Người dịch: Đan Thanh
Những dòng tít lớn chứa cụm từ “tàu cá Trung Quốc” và thủy thủ đoàn đang xuất hiện với tần suất dày đặc hơn bao giờ hết. Ở những vùng biển Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền, tàu cá và ngư dân Trung Quốc đã đâm vào nhiều tàu tuần tra nước ngoài, đâm chết một viên chức tuần duyên và thách thức các pháo hạm hải quân.
Theo
lời Bắc Kinh, những con người táo bạo đó đơn giản là đã đi kiếm sống ở những
nơi họ có quyền kiếm sống. Tuy nhiên, các nước láng giềng của Trung Quốc thì
coi hành động của ngư dân Trung Quốc là một hình thức gây chiến ở mức độ thấp.
Một
thời gian dài sau nội chiến ở Trung Quốc vào cuối những năm 1940, tàu cá xuất
phát từ bờ biển Trung Quốc được gán cho những nhiệm vụ chính trị kỳ cục. Sau
khi rút chạy sang Đài Loan vào năm 1949, các lực lượng Quốc dân đảng (KMT) vây
ráp tàu cá Trung Quốc và tống họ vào những tàu tấn công đổ bộ khổng lồ, chỉ để
nhét vào đầu họ những khẩu hiệu chống cộng, tặng quà cho họ, rồi thả.
Vào giữa thập niên 1990, khi Quân Giải
phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) chuẩn bị xâm lược Đài Loan trong trường hợp hòn
đảo này tuyên bố độc lập, Trung Quốc bắt đầu củng cố một “hệ thống quốc gia lưỡng
dụng tích hợp”, bảo đảm rằng các nguồn lực dân sự, ở bất kỳ hình thức nào, đều
có thể được huy động mau chóng để trợ lực cho các chiến dịch quân sự trong thời
chiến.
Những
đội tàu cá khổng lồ đóng một vai trò nổi bật trong hệ thống này, như là đã từng
có nhiệm vụ quấy rối lực lượng bảo vệ bờ biển Đài Loan vào những ngày đầu của
cuộc xung đột và sau đó thực hiện việc đưa các lực lượng chiếm đóng của PLA lên
hòn đảo Đài Loan. Chuyện các xảo thuật đó được diễn tập trên quy mô lớn trở nên
rõ ràng từ năm 2002 khi báo chí quốc doanh Trung Quốc đưa tin mấy nghìn tàu cá
nhỏ đóng ở Phúc Kiến và Chiết Giang đã tiến hành tập trận xuyên eo biển.
Nhưng
trong vài năm gần đây, tàu cá Trung Quốc đã nhằm cả vào các mục tiêu khác ngoài
Đài Loan. Vào tháng 9 năm 2010, một tàu cá Trung Quốc hoạt động tại vùng tranh
chấp trên biển Hoa Đông đã va chạm với tàu của Lực lượng Tuần duyên Nhật Bản, dẫn
đến một xung đột lớn về ngoại giao giữa Bắc Kinh và Tokyo.
Tháng
12 năm 2011, một viên trung sĩ trong lực lượng tuần duyên Hàn Quốc bị một ngư
dân Trung Quốc đâm chết trong một cuộc vây ráp tàu cá trên Hoàng Hải – nơi mà
theo Bắc Kinh, cả Trung Quốc và Hàn Quốc đều chưa thống nhất về việc phân định
ranh giới vùng đặc quyền kinh tế của Hàn Quốc.
Đầu
tháng 4 vừa qua, 8 tàu cá Trung Quốc bị hải quân Philippines phát hiện trong
lúc đang thả neo ngoài khơi vùng tranh chấp là bãi cạn Scarborough trên Biển
Đông, nơi mà Trung Quốc gọi là Hoàng Nham đảo, dẫn đến một cuộc tranh cãi cấp
cao kéo dài cho đến giờ về chủ quyền giữa Bắc Kinh và Manila, và về mức độ thì
chưa từng có tiền lệ. “Họ lôi tất cả tàu cá vào đây, và tất cả những gì
chúng tôi có thể làm là sử dụng biện pháp ngoại giao” – AFP trích lời
phát ngôn viên quân sự khu vực của Philippines, tướng Loel Egos, nói vậy.
Mặc
dù mới nhìn thì tưởng đó là một trò cũ rích, nhưng việc huy động tài sản của
thường dân là một lựa chọn khả thi cho Bắc Kinh để thi hành yêu sách chủ quyền
trên những vùng biển mà họ cho là chứa trữ lượng dầu hỏa và khí tự nhiên lớn.
Philippines cũng đã có những công ty năng lượng quốc tế thăm dò dầu khí ngoài
khơi, và một khi các công ty này bắt đầu khai thác, từ quan điểm của Bắc Kinh
thì đó thuần túy là hành động ăn cắp tài nguyên của Trung Quốc.
Trung
Quốc có hai lựa chọn, hoặc bỏ yêu sách hoặc gây chiến. Lựa chọn thứ hai có khả
năng làm tổn hại sự thần kỳ kinh tế của họ; hoặc họ phải tìm giải pháp thay thế
là tìm cách nào đó đe dọa, đuổi ExxonMobil, BP, Chevron, Petronas và những công
ty tương tự, khỏi khu vực trong thời gian này.
Bằng
cách tạo ra và duy trì căng thẳng trên Biển Đông với sự góp phần của tàu cá và
tàu hải giám bán quân sự, thay vì huy động vật lực của hải quân PLA, Bắc Kinh
làm cho Washington cảm thấy Mỹ không có phận sự can thiệp trực tiếp, đồng thời
họ còn khiến cho giới báo chí bớt để ý tới các vụ việc ở đây – điều này, đến lượt
nó, rất có ích trong việc đe dọa các nhà đầu tư triển vọng.
Chiến
lược của Bắc Kinh phần nào thành công, khó có thể nghi ngờ điều đó: căng thẳng
giữa Trung Quốc và Philippines ở khu vực giàu khí đốt trên Biển Đông là bãi Cỏ
Rong (Reed Bank) bùng nổ năm ngoái, đã làm đình trệ gần như hoàn toàn công việc
của Forum Energy – một công ty thuộc Tập đoàn Dầu khí Philex của Philippines,
và vào cuối tháng 4 vừa rồi, trong tình hình căng thẳng hiện tại, chính phủ
Philippines lại xác nhận rằng những yêu sách của Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới
hoạt động của Forum Energy.
Bên
cạnh những hoạt động gần đây liên quan đến con số tàu cá ngày càng lớn hơn của
Trung Quốc, trong bối cảnh hiện nay, còn là chuyện người ta cho rằng Manila sẽ
thưởng hợp đồng khai thác cho 15 lô dầu khí khác, trong tháng 7. Trong số 15 lô
này, có 2 lô nằm trong khu vực tranh chấp với Trung Quốc.
Nhưng
các tàu cá không chỉ có ích trong vai trò bù nhìn giữ ruộng; mà trên mặt trận
chính trị đối nội, chúng cũng rất có ích cho giới lãnh đạo Trung Quốc.
Sau
vụ ném bom – được coi là vô tình – của Mỹ và các lực lượng NATO vào Đại sứ quán
Trung Quốc ở Nam tư năm 1999, báo chí quốc doanh của Trung Quốc gần đây đã chuyển
sang khắc họa Trung Hoa như một nhân vật yếu thế bị bao vây, từ đó, kích động
tinh thần dân tộc chủ nghĩa và thúc đẩy lòng trung thành với lãnh đạo. Và khi
màn hình tivi của xứ sở này giờ đây tràn ngập những đoạn phim cho thấy hình ảnh
hải quân Philippines giương những khẩu súng do Mỹ tài trợ, bao vây các ngư dân
Trung Quốc ăn mặc nghèo nàn, phía sau lưng là tàu chiến của hải quân
Philippines, thì hiệu ứng chắc chắn càng thêm mạnh mẽ.
“Tất cả
ngư dân Trung Quốc trong vụ việc đều là người tỉnh Hải Nam, và hiện họ đều an
toàn, ổn định về tinh thần cảm xúc” – Tân Hoa xã, cơ quan thông tấn
chính thức của Trung Quốc, đã bảo đảm như vậy với công chúng, sau khi những con
tàu thực thi pháp luật của họ bảo vệ các ngư dân chạy khỏi lực lượng vũ trang
Philippines dày đặc súng ống.
Trả
lời phỏng vấn báo Asia Times Online, các nhà phân tích cho rằng, các ngư dân
Trung Quốc có những mục đích khác chứ không phải đánh bắt cá.
“Để thực
thi yêu sách của mình, chính phủ Trung Quốc phải có hành động, như là phái các
tàu cá đó đến vùng biển tranh chấp, cũng như huy động họ vào việc canh gác”
–Arthur Ding, nhà nghiên cứu tại Ban Chính trị Trung Quốc, Đại học Quốc gia
Chengchi của Đài Loan, nói.
“Các ngư
dân có thể không được trang bị vũ khí quân sự, nhưng chắc chắn là họ sẽ nhận được
bồi thường từ chính quyền Trung Quốc [cho tổn thất về tàu, cho trường
hợp họ bị thương, bị nước ngoài bắt giữ, v.v.]”.
John
F Copper, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Rhodes ở Memphis, Tennessee,
hoàn toàn tin chắc rằng các ngư dân được chính phủ Trung Quốc giao những nhiệm
vụ cụ thể, hoặc ít nhất cũng được chính phủ khuyến khích hoạt động.
“Ít có khả
năng họ đánh bắt cá ở vùng biển đang tranh chấp hoặc ở nơi mà nếu chỉ hoạt động
độc lập, họ có thể khiêu khích Nhật Bản, Hàn Quốc, hay Philippines”
– ông Copper nói. Ông cho biết thêm, Trung Quốc muốn thể hiện quyền lực kinh tế
và quân sự (không chính thức) của họ, đặc biệt là trước Nhật Bản, trong khi vấn
đề dầu hỏa và đường giao thương trên biển cũng có vai trò không kém.
“Việc củng
cố yêu sách chủ quyền cũng phù hợp với sự gia tăng tinh thần dân tộc chủ nghĩa
của người Trung Hoa, điều mà PLA đã và đang tận dụng, phát huy rất thành công”.
Lai
I-chung, một nhà nghiên cứu ở Viện Tư tưởng Đài Loan, nhất trí rằng, rõ ràng
các ngư dân có những kết nối quân sự hoặc bán quân sự. Ông đưa ra vài dấu hiệu.
“Tàu cá
Trung Quốc nào cũng phải báo cáo với chính quyền là sẽ đi đâu, trước khi nhổ
neo ra biển” – ông Lai nói. Theo ông, điều đó giải thích vì sao các
tàu thuộc hải quân PLA hoặc những tàu nhà nước khác lại có thể xuất hiện ngay tại
hiện trường mau chóng một cách đáng ngờ, trong một số vụ việc.
Ông
Lai nói rằng, vào năm 2010, trong vụ va chạm trên biển Hoa Đông với tàu tuần
duyên Nhật Bản, tàu cá Trung Quốc có vẻ như đã mang theo những thiết bị có mục
đích quân sự. Ông chỉ ra rằng, Trung Quốc từ lâu đã có tiền sử huy động tàu cá
và ngụy trang tàu nhà nước thành tàu cá để thực thi những nhiệm vụ nhỏ trong
chiến tranh.
“Về cơ bản,
không người dân thường Trung Quốc nào dám cho tàu vào vùng biển đang tranh chấp
nóng bỏng, họ thừa biết rằng họ sẽ mất tất cả những gì họ kiếm được, trừ phi họ
chắc chắn rằng chính phủ của họ nhất định sẽ đến cứu viện” – ông
Lai kết luận.
Tác giả: Jens Kastner là một nhà báo ở Đài Bắc.
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
http://anhbasam.wordpress.com/2012/05/17/ngu-dan-trung-quoc-xong-ra-chien-tuyen/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét