ dân, ông đề nghị chính phủ cần đối thoại công khai, minh bạch trước dân. Lòng dân không an sẽ gây mất ổn định xã hội, hơn nữa Việt Nam đang cần tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế trước sự chèn ép của Trung Quốc tại Biển Đông.

Sự kiện chính quyền huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên huy động một lực lượng công an hùng hậu để cưỡng chế đất đai của nông dân cho dự án Ecopark hôm 24/04/2012 cho đến nay vẫn còn gây chấn động dư luận.

RFI đã trao đổi với luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh.



**************
RFI : Kính chào ông Lê Hiếu Đằng. Thưa ông, theo dõi những sự kiện ở Văn Giang vừa qua, ông có nhận xét như thế nào ?

Ông Lê Hiếu Đằng : Sau vụ Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng rồi thì bản thân tôi cũng như nhiều người khác nghĩ là chính phủ sẽ từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để có cách xử sự khôn khéo hơn và hợp lòng dân hơn, đối với những vụ giải tỏa đền bù đang diễn ra trên các miền đất nước Việt Nam.

Ngay ở một số tỉnh miền nam thì giải tỏa đền bù cũng là một vấn đề rất bức xúc của nông dân. Mà tôi cho nguyên nhân chính là việc Hiến pháp quy định quyền sở hữu đất đai là sở hữu toàn dân, sở hữu nhà nước là không hợp lý. Vì vậy cần phải công nhận quyền sở hữu ruộng đất của người dân, nhất là trong sửa đổi Hiến pháp thời gian tới. Bởi vì đây là lỗ hổng pháp lý hết sức lớn, để các cấp chính quyền có thể tùy tiện giải tỏa lấy đất của dân.

Nhưng chúng tôi không ngờ sau vụ Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng lại xảy ra vụ Văn Giang ở Hưng Yên, trên quy mô hết sức lớn. Bởi vì chính phủ đã huy động một lực lượng mà báo chí gọi là « lề phải » của nhà nước cũng phải thừa nhận là cả một ngàn quân, kể cả công an của Bộ Công an phối hợp với tỉnh, huyện để mà gần như là đi dẹp loạn. Và chúng tôi cũng xem các video clip thì khói bay mù mịt, tiếng nổ rồi tiếng khóc của người dân, rồi hình ảnh đạn khói để giải tán người dân…

Có thể nói cái hình ảnh này gây một chấn động rất lớn. Bởi vì các vị lãnh đạo chúng ta thường nói đây là nhà nước của dân, do dân, vì dân, nhưng mà lại đi dùng những biện pháp trấn áp, đàn áp mạnh tay những người dân tay không.

Tôi đặt trường hợp nếu đó là vợ con, gia đình của các vị lãnh đạo đó đã từng đổ máu, đổ mồ hôi để có miếng đất đó, ngày nay bị người ta đến cướp, hoặc là dưới danh nghĩa giải tỏa đền bù bằng một cái giá rẻ mạt, thì các vị đó sẽ hành xử như thế nào ?

Ví dụ ở chỗ Văn Giang thì dự án Ecopark là dự án kinh tế du lịch hết sức lớn, nhưng đền bù theo báo chí nói giá chính thức là 135.000 đồng/m2 đất. Và nếu người dân nào đi sớm thì chủ đầu tư thưởng thêm 35.000 đồng nữa. Có nghĩa là tất cả cộng hai khoản lại là 170.000 đồng/m2. Nhưng khi làm xong khu này thì bán ra với giá rất là cao, chênh lệch giá rất lớn.

Lẽ ra nhà nước với tư cách nhà nước của dân, do dân thì chỉ làm trung gian thôi. Bởi đây là dự án kinh tế, do đó thuận mua vừa bán. Phải để cho chủ đầu tư thương lượng trực tiếp với người dân, trên cơ sở tính đúng tính đủ và có lãi, thì phải chấp nhận một cái giá theo giá thị trường và hợp lý, người dân chấp nhận được. Bởi vì khi mà giải tỏa đền bù, ngoài giá trị đất đai ra, thì cái thiệt hại vô hình là nơi sinh hoạt, làm ăn, rồi vấn đề học hành của con cái… rất lớn, nhưng mà đền bù với cái giá rẻ mạt như vậy thì làm sao người dân không phẫn nộ.

RFI : Thưa ông, như vậy ông cho là chính quyền nên đứng ngoài, chứ không nên huy động lực lượng an ninh để cưỡng chế người dân phải giao đất cho nhà đầu tư ?

Lẽ ra đứng trước phản ứng của người dân thì chính phủ phải cho người xuống tìm hiểu xem nguyện vọng của dân như thế nào, và quyết định của Thủ tướng như vậy đã hợp lý chưa, để có thể thay đổi. Chứ không phải lại đi xua hàng ngàn quân như vậy để đàn áp người dân. Tôi cho rằng đây là biện pháp hết sức tàn nhẫn và vô nhân đạo. Và nó nói lên rằng không phải chính quyền của dân do dân, mà ngược lại đây là chính quyền đi đàn áp dân. Để làm gì ? Vì sao lại làm những việc như vậy ?

Một trong những nguyên nhân mà ai cũng có thể nói được : phía sau hành động này là áp lực của các tập đoàn lợi ích. Chứ nhà nước mà vô tư, khách quan, thì không thể hành động như vậy được. Chỉ có là vì lợi ích của cá nhân nào đó, hoặc của một nhóm nào đó, thấy đây là một dự án đem lại món lời hết sức béo bở, nên bất chấp dư luận để cương quyết thu hồi cho được. Đó là một vấn đề khuất tất, rất là mờ ám mà người dân có quyền đặt câu hỏi. Đây là câu hỏi mà chính quyền trung ương phải trả lời cho dân rõ.

Mấy ngày nay chúng tôi ở Thành phố Hồ Chí Minh, khi gặp bạn bè, tiếp xúc với người dân thì ai cũng phẫn nộ về việc đó… Ngoài ra ở một xã ngoại ô Hà Nội, cả ngàn người dân đến bao vây trụ sở ủy ban nhân dân xã, đòi cán bộ xã phải trả lại đất vì đã thu hồi đất với giá rẻ mạt, và tham nhũng. Cũng như ở Bình Định, dân người ta đã chặn quốc lộ 1, đề nghị phải bảo vệ rừng phòng hộ, làm tắc nghẽn giao thông trong mấy tiếng đồng hồ liền.

Có thể nói là hàng loạt phản ứng của người dân trước những việc làm sai trái, hoàn toàn ngược lại với lợi ích của người dân, của chính quyền như vậy, thì chúng ta có quyền đặt câu hỏi vì sao. Tôi đề nghị chính phủ cần phải có đối thoại công khai minh bạch trước dân về vấn đề này.

Thậm chí đối với một số nhân sĩ trí thức đã có ý kiến, hay là các nhà báo đã đặt vấn đề, thì có dám đối thoại giải thích hay không ? Hay là giữ một thái độ im lặng. Một sự im lặng mà trước đây Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh nói rằng rất là đáng sợ. Cứ im lặng, làm càn bừa bất chấp dư luận, trong khi dư luận sôi sục lên án những việc đó.

Thì tôi cho đó là cái nguy cơ bất ổn định chính trị, chứ không ở đâu hết. Cũng không phải là diễn biến hòa bình hay kẻ thù, kẻ xấu nào. Mà có hai nguy cơ lớn là kẻ thù phương Bắc, tức là bọn bành trướng Bắc Kinh. Và nguy cơ nội xâm tức là bọn tham nhũng, cái bọn vì lợi ích của tập đoàn, lợi ích nhóm mà làm những hành động hết sức có hại cho dân, làm dân bất bình. Đó là những nguy cơ bùng nổ bất ổn định chính trị.

Mà tôi thấy là sau vụ Đoàn Văn Vươn thì hàng loạt nông dân kéo về Hà Nội phản đối, tập trung tại 46 Tràng Thi là trụ sở của Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Thì đảng và nhà nước Việt Nam phải suy nghĩ chứ. Và phải chấm dứt ngay những hành động đàn áp dân như vậy.

RFI : Thưa ông, có lẽ tâm lý bất bình trong dân chúng không chỉ ở những vụ cưỡng chế đất mà còn ở những hình thức thiếu dân chủ khác ?

Ngoài ra tôi thấy là trên một mặt trận khác, ngoài việc đối với nông dân như vậy, thì đối với nhân sĩ trí thức, nhà nước cũng có những việc làm hết sức độc đoán. Ví dụ như đã chỉ thị cho tờ Sài Gòn Tiếp Thị - dường như không có văn bản, chỉ nói miệng thôi – là bỏ mục nói về triết học của anh Bùi Văn Nam Sơn vào số thứ Tư hàng tuần. Hay là trong chương trình Hội sách thành phố có giao lưu giữa một số tác giả với người đọc thì cũng phải bỏ. Hoặc cấm đoán chỗ cà phê của anh Dương Thụ, quán AMY của anh Cao Lập, không cho những sinh hoạt văn hóa văn nghệ trong đó.

Những việc làm đó chứng tỏ điều gì ? Không phải chứng tỏ là chính quyền mạnh, mà là chính quyền hiện nay đang rất yếu và sợ dân. Sợ từ nông dân, công nhân cho đến nhân sĩ trí thức và văn nghệ sĩ. Như vậy chính quyền đó là chính quyền gì ?

Với xu thế tiến bộ hiện nay, ví dụ ở Miến Điện hiện nay thay đổi rất đáng mừng, tại sao Việt Nam không thấy đó là một bài học ? Báo chí Việt Nam tôi thấy buồn cười là nêu trường hợp Miến Điện rất là phấn khởi, nhưng không thấy rằng đất nước Việt Nam thì một cái cảnh hoàn toàn ngược lại với Miến Điện. Đó là đi ngược lại trào lưu tiến bộ của xã hội, đi ngược lại những cam kết khi Việt Nam gia nhập WTO hay những định chế quốc tế khác. Đứng về mặt đối nội hay đối ngoại đều là không có lợi, vừa mất lòng dân ở trong nước, vừa mất sự ủng hộ của quốc tế.

Hiện nay chúng ta cần có sự ủng hộ của quốc tế trong việc đấu tranh với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Vì vậy cần phải hòa mình vào trong dòng chảy hiện nay về tiến bộ xã hội, về môi trường, và nhất là về những quyền tự do dân chủ của người dân, chứ không thể nào đi ngược lại xu thế này.

Và nói theo kiểu một người lãnh đạo là bạn khuyên ta không được Âu hóa. Bạn nào ? Nó ngược đãi ngư dân mình hàng ngày hàng giờ. Với lời nói như vậy thì chúng ta thấy không còn tự trọng dân tộc nữa, với cách hành xử như vậy thì chính quyền sẽ ngày càng mất lòng dân. Và đó là nguy cơ mất ổn định chính trị chứ không phải ở đâu cả. Tự bản thân các vị gây khó cho các vị, gây nên nguy cơ mất lòng dân ngày càng nghiêm trọng.

RFI: Có lẽ lòng dân cũng không yên trước những bất công xã hội ?

Gần đây dư luận cũng rất bất bình trước hiện tượng con cái một số vị lãnh đạo, tài năng thì chưa thấy thi thố gì, nhưng do là con các vị lãnh đạo cao cấp trong chính phủ, trong đảng nên được cất nhắc lên những vị trí cao trong chính quyền. Ví dụ từ một phó giám đốc của một trường, chưa kinh qua công tác chính quyền một ngày nào, nhưng bây giờ lên làm Thứ trưởng. Hay có vị có cô con gái bây giờ thâu tóm mọi ngân hàng vào tay mình. Có vị con gái mình mới có 24 tuổi thôi mà cho làm chủ tịch hội đồng quản trị một đơn vị kinh tế lớn. Đó là những điều mà các vị lãnh đạo cần phải thận trọng.

Ở Việt Nam định chế chính trị không tạo công bằng cho tất cả những thanh niên, những người có tài, những nhân tài của đẩt nước có thể có những cương vị trong bộ máy chính quyền, mà thường thường dựa vào lý lịch, vào « con ông cháu cha ». Một đề nghị mà ngay từ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có đưa ra là vấn đề thi các chức danh, cho đến nay vẫn chưa làm.

Con đường tiến thân của thanh niên ở Việt Nam hiện nay là gì ? Hoặc là anh về phường. Có một số thanh niên thi rớt đại học, về phường công tác rồi được kết nạp đảng, lên làm bí thư phường rồi lên quận, lên thành phố. Hiện nay các lãnh đạo của thành phố đại khái là đi theo con đường này. Hoặc là con đường – như bên Trung Quốc thường nói – là « thái tử phái », tức là con ông cháu cha.

Như vậy là không công bằng. Những thanh niên có tài, nếu không vào đảng, không phải là con ông cháu cha, thì tương lai của họ như thế nào ?

Chính vì vậy mà chính quyền chúng ta sẽ dần dần đưa những kẻ cơ hội vào trong chính quyền. Và như vậy, đâu có phục vụ lý tưởng vì lợi ích của người dân. Và nói như chủ tịch Hồ Chí Minh, đâu phải là công bộc dân ? Mà khi họ vào chính quyền, là với ý đồ bằng cương vị đó sẽ làm giàu. Do đó mà ngay Quốc hội, trong những phiên họp trước cũng cảnh báo vấn đề mua quan bán tước rất dữ.

Hiện tượng đưa con cái mình vào những vị trí rất cao mà không trên cơ sở năng lực gì cả, cũng là một cái nguy cơ rất lớn : Mất nước ! Như chúng ta thấy ở Trung Quốc, vụ Bạc Hy Lai - con của Bạc Nhất Ba – cũng đang làm chấn động xã hội Trung Quốc. Ở Việt Nam, nếu cứ không tạo điều kiện công bằng cho tất cả mọi người có thể tiến thân, thì có thể xảy ra những vụ Bạc Hy Lai ở Việt Nam.

Cộng với các bất bình trong dân qua những vụ biểu tình của nông dân, đình công của công nhân, bất bình của nhân sĩ trí thức trước sự ngăn cấm sinh hoạt, phát biểu một cách có trách nhiệm trên những diễn đàn công khai, trên các phương tiện công khai…Tất cả những bất bình đó sẽ gây mất ổn định chính trị lớn.

Ngay cả báo chí hiện nay, ví dụ đối với vụ Văn Giang một số tờ báo có nêu, nhưng bây giờ duy nhất chỉ có báo Người Cao Tuổi nhận định rằng đó là việc làm trái luật. Còn các báo khác ngay cả đưa tin một cách khách quan cũng không dám. Ví dụ báo Sài Gòn Tiếp Thị đưa tin là huy động một ngàn công an thì cũng bị gỡ xuống rồi.

Tất cả những cái đó đi ngược lại quyền dân chủ tự do của người dân. Nói như chủ tịch Hồ Chí Minh, nếu một đất nước độc lập nhưng dân không có cơm ăn áo mặc, không có dân chủ tự do, thì cái độc lập đó cũng chẳng nghĩa lý gì.

RFI : Có vẻ tình hình này là bế tắc, khi chính quyền dùng lực lượng mạnh như vậy để cưỡng chế mà báo chí không lên tiếng nữa, Mặt trận Tổ quốc, Quốc hội cũng không…

Tôi nghĩ không phải bế tắc đâu, mà việc làm đó sẽ tạo nguy cơ làm cho người dân càng bất bình hơn nữa. Ví dụ trong vụ Văn Giang thì một số địa phương khác cũng đổ về ủng hộ, hay ở Hà Nội, nông dân Hà Nội ngày càng tập trung đông hơn nữa. Cái hình ảnh làm tôi rất cảm động là bà Hiền Đức, một người già cả như vậy đến ủng hộ nông dân ở Văn Giang, và bà phát biểu những câu rất cảm động.

Thì tôi nghĩ trong các tầng lớp khác của Việt Nam dần dần rồi cũng có những việc làm ủng hộ. Riêng tôi, ở Thành phố Hồ Chí Minh thì anh em cũng bàn bạc với nhau, làm sao mình cũng phải có động thái gì. Bởi vì nói thật, bản thân tôi thấy rất là xấu hổ, rất là nhục nhã, nếu mình không làm gì để ủng hộ người dân đang phải đấu tranh trong một tương quan lực lượng như vậy, không có một tấc sắt, không một phương tiện gì trong tay, trước lực lượng đàn áp rất đông đảo.

Trước đây số anh em sinh viên học sinh chúng tôi chống Mỹ rất là rõ ràng. Nhưng nay cái đau của chúng tôi là sau khi đã đấu tranh vì độc lập cho đất nước, thì chúng tôi nghĩ rằng sẽ xây dựng một chế độ xã hội tổt đẹp hơn. Nhưng không ngờ ngày nay lại xảy ra những sự kiện rất là đau lòng.

Trước đây chúng tôi biểu tình chống Trung Quốc, nhưng chắc chắn rồi cũng sẽ có một thái độ nào đối với những việc đàn áp người dân trong nước. Tôi nghĩ đó là trách nhiệm của những người hiện nay đang có những suy nghĩ, đang đặt lợi ích dân tộc, lợi ích đất nước lên trên, phải bảo vệ cho được quyền và lợi ích chính đáng của người dân mà luật pháp đã công nhận.

Chúng tôi rất là đau xót và cũng rất ân hận là, cho đến giờ vẫn chưa làm được gì trước tình hình hiện nay.

RFI : Xin rất cảm ơn luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh.

http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120504-tran-ap-nguoi-dan-chi-chung-to-la-chinh-quyen-dang-rat-yeu-va-so-dan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét