Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




CHUYỆN TƯỞNG TƯỢNG NĂM...CỦA ĐẢNG SPL

LGT: Với tôi, tôi luôn ao ước xã hội mình đang sống là một xã hội tốt đẹp, quyền con người được tôn trọng, luật pháp nghiêm minh, người lãnh đạo đất nước thực sự tài giỏi...y như các nước tư bản phát triển, nhưng khó viết quá. Vừa may bạn Linh Lang gửi cho trankytrung.com một câu chuyện "giả tưởng", đọc giải trí cuối tuần, cũng nói hộ ý nghĩ của tôi. trankytrung.com xin phép Linh Lang đăng lại.

Vì là chuyện giả tưởng, nên các chi tiết trong câu chuyện này hoàn toàn không có thật, đọc cười cho thỏa mái.

Nhưng nếu các chi tiết trong chuyện trở thành sự thật trong tương lai không xa!

Tuyệt vời!
********************
Linh Lang

… Lúc này ở nước Việt Nam  nền dân trí rất cao, Hiến pháp năm 1946 được khôi phục và thực thi, kinh tế ổn định đứng vào hàng ngũ các nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới, được cả thế giới công nhận. Cũng lúc này Trung Quốc không còn do Đảng Cộng Sản nắm quyền, còn Cu Ba đã trở thành một nước tư bản phát triển, bán đảo Triều Tiên thống nhất, hình thành một nước tư bản lớn, tượng, bảo tàng Kim Nhật Thành,  Kim Chính Nhật  biến mất, thủ đô là thành phố Bình Nhưỡng hoa lệ… Chỉ duy nhất ở Việt Nam còn Đảng Cộng Sản nắm quyền, nhưng đây là Đảng Cộng Sản tiến bộ, bao gồm những phần tử trí thức tiêu biểu, có năng lực, nguyện một lòng, một dạ phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân. Họ là những người có đạo đức, sống trong sạch, không tham nhũng được gần như tuyệt đại đa số nhân dân ủng hộ. Ở Việt Nam lúc này ngoài Đảng Cộng Sản nắm quyền, còn nhiều  Đảng phái khác hoạt động công khai như Đảng Xã Hội, Đảng Dân Chủ,  Đảng Việt Tân, Đảng Vì Quyền Người Nghèo, Đảng Cộng Đồng Văn Minh,  Đảng Phụ Nữ Tân Tiến...  Báo chí, xuất bản do nhà nước và tư nhân cùng quản lý, cùng phát hành…

Năm nay gần đến kỳ bầu cử, các đảng phái hoạt động ráo riết, họ đưa ra những kế hoạch lớn tranh cử nhằm tranh thủ được nhiều lá phiếu cử tri trong cả nước với hy vọng trong thành phần chính phủ mới có nhiều thành viên thuộc Đảng của mình.

Thời gian bầu cử đang đến gần…

Đây cũng là thời gian rất bận của Chủ tịch Đảng Cộng Sản Lý Trần Lê. Ông đã hoàn thành tốt trên cương vị lãnh đạo Đảng, đồng thời hoàn thành rất tốt trên cương vị Thủ tướng chính phủ trong nhiệm kỳ vừa rồi. Nhiều việc của ông làm để lại dấu ấn vô cùng tốt đẹp trong con mắt của người dân. Ví như ông dựa vào sự đoàn kết của cả dân tộc, có chính sách ngoại giao khéo léo buộc nhà cầm quyền Trung Quốc không dám gây hấn định chiếm thêm mấy đảo ở quần đảo Trường Sa. Cũng nhiệm kỳ vừa rồi, ông xây dựng quần đảo Hoàng Sa, mà trước đây do quân đội Trung Quốc chiếm đóng trái phép, thành một pháo đài thép, bảo vệ ngư dân, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Cũng thái độ như thế, ông cương quyết không đồng ý cho nhà cầm quyền Trung Quốc khai thác những mỏ lớn ở Tây Nguyên vì như ông nói: “ Một vụ bôxít đã quá đủ !”. Ông xây dựng được một lực lượng quân đội hùng mạnh với trang bị toàn vũ khí hiện đại. Với quan hệ quốc tế, ông giữ vững được sự tự chủ, độc lập, có đối trọng ngang bằng với mấy nước lớn… Về đối nội,  trong việc chống tham nhũng, ông xử lý rất nghiêm khắc, thậm chí cả con ruột, lợi dụng uy tín của bố, với chức vụ Bí thư tỉnh ủy của một tỉnh để xây nhà to, sắm ô tô “ xịn” bị ông cách chức, đưa ra tòa, cho tòa xử theo luật. Đặc biệt trong chính sách hòa hợp dân tộc, ông có những quyết sách hợp lòng người, xóa bỏ mọi hậu thù như sửa sang lại nghĩa trang Biên Hoà, tri ân, cầu siêu cho những người chết trận cả hai bên, hay như có chính sách trợ cấp cho những gia đình có người chết ở phía bên kia, bỏ hẳn từ  “ ngụy” trong các văn bản nhà nước, Công bố toàn bộ tài liệu mật về những cuộc gặp gỡ giữa đại diện của chính quyền cụ Ngô Đình Diệm và đại diện chính quyền của Cụ Hồ, để mọi người có thể hiểu và thông cảm cho những nguyên nhân gây ra trong cuộc chiến tranh vừa qua, xóa bỏ mọi hiểu lầm, từ đó đoàn kết, thương thân. Ông cũng chính thức xin lỗi những gia đình có người thân đã bỏ mạng trong những chuyến vượt biên cách đây gần một trăm năm, xin lỗi những gia đình bị thiệt hại trong “ cải tạo công thương”, bỏ qua những sai lầm quá khứ, đoàn kết thương yêu nhau xây dựng đẹp tổ quốc Việt Nam hiện tại, phấn đấu cuộc sống tốt hơn trong tương lai… Thành quả về văn hóa, kinh tế, chính trị của ông Lý Trần Lê đạt được không nhỏ, uy tín của Đảng Cộng Sản đang ở mức cao hơn bao giờ hết.

 Nhưng ông Lý Trần Lê không thể chủ quan, vì “ chủ quan là bước đầu tiên dẫn đến thất bại” Ông hay nói như vậy với các Đảng viên. Ông còn nói: “ Hiện nay Đảng ta tuy nắm quyền lãnh đạo nhưng không thoát khỏi sự giám sát của nhân dân, đặc biệt là sự giám sát của các Đảng khác. Nếu ta làm không tốt, nhân dân phản đối, đó là thời cơ thuận lợi cho các Đảng khác khai thác để họ giành được quyền lãnh đạo. Tuyệt đối trong các chính sách của Đảng đề ra không được làm cho nhân dân phẫn nộ, các Đảng khác lợi dụng công kích…”.

Đúc rút thêm kinh nghiệm lãnh đạo, cũng là những bài học cần có của một người đứng đầu một Đảng, hay tin Đảng SPL, Đảng của các Nhà văn, Nhà thơ, Nhà phê bình…Việt Nam nhóm họp Hội nghị bất thường lấy ý kiến xây dựng Đảng và cá nhân ông Chủ tịch Đảng SPL, ông Chủ tịch Đảng Cộng Sản Lý Trần Lê đề nghị cho phép tham dự. Đề nghị của ông được Ban chấp hành Đảng SPL đồng ý cho ông tham dự với tư cách đại biểu dự thính
        
Vì sao ông Chủ tịch Đảng Cộng Sản lại muốn dự Hội nghị bất thường lấy ý kiến xây dựng Đảng của Đảng SPL? 

Có rất nhiều nguyên nhân. Sau khi khôi phục hiến pháp năm 1946, ở Việt Nam cho phép thành lập các Đảng mới khi hội tụ đủ các điều kiện.  Hội Nhà Văn Việt Nam có hơn 4000 hội viên, dưới sự điều hành của Ban cố vấn gồm  Nhà thơ, Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Thành, Nhà văn, Nhà thơ, Họa sỹ Trần Vương,  Nhà văn Nguyễn Quang Trình, Nhà thơ, Nhà báo Văn Công Dũng…cùng một số nhà văn, nhà thơ nổi tiếng khác đề nghị Hội Nhà Văn tách ra khỏi Đảng Cộng sản, hoạt động độc lập, lập ra một Đảng mới, lấy tên Sống Phải Lớn ( SPL), với ý nghĩa: Nhà văn, Nhà thơ, Nhà phê bình… đã sống và viết thì phải Lớn về nhân cách, Lớn về tác phẩm, Lớn về lý tưởng, Lớn về số lượng Đảng viên, Lớn về tính đoàn kết…Ý kiến của Ban cố vấn được 100o/o Hội viên tán thành. Đảng SPL có cương lĩnh, chương trình hành động đàng hoàng… Thu hút được số lượng Đảng viên đông đảo không thể tưởng. Ban đầu mới có 4000 Đảng viên, chỉ một thời gian ngắn, đã phát triển với số lượng hơn một  triệu Đảng viên. Nhiều Nhà văn ở hải ngoại như Võ Luận, Phan Nhật Bắc, Mai Mộc…cũng xin về nước để ra nhập Đảng SPL. Nhiều Đảng viên ở các Đảng khác tự động bỏ Đảng để xin nhập vào Đảng SPL. Được là Đảng viên của Đảng SPL là niềm tự hào, đến độ có người ra đường, không phải là Đảng viên của Đảng SPL, gây tai nạn giao thông, cũng tự vỗ ngực: “ Tôi là Đảng viên Đảng SPL” để mong công an chiếu cố, cho qua.  Rồi có người không được xét vào Đảng SPL thì ngày đêm vật vã, khóc than còn hơn bố chết: “ Trời ơi! Cho tôi vào… vào … SPL”…

Ông Chủ tịch Đảng Cộng Sản muốn tìm hiểu nguyên nhân nào đưa Đảng SPL đến kết quả đẹp như vậy?

Ông Chủ tịch Đảng Cộng Sản đến dự Hội nghị bất thường lấy ý kiến xây dựng Đảng của Đảng SPL là muốn tìm hiểu nguyên nhân nữa, vì sao Đảng này lại có tính đoàn kết cao ? Đến nỗi bây giờ đã có câu thành ngữ phổ biến trong dân gian “ Đoàn kết như Hội Nhà Văn, như SPL”. Nếu như trước đây tiền thân của Đảng SPL là Hội Nhà Văn rất mất đoàn kết, bên ngoài tưởng là vui vẻ, nhưng bên trong không ai chịu ai, nói xấu sau lưng vô cùng tận, rồi tự tâng bốc, tự đề cao nhau, tranh nhau giải thưởng, đi cửa sau để vào Ban chấp hành, vào Hội… nói ra thì nhiều vô kể, rất xấu hổ, nhưng đến bây giờ là bộ mặt của Đảng SPL hoàn toàn khác, khác đến ngạc nhiên. Trên dưới đồng lòng, nhất hô bá ứng. Có một chuyện, ai trong Đảng SPL cũng biết. Nhà thơ nổi tiếng dòng “ Ngựa Chứng” Trần Mạnh Tốt  đi đâu cũng nói: “ Nếu tôi chết hãy chôn tôi cạnh mộ nhà thơ Hữu Cầu hoặc ngược lại Hữu Cầu hãy nằm cạnh tôi! ”. Nhà thơ Trần Mạnh Tốt nói câu này, vì trước đây có dư luận cho rằng, giữa hai nhà thơ này hay có những sự bất đồng, thậm chí theo truyền thuyết “ngũ ma vương” ( Tất nhiên là truyền thuyết thì có thể đúng, có thể sai). Trong một kỳ Đại hội của Hội Nhà văn, nhà thơ Trần Mạnh Tốt lên phát biểu , nhà thơ Hữu Cầu ở đoàn chủ tịch thấy nhà thơ Trần Mạnh Tốt phát biểu “ ngoài lề”, ghét quá đã ra lệnh ngắt điện micrô. Thế là xảy ra một chuyện “không hay” ồn ào cả Đại hội. Nhà văn, Nhà thơ thân với nhau ai lại làm thế! Mọi người nghe chuyện đó đều không tin, vì trước mặt, một hình ảnh thường thấy nhà thơ Trần Mạnh Tốt và nhà thơ Hữu Cầu gặp nhau, cứ gặp là ôm, cứ gặp là hôn, thân thiết không thể tưởng.

Ngoài ra, còn bộ máy điều hành của Đảng SPL thì thật là tuyệt vời. Tinh gọn, khoa học, hiệu quả rất cao, rất minh bạch, trong sạch. Khác hẳn bộ máy của Đảng Cộng Sản.  Ban chấp hành Đảng SPL chỉ có ba người. Đứng đầu là Chủ tịch Hội Nhà Văn kiêm Chủ tịch Đảng SPL là nhà phê bình Phạm Xuân Bình . Ông tuy nhiều tuổi, vẫn còn sức hút rất lớn, nhất là với các Nhà văn, Nhà thơ phái nữ. Vì sao nhà phê bình Phạm Xuân Bình ở chức vụ này ? Vì ông đã có gần hai mươi năm làm chủ tịch Hội Văn Học – Nghệ thuật thủ phủ Văn Hiến, kinh nghiệm tổ chức, đoàn kết các Đảng viên đầy mình, ngoại giao rộng, là bạn thân của nhiều chính khách lớn thế giới. Nhà phê bình Phạm Xuân Bình còn tinh thông nhiều ngoại ngữ, ông có sức đọc sách thật khủng khiếp. Bất cứ quyển sách nổi tiếng nào trên thế giới vừa xuất bản, ông đều đọc và trích dẫn không sai đến dấu phẩy.  Tuy hơn sáu mươi tuổi những Nhà phê bình Phạm Xuân Bình sức khỏe vẫn cường tráng, da mặt hồng hào, mái tóc bạc mầu ánh kim, xõa xuống trán trông thật hiền triết, cách ăn mặc trông hơi bụi nhưng tư thế lúc nào cũng như đang sẵn sàng trả lời phỏng vấn với bất cứ vấn đề gì của thế giới. Nhiều nhà văn thế giới được giải thưởng Nôben là bạn thân, sang Việt Nam đều ngủ ở nhà ông. Như nhà văn nữ Yathanga, người nước Thangalara, được giải thưởng Nôben năm 31…đã từng nói: “ Cả đời, tôi chỉ ao ước được nằm cạnh nhà phê bình Phạm Xuân Bình một đêm. Ngày mai chết cũng sướng!”.

 "Như thế để biết rằng, chọn được một người vào lãnh đạo chức Chủ tịch một Đảng không hề đơn giản! Phải là người giỏi thực sự”. Ông Chủ tịch Đảng Cộng Sản Lý Trần Lê khi biết tiểu sử của Chủ tịch Đảng SPL đã suy nghĩ như vậy. Vì đã có lúc Đảng của ông độc quyền lãnh đạo, tưởng điều gì cũng biết, điều gì cũng có thể giải quyết được, mọi điều nói ra đều đúng hết. Thế mới có chuyện buồn cười. Hồi nảo, hồi nào, có một ông Tổng… thời đó, người ta gọi ông này là “ Tổng lú”. Ai đời thế giới đã đưa người đến tận sao Kim, sao Mộc, thế mà ông ta đến nước có hình “ con cá thờn bơn”  ở bên kia bán cầu rao giảng: “ Nước tôi tiến thẳng lên sao Hỏa, bỏ qua gia đoạn phát triển tên lửa hay tàu vũ trụ…”. Bạn hỏi: “ Không phát triển tên lửa, tàu vũ trụ thì các đồng chí lên sao Hỏa bằng cách nào?”. Ông Tổng này nói ngay: “ Chúng tôi lên sao Hỏa bằng học thuyết của mấy ông râu xồm. Học thuyết này có thể cải tạo cả thế giới, lên sao Hỏa là chuyện nhỏ!”… Đầu óc của ông này nhận thức đã về mo, cô đặc còn nhỏ hơn hạt nhãn, nên ông ấy nói với kiến thức lạc hậu cách đó gần hai trăm năm.  Mọi người ngồi nghe lắc đầu ngán ngẩm. Đau một cái, là chuyện này cứ như chuyện tiếu lâm, họ hay kể trong những cuộc nhậu. Nhìn trình độ của chủ tịch Đảng SPL hiện nay với ông Tổng “ lú” xưa kia, thật khác nhau một trời, một vực. Ông Chủ tịch Đảng Cộng Sản Lê Trần Lý có lúc nghĩ về chuyện cũ, thầm so sánh.

"Khi ông Chủ tịch Đảng Cộng Sản Lý Trần Lê đến trụ sở của Đảng SPL  tòa nhà liên hợp 42 tầng, rộng mấy nghìn mét vuông đặt tại số 9 - Nguyễn Đình - Thủ phủ Văn Hiến - đã thấy rất đông các Đảng viên của Đảng SPL tụ hợp, không khí rất sôi nổi. Chỗ này thì tập lại bài hát truyền thống nói về tinh thần đoàn kết thương yêu nhau từ thời khốn khó: “ Năm anh em ta mang năm cái tên/ Ấy khi lên xe không còn tên riêng nữa…”. Bài hát này, ra đời cách đây hơn một trăm năm, cái hồi xa lắc chống Mỹ, bộ đội xe tăng hay hát, lời của nhà thơ Hữu Thỉnh, nhạc Doãn Nho. Nhà thơ Hữu Cầu (cùng họ với nhà thơ Hữu Thỉnh)  tính hay cảm động, nghe lời bài hát mà nước mắt rơm rớm, hết ôm lưng người này, lại vỗ vai người khác, thốt lên : “ Tuyệt vời! Tuyệt vời!”. Còn chỗ khác, một đám đông vây quanh nhà thơ Nguyễn Trọng Thành, Nhà thơ Nguyễn Trọng Thành tuổi cũng gần bảy mươi nhưng nước da vẫn “vượng”, đỏ au, dáng thẳng, giọng mạnh mẽ đứng cạnh một cô gái, nghe đâu đây là vợ thứ bảy, Nhà thơ vừa cưới. Mọi người đề nghị Nhà thơ hát bài hát “khúc hát sông quê” một bài hát được Nhà thơ, Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo (lại trùng họ với với nhà thơ Nguyễn Trọng Thành) sáng tác cách đây cũng gần một trăm năm, sống mãi với thời gian vì bài hát mang âm hưởng dân ca, ca ngợi vẻ đẹp đất nước, hồn núi sông, tình cảm con người với quê hương ruột thịt. Nhà thơ Nguyễn Trọng Thành rút ra một chai rượu ngoại trong túi ra (Nhà thơ Nguyễn Trọng Thành uống rượu ngoại như uống nước lã), ông tợp một hớp rồi hát: “ … Ơi con sông quê, con sông quê…” thế là tất cả cùng đồng ca rộn rã : “ …Ơi con sông quê, con sông quê…” Tiếng hát làm rạo rực cả một góc sân, vui đáo để. Phía xa kia, không biết Nhà văn Nguyễn Quang Trình, nói gì, thỉnh thoảng lại lấy tay xoa cái đầu trọc rồi cười he… he… Nhà văn Nguyễn Quang Trình sống vô tư nên trẻ lâu, gần bảy mươi  mà trông như nhà văn đang ở tuổi của năm 2012. Mọi người đứng quanh nghe Nhà văn kể chuyện cũng cười ngả nghiêng. Nhà văn Nguyễn Quang Trình rất được các Đảng Viên trong đảng SPL nể phục về cách hành văn, cũng như đề tài viết. Nhà văn viết không giống ai, đủ các loại đề tài từ bạn bè, nhà trường, xã hội….với giọng văn tưng tửng. Đọc thì cười đấy, nhưng nghĩ một lúc lại rơi nước mắt. Tác phẩm của Nhà văn Nguyễn Quang Trình rất nổi tiếng, dịch ra hàng chục thứ tiếng trên thế giới. Nhà văn vừa nhận được giải thưởng văn học Noben. Toàn bộ tiền thưởng gần hai triệu đô la, Nhà văn liền ủng hộ quỹ : “ Cộng đồng giúp đỡ những nhà văn nghèo” do Nhà văn Phạm Ngọc Mạnh làm chủ tịch. ( Nhà văn Phạm Ngọc Mạnh vừa là Nhà văn, Nhà biên kịch nổi tiếng. Viết văn cũng như viết Kịch bản phim rất nhanh, ai cũng phục. Nhưng phục hơn, là làm công tác từ thiện, tuy bị tiểu đường rất nặng, lại lo chuyện cơm áo gạo tiền… cho gia đình, nhưng hễ đâu cần, Nhà văn Phạm Ngọc Mạnh đi liền…bất chấp bệnh tật, bất chấp…đầu trọc! Nên thế, mọi người nhất trí đề cử cho nhà văn Phạm Ngọc Mạnh giữ chức vụ này. Có đưa tiền đóng góp từ thiện cho Nhà văn Phạm Ngọc Mạnh giữ, ai cũng yên tâm). Quay lại chuyện của Nhà văn Nguyễn Quang Trình.  Vừa rồi không may nhà văn Nguyễn Quang Trình bị tai biến lại, di chứng của một lần nhậu cách đây hơn ba mươi năm. Rất may tổng thống Mỹ hay tin liền cử một đội bác sỹ giỏi sang chữa trị. Vì như Ông tổng thống Mỹ giải thích: “ Nhà văn Nguyễn Quang Trình, hiện không phải là “ tài sản văn học vô giá của Việt Nam mà của toàn thế giới” chúng tôi rất kính trọng”. Tuy thế Ông tổng thống Mỹ cũng có lời khuyên: “ Mong nhà văn Nguyễn Quang Trình bớt nhậu, bớt uống rượu. Tôi nghe tin có lần Nhà văn định dùng “ niệu liệu pháp” của chính Nhà văn để chữa bệnh, nhưng vì toàn mùi bia, nên nhà văn không dám uống Vậy nhậu nhiều có nên không?”. Lời khuyên của tổng thống Mỹ quá thấm thía, quá chân thành không biết nhà văn Nguyễn Quang Trình có nghe ra !!!

 Ở một góc sân bên trái là Nhà thơ, Nhà văn kiêm Họa sỹ Trần Vương đang cố gắng ký họa chân dung một số nhà văn, nhà thơ mà ông quý mến ! Mái tóc bạc xõa lấp như chuẩn bị che mắt, mồ hôi rơi thành giọt, cặp kính chảy sệ xuống sống mũi… hình như điều đó không làm cho  Nhà văn, Nhà thơ kiêm Họa sỹ Trần Vương để ý, ông vẫn mải mê ký họa. Bên ngoài, hết lớp nhà văn này, đến lớp nhà thơ khác xếp hàng chờ đến lượt được Nhà văn, Nhà thơ kiêm Họa sỹ Trần Vương vẽ chân dung. Cũng phải nói thêm, tranh của Nhà văn, Nhà thơ, kiêm họa sỹ Trần Vương đã được treo vài bức ở tiền sảng của tòa nhà Liên Hợp Quốc, nhà khách chính phủ Việt Nam. Nhiều bức tranh của ông được bán đấu giá với giá rất cao ở Anh, Ý, Pháp… Đặc biệt Ông có một trang báo mạng, lượng người truy cập một ngày lên đến số vạn, ai được ông in trên trang báo mạng này, dễ thành người nổi tiếng. Hỏi về sự thành công này, Nhà văn, Nhà thơ, kiêm Họa sỹ Trần Vương vẫn rất khiêm tốn: “ Tôi có được thành quả như ngày nay là do tôi học tập ông cụ cố tổ của tôi là Nhà văn, Nhà thơ, Họa sỹ Trần Nhương. Tấm gương của Ông có lẽ đến muôn đời , tôi vẫn chưa theo kịp…”

Nhà văn Việt Nam thương yêu nhau quá! Lớn quá! Vĩ đại quá! Đoàn kết quá ! Tài giỏi quá! Chứng kiến những cảnh đó,  ông  Chủ tịch Đảng Cộng Sản Lý Trần Lê thầm cảm phục.

 Khi thấy Ông Chủ tịch Đảng Cộng Sản kiêm Thủ tướng bước vào, có rất nhiều Nhà văn, Nhà thơ… ra chào. Ông chào lại, trong không khí đầm ấm. Mọi người cùng Ông đi vào hội trường. Hội trường khang trang hiện đại nhưng bày trí rất giản dị, thân mật. Trên đoàn Chủ tịch chỉ có một bàn do Chủ tịch Đảng SPL điều khiển chương trình, bên cạnh là bàn thư ký của Nhà thơ Văn Công Dũng. Nhà thơ Văn Công Dũng làm công việc này là phù hợp vì chỉ ngồi một mình nhưng trông rất chỉnh chu, khoa học khác hẳn với hình hài, thấp, mập, đầu trọc của ông. Ông sử dụng thiết bị điện tử thành thạo, viết bài truyền tin nhanh, quản giao rộng, biết thư giãn khi không khí căng thẳng, ai cũng mến – Cũng là một cách chọn người điều khiển chương trình hay, không giống như bên Đảng Cộng Sản, khi có Đại hội, đoàn Chủ tịch cứ ngồi cho đúng, cho đủ Ban bệ, có khi lên đến cả mấy chục người, rất lãng phí,  ngồi đó cho có, chứ không biết ngồi để làm gì ! – Ông Chủ tịch Đảng Cộng Sản nhìn thế,  thầm so sánh và kết luận – Điều này nên học tập.

Khi mọi người đã an vị, với tác phong đĩnh đạc, Chủ tịch lâm thời Đảng SPL Phạm Xuân Bình long trọng tuyên bố khai mạc Hội nghị. Trước khi vào nội dung chính của Hội nghị, như thường lệ ông Chủ tịch đề nghị toàn thể đại biểu xem lại một đoạn phim tư liệu quay lại hình ảnh của các Nhà văn, Nhà thơ… của Hội Nhà Văn cách đây gần một trăm năm để tự hào với truyền thống của cha ông, làm thật tốt nhiệm vụ của một Nhà văn, Nhà thơ…một Đảng viên của Đảng SPL hiện nay. Những hình ảnh phim màu xen lẫn đen trắng hiện ra trước mắt mọi người… Kìa ai đang ngồi sau tay lái, khuôn mặt thư sinh, vầng trán cao, ánh mắt cương nghị như hút người nhìn…Tất cả ẩn dưới chiếc mũ sắt, mọi người đang ngồi xem ồ lên: “ Nhà thơ Phạm Tiến Duật…Trời ơi! Bây giờ tôi mới thấy hình ảnh này…” – Có người thảnh thốt. Tiếng người dẫn chuyện: “ Các bạn đang thấy hình ảnh của một nhà thơ - người lính Trường Sơn năm xưa, nhà thơ Phạm Tiến Duật. Một nhà thơ đi vào chiến trường với một trái tim quả cảm của người Việt yêu nước, sống là hiến dâng, là chấp nhận tất cả cho tổ quốc trường tồn… Dẫu có bị thương và đến bệnh xá nhưng anh vẫn khao khát trở lại chiến trường, nên thế mới có lời trách nhẹ nhưng sức nặng tinh thần rất lớn: “ …Vết thương xoàng mà cũng đưa vào viện/ hàng còn chờ đó, tiếng xe reo…”. Và rồi trên màn ảnh lại hiện lên một người lính giải phóng đội mũ tai bèo, chân đi dép cao su, quần sắn ống thấp, ống cao,  trên vai đeo một gùi nặng, nét mặt khắc khổ,nhưng ánh mắt vẫn nhìn thẳng. Tiếng người dẫn chuyện: “ …Trong cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc, tìm con đường sống cho tổ quốc, nhiều Nhà văn, Nhà thơ của chúng ta đi vào chỗ chết nhẹ tựa lông hồng, là bởi họ thấy sự che chở vĩ đại của người dân, điển hình là những người Mẹ anh hùng, dám hy sinh thân mình để bảo vệ những đàn con thân yêu : “ …lòng mẹ giăng như lũy, như thành/ Che chở mỗi bước chân con bước…”. Mọi người ngồi xem nhận ra, người xuất hiện trên màn ảnh, chính là nhà thơ Bùi Minh Quốc. Một người ngồi xem khẽ nhắc người bên cạnh : “ Ngày xưa, thơ ông này nổi tiếng lắm, thơ của ông dẫn dắt thanh niên ra trận đấy. Sau này, khi hòa bình, ông ấy còn thể hiện bản lĩnh đấu tranh một mất, một còn để bảo vệ sự trong sáng của Đảng…”. Ông kia ngắt lời ngay: “ Thôi con xin bố, thế ông ấy mới khổ! Thời ấy đâu phải như thời bây giờ, ông ấy cũng bị đánh bầm dập lên, xuống. May mà… bây giờ họ hiểu ra, ghi ơn bằng cách lấy tên ông đặt tên cho một con đường ở Đà Lạt.”. Ông kia hỏi giật lại: “ Đúng không? Tin này bây giờ tôi mới biết…”. Màn ảnh tiếp tục xuất hiện chân dung của những nhà văn lớn, mà một thời, tác phẩm của họ như tiếng kèn xung trận, thúc giục mọi người lao lên phía trước, chiến thắng quân thù… Trên màn ảnh lại xuất hiện một đoàn biểu tình… Cái gì thế kia! Một biểu ngữ màu đỏ, chữ vàng dăng ngang, đập thẳng vào mắt mọi người: “ Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, “Đả đảo quân Trung Quốc gây hấn xâm lược!”. Một người dáng thấp, áo trong quần chỉnh tề, mái tóc thưa ngả màu bạc, lưng đẫm mồ hôi miệng vẫn thét vang: “ Đả đảo! Đả đảo !”. Tiếng người dẫn chuyện: “ Cách đây gần một trăm năm, đất nước ta tuy thống nhất, hòa bình nhưng có mấy lần ngả nghiêng chao đảo bởi âm mưu bành trướng xâm lược của nhà cầm quyền Trung Quốc. Chúng dùng những âm mưu thâm độc nhằm chia rẽ ly tán tầng lớp lãnh đạo, chúng lợi dụng một số kẻ lãnh đạo nhu nhược, yếu hèn để tấn công hòng đi đến thôn tính xâm lược Việt Nam. Một lần nữa, những Nhà văn chân chính phải lên tiếng. Trước mắt chúng ta là Nhà văn Nguyên Ngọc, bất chấp tuổi già, bất chấp sức khỏe, trong những cuộc tuần hành chống lại mưu đồ thôn tính của nhà cầm quyền Trung Quốc ở Hà Nội, Nhà văn Nguyên Ngọc cùng nhiều nhà Trí thức lớn luôn đi đầu, cùng tuần hành với những người dân yêu nước lên án âm mưu xâm lược của nhà cầm quyền Trung Quốc, tấm gương sáng của một nhà văn Lớn, một trí thức Lớn sống mãi…”. Nhiều Nhà văn, Nhà thơ… xem hình ảnh đó, rút khăn tay thấm thấm nước mắt. Trong lòng Chủ tịch Đảng Cộng Sản Lý Trần Lê trào lên nỗi xúc động lớn lao, cảm giác rất ân hận cho cha ông từng một thời, khi nắm quyền lãnh đạo, đối xử không hay với Nhà văn, Nhà thơ gây nên những vụ án chấn động như vụ “ Nhân văn - Giai phẩm” xảy cách đây cũng hơn một trăm năm… “ Nếu được phát biểu, mình cũng phải xin lỗi một lần nữa, dẫu đã xin lỗi hàng trăm lần…” Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu của Chủ tịch Đảng Cộng Sản Lý Trần Lê…

Sau mười lăm phút xem phim tư liệu, đến phần chính của Hội nghị. Chủ tịch Đảng SPL yêu cầu mọi người đứng lên làm lễ chào cờ. Bài Quốc Ca vang lên hùng tráng, mọi người đứng im đồng thanh hát vang như vỡ lồng ngực. Tiếp sau là bài Đảng Ca SPL, do Nhạc sỹ, Nhà thơ Nguyễn Trọng Thành sáng tác. Mọi người cùng hát vang, nhất là câu: “… Anh em ta cùng thương yêu nhau, đoàn kết, thật lòng đưa Đảng SPL ta tiến tới bình minh, rạng rỡ non sông, đất nước Việt Nam từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau, từ Hoàng Sa, Trường Sa đến dãy Trường Sơn vững vàng trường… tồn…”. Chữ “ tồn…ồn…ồn…” ngân thật xa, thật lắng đọng.

Khi đi vào phần nội dung Đại Hội, Chủ tịch Đảng Phạm Xuân Bình giới thiệu các đại biểu các Đảng phái khác tới cùng tham dự. Ngoài ông Lý Trần Lê, Chủ tịch Đảng Cộng Sản kiêm Thủ tướng chính phủ, mọi người còn thấy ông Cù Huy Hà Bão, Chủ tịch Đảng Vì Quyền Người Nghèo, cũng đến dự với ý định học hỏi kinh nghiệm của Đảng SPL. Ông Cù Huy Hà Bão ngồi cạnh ông Lý Trần Lê, hai người bắt tay nhau, cùng cười thân thiện,  trông rất thân mật. Nhìn cảnh đó, một nhà văn nói với nhà thơ ngồi bên cạnh: “ Cứ đoàn kết,  thương yêu nhau thế này thì thế lực phản động nào có thể nói xấu chế độ của mình!”. Nhà thơ kia trả lời: “ Cũng phải đổi bằng máu và nước mắt đấy ông ạ! Ông có nhớ câu nói nổi tiếng của ông tổ Cù Huy Hà Bão là Luật sư Cù Huy Hà Vũ, khi ông ấy bị tuyên án tù 7 năm vì tội “ kích động, chống CNXH, chống Đảng ” cách đây gần một trăm năm không ? “ Nhân dân và tổ quốc sẽ xóa án cho tôi!”. Ông nhà văn kia ngạc nhiên:” “ Ông ấy bây giờ được dựng tượng mà thời ấy cũng bị đi tù cơ à? Tôi không tin!”… Mà không tin thật, một người chuộng công lý, yêu lẽ phải, sự thật… cách đây gần một trăm năm đã phải vào tù vì muốn đất nước Việt Nam có công bằng, dân chủ…Nhưng thôi, lúc này không nên nhắc lại chuyện quá khứ. Lịch sử nước nào chẳng có những bước đi sai lầm. Điều quan trọng là nhìn nhận ra sai lầm đó để đừng lặp lại. Bây giờ là một bằng chứng, ông Cù Huy Hà Bão, cháu sáu đời của ông luật sư Cù Huy Hà Vũ đang ngồi bên cạnh Chủ tịch Đảng Cộng Sản coi nhau như anh em một nhà. Như thường lệ Nhà Văn, Nhà thơ kiêm Họa sỹ Trần Vương lại mang camêra ra quay hình ảnh rất đẹp này để tối đưa lên báo mạng cho toàn thế giới thưởng thức.

 Phía bên trên, Chủ tịch Đảng SPV Phạm Xuân Bình đang tóm tắt quá trình hoạt động của Đảng từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chủ tịch nhấn mạnh: “… Đảng của chúng ta có một đặc thù, đặc thù này, có thể nói không Đảng nào trong nước có được. Đó là Đảng tập trung toàn bộ Nhà văn, Nhà thơ, Nhà biên dịch, Nhà phê bình …trong nước. Tức là những người tài năng thể hiện bằng tác phẩm, bằng sự hâm mộ của người đọc. Tác phẩm của chúng ta có thể không làm ra tiền nhưng sức mạnh tinh thần của nó thì không thể cân đo đong đếm …bằng tiền, nó mạnh hơn bom nguyên tử, nó lớn hơn cả trái đất, thiên hà, nó có thể là lực đẩy để xã hội tiến nhanh hơn, mọi người sống với nhau đoàn kết thân ái hơn…” . Tiếng vỗ tay của các đại biểu vang lên, Chủ tịch Đảng Phạm Xuân Bình ngừng đọc, ánh mắt nhìn xuống dưới, cảm động. Đợi tiếng vỗ tay vừa dứt, Chủ tịch Bình vuốt vội mái tóc bạch kim đang rũ xuống trán, đọc tiếp: “…Chúng ta vô cùng cảm ơn Đảng Cộng Sản, Đảng cầm quyền hiện nay, với tầm nhìn sáng suốt, có đội ngũ lãnh đạo đầy bản lĩnh, tri thức, dám chấp nhận phản biện, đa đảng… đưa đất nước chúng ta tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên một xã hội Dân chủ, Văn minh, Hiện đại thực sự…”  Giọng của Chủ tịch Bình hào sảng
:
 "… Hiện nay, Đảng Cộng Sản đang làm tốt vai trò lịch sử của mình, chúng ta ủng hộ. Nhưng nếu trong cuộc bầu cử sắp tới, với những khuyết điểm mà các Đảng khác chỉ ra, trong đó có Đảng SPL, Đảng Cộng Sản không sửa chữa, có ông Chủ tịch Đảng Cộng Sản ngồi đây, chúng tôi sẽ không ủng hộ, chúng tôi sẽ ủng hộ các Đảng khác có cương lĩnh tranh cử lành mạnh hơn, hoặc như, chúng tôi, những Nhà văn, Nhà thơ của Đảng SPV sẽ đứng ra, qua cuộc bầu cử này, lấy sự ủng hộ của cử tri, thành lập một chính phủ mới, lãnh đạo đất nước…” Tiếng vỗ tay bên dưới vang lên, rộn rã… Ông chủ tịch Đảng Cộng Sản Lý Trần Lê nghe vậy, cảm động không thể nói bằng lời. Một suy nghĩ miên man cứ chảy trong đầu ông: “ Sao đất nước Việt Nam có những Nhà văn, Nhà Thơ tuyệt vời đến thế! Bác Hồ ơi về đây vui với chúng con.” Nghĩ đến đây Ông Chủ tịch Đảng Cộng Sản lại nhớ một chuyện, ngày đưa xác của Cụ Hồ ra khỏi Lăng để hỏa thiêu theo đúng di chúc của Cụ để lại, các Nhà văn, Nhà thơ Việt Nam đều khóc, cho dù chính họ đề xuất với Ông Chủ tịch Đảng Cộng Sản về việc này. Theo di chúc, tro cốt của Cụ Hồ chia ra làm ba lọ để trong một ngôi đền, ngôi đền này được dựng trên ba ngọn đồi lớn của ba miền Bắc Trung, Nam cho đồng bào đến viếng. Mỗi người đến viếng mang theo một cây trồng ở ngọn đồi đó. Bây giờ ước nguyện của Cụ Hồ  đã thành sự thật.  Rừng cây Bác Hồ rộng lớn, bát ngát màu xanh ở ba miền giúp điều hòa thời tiết, tạo được nhiều chốn “ bồng lai tiên cảnh” thu hút khách du lịch, môi trường tự nhiên giữ vững, muôn thú trở về. Vì là rừng cây Bác Hồ linh thiêng, nạn phá rừng triệt tiêu, ích nước, lợi nhà. Người trồng cây nhiều nhất, theo báo cáo,  chính là các Nhà văn, Nhà thơ Việt Nam. 

Tiếp theo đến phần góp ý cho Chủ tịch Đảng SPL. Mỗi người đều được tự do góp ý kiến trên tinh thần dân chủ, xây dựng. Bên dưới  những hàng ghế hiện đại có thể giúp người ngồi nghe không mỏi lưng vì có hệ thống mát xa gắn liền, có thể đấm bóp một cách êm ả, không phát ra tiếng động làm cho từ chân đến đầu bớt mỏi, hoặc nó có thể giúp cho người ngồi nghe không ngủ gật bằng cách, chỉ cần vào nút đỏ kề bên, lập tức có chiếc khăn ướt đưa ra để lau mặt. Một Nhà văn nhìn chiếc ghế hiện đại như vậy, nói thì thầm với Nhà văn bên cạnh: : “ Ông có nhớ kỳ đại hội nào đó diễn ra ở Hội trường trường gì đó lớn lắm ở phủ Văn Hiến ta  … cách đây cũng gần trăm năm rồi ấy nhể? Hình ảnh còn ghi lại ấy. Lúc giải lao trong hội trường chẳng có chỗ nghỉ, người thì ngả ra ghế, người thì ra ngoài tìm chỗ ngả lưng trên ghế đá. Có người ngồi ngủ gật dưới gốc cây…Trông không ra thể thống gì cả! “Đại” với chẳng “Hội”. Bây giờ nhìn lại, đúng là khác xa một trời một vực!”. Ông nhà văn nghe bạn nói vậy, gắt: “ Thôi, quên đi ông! Nhắc lại làm gì cho mệt.”. Ông Nhà văn kia cười giả lả, xoa dịu: “ Thì ông cũng phải để cho tôi ôn nghèo, nhớ khổ chứ! ”. Rồi hai ông Nhà văn ngồi ngay ngắn lắng nghe và quan sát mọi người góp ý với Chủ tịch Đảng SPL.

           Một ý kiến đề nghị tài chính công khai, và hỏi Chủ tịch Đảng Phạm Xuân Bình : “ Chủ tịch lấy tiền đâu để sửa lại căn hộ khu chung cư mà Chủ tịch đang ở? Trong khi lương của Chủ tịch, theo chúng tôi biết, chỉ khoảng sáu triệu một tháng. ” . Chủ tịch Phạm Xuân Bình định đứng đậy trả lời, thì ở bàn thư ký, nhà thơ Văn Công Dũng đã đứng lên trả lời thay: “ Thưa các bác ! ( Nhà thơ Văn Công Dũng hay có cách xưng hô như thế bất kể già hay trẻ, gái hay trai…đàn ông thì được, mấy chị nghe Nhà thơ xưng hô như thế hay tự ái. Góp ý bao lần Nhà thơ cứ cười trừ “ Tớ quên, xin lỗi, rút kinh nghiệm” . Thế mà vừa gặp một chị Nhà thơ U40, nhà thơ Văn Công Dũng lại “ Chào bác!” Chán không thể tưởng).- Nhà thơ Văn Công Dũng nói tiếp: “ Vấn đề này ban kiểm tra Đảng đã thẩm tra, hiện chúng tôi đã có đầy đủ bằng chứng, chứng từ hóa đơn của con gái Nhà phê bình Phạm Xuân Bình ở Đức, thông qua Đại sứ quán Việt Nam xác nhận, với số tiền 10.000 ero của con gái gửi về cho Nhà phê bình Phạm Xuân Bình sửa căn hộ trong khu chung cư rộng 48 m2 ” Tiếp đó, Nhà thơ Văn Công Dũng dùng láptốp của mình chiếu lên màn hình những chứng từ hóa đơn sửa căn hộ trong khu chung cư của Chủ tịch Đảng SPL. Chủ tịch Đảng Cộng Sản Lý Trần Lê chứng kiến việc đó, gật gù: “ Trung thực quá, minh bạch quá ! Thế kia ai dám nói xấu lãnh đạo!”. Rồi có ý kiến đề nghị công khai số tiền đã xây trụ sở ở 9 – Nguyễn Đình. Lập tức Nhà văn Hoàng Minh Xây, người được Ban chấp hành Đảng SPL cử ra làm trưởng ban xây dựng công trình này, đứng lên giải thích. ( Nhà văn Hoàng Minh Xây tác giả của cuốn tiển thuyết “ Thời Của Bão Tố”, cuốn tiểu thuyết này được dịch ra mười lăm thứ tiếng trên thế giới, cũng là cuốn sách gối đầu giường của rất nhiều vị nguyên thủ quốc gia). Nhà văn Hoàng Minh Xây nói: “ Việc xây trụ sở của Đảng, nơi chúng ta đang ngồi, có đấu giá công khai minh bạch. Có sự giám sát của một Ban do tất cả những Nhà Văn, nhà Thơ có uy tín do chúng ta cử lên. Toàn bộ chứng từ thanh toán có chữ ký của tất cả những người giám sát, không thể xảy ra thất thoát, hay tham ô. Nên thế, số tiền dự kiến xây trụ sở này, chúng ta đã tiết kiệm được mười lăm phần trăm, thành tiền là… số tiền này đã nhập vào công quỹ của Đảng”. Vừa nói Nhà văn Hoàng Minh Xây, chiếu lên màn ảnh chứng từ thanh, quyết toán, cảnh giám sát làm việc với bên B… Nhà văn Hoàng Minh Xây nói xong, mọi người đều hoan nghênh việc làm  khoa học, minh bạch, đạo đức của Nhà văn. Nhà văn Hoàng Minh Xây ngồi xuống, nét mặt hân hoan vì đã làm tròn nhiệm vụ của một Đảng viên Đảng SPL.  Trong đầu ông một tứ tiểu thuyết lại hình thành có thể đặt tên: “ Thủy Hỏa Đạo Tặc”. Nghĩ thế ông lại giật mình: “ Chết! Cuốn tiểu thuyết “Thủy Hỏa Đạo Tặc” cụ cố mình đã viết rồi, rất nổi tiếng, làm sao bắt chước cụ ấy được. Phải đặt tên khác thôi!”…

        Tiếp đến có nhiều ý kiến đống góp, trong đó có một ý kiến: “ Đề nghị Chủ tịch cho giải tán ngay Hội đồng Lý Luận Văn Vật - Sửa Chữa Ngữ Pháp, Câu Thơ, Câu Văn của Nhà Văn, Nhà thơ Việt Nam” – Người này quay lại nói với tất cả đại biểu đang ngồi dự trong khán phòng: “ Tôi không hiểu vì sao ông Chủ tịch lại cho thành lập Hội đồng này. Toàn những ông già, bà già…Tôi nói xin lỗi, Làm sao có thể có một Hội đồng “ Sửa văn, sửa thơ” của các Nhà văn, Nhà thơ Việt Nam. Nghe quá vô lý! vừa rồi Hội đồng này có một văn bản viết rất tầm bậy, tầm bạ gây bất bình lớn trong dư luận, ông Chủ tịch Hội đồng lại đổ thừa cho ông Thường trực không đóng cửa, gió thổi bụi vào mắt nên đánh vi tính bị sai… chứ không phải do ông ấy dốt! Ông Duy La, chủ trò văn bản này, đâu rồi? ”- người này quay lại hỏi mọi người. Một người ngồi cuối hàng ghế trả lời: “ Ông ấy xấu hổ, không đến dự!”. “ Đấy, nhân cách như thế, làm sao là Đảng viên của SPL!”. Nhà Thơ Văn Công Dũng vội đứng lên giải thích: “ Thưa các Bác ! Đây là thiện ý của Ông Chủ tịch cũng như Ban chấp hành Đảng SPL. Những người này từng có công với Hội nhà Văn trước đây như xin đất làm trụ sở, đưa các Nhà văn, Nhà thơ đi du hý, rồi có người quan hệ với doanh nghiệp xin được tiền tài trợ, cũng là cái nghĩa cái tình…Ông Chủ tịch biết trình độ của mấy vị này lắm chứ! Nhưng họ chưa muốn rời vị trí, muốn có chỗ sinh hoạt, sợ người ta quên, có chỗ tăng thêm tiền hưu trí. Nên…”. “ Không thể thế được – người này phản bác - Đảng chúng ta phải có những con người hoạt động thực chất, có hiệu quả. Tiền của Đảng cũng là của dân, không nên lãng phí, bày đặt những Ban bệ vô ích, ra oai với thiên hạ. Theo tôi…” – Ông nói dứt khoát – “ bỏ ngay”.

         Lại một ý kiến khác phê bình Chủ tịch Đảng không tiếp dân, khi dân muốn đến gặp ngay tại trụ sở này. Ý kiến này khá gay gắt: “ Chúng ta phải nhớ Đảng của chúng ta, Đảng SPL từ nhân dân mà ra, nhân dân cho chúng ta ăn, uống, sống và cả đề tài cho chúng ta viết. Không có nhân dân, tổ quốc cũng không có, và như vậy làm gì có Nhà văn, Nhà thơ, làm gì có Đảng. Thế mà, Nhân dân đến đây muốn góp ý cho chúng ta, ông Chủ tịch lại không tiếp. Đã không tiếp, không một lời giải thích. Theo tôi việc đó là khinh dân mà khinh dân, coi thường dân dẫn đến hậu quả gì, các ông, các bà biết không? Tôi nhắc lại mấy sự kiện, có ông Chủ tịch Đảng Cộng Sản ngồi đây tôi cũng thấy nên nhắc lại, vì đây là bài học chung cho các Đảng, khi muốn tồn tại, muốn phát triển, muốn cầm quyền…” . Người ấy rút láptop của mình đề nghị Nhà thơ Văn Công Dũng chiếu lên màn ảnh cho mọi người xem cảnh xảy ra cách đây cũng hơn một trăm năm. Cảnh gì vậy? hàng đoàn người dân,  dáng lam lũ, áo quần không lành lặn, tay xách nách mang, có người trưng cả khẩu hiệu to đùng trước ngực biểu tình đòi đất trước một cơ quan công quyền. Rồi một cảnh làm cho mọi người rùng mình, công an đang đánh đập người dân, dùi cui vung lên, đập xuống túi bụi vào lưng một người nông dân. Cảnh những người dân ném đá, chửi bới…chống lại. Người này nói tiếp: “ …Đấy, hình ảnh này xảy ra cách đây hơn một trăm năm, nơi chính chúng ta ngồi đây. Nếu chúng ta coi thường, cũng sẽ xảy ra hình ảnh tương tự. Cũng vì đối xử với dân như vậy, lúc đó Đảng Cộng Sản đã mất uy tín, để dân nổi dậy, rồi quân đội nổi dậy… cho dù Đảng Cộng Sản có một lực lượng công an, cảnh sát hùng hậu nhưng không thể cản bước của sức mạnh nhân dân, buộc phải tuyên bố…giải tán Đảng. May mà… những người Cộng sản chân chính biết rút ra bài học xương máu, thành lập một Đảng Cộng Sản khác, bằng việc làm kính trọng dân, coi quyền lợi dân tộc lên trên hết, chí công vô tư nên đã nắm lại quyền lãnh đạo, bây giờ là một Đảng cầm quyền. Bài học của Đảng Cộng Sản cũng là bài học của chúng ta…”.

       Bên trên, ông Chủ tịch Đảng SPL rút khăn tay nhỏ ra lau những giọt mồ hôi đang rơi lấm tấm trên trán. Vị này nói đúng quá, đó là một sơ xuất không thể tha thứ! Vì hôm đó ông mải tiếp một đoàn nhà văn nữ Thụy Điển, họ hỏi nhiều, nói nhiều, thậm chí nhiều lần ông đã định đứng lên, nhưng họ vẫn nhất quyết ngồi lại để nói chuyện vì như họ nói “ Việt Nam là một cường quốc thi ca, không thể có một tiếng nói chuyện là xong !”, Thành ra lịch tiếp dân của ông bị trễ hẹn. Việc nhiều, lu bù, Ông quên cả việc xin lỗi dân mới dẫn đến cơ sự này…Đúng là đối xử với dân không thể bằng miệng, bằng lời hứa mà phải bằng hành động cụ thể. Chỉ với một việc nhỏ như thế này ông đã gây phẫn nộ trong Đảng viên SPL, nếu như là việc lớn như tham ô, cướp đất, đàn áp dân như …có thời kỳ xảy ra trên đất nước ta, thì mạng của ông có khi khó toàn trước sự phẫn nộ lớn hơn của Đảng viên SPL!!! Cuối cùng với sự thành khẩn, ông Chủ tịch Đảng SPL Phạm Xuân Bình đứng lên xin lỗi việc này, không bào chữa lấy một lời, hứa không để hiện tượng này tái diễn.

 Còn nhiều ý kiến đóng góp ghê gớm khác như việc tuyên truyền báo chí có khi một chiều, chỉ đề cao Đảng SPL như :

                             Đảng ta là Đảng Anh Hùng
                  Sẽ không chấp nhận thằng khùng, thằng điên
                               Đảng ta là Đảng thần tiên
                    Sẽ không chấp nhận những tên mặt đần
                                Đảng ta là Đảng thánh thần
                Những người chống Đảng sẽ dần thành tương.

  Viết như vậy là hết sức sai lầm, bôi nhọ quần chúng, tách rời Đảng ra khỏi quần chúng, mất sức mạnh của Đảng SPL, sẽ bị các Đảng khác đánh bại trong những cuộc bầu cử tới.

 Cũng có ý kiến cần kiện toàn bộ máy Đảng gọn, hợp lý, tiết kiệm hơn nữa. Vì tài chính của Đảng là do các Đảng viên bỏ ra, không lấy trong ngân sách nhà nước nên không thể chi tiêu vô tội vạ như xây khách sạn, trụ sở, đi du hý nước ngoài vô bổ, sắm ô tô sang…hay như có ý kiến còn phê bình Ông chủ tịch Phạm Xuân Bình còn hay cầm giấy để phát biểu, không dám nói vo. Đó là thể hiện sự yếu kém về trình độ, sợ trách nhiệm, đồng thời cũng biểu hiện không nắm được vấn đề, đối tượng mình đang phát biểu… Ông Chủ tịch Đảng SPL Phạm Xuân Bình ghi nhận ý kiến này. Nhà thơ Văn Công Dũng ngồi gõ vi tính gần như liên tục, cốc nước chanh để trước mặt, đá trong cốc tan gần hết mà nhà thơ không để ý!

 Đã đến gần giờ ngọ, nên dừng buổi góp ý cho Chủ tịch Đảng SPL ở đây, dẫu ý kiến còn nhiều, có thể để đến chiều. Chủ tịch Phạm Xuân Bình đứng dậy nói từ tốn:

           - Thưa các anh, các chị! Những ý kiến đóng góp chí tình của các anh, các chị về Đảng SPL cũng như về cá nhân tôi, đặc biệt là cá nhân tôi là hoàn toàn đúng, đầy tính xây dựng, công tâm. Là người lãnh đạo Đảng, tôi phải lắng nghe những ý kiến như thế này, điều gì mình thấy sai phải thành tâm sửa chữa. Chỉ có thể người lãnh đạo tốt, Đảng đó mới tốt. Còn người lãnh đạo tồi, yếu về trình độ, tha hóa về đạo đức, không có bản lĩnh, với dân đối xử như thù, sợ hãi với thế lực bên ngoài, không chịu nghe ý kiến đóng góp của Đảng viên cũng như quần chúng ngoài Đảng…Tất yếu sẽ dẫn đến sự sụp đổ của Đảng, Đảng sẽ mất vai trò lãnh đạo, mất uy tín với nhân dân. Đảng SPL  và tôi , Chủ tịch Đảng SPL sẽ không bao giờ có chuyện như vậy! Các anh, các chị là Đảng viên của Đảng SPL hãy tin vào niềm tin đó…

 Tiếng vỗ tay đoàn kết, hưởng ứng ran khắp khán phòng…

 Đợi tiếng vỗ tay vừa dứt, Chủ tịch Đảng SPL nói tiếp:

Đến dự Hội nghị góp ý cho Đảng SPL và chủ tịch Đảng SPL ngày hôm nay, rất vinh dự cho chúng ta là có hai vị lãnh đạo của hai Đảng. Ông Chủ tịch Đảng Cộng Sản Lý Trần Lê và ông Cù Huy Hà Bão, Chủ tịch Đảng Vì Quyền Người Nghèo. Chúng tôi rất muốn nghe những lời góp ý quý báu của hai vị về Đảng SPL và về cá nhân tôi, Chủ tịch Đảng. Theo tôi, đất nước ta đa đảng, nhưng cùng một mục tiêu thống nhất là xây dựng tổ quốc Việt Nam giàu mạnh, dân tộc trường tồn, nên bất cứ ý kiến góp ý của Đảng nào, dù Đảng đó đang cầm quyền hay không cầm quyền, với Đảng khác, cũng là nhưng ý kiến rất quý báu, chúng ta nên lắng nghe. Tôi xin mời ông Lý Trần Lê, Chủ tịch Đảng Cộng Sản phát biểu trước         

Ông Chủ tịch Đảng Cộng Sản Lý Trần Lê đứng dậy, tiến đến bục phát biểu. Ông phát biểu vấn đề gì bây giờ? Vì suốt quá trình ngồi im lặng lắng nghe những ý kiến đóng góp của Đảng viên Đảng SPL với Ban chấp hành, với riêng ông Chủ tịch Đảng SPL, ông Lý Trần Lê đã tìm ra nguyên nhân vì sao Đảng SPL ngày càng đoàn kết, ngày càng vững mạnh, số lượng người gia nhập Đảng SPL tăng lên không ngừng. Đó là sự công khai minh bạch của lãnh đạo, không có chỗ cấm nào để Đảng Viên không được góp ý. Đó là cái tâm của người lãnh đạo thực sự cầu thị, thực sự khiêm tốn, lắng nghe những ý kiến đóng góp của Đảng viên, quần chúng. Chủ tịch Đảng phải là tấm gương, gương mẫu cho các Đảng viên noi theo, không tham nhũng, lời nói đi đôi với việc làm. Chủ tịch Đảng phải là ngừơi có trình độ, giỏi ngoại ngữ, không lý luận suông. Chủ tịch Đảng Phạm Xuân Bình của Đảng SPL đã làm tốt việc này, bộ máy lãnh đạo tinh gọn, có trí thức, có bản lĩnh,luôn lắng nghe ý kiến phản biện…Ông Lý Trần Lê đã hiểu Đảng của những người tri thức yêu nước là như thế nào?

Đợi cho tiếng vỗ tay nghi lễ vừa dứt, ông chủ tịch Đảng Cộng Sản Lý Trần Lê, sửa lại micro rồi phát biểu:

 Kính thưa các ông, các bà Nhà Văn, Nhà Thơ Việt Nam đồng thời cũng là Đảng Viên Đảng SPL!

 Qua Hội nghị góp ý xây dựng Đảng SPL mà tôi vinh dự được tham gia với tư cách đại biểu dự thính, tôi nhận ra rằng: Bất kỳ Đảng nào muốn vững mạnh, muốn phát triển, muốn giữ được uy tín với dân, nếu Đảng đó nắm giữ chính quyền thì điều đầu tiên, Đảng đó phải có những người tri thức có uy tín, có bản lĩnh, có tính tổ chức cao…lãnh đạo, đặt quyền lợi dân tộc trên quyền lợi Đảng,  Đảng đó mới tồn tại, phát triển. Trước đây Đảng Cộng Sản có những nhận thức còn giáo điều, ấu trĩ, đặc biệt không tôn trọng trí thức nên xảy ra những sự việc, thời gian càng lui xa, càng nhận thức được sai lầm, đó là những sai lầm to lớn. Tôi đã thay mặt Đảng Cộng Sản xin lỗi các Bác, các Anh, các Chị Nhà văn, nhà thơ Việt Nam về những sai lầm trong quá khứ, về những vụ án văn chương không đáng có. Hôm nay tôi xin phép, được xin lỗi một lần nữa . Nếu Đảng Cộng Sản còn cầm quyền, tất yếu những vụ án văn chương như vậy sẽ không bao giờ còn xảy ra. Tiện đây, có Ông Chủ tịch Đảng Vì Quyền Của Người Nghèo, xin cho phép tôi xin lỗi về những việc Đảng Cộng Sản đã làm với Cụ cố của ông là Luật sư Cù Huy Hà Vũ. Ông hãy tin rằng Đảng chúng tôi còn cầm quyền những vụ án oan trái như vậy sẽ không bao giờ xảy ra, khi đã nhận thức được quy luật lịch sử…- Nói đến đây, Ông Chủ tịch Đảng Cộng Sản bước xuống, đến cạnh chỗ ngồi của Ông Chủ tịch Đảng Vì Quyền Người Người Nghèo. Hai Ông ôm hôn thắm thiết trong tiếng vỗ tay vang dội…

Ông Chủ tịch Đảng Cộng Sản Lý Trần Lê bước lại bục phát biểu, phát biểu tiếp:

            -… Được tham dự buổi góp ý của các Đảng viên Đảng SPL với Ban chấp hành và Chủ tịch Đảng SPL, tôi  nhận ra một điều, trong Đảng phải đoàn kết, đoàn kết thực sự chứ không phải là lời tuyên bố chung chung. Biểu hiện rõ như cuộc góp ý hôm nay. Có lúc tôi đã thấy không còn sự ngăn cách giữ vị người Lãnh đạo với từng Đảng Viên. Tôi rất muốn có sự cộng tác, ủng hộ lẫn nhau giữa hai Đảng thông qua một hội nghị Hiệp thương. Trong tương lai, đến cuộc tranh cử sắp tới, nếu như số phiếu ủng hộ của cử tri không quá bán, để Đảng Cộng sản tiếp tục nắm quyền. Chúng tôi sẽ dùng số phiếu này ủng hộ Đảng SPL, để Đảng SPL trúng cử, nắm quyền. Vì tôi thấy Đảng SPL cũng như Đảng Cộng Sản của chúng tôi rất xứng đáng với vai trò này… 

 Hội nghị lại vang lên những tràng vỗ tay. Ông Chủ tịch Đảng Cộng Sản rất xứng đáng với tên LÝ TRẦN LÊ.

 Đến lượt Ông Chủ Tịch Đảng Vì Quyền người nghèo Cù Huy Hà Bão lên bục phát biểu. Ánh mắt cương nghị, luôn nhìn thẳng, bàn tay bóp chặt, thân hình gọn gàng trong bộ vét đen, caravát đỏ…hình ảnh của Ông thật đẹp. Ông nhìn bao quát hội nghị, rồi phát biểu ngắn:

           - Đất nước của chúng ta, dưới chế độ đa Đảng, tam quyền phân lập, tự do báo chí, tự do xuất bản, quyền con người được thực sự tôn trọng, chế độ dân chủ đã thực hiện, giữ được toàn vẹn lãnh thổ, Việt nam bước vào một giai đoạn phát triển thần thốc về kinh tế, xã hội, chính trị. Đảng Cộng Sản, Đảng nắm quyền đang đi đúng đường lối này. Đảng Vì Quyền Người Nghèo ủng hộ và tôi tin Đảng SPL của các Nhà văn, Nhà Thơ Việt nam cũng ủng hộ.
 
     Tổ quốc Việt Nam, Dân tộc Việt Nam muôn năm! 
……………..

Việt Nam năm ...

Nguồn : http://trankytrung.com/read.php?506

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét