Những cảnh
đàn áp nông dân trong vụ cưỡng chế ở Văn Giang, Hưng Yên ngày 24/04 tiếp tục khấy
động dư luận trong và ngoài nước. Một số nhà báo và nhà trí thức đã lên tiếng
phản đối vụ cưỡng chế Văn Giang, trong số này có giáo sư Tương Lai, nguyên Viện
trưởng Viện Xã hội học Việt Nam.
So với vụ
Tiên Lãng, vụ cưỡng chế ở xã Văn Quang, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên ngày
24/4 vừa qua gây chấn động mạnh trước hết là do tầm mức của sự kiện. Mặc dù
theo nguồn tin chính thức, việc cưỡng chế chỉ tiến hành đối với 5,8 ha thuộc
166 hộ không chịu nhận tiền đền bù, nhưng có đến cả ngàn nông dân Văn Giang từ
đêm hôm trước đã bám trụ tại những mảnh đất của họ để chống lại việc cưỡng chế.
Phía chính quyền vì thế đã phải huy động hàng ngàn người gồm công an, cảnh sát
cơ động, dân phòng và, theo tố cáo của dân, thì có cả thành phần xã hội đen, để
thi hành lệnh cưỡng chế, biến việc này thành giống như là một trận càn quét
trong chiến tranh, với hơi cay mờ mịt đồng, khói mù tỏa khắp nơi, tiếng súng
vang rền trời.
Điểm thứ
hai gây công phẫn dư luận, đó là mức độ đàn áp của lực lượng cưỡng chế, qua những
hình ảnh được phổ biến rộng rãi trên mạng, nhất là cảnh cả chục người cầm dùi
cui thi nhau đánh đập dã man một nông dân tay không, theo kiểu đánh đòn thù, chứ
không phải là khống chế một thành phần “quá khích”.
Điểm đáng
nói khác đó là, có lẽ rút kinh nghiệm từ vụ Tiên Lãng, chính quyền kiểm soát rất
gắt gao những thông tin về vụ cưỡng chế ở Văn Giang. Một số bài báo đưa tin
tương đối khách quan đã bị gỡ bỏ chỉ sau vài giờ đăng trên mạng. Những bài báo
khác thì đăng thông tin một chiều của chính quyền tỉnh Hưng Yên. Chỉ duy nhất
có tờ báo Người Cao Tuổi, cơ quan ngôn luận của Hội Người cao tuổi Việt Nam, là
dám lên tiếng tố cáo vụ cưỡng chế mà họ cho là “trái luật” ở Văn Giang ( Nhưng
nay bài của Người Cao Tuổi về vụ Văn Giang đều đã bị gỡ bỏ ). Nhiều phóng viên
cho biết họ đã bị cản trở khi đến tác nghiệp ở Văn Giang trong ngày cưỡng chế.
Những nhà
báo, những trí thức nào muốn bày tỏ thái độ về vụ Văn Giang chỉ có thể đăng tải
trên các trang mạng. Trong bài viết tựa đề “ Phải thay đổi tư duy thu hồi đất”,
được đăng trên trang Ba Sàm ngày 27/4, nhà báo Võ Văn Tạo nhắc lại rằng, điều
39 – Luật Đất đai 2003 quy định chỉ thu hồi đất để “ sử dụng vào mục đích quốc
phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng”, trong khi dự án Ecopark
chỉ là dự án kinh doanh, chính quyền không được phép thực hiện thủ tục thu hồi
đất.
Bên cạnh
đó, nhà báo Võ Văn Tạo lên án tình trạng thiếu minh bạch, cản trở báo chí tác
nghiệp. Tác giả viết : « Mặc dù hoạt động cưỡng chế không thuộc phạm trù bí mật,
hầu hết trường hợp, phóng viên đến hiện trường tác nghiệp đều bị lực lượng cưỡng
chế cản trở hung hăng, thậm chí không ít phóng viên còn bị cướp máy ảnh, hành
hung(!). Chính vì không có sự giám sát của báo chí, hiện tượng cưỡng chế sai ẩu,
lạm dụng vũ lực, hành hung vô lối và thái quá với người bị cưỡng chế rất phổ biến.
»
Về phần nhà
báo Huy Đức thì tự đặt mình vào vị trí của nông dân Văn Giang trong bài viết đề
ngày 26/04 đăng trên trang blog của anh.
Theo Huy Đức,
các điều khoản về thu hồi đất, từng được quy định khá chặt chẽ trong Luật 1993,
đã trở nên rắc rối và dễ bị lũng đoạn hơn trong Luật 2003. Anh cho rằng « Luật
gần như đã đặt những mục tiêu cao cả như “lợi ích quốc gia” ngang hàng với “lợi
ích của các đại gia”. »
Huy Đức lưu
ý rằng, « vì Việt Nam không có một tối cao pháp viện để nói rằng Luật 2003 vi
Hiến; Việt Nam cũng không có tư pháp độc lập để nông dân có thể kiện các quyết
định của chính quyền, vì không có công lý, nên gia đình anh Đoàn Văn Vươn và
160 hộ dân Văn Giang phải chọn hình thức kháng cự chịu nhiều rủi ro như thế ».
Theo tác giả bài viết, hình ảnh cuộc cưỡng chế hôm 24-4-2012 đã trở thành « một
vết nhơ trong lịch sử. »
Trong bài viết
gởi trực tiếp cho trang mạng Bauxite Việt Nam với hàng tựa “ Nhà nước của dân,
do dân, vì dân không được phép trấn áp dân”, đề ngày 26/4, ông Nguyễn Trung (cựu
Đại sứ VN tại Thái Lan, cựu thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải,
cựu thành viên Viện Nghiên cứu Phát triển IDS ), đã bày tỏ “sự căm giận và nỗi
hãi hùng” của ông. Ông căm giận “vì không thể chấp nhận Nhà nước của dân, do
dân, vì dân lại hành xử với dân như vậy. Ông hãi hùng “vì thấy rằng hệ thống
chính trị nước ta đã có được trong tay lực lượng vũ trang sẵn sàng thực hiện lệnh
trấn áp như vậy đối với dân.”
Ông Nguyễn
Trung cảnh báo rằng đây là “ một chiều hướng phát triển vô cùng nguy hiểm cho đất
nước, nhất thiết phải tìm cách ngăn chặn.” Ông yêu cầu Đảng, Quốc hội, Chính phủ
về họp công khai với toàn thể các hộ dân các xã ở Văn Giang có đất đai bị thu hồi
trong vụ cưỡng chế này để tìm hiểu tại chỗ sự việc.
Riêng giáo
sư Tương Lai, ngay từ bài viết với hàng tựa “ Bàn chân nổi giận”, đề ngày 17/4,
gởi trực tiếp cho trang Bauxite Việt Nam đã cảnh báo rằng “ con giun xéo lắm
cũng quằn, họ không thể cứ lầm lũi ngậm miệng than trời, sao trời ở không cân,
kẻ ăn không hết, người lần không ra.”. Bản thân cũng đã theo dõi tình hình ở
Văn Giang từ nhiều tháng qua và trong bài trả lời phỏng vấn với RFI sau đây nay
giáo sư Tương Lai tỏ vẻ rất công phẫn trước vụ đàn áp vừa qua:
Giáo Sư Tương Lai |
Nhưng đến
hôm nay, tôi thấy tình hình đã đi đến chỗ gay gắt một cách mà tôi cũng không
hình dung nổi, nhất là khi xem đoạn video quay cảnh những người nhân danh Nhà
nước, mặc sắc phục cảnh sát cũng có, mặc thường phục cũng có, cầm dùi cui đánh
tới tấp vào những người dân. Xem cảnh đó, tôi không thể nào nói gì khác ngoài sự
phẫn nộ và phẫn uất. Một Nhà nước mà đối xử với dân như vậy thì còn gì để nói!
Đương nhiên
trong quy hoạch để xây dựng lại đất nước, những vấn đề cơ cấu lại nền kinh tế,
mở rộng những khu vực công nghiệp, dịch vụ, đó là những việc không thể không
làm. Và khi làm thì đương nhiên là có động chạm với lợi ích của người dân, có
khi là lợi ích cục bộ, có khi là lợi ích riêng tư, mà về nguyên lý, lợi ích cục
bộ phải phục vụ lợi ích toàn thể, lợi ích riêng tư phải phục vụ lợi ích đất nước.
Nhưng dù là
cục bộ, dù là toàn thể, dù là lợi ích quốc gia đặt lên trên, ý nguyện của người
dân vẫn là quan trọng nhất. Phong kiến, cổ xưa như Mạnh Tử mà còn nói đến “dân
vi quý, quân vi khinh”. Một chính quyền muốn tồn tại thì phải được dân ủng hộ.
Vì vậy, dựa vào dân, tin dân và lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của dân là việc tối
thiểu mà người cầm quyền phải biết. Dù là mình đúng, dù là dân sai, dù người
dân là lợi ích riêng tư, còn Nhà nước là lợi ich của toàn dân, thì trước tiên
phải lắng nghe dân, chứ không phải dùng dùi cui để đối xử với dân.
Trước mắt,
người ta có thể khuất phục một số người nào đó và bạo lực có khi tạm thời thắng
thế, nhưng đó là sự giải khát bằng thuốc độc. Hệ lụy của nó sẽ không thể lường
được. Một khi người dân nổi giận, mọi lời rao giảng về đạo đức, về nghị quyết,
về lý tưởng, ... đều trở nên vô nghĩa, nếu không muốn nói là giả dối và mị dân.
Cho nên,
nhìn vào sự kiện đàn áp dân ở Văn Giang, Hưng Yên, thì không còn gì để nói nữa,
khi mà cứ ra rả nói rằng Nhà nước này là của dân, do dân, vì dân.
RFI: Nguyên
nhân của tình trạng ngày hôm nay phải chăng không chỉ là do mức đền bù không
thoả đáng, mà còn là do Luật đất đai chưa rõ ràng, dẫn đến lạm quyền ở địa
phương?
Giáo sư
Tương Lai: Câu hỏi của ông cũng chính là câu trả lời đấy. Vừa qua, khi nhân dân
Văn Giang kéo về cổng thanh tra chính phủ ở Cầu Giấy, Hà Nội, tôi đã có viết
bài “Bàn chân nổ giận”. Một số báo không dám đăng, nhưng có một tờ báo đăng.
Trong bài đó, tôi không có nói gì khác ngoài việc dẫn lời những người có trách
nhiệm. Ví dụ, nguyên phó thủ tướng phụ trách nông nghiệp Võ Ngọc Trìu có nói: “
Khi trong này khai trương một công trình, thì ở bên ngoài dân khiếu kiện và biểu
tình”. Ông nói rằng, giá đền bù cho dân là 1, khi đem lô đất đó ra thì giá gấp
15 lần. Ông kết luận rằng, một chính sách như thế thì không thể nào thuyết phục
được dân.
Từ xưa đến
nay, đất đai vẫn là vấn đề số một và nói đến đất đai tức là nói đến nông dân.
Nguyễn Đình Chiểu đã nói rằng người nông dân là “việc cuốc, việc cày, việc bừa,
việc cấy, tay vốn quen làm”. Ngoài cái đó ra họ biết làm gì bây giờ? Họ có thể
nhận một số tiền đền bù mà trong đời họ chưa từng có như thế. Nhưng khi họ mất
đất thì số tiền đền bù đó chẳng có ý nghĩa gì nữa, bởi vì không phải ai cầm tiền
cũng có thể làm cho nó sinh lợi. Đấy là chưa nói, khi đã mất đất, rất nhiều gia
đình nông thôn thất cơ lỡ vận. Nếu có được đền bù thoả đáng đi nữa thì người
dân cũng cảm thấy lo sợ cho tương lai của họ, huống hồ đền bù không thỏa đáng.
Thế thì làm sao dân không phẫn nộ, không khiếu kiện? Tôi không nói tất cả các
khiếu kiện đều đúng, nhưng về cơ bản thì đó là điều không thể không xảy ra được.
Luật đất
đai, nhân danh sở hữu toàn dân, nhưng lại giao quyền sỡ hữu toàn dân đó, giao
cái quốc gia công thổ đó cho chính quyền địa phương. Một ông lãnh đạo xã cũng
có thể trở thành Nhà nước để quyết định sở hữu toàn dân đó. Đây là sự bất cập rất
lớn mà các chuyên gia đã nói đến nhiều trên báo chí. Nhưng khổ một nỗi, có một
suy nghĩ đã trở thành như là chất xi măng kết dính trong đầu người ta: mất sở hữu
toàn dân là mất chủ nghĩa xã hội! Chính vì thế người ta phải bám cho bằng được
cái mệnh đề sở hữu toàn dân đó. Cố giữ cái sở hữu toàn dân đó và giao nó cho những
chính quyền địa phương, mà ai cũng thấy là đầy dẫy tham nhũng. Không có tham
nhũng nào có thể ngon ăn bằng tham nhũng từ đất. Không có sự ăn cướp nào dễ
dàng bằng ăn cướp đất của người nông dân tay không. Cho nên, câu nói ngày xưa “
Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”, chưa bao giờ trở thành một cách nhầy nhụa
và trắng trợn như hiện nay.
Vì vậy,
trong sửa đổi Hiến pháp kỳ này, không thể không đặt lại vấn đề sở hữu đất đai.
Một khi vẫn còn giữ quan điểm quá ư bảo thủ và lạc hậu, thì những mâu thuẩn về
đất đai, những sự kiện đau lòng như ở Văn Giang mỗi lúc sẽ càng căng thẳng
thêm, chứ không thể dịu đi được.
RFI: Trong
khi chờ sửa Luật đất đai, chính quyền phải làm sao để hạn chế những vụ khiếu kiện,
biểu tình, dẫn đến cưỡng chế bằng bạo lực như ở Văn Giang?
Giáo sư
Tương Lai: Bất cứ chính quyền nào cũng có xu hướng mở rộng quyền lực vô hạn độ,
mà quyền lực thì có xu hướng tham nhũng. Vấn đề là phải có một công cụ để ngăn
chận điều này. Công cụ đó chính là luật pháp. Thứ hai, có một cái được xem như
nền tảng của Nhà nước nhân danh là của dân, do dân, vì dân, như cụ Hồ Chí Minh
ngày xưa đã nói rằng: “ Quyền hành và lực lượng đều nơi dân”. Đó là tư tưởng cốt
lõi, quan trọng nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh mà người ta đang phát động ra sức
học tập.
Nghị quyết
trung ương 4 về vận động chỉnh đảng cũng đưa lên vấn đề số một là phải dựa vào
dân, gắn với dân, lắng nghe ý kiến nguyện vọng của dân. Vậy thì trong khi chờ sửa
Hiến pháp, sửa Luật Đất đai, thì phải dựa vào dân, lắng nghe dân, chứ đừng dùng
dùi cui vơi dân, đừng chĩa súng vào dân!
Nếu tình
hình cứ diễn ra theo kiểu này, sẽ không thể tránh được những vụ Văn Giang khác.
Tình hình sẽ còn căng thẳng hơn, bởi vì càng ngày người ta càng cần phải tiếp tục
cưỡng chế để lấy đất làm dự án. Mỗi dự án như thế, bên cạnh cái gọi là lợi ích
của Nhà nước, của toàn dân, của chủ nghĩa xã hội, thì có lẽ cái lợi ích nhóm, lợi
ích cá nhân, cái bỏ túi riêng cho các quan chức vẫn sẽ là một động lực không thể
kềm hãm được. Chính từ động lực đó mà người ta có một quyết tâm rất cao trong
việc cưỡng chế nhân danh quy doanh, nhân danh thực hiện pháp lệnh Nhà nước,
nhân danh cơ cấu lại nền kinh tế,.... Rất nhiều ngôn từ đẹp đẽ, mà dưới đó là
những mưu toan của các nhóm lợi ích. Một khi không giải quyết triệt để cái đó,
thì làm sao có thể bịt miệng người nông dân, để họ không khiếu kiện.
Cho nên, sửa
đổi Hiến pháp là một thời điểm có thể an dân được phần nào, trong đó có vấn đề
Luật Đất đai. Nhưng chờ sửa luật thì còn lâu. Cho nên, trước mắt phải có giải
pháp hạn chế sự cưỡng chế và dùng bạo lực đối với dân và phải có một tiếng nói
rất mạnh mẽ, trong Đảng, trong chính quyền, nhưng trước hết là sức mạnh công luận
từ dân và từ tất cả những ai có lương tri, lên tiếng đòi hỏi phải có một ứng xử
đúng đắn đối với dân. Không được dùng bạo lực, không được chĩa súng vào dân.
RFI: Xin
cám ơn giáo sư Tương Lai.
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120430-se-con-nhieu-vu-tien-lang-van-giang-khac-o-viet-nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét