Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




CUỘC ĐẤU ĐÁ Ở TRUNG QUỐC VÀ BẢN CHẤT CỦA CHẾ ĐỘ

Nguyễn Hưng Quốc

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo
 của Trung Quốc đi qua sau lưng ông
 Bạc Hy Lai tại sảnh đường Nhân dân
 ở Bắc Kinh. 
Hình: REUTERS
Chung quanh vụ án ở Trung Khánh liên quan đến Bạc Hy Lai (Bo Xilai), bí thư thành ủy và Vương Lập Quân (Wang Lijun), cựu giám đốc Công an và phó thị trưởng, càng ngày người ta càng khám phá ra nhiều chi tiết ly kỳ và thú vị. Bài trước, chúng ta đã bàn về nạn tham nhũng và tiền bạc. Bài này, xin nói về việc tranh giành quyền lực. Có thể nói nguyên nhân ngã ngựa của Bạc Hy Lai không phải chỉ vì tham nhũng, thậm chí, không phải vì chuyện để cho vợ giết người (Nei Heywood). Đó chỉ là những lý do phụ. Lý do chính là những mâu thuẫn trong nội bộ thành phần lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Báo The New York Times tiết lộ, theo nhiều nguồn tin đáng tin cậy ở Trung Quốc, lâu nay Bạc Hy Lai và Vương Lập Quân có thói quen nghe lén tin tức của mọi người trong địa phương, đặc biệt những người họ thấy có thể gây nguy hiểm cho họ, từ các luật sư đến các nhà đấu tranh cho dân chủ, từ những doanh nhân đến các cán bộ không cùng phe cánh, v.v. Tất cả đều bị theo dõi chặt chẽ. Biện pháp theo dõi phổ biến nhất là nghe lén điện thoại. Người ta kể nhiều người có chút máu mặt ở Trùng Khánh không bao giờ dám dùng điện thoại nhà hay điện thoại văn phòng để nói chuyện với nhau. Với những vấn đề tương đối “nhạy cảm” chút xíu, người ta đều dung các thẻ điện thoại dưới tên người khác, những người hoàn toàn vô danh. Ngay cả như vậy, nói chuyện với nhau, cũng không ai dám nhắc đến tên của Bạc Hy Lai hay Vương Lập Quân. Nhắc, chỉ nhắc đến tên thôi, cũng có thể gây chú ý ngay tức khắc.

Tất cả những chuyện ấy đều được biết từ lâu. Ai cũng biết. Nhưng không ai dám làm gì cả. Họ sợ. Chính quyền Trùng Khánh chủ trương như thế. Và chính quyền Trung Quốc cũng chủ trương như thế. Tất cả đều nhân danh nhu cầu chống phá tội phạm và duy trì sự ổn định chính trị ở địa phương. Chi phí của các hoạt động nghe lén ấy được chính phủ đài thọ. Những người nghe lén là những nhân viên nhà nước. Họ lãnh lương và bỏ toàn bộ thời gian trong ngày với những kỹ thuật hiện đại nhất chỉ để làm một việc duy nhất là nghe lén điện thoại của người khác.

Có điều là, cái tội của Bạc Hy Lai và Vương Lập Quân là đã vượt quá giới hạn mà đảng Cộng sản cho phép: Họ nghe lén (và thu băng) cả điện thoại của giới lãnh đạo cao cấp thuộc chính quyền trung ương, trong đó có cả Hồ Cẩm Đào, chủ tịch Đảng và chủ tịch nhà nước. Chính các nhân viên an ninh kỹ thuật của Hồ Cẩm Đào đã phát hiện ra vụ thu băng và nghe lén này. Nhiều nhà bình luận chính trị cho đó mới là nguyên nhân thực sự dẫn đến sự sụp đổ con đường danh vọng ngỡ như đang thênh thang rộng mở của viên bí thư thành ủy Trùng Khánh.

Nhưng tại sao Bạc Hy Lai lại nghe lén Hồ Cẩm Đào? Chỉ có một cách giải thích duy nhất: tranh giành quyền lực. Chưa chắc Bạc Hy Lai đã chống lại Hồ Cẩm Đào, một người sắp mãn nhiệm kỳ. Có lẽ Bạc Hy Lai chỉ muốn biết Hồ Cẩm Đào đang tính toán chuyện gì trong vấn đề chuyển giao quyền lực cho kỳ Đại hội Đảng sắp tới mà thôi. Biết để đối phó.

Nhưng như vậy cũng đủ cho thấy: Họ không tin nhau.

Lâu nay đảng Cộng sản Trung Quốc lúc nào cũng tô vẽ hình ảnh của họ như một khối thống nhất: Mọi người tập trung chung quanh Trung ương đảng; Trung ương đảng tập trung chung quanh Bộ chính trị. Bộ chính trị thì là một: có cùng một lý tưởng chung; khi một chính sách đã được quyết định, mọi người răm rắp tuân theo.

Sự thực, đó chỉ là một huyền thoại.

Mà huyền thoại ấy cũng chẳng đáng ngạc nhiên chút nào cả. Từ lâu người ta đã biết điều đó. Cả thế giới đếu biết những tranh chấp kinh hồn ở Liên Xô, từ thời Lenin và Stalin trở đi, cũng như ở Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông về sau.

Thật ra, đó cũng chính là một trong những khác biệt quan trọng nhất giữa một chế độ dân chủ và một chế độ độc tài.

Chế độ dân chủ, với những mức độ khác nhau, được xây dựng trên niềm tin và sự đồng thuận. Không phải người ta không tranh chấp nhau. Có. Gay gắt và quyết liệt nữa là khác. Nhưng, thứ nhất, bao giờ người ta cũng cố gắng thương thảo để cuối cùng, tìm cách thỏa hiệp với nhau để đi đến một quyết định cuối cùng. Trong quá  trình thương thảo cũng như trong việc thực hiện quyết định cuối cùng ấy, người ta thường tin nhau.

Mà không phải chỉ trong guồng máy chính trị. Trong đời sống xã hội cũng thế. Mọi quan hệ đều được xây dựng trên niềm tin. Ở Úc, tôi đã từng chứng kiến nhiều lần cảnh một người nào đó (có khi là chính tôi) bước ra khỏi thư viện hay siêu thị, còi báo động ở cửa ra vào hú lên inh ỏi. Nguyên nhân, nếu ở thư viện, đó là do có một hoặc một số cuốn sách chưa làm thủ tục mượn; nếu ở siêu thị, có một món hàng nào đó chưa được trả tiền. Bình thường, người ta dễ nghĩ ngay đến chuyện trộm cắp. Nhưng quan sát thái độ của các nhân viên thư viện hoặc nhân viên bán hàng, tôi thấy rõ một điều: hầu như người ta loại trừ khả năng ấy. Do đó, có khi người ta vẫy tay bảo đi luôn; hoặc nếu đến kiểm tra, người ta cũng kiểm tra với thái độ nhẹ nhàng, xem chuyện còi báo động nổi lên, trước hết, là một lỗi kỹ thuật. Chính vì vậy, người bị kiểm tra không hề thấy bị xúc phạm. Họ thấy họ được tin cậy.

Dưới các chế độ độc tài thì khác. Trên bình diện chính trị, người ta xây dựng sự thống nhất bằng cách chia rẽ: làm cho không người nào tin người nào cả. Không tin nhau nên người ta không thể kết hợp lại với nhau thành một lực lượng đủ sức để làm đối trọng của giới cầm quyền. Biện pháp ấy, trước, chủ nghĩa thực dân đã thực hiện; sau, chủ nghĩa cộng sản cũng như tất cả các chế độ độc tài đều bắt chước. Và càng ngày càng tinh vi dần.

Ngay trên bình diện xã hội, người ta cũng tìm cách chia rẽ để không ai tin ai cả. Có thời, ở mọi chế độ cộng sản, kể cả cộng sản Việt Nam, người ta khuyến khích mọi người tố cáo lẫn nhau. Hàng xóm tố cáo nhau. Bạn bè tố cáo nhau. Anh em tố cáo nhau. Thậm chí, cả vợ chồng và bố mẹ/con cái cũng tố cáo nhau. Không ai chừa ai cả. Bởi vậy không ai dám nói thực với ai điều gì. Lúc nào cũng giấu giếm nhau. Như cái chuyện có lẽ ai cũng biết: có thời, ở miền Bắc, làm thịt gà ăn, người ta phải đào hố chôn lông để hàng xóm khỏi thấy. Thấy là đi tố. Tố là bị mang tội… “tiểu tư sản”.

Trên bình diện chính trị cũng như xã hội, sự nghi ngờ dẫn đến sự thù hận. Không tin nhau, ai cũng nghĩ người khác là kẻ thù lúc nào cũng sẵn sàng rình rập để tố giác và hãm hại mình.

Về phương diện xã hội, cả ở Trung Quốc lẫn Việt Nam hiện nay có lẽ đã khá hơn nhiều. Người ta không cần tố giác nhau như ngày trước nữa. Nhưng về phương diện chính trị, chắc chắn hiện tượng nghi ngờ, rình rập và chơi xấu nhau vẫn còn rất phổ biến.

Chỉ có hai vấn đề là: Một, khi nào những chuyện ấy được phơi bày; và hai, liệu người ta có thể xây dựng một chế độ thực sự mạnh mẽ trên nền tảng sự nghi ngờ như thế?

http://www.voanews.com/vietnamese/blogs/quoc/cuoc-dau-da-o-tq-va-ban-chat-che-do-05-05-2012-150301835.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét