Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




THAM VỌNG MỌI TÀI NGUYÊN TRÊN BIỂN ĐÔNG CỦA TRUNG QUỐC

Giang Khuê

Sân bay trên đảo Phú Lâm
Việc Trung Quốc thông báo sẽ triển khai giàn khoan dầu mỏ Hải dương 981 trên Biển Đông vào ngày 9/5 tới giữa lúc tình hình Biển Đông đang hết sức phức tạp đã cho thấy rõ tham vọng độc chiếm Biển Đông của nước này, đồng thời thể hiện thái độ coi thường sự phản đối của các nước trong khu vực. Thực tế, Hải dương 981 mới chỉ là một trong số những “vũ khí” mà Bắc Kinh triển khai để xây dựng cái gọi là “Hạm đội tác nghiệp biển sâu”, có nhiệm vụ khai thác dầu khí trên Biển Đông.

“Quái vật” hút dầu trên Biển Đông

Thông cáo từ Cơ quan Năng lượng Quốc gia Trung Quốc (NEA) ngày 3/5 cho hay, giàn khoan Hải Dương 981 sẽ được triển khai đến giếng dầu Lệ Loan 6/1/1 vào ngày 9/5 này. Khu vực này nằm trong lòng chảo Châu Giang, tức khu vực bồn địa cửa sông Châu cách Hongkong khoảng 300km, gần sát đảo Hải Nam và tương đối gần Philippines.


Trước đó, Hải dương 981 được lai dắt tới phía đông Biển Đông vào ngày 21/2, khoan thử nghiệm ở Lưu Hoa 29/2/1 và giàn khoan đã thử nghiệm thành công với độ sâu 753,3m ở thiết kế độ sâu 3.230m. Ngày 28/4, giàn khoan cũng đã khoan thành công ở độ sâu 1.500m với thiết kế độ sâu 2.371m trong thời gian 56 ngày rưỡi.

Giàn khoan Hải Dương 981
của Trung Quốc
 
Giàn khoan này do Tổng Công ty Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) làm chủ đầu tư với tổng vốn 6 tỉ nhân dân tệ (19.020 tỉ đồng VN), có nhiệm vụ chính là khoan giếng thăm dò, khoan giếng sản xuất, hoàn thành giếng khoan và sửa chữa giếng khoan trên Biển Đông.

Đây là giàn khoan kiểu nửa chìm hoạt động ở độ sâu tối đa 3.000m, độ sâu giếng khoan tối đa 12.000m, thuộc thế hệ thứ sáu trên thế giới và là giàn khoan cấp siêu sâu đầu tiên do Trung Quốc sản xuất. Trên thế giới chỉ có khoảng 20 giàn khoan hoạt động ở độ sâu 3.000 m. Giàn khoan dài hơn 650m, gồm năm tầng cao 136m (tương đương tòa nhà 45 tầng). Trọng tải tịnh hơn 30.000 tấn. Diện tích boong tương đương sân vận động đúng tiêu chuẩn. Giàn khoan có đầy đủ hệ thống phục vụ cho 160 công nhân làm việc và nghỉ ngơi. Chín máy phát điện đủ đáp ứng nhu cầu điện cho một thành phố 200.000 dân. Lượng tiêu hao dầu diesel từ 100 đến 150 tấn/ngày hoặc 200 tấn trong điều kiện mưa bão. Do đó, giàn khoan có trang bị khoang dầu với dung tích 4.500 tấn đủ cho máy phát điện chạy liên tục 30 ngày.

Được mệnh danh là “tàu sân bay dầu khí”, Hải dương 981 được trang bị các thiết bị hiện đại nhất thế giới. Hệ thống điều khiển tự động hóa tiên tiến của giàn khoan có thể ứng phó các sự cố như van đóng giếng dầu khẩn cấp, thiết bị dừng người máy dưới nước, van đóng điều khiển từ xa thiết bị định vị vật dưới nước bằng siêu âm. Hệ thống cảm ứng sẽ đóng miệng giếng khoan khi xảy ra mất điện toàn diện, hạ áp suất, lưu lượng vượt mức.

Hải dương 981 được thiết kế đủ sức chống bão mạnh cấp 18. Tại khu vực biển sâu dưới 1.500m, giàn khoan sẽ định vị bằng neo thông qua xích neo của các tàu kéo. Ở độ sâu 1.500-3.000m, giàn khoan sẽ định vị bằng hệ thống định vị động lực thế hệ 3 (DP3-đẳng cấp cao nhất của Tổ chức Hàng hải quốc tế) hoạt động dựa trên định vị vệ tinh. Ước tính mỗi ngày giàn khoan ngốn chi phí từ 981.100 đến 1,5 triệu USD.

Chiến lược vơ vét tài nguyên Biển Đông

Theo đánh giá sơ bộ của ngành hải dương Trung Quốc, trữ lượng dầu khí dưới Biển Đông là hơn 50 tỉ tấn, chủ yếu nằm ở độ sâu từ 500m đến 2.000m. Gần đây, người ta tiếp tục phát hiện ở biển Đông còn có một trữ lượng băng cháy (một loại năng lượng sạch cho tương lai) khổng lồ. Do đó, bên cạnh việc tăng cường sức mạnh cho Hạm đội Nam Hải, Trung Quốc đang thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng “Hạm đội tác nghiệp biển sâu”.

Hiện nay, việc khai thác dầu khí ở vùng nước sâu trên 500m thuộc đặc quyền của CNOOC. Trước đây, nếu muốn khai thác dầu khí ở vùng biển sâu hơn 300m, CNOOC phải hợp tác với các hãng nước ngoài, đương nhiên lợi nhuận thu được sẽ giảm xuống. Vì lẽ đó, mấy năm nay, CNOOC tập trung toàn lực cho việc thúc đẩy chiến lược biển sâu với nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là xây dựng “Hạm đội tác nghiệp biển sâu”.

Sau những nỗ lực không mệt mỏi, việc thăm dò biển sâu của Trung Quốc vừa có bước đột phá với sự góp mặt của tàu triển khai lắp đặt đường ống thăm dò biển sâu Dầu mỏ Hải dương 201 và tàu khoan thăm dò biển sâu Dầu mỏ Hải dương 981. Dầu mỏ Hải dương 201 được đầu tư 3 tỉ nhân dân tệ, cao tương đương một tòa nhà 10 tầng, rộng hơn một sân bóng đá, cũng được trang bị hệ thống DP3 với tính năng nổi bật là có thể triển khai lắp đặt đường ống dẫn dầu khí ở độ sâu 3.000m và nâng được vật thể có trọng lượng tới 4.000 tấn.

Sự xuất hiện của Dầu mỏ Hải dương 201 và Dầu mỏ Hải dương 981 đánh dấu sự hình thành “Hạm đội tác nghiệp biển sâu” đầu tiên của Trung Quốc. Điều đáng quan tâm: mục tiêu của hạm đội này là Biển Đông.

Sự ra đời của Dầu mỏ Hải dương 201 và Dầu mỏ Hải dương 981 đánh dấu ngành công nghiệp chế tạo tàu đặc chủng phục vụ thăm dò, khai thác dầu mỏ của Trung Quốc đã có những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực mũi nhọn và trang thiết bị tác nghiệp biển sâu của ngành dầu khí Trung Quốc đã đạt được trình độ tiên tiến của quốc tế.

Ngoài ra, Trung Quốc còn đang đẩy mạnh việc chế tạo tàu bảo vệ môi trường các giếng dầu trên biển đa năng mang tên Dầu mỏ Hải dương 253 sau khi hạ thủy thành công một chiếc có chức năng tương tự vào hạ tuần tháng 6/2010. Cùng với Dầu mỏ Hải dương 201 và Dầu mỏ Hải dương 981, sự góp mặt của Dầu mỏ Hải dương 253 sẽ hoàn chỉnh “Hạm đội tác nghiệp biển sâu” đầu tiên của Trung Quốc, nâng cao khả năng thăm dò, khai thác độc lập của Trung Quốc tại các vùng biển sâu như Biển Đông.

Song song với việc xây dựng “Hạm đội tác nghiệp biển sâu”, Trung Quốc cũng đang ra sức tăng cường sức mạnh quân sự để bảo vệ việc thăm dò, khai thác dầu khí của mình, tập trung vào Hạm đội Nam Hải, đơn vị đảm trách tác chiến trên hướng Biển Đông. Hiện nay, Hạm đội Nam Hải có nhiều tàu khu trục, tải trọng hơn 8.000 tấn, trang bị tên lửa lớp Trung Hoa Thần Thuẫn và hơn 10 tàu hộ vệ tên lửa lớn 054 có tải trọng 4.000 tấn. Ngoài ra, Hạm đội Nam Hải còn được trang bị nhiều tàu ngầm thông thường, tàu ngầm hạt nhân.

Những căn cứ thuộc Hạm đội Nam Hải cũng được đầu tư phát triển mạnh mẽ. Sau khi mở rộng, căn cứ Du Lâm ở cực Nam đảo Hải Nam đã trở thành căn cứ trọng yếu để các tàu mặt nước và tàu ngầm Trung Quốc tiến xuống phía nam. Việc xây dựng sân bay trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm đóng và nắm được kỹ thuật tiếp dầu trên không khiến cho những chiếc Su-30 và J-10 của Trung Quốc có thể vươn tầm bay tới Trường Sa tiến hành “tuần tra”… Nếu tính thêm lực lượng thủy quân lục chiến và máy bay trực thăng, Hạm đội Nam Hải có đủ khả năng tác chiến đánh chiếm đảo ở biển xa. Điều đó có nghĩa việc bảo vệ cho những hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của Trung Quốc ở vùng biển sâu thuộc biển Đông cũng sẽ được bảo đảm.

Giang Khuê
www.petrotimes.vn/dau-tien-quyen-luc/2012/05/tham-vong-moi-tai-nguyen-tren-bien-dong-cua-trung-quoc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét