Phạm Duy Hiển
Phạm Duy Hiển |
Nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng sau 2020 là lý do cơ bản khiến Quốc
Hội phải cấp tốc phê duyệt dự án xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) tổng
công suất 4000 MW do Bộ Công thương trình lên hồi tháng 11 năm 2009. Theo Bộ
Công thương, vào năm 2020 sau khi đã khai thác hết các nguồn cổ điển như than,
dầu, khí và thủy điện, chúng ta sẽ thiếu 115 tỷ kWh, một sản lượng điện rất lớn,
tương đương với khả năng cung ứng của toàn bộ hệ thống hiện nay. Mà đây là
phương án phụ tải cơ bản. Với phương án phụ tải cao cũng được trình lên Quốc Hội
xem xét lúc bấy giờ, con số thiếu hụt còn lên đến 226 tỷ kWh.
Vậy có thật thiếu điện không? Dự báo thiếu điện nghiêm trọng do Bộ
Công thương trình lên Quốc Hội dựa trên hai giả thiết cơ bản: GDP tăng trưởng
bình quân 8,5%/năm trong giai đoạn 2008-2020, và điện năng tăng với tốc độ gấp
đôi GDP (hệ số đàn hồi điện/GDP bằng 2). Thực tế cho thấy cả hai giả thiết này
đều duy ý chí, từ đó dẫn đến những dự báo điện năng rất cao vào năm 2020.
Thực tế là trong bốn năm qua GDP chỉ tăng bình quân 6%/năm. Năm
nay có thể còn thấp hơn, trong hai quý I và II này chỉ tăng chưa đầy 4,5%. Rất
khó tin rằng từ nay đến 2020 GDP sẽ tăng bình quân cao hơn 7%/năm. Nền kinh tế
đang tái cấu trúc, chúng ta không thể tiếp tục đi theo mãi mô hình tăng trưởng
thâm dụng vốn, năng lượng và tài nguyên như bấy lâu nay. Mà có muốn tiếp tục
cũng không được nữa rồi!
Còn về giả thiết thứ hai – hệ số đàn hồi điện/GDP? Ngay ở Trung Quốc,
một công xưởng bao la cho toàn cầu cần tiêu thụ rất nhiều điện, nhưng điện năng
chỉ tăng với tốc độ tương đương GDP (hệ số đàn hồi bằng 1), ở các nước khác còn
thấp hơn. Ở nước ta hệ số đàn hồi điện/GDP trước đây thường lớn hơn 2, gần
đây bắt đầu hạ xuống còn 1,8 năm 2010 và 1,6 năm 2011. Chắc chắn xu thế này sẽ
còn tiếp tục bởi mới đây Hội nghị TW 4 khóa XI đã ra nghị quyết nêu rõ: “Thực hiện
sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, phấn đấu giảm hệ số đàn hồi điện/GDP còn 1,0
vào năm 2020”. Chí lý quá, bởi chúng ta phải sớm chấm dứt tình trạng
bấy lâu nay cố đuổi theo tăng trưởng bằng mọi giá, cả bằng cách rót xăng vào những
bình thủng đáy!
Năm 2011 tổng sản lượng điện của Việt Nam là 109 tỷ kWh, hệ số đàn
hồi bằng 1,6. Nếu thực hiện lộ trình giảm hệ số đàn hồi theo đúng nghị quyết TW
trên để đến năm 2020 chỉ còn bằng 1, nhu cầu điện năng lúc ấy sẽ không vượt quá
240 tỷ kWh, thấp hơn dự báo nói trên của Bộ Công thương đến 160 tỷ kWh, mà còn
cắt giảm được một lượng tài nguyên quý giá rất lớn để giành cho con cháu chúng
ta.
Trong tờ trình lên Quốc Hội tháng 11/2009, Bộ Công thương còn giải
trình suất đầu tư cho một tổ máy công suất 1000 MW là 2,7 tỷ USD để chứng minh
rằng ĐHN rất kinh tế so với các phương án khác. Sự thật là ngay trước khi xảy
ra sự cố Fukushima hồi tháng 3/2011, suất đầu tư cho ĐHN đã cao hơn nhiều, giờ
đây nó còn cao hơn gấp bội. Tiên tiến như nước Mỹ mà còn phải dự chi 8 tỷ USD
cho một tổ máy!
Dự báo những gì sẽ xảy ra trước 10 năm không phải là chuyện dễ, sai
số thường rất lớn. Vả lại, những yếu tố tâm lý có tính duy ý thường được phóng
đại lên để dự án được dễ thông qua cũng là chuyện “thường tình”. Nhưng giờ đây
khoảng cách giữa dự báo và thực tế đã quá lớn khiến chúng ta không thể tiếp tục
theo đuổi một mục tiêu phiêu lưu mà rồi đây sẽ để lại những gánh nặng quá lớn
cho đất nước, cho cả con cháu mai sau. Chúng ta sẽ không thể thiếu điện, nhất
là nếu đừng phung phí nó mà biết sử dụng nó hiệu quả như các nước quanh
ta. Chúng ta sẽ phát triển năng lượng tái tạo, một thứ của trời cho, lại rất
thân thiện với con người và môi trường.
Mọi việc đã rõ, vậy Quốc Hội tính sao? Chỉ còn cách phải hoãn lại
lại kế hoạch xây dựng nhà máy ĐHN ít nhất cho đến khi nào các điều kiện tối thiểu
cho kế hoạch này đủ chín muồi, nhất là các yếu tố nhân lực, hạ tầng pháp lý và
văn hóa an toàn trong công nghiệp mà hiện nay tất thảy đều quá yếu
kém.
Phạm Duy Hiển
http://boxitvn.blogspot.com/2012/05/quoc-hoi-phai-lam-gi-khi-ra-nghi-quyet.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét