Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




MỐI QUAN HỆ CỦA BẠC HY LAI VỚI QUÂN ĐỘI ĐÃ LÀM CHO BẮC KINH LO LẮNG

Tác giả : Jeremy Page và LingLing Wei
Người dịch: Dương Lệ Chi

Đầu tháng 2, Bạc Hy Lai, lúc đó là Bí thư Thành ủy thành phố Trùng Khánh, đã đến thăm một khu quân sự ở Côn Minh, khoảng 400 km từ cơ sở chính trị của ông. Đó là căn cứ nhà của Quân đoàn 14, là hậu duệ trực tiếp của lực lượng du kích mà cha của ông Bạc chỉ huy đã dẫn dắt hồi thập niên 1930.

Một mô hình bằng sáp của ông Bạc Nhất Ba, là cha ông Bạc Hy Lai, được trưng bày ở căn cứ này. Các cơ quan truyền thông nhà nước lưu ý rằng ông Bạc đến đó để “tưởng nhớ tổ tiên cách mạng”. Tuy nhiên, các lãnh đạo chính trị hàng đầu Trung Quốc xem điều này là một điều gì đó đáng báo động hơn, theo các viên chức quân sự và các quan chức trong Đảng Cộng sản.
Ông Bạc đã gặp rắc rối về chính trị nghiêm trọng. 
Ngày 2 tháng 2, ông sa thải cộng sự của mình, ông Vương Lập Quân, cảnh sát trưởng Trùng Khánh. Ngày 6 tháng 2, ông Vương đã chạy vào Lãnh Sự quán Hoa Kỳ ở Thành Đô. Ông Bạc đã lạm quyền bằng cách điều cảnh sát của ông, những người này đã làm công việc vượt khỏi thẩm quyền của họ, trong một nỗ lực bắt giữ ông Vương nhưng đã thất bại. Ông Vương đã kết thúc ở Bắc Kinh, đưa ra các cáo buộc chống lại gia đình ông Bạc cho các quan chức an ninh chính phủ, trong đó vợ của ông Bạc đã tham gia vào vụ giết chết một doanh nhân người Anh.

Qua việc viếng thăm căn cứ quân sự ở tỉnh Vân Nam, ông Bạc có vẻ phô trương tổ tiên cách mạng của ông và tranh thủ sự hỗ trợ chính trị từ Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) vào lúc sự nghiệp của ông đang trong cơn khủng hoảng, theo lời của các viên chức quân sự và các quan chức Đảng Cộng sản. “Chuyến đi Vân Nam của ông Bạc đã làm cho những người trong hàng ngũ lãnh đạo cao nhất ngạc nhiên”, một viên sĩ quan cao cấp trong quân đội cho biết.

Các mối quan hệ của ông Bạc với quân đội và việc sử dụng lực lượng cảnh sát bất thường của ông là nguyên nhân chính trong việc điều tra tâm điểm cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất ở Trung Quốc trong hơn hai thập kỷ qua, các quan chức cho biết. Câu chuyện này cũng có thể ảnh hưởng đến tình trạng chuyển giao lãnh đạo, đã lên kế hoạch vào mùa thu.

Ít nhất hai vị tướng nổi tiếng trong quân đội đã bị điều tra về các mối liên hệ của họ với ông Bạc và các sĩ quan cao cấp khác đang bị xem xét kỹ lưỡng, các quan chức cho biết, các sĩ quan quân đội và ngoại giao đã thông báo tình hình.

Do tình trạng hỗn loạn, nên ông Hồ Cẩm Đào, người được cho là sẽ rời khỏi chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc vào mùa thu này, và chức chủ tịch nước vào tháng 3, có nhiều khả năng sẽ tiếp tục giữ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương thêm một hoặc hai năm nữa, chức vụ này kiểm soát các lực lượng vũ trang, các nhà phân tích nói.

Tháng trước, Trung Quốc nói rằng ông Bạc – là người đã từng có khả năng giành được chiếc ghế trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan quyết sách hàng đầu của quốc gia – đã bị sa thải khỏi các chức vụ đảng và bị điều tra do “các vi phạm kỷ luật nghiêm trọng” mơ hồ. Chính phủ cũng cho biết, vợ ông đã bị giam giữ như là một nghi phạm trong vụ giết ông Neil Heywood, một doanh nhân người Anh, người này đã từng là người thân với gia đình Bạc.

Một viên chức đảng ở một cơ quan nghiên cứu chính phủ có thế lực nói rằng, khi ông dự cuộc họp của đảng, cuộc họp đã công bố bãi nhiệm chức Bí thư Thành ủy Trùng Khánh của ông Bạc, chuyến viếng thăm căn cứ quân sự của ông Bạc được xem là một trong những nguyên nhân chính gây lo ngại. Thông thường, những chuyến thăm các khu quân sự của các lãnh đạo dân sự được quy định nghiêm ngặt.

Mấy năm qua, mối quan hệ giữa Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và Đảng Cộng sản là vấn đề chính trị nhạy cảm. Một nguyên tắc đã được thiết lập của PLA đó là, PLA chỉ nghe theo lãnh đạo trung ương đảng. Vài thập niên qua, Đảng đã cố gắng dẹp yên những người trung thành phe phái và địa phương đã từng thâm nhập quân đội. Chuyến thăm của ông Bạc ở Côn Minh đã làm [cho Đảng] bực tức, bởi vì điều này cho thấy rằng, với sự nghiệp [chính trị] của ông Bạc bị khủng hoảng, ông có được sự ủng hộ từ các bộ phận của quân đội nhờ vào tổ tiên của ông.

Việc bãi nhiệm chức Bí thư Thành ủy Trùng Khánh của ông Bạc hồi tháng 3 đã nổ ra tin đồn về một âm mưu đảo chính trong một thời gian ngắn. Các tiểu blog, giống như Twitter, đã truyền các tin tức thiếu căn cứ về tiếng súng ở trung tâm thủ đô Bắc Kinh và một số lượng lớn xe quân sự và cảnh sát mặc thường phục trên đường phố.

Các quan chức, các nhà ngoại giao và sĩ quan quân đội thông báo về sự việc của ông Bạc, nói rằng những tin đồn đảo chính là không có thật. Họ cho biết hai vị tướng bị hỏi về mối quan hệ với ông Bạc là ông Lưu Nguyên, Chính ủy Tổng cục Hậu cần của PLA, và Trương Hải Dương, Chính ủy Bộ đội Pháo binh Số Hai, kiểm soát tên lửa hạt nhân của Trung Quốc. Là chính ủy, họ có trách nhiệm về nhân sự, kỷ luật và giáo dục chính trị. Họ có nhiệm vụ tương tự như các tư lệnh quân đội.
Từ khi ông Bạc bị sa thải, họ bị đặt dấu hỏi về các mối quan hệ với ông Bạc, cũng như họ trung thành với ai, một quan chức quân sự cấp cao nói về hai vị tướng.

Bộ Quốc phòng và PLA từ chối bình luận về hai vị tướng này.

Cũng giống như ông Bạc, cả hai vị tướng là thành phần trong nhóm ưu tú, được gọi là “thái tử đảng” vì cha mẹ của họ đã giúp lãnh đạo đảng giành chiến thắng hồi năm 1949. Tướng Lưu Nguyên là con trai của một cựu chủ tịch. Cả hai vị tướng này đã biết ông Bạc từ khi còn nhỏ.

Các sĩ quan quân sự cấp cao khác đã được yêu cầu tuyên bố lòng trung thành của họ với giới lãnh đạo dân sự hiện nay, đặc biệt là những người ở Quân khu Thành Đô, thuộc phạm vi quyền hành Trùng Khánh trước đây của ông Bạc, theo các nhà ngoại giao, các quan chức và các sĩ quan quân đội.

Các cuộc tranh cãi về ông Bạc có thể ảnh hưởng đến kế hoạch thay đổi lãnh đạo quân sự vào mùa thu này. Ngoài việc sắp đặt cho các lãnh đạo chính trị hàng đầu sắp tới, đến lúc đảng phải thay bảy vị tướng trong số 12 người ở Quân ủy Trung ương. Cả hai vị tướng bị hỏi về ông Bạc đang chạy đua vào các chức vụ trong Quân ủy, cả hai vị đều có triển vọng trở thành những người đứng đầu Tổng cục Chính trị của PLA, tổng cục này chịu trách nhiệm xử lý kỷ luật và giáo dục chính trị trong lực lượng vũ trang, ngoài những nhiệm vụ khác.

Cũng có những chỉ dấu cho thấy Phó Chủ tịch Tập Cận Bình, một thái tử đảng được cho là sẽ thay thế ông Hồ Cẩm Đào giữ chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản vào mùa thu, và chức chủ tịch nước tại một phiên họp quốc hội hồi tháng 3. Ông Tập Cận Bình hiện giữ chức Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Nếu ông Hồ Cẩm Đào vẫn giữ chức chủ tịch Quân ủy Trung ương, điều này sẽ hạn chế quyền hành của ông Tập Cận Bình và giới hạn khả năng của ông trong việc đề bạc các tướng lĩnh mà ông quý mến.

Vụ bê bối này có thể gia tăng tranh luận trong quân đội về việc liệu có nên tiếp tục nghe theo đảng, như quân đội đã làm từ khi thành lập cho đến nay, hay là quân đội nên giữ khoảng cách chính trị, bằng cách hứa trung thành với quốc gia, giống như hầu hết quân đội hiện đại các nước đang làm.

Một bài xã luận hôm thứ Ba đăng trên Nhật báo Quân đội Giải phóng (LAD), cơ quan ngôn luận của quân đội, kêu gọi quân đội “cương quyết, rõ ràng và kiên định” khi đối mặt với những lời kêu gọi cho “quốc hữu hóa” của PLA. “Bảo đảm rằng quân đội luôn luôn lắng nghe mệnh lệnh của đảng”.

Kiểm soát Quân đội Trung Quốc – quân đội thường trực lớn nhất thế giới, với 2,3 triệu binh lính vũ trang – luôn là mục đích để củng cố sự nắm quyền của đảng. Chủ tịch Mao Trạch Đông có câu nói nổi tiếng rằng “quyền lực chính trị đến từ họng súng“. Nhiều lãnh đạo đầu tiên của đảng, trong đó có cha của ông Bạc, đã từng là cựu chỉ huy quân sự.

Sau cái chết của Mao Trạch Đông, quân đội bị đứng bên ngoài lãnh đạo đảng trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn các cuộc đấu tranh bạo lực đã xảy ra trong thời kỳ trước đó. Đổi lại, quân đội được phép kinh doanh. Quân đội đã nhanh chóng xây dựng một đế chế thương mại gồm các hộp đêm, ngành dược và khách sạn.

Năm 1998, chủ tịch lúc đó là ông Giang Trạch Dân ra lệnh cho Quân đội Trung Quốc bỏ làm kinh tế, bù lại, cho gia tăng ngân sách quân sự hàng năm, điều này cho phép quân đội trở thành một lực lượng chiến đấu hiện đại.

Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, các nhà phân tích quân sự nói rằng, quân đội Trung Quốc đã quay lại làm kinh tế, đặc biệt trong các vấn đề về đất đai thuộc quyền kiểm soát của họ. Quân đội cũng trở nên chủ động hơn trong việc hoạch định chính sách, đặc biệt là các vấn đề như quan hệ với Hoa Kỳ và tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng của Trung Quốc. Quân đội tham gia trong cả hai lĩnh vực kinh doanh và chính trị, đã trở thành một vấn đề nhạy cảm cho Đảng.

Quân đội đã lù lù hiện ra ở Trùng Khánh, quê hương của đơn vị lớn của Quân đội Trung Quốc đồn trú và là nơi có một trường đại học kỹ của PLA, nơi vũ khí được thiết kế. Là Ủy viên Bộ Chính Trị và là Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, ông Bạc được cho là có liên lạc thường xuyên với các các nhân vật trong quân đội địa phương và quốc gia.

Ông Heywood, doanh nhân người Anh, được phát hiện chết trong một căn phòng khách sạn ở Trùng Khánh hồi tháng 10 năm ngoái, đã nói với một người bạn rằng, ông Bạc thường xuyên đón tiếp các tướng lĩnh ở tư gia của ông và ông Bạc thường chỉ trích các lãnh đạo chính trị hiện nay là yếu kém, theo người bạn đó. Ông Bạc là “hiếu chiến hơn nhiều người nhận ra“, người bạn này dẫn lời ông Heywood.

Vấn đề hiện nay là, liệu ông Bạc đã đi quá xa bằng cách nuôi dưỡng sự ủng hộ trong số các nhân vật quân sự cấp cao, đặc biệt là những người bạn của ông là thái tử đảng, cho các chính sách gây tranh cãi của ông và chui vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị mà ông khao khát.

Ông Bạc và các đồng minh của ông đã thúc đẩy mô hình cho sự phát triển của Trung Quốc, dựa trên sự can thiệp mạnh mẽ hơn của chính phủ đối với kinh tế và xã hội. Nó xoay quanh các chi tiêu xa hoa vào cơ sở hạ tầng, một cuộc đàn áp các băng đảng khét tiếng và phong trào phục hưng chủ nghĩa Mao, tập trung vào việc biểu diễn cho nhiều người những bài hát “đỏ” từ thập niên 1950.

Sau khi tung ra những chính sách đó, năm 2009 ông đã tổ chức một buổi hòa nhạc về những bài hát cách mạng ở Trùng Khánh cho khoảng 200 con cái của các tướng lĩnh Hồng quân, gồm tướng Trương [Hải Dương], theo truyền thông nhà nước đưa tin lúc đó.

Ông Bạc sống trong một khu quân sự, nơi mà hiếm khi ông ta rời khỏi, khi ở Trùng Khánh, theo một quan chức thành phố đã làm việc dưới quyền ông. Năm 2011, ông bỏ khoảng 500 triệu đô la công quỹ vào việc phát triển một ngành công nghiệp máy bay trực thăng ở Trùng Khánh để đáp ứng nhu cầu của PLA.

Tháng 11 năm ngoái, ông Bạc đã tổ chức tập trận quân sự ở Trùng Khánh, với sự tham dự của Tướng Lương Quang Liệt, Bộ trưởng Quốc phòng, sau đó ông Bạc đã tổ chức một trong những buổi trình diễn “nhạc đỏ” cho các quan khách của ông, theo truyền thông nhà nước.

Các hoạt động như thế đã làm cho những đối thủ của ông Bạc ngày càng thận trọng trong việc mở rộng sự ủng hộ quân sự của ông, các quan chức, các nhà phân tích và các nhà ngoại giao cho biết. Chuyến bay của viên cảnh sát trưởng của ông Bạc đến lãnh sự quán Mỹ – và phản ứng thách thức của ông Bạc – đã cung cấp đạn cho các đối thủ tiêu diệt sự nghiệp chính trị của ông, và làm mô hình chính phủ của ông mất uy tín, những người này cho biết.

Vụ bê bối này đã thúc đẩy Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tái khẳng định quyền lực của mình trong quân đội. Bốn ngày sau khi vụ việc điều tra ông Bạc đã được công bố, vào ngày 10 tháng 4, Tướng Quách Bá Hùng, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương đã đến thăm Quân khu Thành Đô và kêu gọi tuyệt đối tuân thủ lãnh đạo trung ương đảng.

Ông nói, các sĩ quan và binh lính nên được dạy “không nghe, không tin, hoặc lan truyền bất kỳ loại tin đồn chính trị nào, và đề phòng nghiêm ngặt, chống lại chủ nghĩa tự do chính trị“, theo truyền thông nhà nước.
Vụ bê bối tập trung sự chú ý vào sự thăng tiến nhanh trong quân đội về các thái tử đảng, đã châm ngòi cho sự bất mãn giữa các sĩ quan, những người không xuất thân từ dòng dõi chính trị như thế, và sự tham gia làm kinh tế của Quân đội Trung Quốc.

Tướng Trương 62 tuổi, một trong các tướng bị các viên chức đặt câu hỏi, là con trai của một cựu phó chủ tịch Quân ủy Trung ương. Trước khi được bổ nhiệm vào Bộ đội Pháo binh số Hai hồi cuối năm 2009, ông đã là chính ủy của Quân khu Thành Đô, điều này đưa ông lọt vào quỹ đạo chính trị của ông Bạc.

Ông trở thành một trong những vị tướng nổi tiếng công khai ủng hộ chính sách gây tranh cãi của ông Bạc. Tướng Trương cũng phải đối mặt với các cáo buộc từ một ông trùm bất động sản trước đây rằng, trong nhiệm kỳ của ông, Quân khu Thành Đô đã được tham gia và hưởng lợi từ việc tịch thu tài sản của các doanh nhân địa phương trong chiến dịch đàn áp tội phạm có tổ chức của ông Bạc.

Một nhà đầu tư bất động sản, ông Li Jun cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng, ông đã mua của quân đội một lô đất rộng 110 mẫu Anh ở quận Shapingba, Trùng Khánh. Ông Li là một cựu chiến binh, nói rằng, lẽ ra ông phải trả cho quân đội 324 triệu nhân dân tệ (khoảng 51,2 triệu đô la) đúng hạn vào cuối tháng 1 năm 2009, nhưng ông đã trả trễ hạn, mãi đến tháng 6 năm đó ông mới trả.

Ông nói, tháng 12 năm đó, ông đã bị cảnh sát Trùng Khánh bắt giữ về các tội: phạm tội có tổ chức, gian lận hợp đồng, đấu thầu gian lận và hối lộ. Khoảng ba tuần sau đó, Quân khu Thành Đô bắt đầu vụ kiện riêng chống lại ông Li và cuối cùng ông bị giam giữ, theo một tài liệu do ông Li cung cấp cho thấy, có chữ ký của “bộ phận an ninh chính trị” của quân đội địa phương.

Ông Lí khẳng định, những người thẩm vấn đã nói với ông rằng, ông đã làm cho tướng Trương bực mình, tướng Trương là người mà họ nói rằng đã có các mối quan hệ thân mật với ông Bạc từ khi còn nhỏ. Ông Li cho biết, ông đã được phóng thích sau khi đồng ý trả 40 triệu nhân dân tệ bồi thường do thanh toán chậm. Ông nói, ông đã trốn khỏi đất nước sau khi ông được tin báo rằng họ chuẩn bị bắt ông một lần nữa. Ông cáo buộc chính quyền địa phương đã lấy mất công ty của ông, Tập đoàn Junfeng, kể từ đó.

Quân khu Thành Đô, Quân đội Trung Quốc, Bộ Quốc phòng và cảnh sát từ chối bình luận các tin tức liên quan đến ông Li.

Trang web cũ của công ty của ông, công ty Junfeng nói rằng, trụ sở chính của công ty được liệt kê cùng địa chỉ với Trạm Mua sắm Vật liệu của Quân khu Thành Đô ở chi nhánh Trùng Khánh. Một quan chức tại chi nhánh đó cho biết, nó đã được bán “tất cả đất đai”, nhưng ông từ chối cho biết thêm chi tiết.

Địa chỉ đó hiện là địa điểm của một khu biệt thự phức hợp, sang trọng, do công ty Junfeng đầu tư, theo trang web của công ty. Đại diện thương mại của Junfeng cho biết, Quân khu Thành Đô đã không còn kiểm soát công ty này và bây giờ công ty thuộc quyền quản lý của chính quyền địa phương. Cô từ chối bình luận thêm.

Việc can thiệp của cơ quan quân sự trong một vụ án dân sự như thế là rất bất thường, ngay cả ở Trung Quốc“, một người quen thuộc với vụ án của ông Li đã nói.

Một vị tướng khác bị các nhà chức trách đặt vấn đề là tướng Lưu Nguyên, con trai của cố Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ, đã bị Chủ tịch Mao Trạch Đông thanh trừng và bị chết trong tù năm 1969. Tướng Lưu 61 tuổi, được cho là có các mối quan hệ cá nhân với Phó Chủ tịch Tập Cận Bình, người mà ông đã biết từ khi còn nhỏ.
Tướng Lưu đã học ở trường dành cho con cái lãnh đạo, trường Number 4 Boys Middle School, ở Bắc Kinh, với ông Bạc hồi thập niên 1950. Năm 2007, ông đã chụp ảnh cùng các thái tử đảng khác tại đám tang của bố ông Bạc.

Cũng như ông Bạc, ông Lưu đã lên tiếng chống tham nhũng. Hồi tháng 1, ông đã có một bài phát biểu trước hàng trăm tướng lãnh khác, trong đó ông cam kết sẽ diệt tận gốc tham nhũng trong Quân đội Trung Quốc, theo những người kể vắn tắt về vấn đề này.

Những người này cho biết, đầu năm nay, tướng Lưu đã sắp xếp việc cách chức tướng Cốc Tuấn San, Phó Tổng cục Hậu cần, lo về xử lý đất đai và vật tư trong quân đội, bị tình nghi tham nhũng. PLA và Bộ Quốc phòng đã không trả lời khi được yêu cầu bình luận.

Các chuyên gia quân sự cho biết, vào lúc tướng Lưu nhắm tới việc được bổ nhiệm làm người đứng đầu Tổng cục Chính trị của PLA, điều này sẽ giúp ông có được chiếc ghế ở Quân ủy Trung ương.

Một số nhà phân tích tin rằng, tướng Lưu đã gây ra mối thù nghịch với các tướng đồng nghiệp qua việc[ ông] được thăng chức nhanh hơn là những người không thuộc nhóm thái tử đảng, qua việc nhắm vào tướng Cốc mà không có sự đồng ý của các đồng nghiệp khác, cũng như việc tìm cách ảnh hưởng đến chính trị trong nước.

Ông Nan Li, một chuyên gia về quân sự Trung Quốc tại trường Cao đẳng Hải chiến Hoa Kỳ, đã nói: “Có thể ông ấy bị tấn công về mặt chính trị. Sự cố Bạc Hy Lai có thể là cọng rơm cuối cùng trên lưng con lạc đà”.

Tướng Lưu cũng tạo ra tranh cãi, qua lời nói đầu của một cuốn sách xuất bản năm ngoái, khi ông lập luận rằng, ông nhiệt tình ủng hộ “nền dân chủ mới” – một khái niệm mà cha của ông đã đề ra.

Trương Mộc Sinh (Zhang Musheng), một trí thức nổi tiếng đã viết cuốn sách này, cũng đã lên tiếng ủng hộ “mô hình Trùng Khánh” của ông Bạc. Rõ ràng là ông [Trương] đã im lặng kể từ sự sụp đổ của ông Bạc.

Ông Trương nói trong một cuộc phỏng vấn rằng, lẽ ra ông phát biểu về “nền dân chủ mới” tại một hội nghị ở Mỹ hồi tháng trước, nhưng ông đã hủy bỏ sau khi được một quan chức cao cấp nghỉ hưu khuyên ông là thời điểm quá nhạy cảm. Ông từ chối bình luận về việc ông Bạc bị sa thải hoặc ảnh hưởng của việc sa thải đó đối với tướng Lưu như thế nào.

Tốt hơn hết, ông không nên làm ồn về chuyện này“, ông nói trước khi cúp điện thoại.

———
Brian Spegele và James Hookway đã đóng góp cho bài viết này.
Ảnh 1: Bạc Hy Lai hồi tháng 3, trước khi bị sa thải. Photo: AFP/Getty Images
Ảnh 2: Tướng Lưu Nguyên bị các nhà chức trách đặt vấn đề về những mối quan hệ với Bạc Hy Lai. Photo: China Newsphoto/ Reuters.
Ảnh 3: Tướng Trương Hải Dương, người đã bị đặt vấn đề về quan hệ với Bạc Hy Lai. Photo: Color China Photos/Zuma Press.
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
http://anhbasam.wordpress.com/2012/05/20/quan-he-cua-bac-hy-lai-voi-quan-doi-lam-cho-bac-kinh-lolang/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét