Trần Minh Khôi
(Đoạn
đầu lượm lại từ một cái note đã đăng trên Đàn Chim Việt năm năm trước)
30/4/1975
– Có lẽ là vài hôm trước đó. (Hàm Tân “mất” trước Sài Gòn). Có tiếng đạn nổ lớn
phía đồn công binh. Tiếng trực thăng gầm rú trên nóc nhà. Người lớn nói với
nhau, “họ hủy đồn”. Mẹ tôi chuẩn bị quang gánh. Con Bé nhỏ, 3 tuổi, ngồi một đầu.
Đầu kia vài thứ lỉnh kỉnh. Đêm tối. Mẹ tôi, một tay mẹ dẫn thằng Khánh, 5 tuổi,
quảng gánh theo đoàn người đi ra phía biển. Tôi lẽo đẽo chạy theo. Tiếng nạn vẫn
nổ lớn phía đồn công binh.
Rất
lâu sau này tôi hỏi, “lúc đó mình chạy đi đâu vậy mẹ?”. Mẹ tôi cười, “thì thấy
bà con chạy mình cũng chạy theo thôi, chứ biết chạy đi đâu”. Không biết ai dẫn
đoàn người đó, chỉ biết họ đi theo bước chân nhau trong đêm tối, và tôi đi theo
bước chân của mẹ, thảng hoặc giật mình vì tiếng đạn nổ quá lớn.
Ký
ức tôi về cái đêm hãi hùng đó chỉ còn lại bấy nhiêu.
Rạng
sáng hôm sau, tiếng đạn nổ phía đồn công binh đã dứt. Có mấy chiếc xe “ríp”
treo cờ xanh-đỏ-sao vàng chạy qua trước ngõ. Người lớn nói với nhau, “Việt Cộng
đó”.
Vài
hôm sau nữa, thằng bạn bên nhà chạy qua rủ đi “sinh hoạt thiếu nhi”. Hắn hát
nghêu ngao, hơn ba mươi sau tôi vẫn nhớ tiếng hắn hát nghêu ngao, “như có bác Hồ
trong ngày vui đại thắng…”.
Lúc
đó tôi 7 tuổi.
30 tháng 4, 1975 Nguồn: ttvnol.com |
Một
hôm, ít lâu sau đó, thằng Hùng chạy sang nhà mếu máo, “ba tao bị du kích bắt đi
rồi”. Hơn năm năm sau ba thằng Hùng mới trở về. Hắn chết trước đó ít lâu. Chết
đuối dưới Bàu Tràm ngoài biển trong một ngày đám trẻ con ở trường đi lao động
xa. Ba thằng Tuấn tự tử trước khi bị du kích đến dẫn đi.
Rồi
hàng tuần, mấy thầy cô ở trường hướng dẫn bọn trẻ con chúng tôi đi hàng hai, dọc
theo những con đường làng, hét bể phổi, “Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn
năm! Muôn năm, muôn năm, muôn năm!”. Thằng nào học giỏi được cầm cờ.
Rồi
mấy dì thường đến nhà tôi họp “phụ nữ thôn”. Năm, sáu dì đứng quanh chiếc bàn
nhỏ. Không có cờ xanh-đỏ, không có ảnh bác, không có du kích, không cho chủ tịch
các loại. Chỉ có mấy dì, áo quần tất tưởi sau một ngày lam lũ trên rừng, đứng
nghiêm trang cùng nhìn về phía vách lá. Tiếng dì Thanh, hội trưởng, còn văng vẳng
trong đầu tôi, “chào cờ…chào! một phút mặc niệm để tưởng nhớ bác hồ và các chiến
sĩ…”.
Hai
năm sau, con Bé chết. Bị suyễn. Mẹ tôi đi làm mướn suốt ngày. Nó ở nhà với hai
thằng anh ham chơi. Tối hôm đó mẹ về thì nó đã quá yếu. Không có thuốc. Bệnh viện
huyện ở xa. Gần nửa đêm thì nó tắt thở.
Mẹ
tôi dắt ba đứa con chạy giặc vào nam năm 72. Gia đình thất lạc. Khi những chuyện
này xảy ra với chúng tôi ở trong nam thì ba tôi đã ở trong trại tù cải tạo
ngoài trung. Lần kế tiếp tôi gặp ông thì khi đó tôi đã 15 tuổi. Ông ra tù, lần
hỏi người quen rồi lặn lội vào nam tìm vợ con. Một buổi chiều tôi đi học về, thấy
có một người mà tôi gặp giữa đường hồi sáng đang ngồi trước sân. Mẹ tôi nói,
“ba con đó”. Tôi nhớ là mình đã òa lên khóc.
30/4/1985
– Toàn bộ học sinh trường Trung học Hàm Tân tập trung về sân vận động huyện để
tham dự lễ kỷ niệm 10 năm “giải phóng miền nam”. Lớp 11B4 của tôi ngồi phía
sau, xa khán đài. Điều duy nhất còn sót lại trong đầu tôi về cái ngày trọng đại
hôm đó là cái bím tóc của một người bạn gái ngồi xa xa phía bên kia. Cái bím
tóc cứ đung đưa. Và một nụ cười không quên được.
30/4/1995
– Hội Thân hữu Người Việt Pittsburgh tổ chức lớn 20 năm ngày Quốc hận. Có các
đài truyền hình thành phố đến đưa tin, phỏng vấn. Tôi đến sớm để phụ việc với
ban tổ chức rồi, khi chương trình bắt đầu, giấu mình trong một góc nhỏ của hội
trường, nhìn chăm chăm tấm biển đen với dòng chữ trắng “30/4 Ngày Quốc hận”. Đến
Mỹ đã vài năm, nhưng đó là lần đầu tiên tôi ý thức được sự nghiêm trọng của
ngày 30/4 đối với người Việt ở Mỹ.
30/4/2001
– Hội Thân hữu Người Việt Pittsburgh tổ chức thường niên kỷ niệm ngày 30/4. Tấm
biển “quốc hận” từ lâu đã không còn. Không ai nhắc, cũng không ai nhớ là nó đã
biến đi lúc nào. Trịnh Công Sơn mất vài tuần trước đó. Trong phần ca nhạc, tôi
hát “Một cõi đi về”. Có tiếng phản đối phía ngoài cửa. Buổi chiều, chú T. gọi
điện đến nhà mắng “sao lại hát những bài hát đó vào ngày này?”. Cái vô tình của
kẻ đi sau thường làm đau người đi trước.
30/4/2007
– Ba mươi hai năm. Thằng bé, ngày trước theo chân mẹ trong đoàn người chạy giặc
đêm cháy đồn, nay đã lớn. Hắn hiểu được vài chuyện, nhớ vài chuyện, kể cả chuyện
không muốn nhớ, không muốn bị ám ảnh như những chuyện từ cái ngày 30/4 xưa xa đó.
Đối với hắn, với đám bạn ấu thơ của hắn, 30/4 đơn giản chỉ là một ngày gợi nhớ
những ký ức không vui của những năm tháng cũ.
Đối
với nhiều thế hệ trước hắn, 30/4 vẫn là một ám ảnh của vinh quang và tủi nhục.
Như một nhân chứng của lòng người ly tán, 30/4 được gọi bởi nhiều tên, kiêu
hãnh như “Ngày Thống nhất đất nước”, ngạo mạn như “Ngày giải phóng miền Nam”,
hay tủi nhục như “Ngày Quốc hận”, “Ngày mất nước”, bất lực như “Ngày cộng sản
cưỡng chiếm miền nam”. Đó là một ngày mà kẻ chiến thắng trở về với thói huênh
hoang, và người bại trận sống lại với nổi đau bức tử.
Thế
hệ của tôi không chiến thắng cũng không chiến bại. Chúng tôi chỉ thừa hưởng một
gia sản tan nát từ những hận thù, những nhầm lẫn của những người đi trước.
Không phải để huênh hoang, không phải để buồn tủi, 30/4 của chúng tôi chỉ là một
dịp để nhìn lại mình, nhìn lại bạn bè mình, nhìn lại từng cuộc đời, từng nỗi
đau để hiểu, để chia sẻ, để tìm về.
30/4/2010
– Đường phố Sài Gòn ngột ngạt trong cái nắng chang chang của tháng Tư cùng với
màu đỏ rát mắt của cờ và biểu ngữ. Người ta bỏ Sài Gòn đi trong những ngày lễ
dài.
Một
cách tình cờ, tôi về Quảng Trị thăm ba và mấy đứa em gái lần này đúng vào ngày
30 tháng Tư. Chuyến bay từ Tân Sơn Nhất ra Huế khởi hành từ sớm. Bảy giờ sáng đến
Huế. Trời nắng. Vẫn những con phố đầy cờ và khẩu hiệu. Thế rồi, hoặc trong niềm
tự hào không dấu giếm, hoặc lặng lẽ, những câu chuyện chiến tranh sống lại.
Trên chuyến xe từ Phi trường Phú Bài ra, ngang qua Cầu Dài, anh Khanh chỉ xuống
đường nói, hồi đó đoạn đường từ đây ra Thị xã Quảng Trị xác người chồng chất.
“Hồi đó” đã gần bốn mươi năm rồi.
Buổi
trưa, cụ Thiện đến nhà chơi… (đoạn dưới lượm ra từ một cái note khác)
Cụ Thiện dừng xe trước sân nói vọng vào, thằng
Ruồi chạy sang cầu cứu tui. Cụ xách cái lồng cu tất tưởi đi. Con khướu của thằng
Ruồi sáng nay sẩy chuồng bay đi mất. Chỉ hơn mười phút sau, cụ Thiện trập con
khướu của nó về. “Tui mới đi đám giỗ về thì hắn chạy qua…”.
Và câu chuyện bắt đầu từ đó.
Đám giỗ của mười bảy người chết cùng một
ngày 30 tháng Tư năm nào đó trong hầm tránh bom sau vườn nhà cụ. Tin mẹ mất đến
với cụ trễ hơn hai tháng. Lúc đó tui đang ở trong B, cụ Thiện trầm ngâm, mắt đỏ
ngầu. Tụi nó ác lắm, bắt ông ba tui về đồn và đánh chết ngay tối đó. Thế là mấy
anh em bỏ lên rừng. Chỉ để lại thằng em nhỏ nhất trong coi mẹ già. Mấy năm sau
thì cái hung tin kia đến.
Ba tôi ngồi đó, lặng yên nghe câu chuyện của
cụ Thiện. Ông không nói gì. Tôi cũng không nói gì. Tôi chợt nghĩ đến ba thằng
Thà, thằng bạn nối khố của tôi hồi nhỏ ở trong nam. Ba hắn bị Việt Cộng đến dẫn
đi một đêm nào đó hồi gia đình còn ở Gio Linh. Sáng hôm sau mẹ thằng Thà tìm thấy
xác chồng mình bị đánh bể đầu ngoài bờ ruộng. Làng Cam Lộ của ba tôi cũng có
nhiều người đêm đêm bị Việt Cộng đến dẫn đi như thế. Họ không bao giờ trở lại.
Tôi chắc là ba tôi đang nghĩ đến họ.
Buổi chiều tôi sang nhà cụ Thiện để coi mấy
cái lồng cu của cụ, nghe cụ kể chuyện trập cu. Uống chưa hết chén trà, tôi bổng
nhận ra là mình đang ngồi nghe cụ kể chuyện “đánh Mỹ và chế độ ngụy quyền”. Tôi
đứng dậy xin phép về, mai con phải vào sớm. Tôi sợ nếu mình ngồi thêm một tí nữa
thì sẽ nói điều gì đó làm cụ không vui. Hôm nay là ngày giỗ mẹ của cụ.
30/4/2012
– Mấy năm lại đây, ngày 30 tháng Tư không còn nguyên vẹn với sự ám ảnh của nó đối
với tôi nữa. Ở thành phố này, vì nhiều lý do, cộng đồng cũng không còn nghĩ đến
nó. Có lẽ một thế hệ khác đã lớn để những hoài niệm cũ không còn đủ sức níu
kéo.
Nhưng
trên không gian mạng, nó vẫn hiện hữu. Từ mấy hôm nay trang facebook của tôi vẫn
đầy những bài viết về nó. Tôi cũng vẫn đọc, đọc để tìm coi có ai viết thêm điều
gì có ý nghĩa về nó hay không. Thú thật, tôi vẫn chưa tìm thấy ai đó nói điều
gì khác. Người ta thường chỉ nói lại điều đã nói, kể cả bài viết của sư huynh
Nguyễn Văn Huy trên trang eThongLuan mà bạn Krishna Tran đã tagged tôi vào. Tôi
để lại cái còm này:
Ngôn ngữ chính trị Việt Nam vẫn chưa có một
từ ngữ nào chuyển tải các khái niệm của “quốc gia”/”nation” nên chúng ta không
hiểu được yếu tố “nation” của cộng đồng người Việt ở Mỹ. Cái “nation” này có ký
ức lịch sử riêng của nó, có ý chí riêng của nó, và có cả âm nhạc riêng của nó
luôn. Cái chủ nghĩa dân tộc của nó căn bản không khác chủ nghĩa dân tộc đang thịnh
trị tại Việt Nam. Nhà nước của nó (chính thể VNCH) đã mất 37 năm nhưng nó vẫn
tiếp tục tồn tại. Sự hình thành và phát triển của cộng đồng Việt Nam ở Mỹ như một
“nation” trong 37 năm qua thách thức những khái niệm quốc gia/dân tộc chật hẹp
trong tư duy chính trị Việt Nam.
Vì không hiểu được điều này nên những tác
giả như Nguyên Văn Huy thấy nó như một trở ngại đối với tương lai Việt Nam. Tiến
trình hòa giải dân tộc, mà THDCDD cổ xúy hơn 30 năm nay, phải chuyên chở nội
dung của sự hòa giải giữa các “nations” đã làm nên quốc gia Việt Nam hiện đại
chứ không phải là nhằm xóa bỏ bất cứ một “nation” nào.
…
Nguồn ảnh: flickr.com |
Có
lẽ cuối cùng thì Tạ Chí Đại Trường là người có lý hơn cả: Ngày 30 tháng Tư là
ngày chấm dứt cơn mộng du 30 năm của cái gọi là cuộc đấu tranh giành độc lập của
người Việt Nam chúng ta.
Để
rồi từ đó đến nay, chúng ta đang lang thang vô định trong một cơn mộng du khác,
cùng loại. Tôi gọi nó là cơn mộng du của chủ nghĩa dân tộc.
Cởi
bỏ cái vòng kim cô của chủ nghĩa dân tộc, vượt ra khỏi sự giam hãm của nó, ngày
30 tháng Tư, nhìn từ góc độ nào, không còn ý nghĩa gì nhiều.
http://www.facebook.com/notes/trần-minh-khôi/những-ngày-30-tháng-4/10150990351998242 -
DCVOnline minh hoạ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét