Nguyễn Ngọc Tiến
Sau
1954 do bị “mang tiếng" cô đầu là tệ nạn xã hội, là tàn dư của chế độ cũ
nên không ai hát ca trù và cũng không có đơn vị nào tổ chức hát ca trù. Tám năm
sau, qua sự gợi ý của một cán bộ văn hóa về giá trị của nghệ thuật này nên tết
Nhâm Dần năm 1962, Sở Văn hóa Hà Nội đã tổ chức
chương trình ca trù tại Văn Miếu. Chương trình kéo dài gần hai tiếng và
trong khách mời có vị khách đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau này NSND
Quách Thị Hồ kể lại, chưa bao giờ bà run khi hát ca trù nhưng hôm đó quá cảm động
vì có Bác nghe nên có đoạn bà hụt hơi. Ca trù được "giải oan" nhưng
miền Bắc bị không quân Mỹ ném bom, chương trình âm nhạc trên Đài Tiếng nói Việt
Nam chủ yếu dành cho ca khúc chính trị và ca trù chưa được chú ý nhiều.
*******
Có
thể nói rằng, vào thời Lê, cánh Nho sỹ không chỉ biết thưởng thức ca trù mà còn
là những người góp phần thúc đẩy nghệ thuật này phát triển trên đất Thăng Long
khi thơ của họ trở thành lời của các bài ca trù. Nguyễn Công Trứ (1778-1858) là
người rất mê ca trù, ông cũng là tác giả của nhiều bài ca nổi tiếng. Song công
lao lớn nhất của Nguyễn Công Trứ là ông cùng những Nho sỹ khác nâng lối hát nói
lên đến đỉnh cao làm cho ca trù thêm giá trị. Có một nhà thơ cũng mê mẩn ca trù
là Trần Tế Xương (1870-1907). Không chỉ nghe hát, sáng tác các bài hát mà cô đầu
còn là nguồn cảm hứng cho ông làm thơ.
Trong bài Tết tặng cô đầu có câu:
Nhân
sinh quý thích chi
Chẳng
gì hơn hú hí với cô đầu
Tiến
sỹ Dương Khuê (1839-1902) cũng có Gặp cô đầu cũ, Thăm cô đầu ốm...
Thăng
Long thời Lê, Bắc thành thời Nguyễn, có nhiều giáo phường ca trù nổi tiếng
nhưng phải kể đến giáo phường Hòe Nhai. Cuối đời Lê, Hòe Nhai đã là dãy phố hát
ả đào làm say mê bao nhiêu vương tôn công tử. Ninh Tốn (1743-1795) tiến sỹ đời
vua Lê Cảnh Hưng (1740-1786) có bài thơ ca ngợi phường hát này:
Bờ
liễu đường hoa ai cũng đẹp
Phong
lưu vành chiếm một Hòe Nhai
Nõn
nà trăm vẻ khoe xuân sắc
Uyển
chuyển lời ca ghẹo khách hoài
Hoa
rụng bên đền ghen má phấn
Oanh
hào tiếng phách rộn bên ngoài .
Kẻ
thường đâu dám chi nghìn lạng
Phải
đợi Vương tôn quảy rượu sài
Phường
Hòe Nhai thời Lê bao gồm Hàng Than, Hàng Giấy và cả Hàng Đậu. Đầu thế kỷ XX, ca
trù ở phố Hàng Giấy vẫn là kép đánh đàn đáy, vẫn đào hát răng đen, yếm đào gõ
phách còn người nghe sành thì cầm trống chầu. Tuy nhiên hoạt động của giáo phường
cuối thế kỷ XIX đã dịch chuyển về hình thức tồn tại: không chỉ hát ở hội hè,
hát theo lời mời của nhà quan, danh sỹ,
người có tiền thích thú vui tao nhã này, mà họ lập ra ca quán và phố Hàng Giấy
là nơi ra đời các ca quán đầu tiên.
Hàng Giấy từng được gọi là phố Ả Đào. Việc
xuất hiện ca quán ở Hàng Giấy đã mở đầu cho thời kỳ “ca trù thương mại” phục vụ
cho nhiều đối tượng trong xã hội hơn. Thời điểm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX,
số người học chữ Nôm, chữ Hán có xu hướng giảm trong khi người học tiếng Pháp
tăng lên, bên cạnh đó lối sống Pháp cũng ảnh hưởng đến lối sống của người Hà Nội
và làm thay đổi đối tượng nghe ca trù. Bởi thế có ca quán còn hát cả chèo, cải
lương. Tuy nhiên nhiều ca quán vẫn giữ được nếp hát truyền thống. Trong dân
gian có câu:
Trải
qua Hàng Giấy dần dần
Cung
đàn nhịp phách nên xuân bốn mùa
Hàng
Giấy có hai cô đào đẹp lấy chồng giầu có là Hải Chi lấy chủ Nhà máy diêm Quả
Đào ở phố Cửa Đông. Ông này đã bỏ ra năm ngàn đồng để làm đám cưới. Còn cô kia
lấy ông chủ cửa hiệu buôn Thuận Thành Ký ở phố Hàng Bồ. Cánh đàn ông trốn vợ rủ nhau lên Hàng Giấy nói lái ra là đi "nghe hát đập trống".
Nhà văn Nguyễn Tuân viết, khi còn nhỏ ông từng được cha cho đến đây. Theo nhà
văn Vũ Bằng, các danh sỹ như Hoàng Tăng Bí, Dương Bá Trạc, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm
Quỳnh, Nguyễn Đỗ Mục, Sơn Phong hay đến Hàng Giấy thưởng thức cung đàn nhịp
phách. Việc ca quán hoạt động nhộn nhịp, xe tay đưa đón khách khuya khoắt đêm
hôm rồi lại xảy ra cả chuyện ghen tuông nên chính quyền thành phố đã ra quy định
cấm gây huyên náo vào đêm khuya. Mặt khác, ngay Hàng Giấy lại có bốt Hàng Đậu
khiến người đến ca quán cũng thấy ngại khi nhìn thấy đám cảnh sát người Pháp to
cao lừng lững đi lại. Rồi nhà đất ở Hàng Giấy ngày càng đắt hơn đã kéo giá thuê
cũng cao hơn vì thế nhiều ca quán tìm đến chỗ rộng hơn, xa trung tâm và không bị
làm cảnh sát làm khó dễ về đêm. Và Thái Hà là địa điểm được lựa chọn. Vào thời
đó, ấp Thái Hà là ngoại ô, nhà cửa còn xen lẫn với ruộng.
Trước
1915, phố Khâm Thiên vẫn chưa hình thành, đường đi vẫn là đất đá lổn nhổn và
chiều ngang chỉ đủ rộng cho một chiếc xe tay đi qua. Hai bên còn hồ ao, bãi tha
ma, ruộng rau muống, ao bèo. Làng lui sâu vào bên trong. Đầu đường (chỗ chắn tầu
hiện nay) giáp với đường Thiên Lý (đường Lê Duẩn ngày nay) không có nhà cửa chỉ
có mấy quán bán xôi, cháo cho công nhân hỏa xa. Đầu thập niên 20, do đất trong
phố đắt lên, người ta mới mua ở đây làm nơi sản xuất trong đó có bà Long nấu xà
phòng hiệu Con Dê, tiếp đó là Trịnh Đình Kính chủ hiệu thủy tinh Thanh Đức ở
Hàng Bồ đặt xưởng.
Hai
người có công mở mang ra phố Khâm Thiên là lý trưởng Bát Chắm, làm nghề bán thuốc
đông y điều kinh và Cửu Khê - một tay anh chị có tiền. Cả hai bỏ tiền mua đất
giá rẻ làm nhà cho thuê. Đầu năm 1920, khi các nhà hát ả đào ở ấp Thái Hà bị
tên Tiến con trai Trần Vương trùm du côn đến quấy phá ả đào và quan viên nên một
số nhà hát chuyển lên phố Khâm Thiên nhờ Cửu Khê và Bát Chắm che chở. Từ vài
nhà dần tiến tới chục nhà. Ở đây không phải theo luật lệ của cảnh sát thành phố
nên thoải mái trống phách tới sáng.
Sự phồn thịnh của phố Khâm Thiên từ
1930-1940 là nhờ nhà hát cô đầu và tiệm nhảy. Trong một cuốn sách viết năm
1938, Đốc lý Hà Nội Virgitti viết: "Khâm Thiên là một xóm ăn chơi nhất, hiện
đại nhất và đắt khách nhất. Đó là một
xóm giầu có nhất trong khu vực này. Nhà hát ở Khâm Thiên có từ trước
song người ta đua nhau đến đây mấy năm gần đây thôi. Trên một đoạn phố không đầy
tám trăm mét mà có tới bốn mươi nhà hát với trên hai trăm con hát, thêm năm tiệm
khiêu vũ với khoảng dăm chục gái nhẩy và có hai nhà săm cho thuê buồng. Các mụ
chủ xuất thân từ cô đầu, nhân tình của các cô là quan lại An Nam cao cấp".
Việc làm ăn phát đạt đến mức hễ có ngôi nhà nào mới xây sạch đẹp là lập tức có
người đến thuê với giá cao. Những chủ ít vốn không chịu nổi tiền nhà phải đi xa
hơn, xuống Ngã tư Sở, đường Tầu bay, Vạn Thái (ngõ 357 phố Bạch Mai), Chùa Mới
(ngã tư chợ Mơ). Đầu những năm 1930, khách hát ở Khâm Thiên còn là tổng lý, lái
buôn, lái xe các tỉnh về thì đến 1935 chỉ có khách sang, còn đám khách ít tiền
mê hát phải tìm đến nhà hát ở Vạn Thái, Ngã tư Sở, Chùa Mới,... nên mới có câu
:
Giầu
ra Khâm Thiên
Ít
tiền ra Vạn Thái
Ngứa
dái ra Ngã tư Sở
Trong
bốn mươi nhà hát, tập trung chủ yếu từ ngõ Tương Thuận đến ngõ Liên Hoa, Cống
Trắng. Các nhà hát thường bài trí theo
hai kiểu, theo lối Tầu có ghế gụ, sập, tủ chè còn theo lối mới có sa lông nhưng
cũng có sập để khách nằm hút thuốc phiện. Ban ngày các nhà hát bình thường như
các nhà hàng phố khác nhưng tối xuống là nhà nào cũng sáng trưng, nhà chưa có
khách thì mở rộng cửa cho mấy ả ăn mặc chải chuốt đi lại ngóng khách.
Thời kỳ đầu,
người ta còn chuộng con hát hay, thạo tay phách, nhưng sau nhiều nhà thay đổi cần
cô đầu biết chiều khách, biết hầu rượu. Nếu gặp khách cần cô đầu hát hay thì họ
đi mượn quán khác.
Khâm Thiên có hai nhà Kỳ Văn và Trường Bẩy có đào hát lành nghề và hai nhà này cũng dạy cho nhiều
trò cách hát ca trù lối cổ. Song số nhà hát theo lối truyền thống rất ít và trong số này có nhà bà
Năm, nhà hát được cho là tụ hội cô đầu có giọng hát hay và đây cũng là nhà mà
Nguyễn Tuân hay đến.
Trong từng ấy nhà hát thì nhà hát của cô Đốc Sao là sang
nhất. Cô Đốc sinh năm 1900, quê ở Hưng Yên, chồng là bác sỹ người Hoa tên là
Lưu Nam Sao (Lầu Màn Sầu) vì thế người ta gọi là cô Đốc Sao. Nhà hát này chuyên
chọn gái mười lăm-mười sáu tuổi con nhà nghèo ở nông thôn có dáng đẹp, mặt xinh
và thông minh rồi thuê người dạy tí ti ca trù, dăm ba câu tiếng Pháp. Đốc Sao
cũng huấn luyện các cô biết uốn éo, cợt nhả với khách. Lại cho dùng hàng phấn
sáp của Pháp, tơ lụa tốt. Vì thế trông cô đầu của Đốc Sao mơn mởn. Con hát nhà
Đốc Sao có kỷ luật, cấm không nói chuyện
riêng và cười với nhau trước mặt khách. Ra phố ban ngày có xe tay của nhà chủ
đưa đi vừa để kiểm soát vừa làm sang. Đốc Sao có nhiều cô đầu đẹp và khéo như
Uyên, Xuyến, Phượng...
Giá
một chầu tại những nhà hát hạng sang ở Khâm Thiên từ 1936-1940 là khoảng hai
mươi đồng, thêm chi phí ngoài như rượu Tây, thuốc phiện hộp, gọi ăn đêm nên tốn
bạc trăm, trong khi lương một viên tri huyện tập sự là tám mươi đồng. Còn bình dân như Gia Quất (quận Long Biên ngày
nay) chỉ từ hai-ba đồng, nơi cao hơn một chút nhưng cũng chỉ năm-mười đồng. Cô
đầu Khâm Thiên một thời nổi tiếng có Hải, Xuyến, Sâm tóc quăn, Sâm già,...
riêng cô đầu Hồ nổi tiếng vì đẹp như liêu trai.
Từ
Hàng Giấy về Thái Hà, hát cô đầu đã có sự thay đổi, đến Khâm Thiên thì cô đầu đạt
đỉnh của "sự chơi". Và các nhà văn sau này cũng quyết không kém các cụ,
trong cuốn Ca trù nhìn từ nhiều phía đăng lại bài viết của nhà văn Vũ Bằng
trong đó có đoạn: "Thực tình đến bây giờ (năm 1973) cố moi trí nhớ tôi
chưa thấy nhà văn, nhà báo đất Bắc nào mà lại không ra vào nhà hát cô đầu”. Ông
không ngần ngại khi gọi phố cô đầu Khâm Thiên là “cái nôi văn nghệ của Hà Nội”. Vũ Bằng viết tiếp "Các văn nghệ
sĩ hội họp uống rượu, ngâm thơ, đánh một khẩu trống để thưởng một câu văn hay,
một tiếng đàn khéo bấm, hay một giọng ca buông bắt thật tài tình. Đôi khi tức cảnh,
họ tạo nên những câu mưỡu, bài hát nói hay những vần thơ bát cú hoặc lục bát thật
hay”. Còn Tchya Đái Đức Tuấn cho rằng: "Khâm Thiên là đường Nhà trời đến
đây để quên đau khổ bằng rượu, phiện, gái". Sau này Văn Cao gọi chốn Khâm
Thiên là phường Dạ lạc. Các nhà văn, nhà báo Phùng Bảo Thạch, Vũ Đình Chi, Nguyễn
Triệu Luật, Lưu Văn Phụng, Hy Sinh, Vũ Liên, Ngô Tất Tố lúc làm cho các báo Việt
Nữ, Công Dân, Vịt Đực mỗi khi bàn về số báo ra kỳ tới vẫn thường hội ý và kẻ ma
két ở nhà hát vào đêm khuya trong lúc im ắng tiếng đàn giọng ca. Trong tiểu luận
Ca trù Thăng Long-Hà Nội: Những diễn biến trong tiến trình lịch sử của nhà
nghiên cứu Trần Thị Kim Anh có đoạn: "Những bài viết sâu sắc với những từ
ngữ đẹp đẽ nhất dùng để miêu tả ngợi ca nghệ thuật ca trù của Phạm Quỳnh, Nguyễn
Xuân Khoát, Ngô Linh Ngọc đều bắt nguồn từ đây. Nhạc của Nguyễn Văn Thương, thơ
của Vũ Hoàng Chương, Trần Huyền Trân lấy cảm hứng từ đây. Bản dịch Tương tiến tửu
của Đái Đức Tuấn, tác phẩm Con voi già của
vua Hàm Nghi của Lưu Trọng Lư đều bắt đầu viết ở đây trong những cơn cao hứng.
Đặc biệt Nguyễn Tuân yêu quý và trân trọng ca trù tới mức, dường như với ông,
ca trù là một ngôi đền linh thiêng để hóa giải những nỗi đau tục lụy. Ca trù
trong ông luôn như một nỗi ám ảnh, và nỗi ám ảnh đó từng được thể hiện sâu sắc,
đau đớn trong những truyện ngắn như Chiếc lư đồng mắt cua (1941), Chùa Đàn
(1946) - những truyện ngắn đánh dấu một giai đoạn tuyệt diệu trong cuộc đời
sáng tác của ông". Không chỉ gây cảm hứng, cô đầu Khâm Thiên còn là đề tài
cho một số nhà văn trong đó Kim Lân có truyện Đứa con người cô đầu. Tuy nhiên
nhìn ở góc độ khác, nhà thơ Trần Huyền Trân lại cho rằng sở dĩ đám văn nghệ sỹ
thích chơi với cô đầu vì bọn họ thiếu tiền nhưng tỏ ra thừa tình người. Họ làm
ra vẻ hiểu và thông cảm với chị em khi bị xã hội ruồng bỏ. Thậm chí nhà báo
Hoàng Tích Chu du học Pháp về làm báo Đông Tây còn sống "bóong" (sống
dựa) vào cô đầu và sau này cặp kè với Đốc Sao.
Gia
đình nhà thơ Trần Huyền Trân sống trên chiếc lều kiểu nhà sàn dựng bằng tre ghếch
len bờ Cống Trắng. Khu vực này cũng là nơi trọ của nhiều cô đầu nên ngay từ khi
còn đi học, nhiều cô đầu hát hay nhưng không biết chữ thường nhờ Trần Huyền
Trân viết thư tình cho các anh "chồng hờ" vòi vĩnh tiền đánh bạc. Đằng
sau chốn ăn chơi kia là thân phận của các cô đầu với cuộc sống bi đát không lối
thoát, Trần Huyền Trân kể ông thấy thương các cô hơn là ghét. Ngày 2-9-1945, nước
Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, các nhà hát Khâm Thiên bị đóng cửa. Ngày
19-12-1946, Thủ đô bước vào cuộc chiến đấu chống Thực dân Pháp, có cô đầu không
trở về quê, ở lại tham gia các đội tải thương, thậm chí có người đã hy sinh.
Hát
ả đào hay hát cô đầu chỉ là cách gọi người hát ca trù, không phải là thể loại
âm nhạc. Từ ả đào có hai cách giải thích, theo Việt sử tiêu án của Ngô Sỹ Liên,
vua Lý Thái Tổ ( 1010-1028 ) có ca nhi Đào thị hát hay, tài giỏi được vua ban
thưởng, vì mộ danh Đào thị nên sau này người ta gọi các con hát là Đào nương.
Còn sách Công tư diệp ký ghi thì ở Hưng Yên có
ca nhi họ Đào người làng Đào Xá lập mưu giết giặc Minh, khi chết dân
làng lập đền thờ và gọi thôn nơi nàng ở là thôn Ả Đào, từ đấy người đi hát ca
trù gọi là Ả Đào hay Đào nương. Về từ cô đầu, Ca trù bị khảo giải thích: Các ả
đào thành danh khi đi dạy học trò thành nghề thường cho họ đi hát theo, mỗi lần
như vậy trò trích ra một số tiền để cung dưỡng thầy, số tiền này được gọi là tiền
"đầu". Sau này người ta dùng chữ "cô" thay cho chữ "ả"
và chữ "đầu" thay cho chữ "đào", vì thế mà ả đào đã biến
thành cô đầu. Tuy nhiên từ cô đầu bị hiểu theo nghĩa rất xấu.
Sau
1954 do bị “mang tiếng" cô đầu là tệ nạn xã hội, là tàn dư của chế độ cũ
nên không ai hát ca trù và cũng không có đơn vị nào tổ chức hát ca trù. Tám năm
sau, qua sự gợi ý của một cán bộ văn hóa về giá trị của nghệ thuật này nên tết
Nhâm Dần năm 1962, Sở Văn hóa Hà Nội đã tổ chức
chương trình ca trù tại Văn Miếu. Chương trình kéo dài gần hai tiếng và
trong khách mời có vị khách đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau này NSND
Quách Thị Hồ kể lại, chưa bao giờ bà run khi hát ca trù nhưng hôm đó quá cảm động
vì có Bác nghe nên có đoạn bà hụt hơi. Ca trù được "giải oan" nhưng
miền Bắc bị không quân Mỹ ném bom, chương trình âm nhạc trên Đài Tiếng nói Việt
Nam chủ yếu dành cho ca khúc chính trị và ca trù chưa được chú ý nhiều.
Năm
1973, Hiệp định Paris về lập lại hòa
bình ở Việt Nam được ký kết, miền
Bắc sống trong hòa bình và một số ca nương lừng danh một thời như Nguyễn Thị
Phúc, Nguyễn Thị Mùi, Đinh Thị Bản, Quách Thị Hồ... lại được những người hoạt động
âm nhạc chú ý. Thời Pháp, ca nương Quách Thị Hồ đã được hãng thu âm Pathé làm
thành đĩa thì nay Quách Thị Hồ và đào nương hát cửa đình Nguyễn Thị Mùi được chọn
để ghi âm, xuất bản.
Nói về nghệ thuật ca trù không thể không nói đến Quách Thị
Hồ, bà là đào nương duy nhất được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ nhân
dân. Năm 1983, bà tham gia Liên hoan quốc tế Âm nhạc truyền thống châu Á tại
Bình Nhưỡng và là nghệ sỹ Việt Nam duy nhất được trao giải thưởng. Còn nghệ
nhân Nguyễn Thị Mùi quê ở xã Liên Hà (huyện Đông Anh) là người giữ được lối hát
khuôn trong hát thờ của giáo phường Lỗ Khê. Những năm cuối đời, bà đã kịp truyền
lại một số thể cách hát múa cho con cháu làm sống lại lối hát cửa đình. Lúc còn
sống, nhà cách mạng Nguyễn Tạo (Phó ban Nông nghiệp Trung ương thập niên 70) kể
rằng khi ông Võ Nguyễn Giáp từ miền Trung ra tìm ông để tham gia đảng Tân Việt
(khoảng năm 1928), ông đã bố trí cho Võ Nguyên Giáp ở tạm một nhà ở phố Huế.
Nhà đó lại ngăn làm hai bởi tấm phên và nửa bên kia có nhóm hát cô đầu thuê và
thế là tối tối, ông Võ Nguyên Giáp bắc
ghế ngó sang bên kia xem người ta hát .
Một
sự kiện làm nức lòng người dân Việt Nam là ngày 30-9 và ngày 1-10-2009, dân ca
quan họ đã được UNESCO vinh danh là văn hóa phi vật thể của nhân loại, còn ca
trù là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Thực ra trước khi
UNESCO vinh danh, ở Hà Nội đã có rất nhiều câu lạc bộ ca trù ra đời, không chỉ
phục vụ nhu cầu của khán giả mà các câu lạc bộ này còn góp phần bảo vệ di sản
này. Tuy nhiên hầu hết các câu lạc bộ vẫn chưa được đầu tư xứng đáng về cơ sở vật
chất và họ vẫn phải tự thân vận động cho dù đã có hành động quốc gia bảo vệ ca
trù giai đoạn 2010-2015.
http://lethieunhon.com/read.php/5861.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét