Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




THỊT BÒ KOBE, MỘT VỤ LỪA ĐẢO THỰC PHẨM VĨ ĐẠI

Triệu Phong

“Qua bàn tay tài hoa của đầu bếp Lẩu Triều Nhật-Asahi Hot Pot, thịt bò Kobe, món thịt bò nổi tiếng thế giới, sẽ trở thành những món ăn mang hương vị đặc biệt...

Tại nhà hàng Asahi Hot Pot, 76 Triệu Việt Vương, bạn sẽ được thưởng thức món thịt bò Kobe nhập khẩu trực tiếp từ Nhật Bản. Những lát thịt thơm ngon như những bông hoa tuyết, những đường vân màu trắng mỡ xen kẽ những thớ thịt đỏ hồng... được bàn tay của đầu bếp chế biến thành những món ăn đặc biệt hấp dẫn...”


Trên đây là một đoạn của bài “Thưởng thức bò Kobe ở Lẩu Triều Nhật” đăng trong mục “Ẩm Thực” của VNExpress, năm 2009.

Cũng VNExpress, trên một số báo khác nói về phở trong mục “Mua Sắm”: “190 đến 650 ngàn đồng cho món phở Wagyu, Kobe hay Sagagyu. Với chi phí gấp nhiều lần các bát phở truyền thống, loại phở này vẫn thu hút một lượng thực khách không nhỏ.” Và về bít tết Kobe: “Với giá hơn 1.9 triệu đồng mỗi suất, món bít tết chế biến từ thịt bò Kobe vẫn thu hút không ít thực khách Việt thưởng thức. Trong khi đó, giá ở các quán ăn bình dân chỉ vài chục nghìn đồng cho món này.”

Món ăn thời thượng này chỉ mới nở rộ trong vài năm trở lại đây, chẳng qua để nhắm đến những đối tượng là người lắm của nhiều tiền trong xã hội Việt Nam, những người có cuộc sống vương giả, xài đồ xa xỉ, nên phải ăn cái gì cho tương xứng.

Tuy nhiên

Không hề có thịt bò Kobe ở Mỹ

Tạp chí Forbes Tháng Tư trong mục “Lifestyle” đưa lên một bài viết khiến người đọc ở khắp nơi phải giật mình. Bài viết có đề tựa: “Food's Biggest Scam: The Great Kobe Beef Lie”, tạm dịch là “Vụ lừa đảo thực phẩm lớn nhất: Vụ phỉnh gạt thịt bò Kobe vĩ đại.” Bài viết mở đầu bằng cách nêu lên câu hỏi để độc giả tự trả lời, rằng quí vị cho là mình đã từng nếm qua món thịt bò Kobe rồi chăng? Hãy suy nghĩ lại đi.
Ðầu bếp Russell Titland với món 4 loại thịt bò 4 nước, giá $190, và món 3 loại thịt bò thuần Kobe Nhật với giá $295, tại nhà hàng Kobe Club ở New York City, 2007. Từ năm 2010 tới nay, tất cả các loại thịt bò từ Nhật đều bị cấm nhập vào Mỹ. (Hình: Timothy A. Clary/AFP/Getty Images)
 Tác giả bài viết khẳng định không ai có thể mua thịt bò Kobe chính hiệu của Nhật ở trên đất nước Hoa Kỳ. Không ở tiệm, không bằng bưu điện, và không cả trong nhà hàng. Bất kể quí vị đã trả hết bao nhiêu, từng vào tiệm chuyên trị bít tết sang cỡ nào, được nhiều đầu bếp cừ khôi quảng cáo trên thực đơn về “thịt bò Kobe” của họ ngon đến mức đâu, coi như quí vị bị bịp hết ráo.

Theo bài viết, may ra quí vị chỉ nếm được hàng nhái từ những vùng như Midwest, Great Plains, South America hay Úc.

Theo luật hiện hành ở Mỹ, nhập bất kỳ thịt bò gì từ Nhật (kể cả mang theo lên máy bay trong xách tay) đều bị xem như bất hợp pháp. Trước năm 2010, chính phủ chỉ cho phép nhập thịt bò tươi không xương từ Nhật nhưng cũng không có loại thịt Kobe chính hiệu.

Theo luật của Nhật, chỉ thịt bò đến từ tỉnh Hyogo, nơi có thủ phủ là Kobe, thì mới được gọi là thịt bò Kobe. Tuy nhiên nơi đây lại không có lò mổ nào được cơ quan quản trị thực phẩm Hoa Kỳ, USDA, cho phép xuất cảng sang Mỹ.

Vậy thì vì sao ngay các trang viết về ẩm thực trên nhật báo tiếng tăm như New York Times cũng ca tụng đi ca tụng lại “Thịt bò Kobe” tại những nhà hàng thời thượng ở Manhattan? Câu trả lời thật giản dị một cách đáng buồn là: Mặc dù Kobe beef, Kobe Meat và Kobe Cattle đều là những danh xưng có cầu chứng cả, nhưng chỉ giá trị ở Nhật thôi, ngoài ra chúng chưa được công nhận hay bảo vệ theo luật pháp Hoa Kỳ.

Hồi này cũng nở rộ phong trào sản phẩm nông nghiệp có gán nhãn hiệu “hoàn toàn thiên nhiên,” vốn chưa hề lọt vào vòng kiềm tỏa của Bộ Nông Nghiệp. Ðây là một cách nói để đánh lận con đen người tiêu thụ và thu lợi từ sự mơ hồ đó.
ABQ2.jpg và chú thích :


Vấn đề cũng do nơi giới sành ăn mà ra cả vì họ sẵn sàng chịu chi, miễn rằng ăn được món thịt bò Kobe có tiếng là tuyệt hảo đó. Cái danh xưng bịp bợm mà kỹ nghệ thực phẩm Hoa Kỳ đang rêu rao là cốt để thực khách đinh ninh rằng mình đang bỏ ra bộn tiền cho món ăn ví dụ như NYC “Kobe” burger với giá $40, với giá đó cho một cái burger thì ít ra người ăn cũng yên tâm là có liên quan phần nào đến cái di sản tuyệt hảo đó. Nhưng coi vậy mà không phải vậy.

Người ta nói rằng bò được xoa bóp, được cho uống bia, nghe nhạc cổ điển, tất cả đều là huyền thoại, nhưng dù sao thì thịt bò Kobe chính hiệu cũng được định theo một tiêu chuẩn về thực phẩm khắt khe nhất thế giới. Tại Nhật, để được mang danh Kobe, giống bò đó phải thuần giống của loài Tajima-gyu. Con vật này phải ra đời ở tỉnh Hyogo, được nuôi lớn bằng cách cho ăn cỏ, uống nước ở địa phương đó suốt đời. Con bò Kobe phải là con bò đực hay bò cái còn “gin,” và so với mọi giống bò, thời gian nuôi một con giống Tajima-gyu đến khi lấy thịt thường lâu nhất, vì thế giá thành cao là vậy.

Hai vợ chồng nhà nông Nobo Fujimoto với con bò được giá cao nhất trong cuộc bán đấu giá ở Hyogo, Kobe, Nhật. Kyogo là trung tâm sản xuất thịt bò thượng hạng như thịt bò Kobe và thịt bò Tajima, và con bò đoạt giá cao nhất là 5,001,000 yen, tương đương trên 65,000 đô la Mỹ. (Hình: Buddhika Weerasinghe/Getty Images) 

Bò Kobe chỉ được hạ thịt tại một lò mổ ở Hyogo, chưa hề được xuất khẩu sang Hoa Kỳ, và phải trải qua một cuộc chấm điểm hết sức khắt khe của chính quyền. Trên thế giới chỉ có 3,000 con bò được chứng nhận là bò Kobe, và không một con nào khác ở bên ngoài nước Nhật. Tiến trình khắt khe đến độ khi đem bán, trong chợ hoặc nhà hàng, đều phải mang hàng số nhận diện gồm 10 con số, giúp khách hàng biết được thịt đó từ con bò Tajima-gyu đặc biệt nào.

Trong lịch sử, các nhà hàng cũng như cơ sở phân phối đều cứ gọi bất kỳ thịt bò nào từ Nhật là Kobe, và nhiều nhà hàng thời thượng từng một thời gọi món thịt bò từ Nhật trong thực đơn của họ cũng là Kobe, mặc dù thực ra không phải thịt bò Kobe. Trong hai năm trở lại đây, do lệnh cấm nhập cảng thịt bò từ Nhật, thịt bò của Nhật hoàn toàn vắng bóng ở Hoa Kỳ, cho nên tiếng gọi Kobe lại càng kém ý nghĩa hơn, và rằng thịt có thể đến từ nhiều nước khác nhau mà đó đều là thịt bò không hơn không kém.

Nếu ai còn ngờ vực thì nên xem qua bản hướng dẫn về sản phẩm từ súc vật (Animal Product Manual), do phòng kiểm soát y tế về thực và động vật (Animal and Plant Health Inspection Service) thuộc cơ quan kiểm định thực phẩm USDA phát hành trong đó nói rõ rằng, thịt bò từ Nhật, tươi hay đông lạnh, nguyên tảng hay cắt nhỏ, có xương hay không xương, đều bị “Từ Chối Nhập Nội.”

Thịt Kobe có ở Việt Nam, có thể có và có thể không

Trang mạng Tin247.com, trong bài “Nhà hàng Nhật tại Việt Nam vẫn đông khách” ở mục “Nhà Ðất,” Tháng Ba, 2011, có đoạn viết: “Anh Dũng, người phụ trách quầy bếp một nhà hàng Nhật trên phố Kim Mã, quận Ba Ðình, cho biết, lượng thực phẩm Nhật Bản anh nhập về trong một ngày cũng giảm không đáng kể so với trước kia (sau thảm họa sóng thần và nhà máy nguyên tử Fukushima bị rò rỉ phóng xạ, Nhật hạn chế bán thực phẩm). Ðều đều, cách một ngày anh lại gọi điện cho nhân viên giao hàng mang đến 20 kg thịt bò Kobe cùng các loại phụ gia để chế biến món ăn Nhật.”

Cũng trang mạng Tin247.com Tháng Mười Hai trong bài “Thịt bò Kobe vào Việt Nam bằng chứng từ giả,” có đoạn viết: “Theo Cục Trưởng Thú Y Hoàng Văn Năm, Cục chưa hề cấp phép cho đơn vị nào kiểm dịch thịt bò từ Nhật Bản về Việt Nam. Những chứng thư để loại thực phẩm cao cấp này về Việt Nam là giả. Ông Năm nói, để có thể kiểm tra xử lý vấn đề này, không chỉ Cục Thú Y mà nhiều ngành như hải quan, quản lý thị trường... phải vào cuộc để kiểm chứng nguồn gốc, khẳng định có thật là thịt bò Kobe và có đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm hay không.”

Theo ông Năm, hiện Cục chưa tiến hành cấp phép cho đơn vị nào kiểm dịch thịt bò từ Nhật Bản về Việt Nam bởi còn thiếu văn bản pháp lý giữa hai bên. Các thỏa thuận về điều kiện vệ sinh thú y với các sản phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản và Việt Nam cũng chưa có. Ngoài ra, các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm cũng chưa đưa đề nghị được nhập khẩu thịt bò từ Nhật Bản nên Cục chưa có cơ sở để tiến hành cấp phép kiểm dịch.

Ðầu bếp Vindex Tengker làm bánh mì hamburger bằng thịt bò Kobe, tại một khách sạn hạng sang ở Jakarta, năm 2006. Bánh mì hamburger bằng bò Kobe này bán với giá 110 đô la Mỹ. Hầu hết Châu Á không cấm bò Kobe Nhật. (Hình: Bay Ismoyo/AFP/Getty Images)

Hai ngày sau, Tin247 lại viết: “Chiều 26 Tháng Mười Hai, ông Nguyễn Ðắc Lộc, phó chi cục trưởng Chi Cục QLTT Hà Nội, khẳng định, thịt bò Kobe vào Việt Nam bằng chứng thư giả là chính xác. Một số nhà hàng từng quảng cáo có món bò Kobe Nhật Bản đã gỡ hết niêm yết. Các nhà hàng đều phủ nhận, không nhập thịt bò Kobe Nhật Bản, chỉ có thịt bò Australia và Mỹ. Một số địa chỉ rao bán, niêm yết giá thịt bò Kobe từ 3 triệu rưỡi đến 4 triệu đồng mỗi ký trên mạng Internet trước đó cũng đã gỡ bỏ thông tin sản phẩm.”

Theo báo Dân Trí, hiện một số cửa hàng cung cấp sản phẩm thịt bò Kobe tại Hà Nội cho rằng sản phẩm của mình là Kobe Mỹ được nhập khẩu chính thức. “Thông tin này có thực sự chính xác hay chỉ là màn che đậy của các cửa hàng kinh doanh sau khi thịt bò Kobe bị phát hiện là hàng giả?” Tại nhà hàng Masuda, ngay gần Hồ Ba Mẫu (Hà Nội), nhân viên bán hàng giới thiệu tại đây vẫn sẵn sàng cung ứng thịt bò Kobe xuất xứ từ Mỹ. Nhân viên này nói: “Cửa hàng có bán thịt bò Kobe, nhưng là giống bò đưa từ Kobe của Nhật sang nuôi tại Mỹ, chứ không phải Kobe Nhật đang bị cấm.”

Báo này trích dẫn lời Cục Trưởng Cục Chăn Nuôi Hoàng Văn Nam: “Mỹ không có thịt bò Kobe chỉ có sản phẩm bò Kobe của Nhật, bởi Nhật có giống bò Kobe và có riêng một vùng đất chăn nuôi loại vật nuôi này. Nói sản phẩm thịt bò Kobe Mỹ lấy giống tại Nhật và nuôi ở Mỹ là hoàn toàn không xác thực.”

––––

Liên lạc tác giả: 
trieu.phong@nguoi-viet.com
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=148625&zoneid=1

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét