TS Phan Văn Song -
Trí Nhân Media
Tiến Sĩ Phan Văn Song |
Những
vấn đề được đặt thành những câu hỏi quan trọng dĩ nhiên là việc khai thác Bô
Xít, việc lạm dụng hóa chất làm ô nhiễm thực phẩm, việc khai thác bừa bãi, quá
tải, tàn phá môi sanh, môi trường và xâm phạm sức khỏe con người do sự thiếu bảo
quản và kém quản trị môi sanh môi trường…
Trong những vấn đề nóng bỏng được chú
trọng đến là vấn đề nguồn nước, nước sông đang trên đà nhiễm mặn, nước ngầm qua
nước giếng đang bị đầu độc bởi thạch tín (arsenic) và như vậy ảnh hưởng đến sức
khoẻ người dân, đến sản xuất nông phẩm, cá tôm, trái cây … và đặc biệt lúa gạo
( cuộc nói chuyện thêm hứng thú nhờ sự có mặt và đóng góp của một chị tham dự
viên, cựu sinh viên Nông lâm Súc của Việt Nam Cộng hòa). Như chúng ta đã biết,
trước kia, mặc dù là thời chiến tranh do cộng sản xâm lược, nhưng dưới chánh thể
Việt Nam Cộng Hòa, miền Nam Việt Nam vẫn được nổi danh là vựa lúa, và miền Nam
Việt Nam chúng ta xuất cảng gạo, và gạo miền Nam nổi là gạo ngon. Ngày nay, thời
bình, chế độ Công sản Hà nội đã thống nhứt hai miền Nam Bắc Việt Nam, nhưng gạo
ngon Việt Nam không còn có mặt trên thị trường gạo ngon quốc tế nữa, những tên
gạo thượng hạng với phẩm chất nổi tiếng như Gạo Nàng Hương Chợ Đào, nay chỉ còn
nghe trên văn đàn, văn học, người ta khen, người ta nói, người ta thèm, người
ta mơ, nhưng hổng còn ai được ăn, hổng còn ai được nếm.
Miền
Nam vựa lúa, Miền Nam miệt vườn nổi tiếng, sung túc, phì nhiêu, ấy là nhờ
đồng bằng của giòng sông Cửu Long, con Rồng hai nhánh, chín cửa trải dài phù sa
phì nhiêu thắm nhuần nuôi vựa lúa, nuôi vựa trái cây, sung mãn, sung túc, người
dân miền Nam phóng túng, thoải mái, ăn uống thả giàn, phè phởn, giàu có, giàu đến
nổi chỉ ở miền Nam Việt Nam mình mới có cái đơn vị đo trái cây « dư dả » là « một
chục mười hai, hay một chục mười bốn ».
Nhưng
ngày nay, than ôi, sông Cửu Long chia thành hai nhánh, nầy con sông Tiền, kìa con
sông Hậu đang bị cưởng bức xâm chiếm ! – hổng phải chiếm đất chiếm đai gì cho
rõ ràng , địa lý, địa hình hổng bị mất mát – nhưng thực sự sông Mêkông, sông Cửu
Long thân yêu của mình đang bị ngoại xâm, xâm chiếm giòng nước, xâm chiếm phù
sa,… nói tóm lại đang bị xâm chiếm cái cốt lõi của cuộc sống còn của một giòng
sông là lưu lượng nước, là chế độ nước – nước lớn, nước ròng, nước lên, nước xuống
…ảnh hưởng đến đời sống của cư dân cạnh giòng sông, đến cái sanh tồn của dân
chúng miền đồng bằng sông Cửu Long, ảnh hưởng đến việc canh tác lúa gạo, trồng
trọt cây trái, khai thác thủy sản.
Năm
1957, một chương trình nghiên cứu sông Mêkông, « Ủy ban sông Mê kông » (Comité
du Mékong) được ra đời để tạo điều kiện trao đổi phương thức, sống chung, chia
xẻ kinh tế, lợi nhuận để khai thác toàn hạ lưu sông Mê kông. ( Hạ lưu vì chỉ giải
quyết đến phần sông sau khi ra khỏi địa phận Trung quốc ; phần thượng lưu gồm gần
phân nửa chiều dài giòng sông – trên dưới 4990 cây số – với một lưu vực chật hẹp,
với một hệ thống gành suối với những thung lủng sâu cao, hẹp, dưới cái tên tàu
phát âm phổ thông là Lan Cang Giang hay theo tên việt ngữ là Sông Lan Thương).
Năm
1995, sau một thời gian ngưng hoạt động vì chiến tranh trong khu vực cựu Đông
dương Pháp, bốn quốc gia láng giềng Thái Lan, Việt, Miên, Lào cho ra đời lại Ủy
hội sông Mê kong ( Commission du Mékong – Mekong River Commission –MRC). Qua
năm 1996, Trung Quốc và Miến Điện gia nhập Ủy Hội nhưng chỉ được làm Quan Sát
Viên thôi.
Bối
cảnh đã được giới thiệu. Chúng ta xin đi thẳng vào vấn đề để bổ túc cho cuộc
nói chuyện về tương lai đất nước của anh bạn Tiến sĩ Mai Thanh Truyết.
Tình
hình ngày hôm nay đầy cay đắng, một viễn ảnh đen tối cho Việt Nam chúng ta, chẳng
những không còn gạo ngon, có phẩm chất như ngày nào, mà không khéo toàn bộ người
dân Việt Nam hải ngoại như quốc nội sẽ không có gạo « made in Việt Nam » nữa vì
đồng bằng sông Cửu long đang và sẽ bị nhiễm mặn nặng, không thể trồng lúa được
nữa, (mà cũng chả trồng được trái cây nữa).
Sau
đây là những tin tức lâu lâu được phổ biến trên mạng thông tin :
Nông dân ĐBSCL đã phải đối mặt với nước mặn xâm nhập. |
* Nhà cầm quyền Việt Nam đang đối phó từng
nhiều năm nay với mực nước biển đang dâng lên, và đang tìm cách di tản dân chúng
và tạo những vùng khai thác nông nghiệp mới.
* Nước biển đang tràn dần lên đồng bằng
sông Cửu long, càng ngày càng lấn vào vùng vựa lúa. Vậy chúng ta phải sáng tạo
nghiên cứu một loại giống lúa mới đủ sức sống trong vùng nước nhiễm mặn.
Đập thủy điện Nam Theun 2 |
* Hãy coi chừng các đập thủy điện. Những ảnh
hưởng rất nguy hại vừa qua của Đập thủy điện Tam Điệp (barrage des Trois
Gorges) – đập thủy điện lớn nhứt thế giới – là những cảnh cáo cho tất cả những
chương trình hiện hành hay tương lai cho các đập nước thủy điện trên giòng sông
Mê kông. Hiện nay có tất cả 14 chương trình xây đập thủy điện theo bản báo cáo
của ông Peter Brosshard, Giám đốc chương trình của International Rivers, một
NGO Huê kỳ, chuyên theo dõi những khai thác nguồn nước sanh sống toàn cầu. Cũng
trong một bài báo vào cuối năm 2011, nhựt báo Thanh Niên – phát hành tại Việt
Nam – đã (dám !) lên tiếng phát biểu nỗi ưu tư (sic) khi được biết tin các công
ty nhà thầu (Trung Quốc) trách nhiệm xây dựng đập thủy điện Tam Điệp tỏ ý muốn
được đấu thầu và đem kỹ thuật xây cất của họ để xây dựng các đập tương lai ở ba
quốc gia Việt Miên Lào. Chiếu theo những nghiên cứu, và những đề xuất trước các
dự án do ủy ban Mêkông (MRC) đòi hỏi, tất cả đều đi đến kết luận rằng, những đập
thủy điện sẽ phá hoại nghề đánh cá trên sông, sẽ phá hoại những đất đai nông
nghiệp, đặc biệt trong các vùng ảnh hưởng bởi thủy triều sông Mêkông, như ở Cam
bốt ( vùng Biển Hồ – Tonlé Sap), vùng đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam, và
nguy hại hơn sẽ phá vỡ vùng đất bồi do phù sa của các cửa sông (Việt Nam). Ủy
ban (MRC) cũng nhấn mạnh nhắc nhở là không nên xây đập thủy điện trong vòng 10
năm tới (hy vọng hàn gắn các vết thương môi trường do những đập hiện hành ). Vì
hiện nay, đã có những đập khổng lồ rồi, như đập Nam Theun 2, nằm trên một sông
nhánh của sông Mêkông, phía quốc gia Lào, bắt đầu hoạt động từ năm 2010. Với công
suất 1070 MW, Nam Theun 2 là đập thủy điện lớn nhứt ở các quốc gia phía Nam
Đông Nam Á. Nam Theun2 do Hãng Điện lực Pháp EDF xây dựng để giúp nền kinh tế
Lào, xuất cảng bán 95% công suất đập cho Thái Lan.
Đó
là ba nguy cơ ngày nay và tương lai đang phá hoại Vựa lúa và Miệt Vườn của miền
Nam Việt Nam thân yêu của chúng ta.
Hãy
nhìn những đọt mạ xanh non đang mọc quằn quại trên một cánh đồng kiểu mẫu nhỏ
đầy nước mặn. Cạnh bên cánh đồng nhỏ ấy, những vại nhỏ đầy những ngọn lúa đầy
thóc đang ngã mầu vàng cháy. Tất cả đang được phối trí trình bày trong những
căn nhà kiếng to lớn của Viện nghiên cứu về lúa gạo của đồng bằng sông Cửu Long
(Cưu Long Delta Rice Research Institut, CLRRI), nằm cạnh thành phố Cần Thơ, miền
Nam Việt Nam, nơi ấy, các kỹ sư canh nông Việt Nam và quốc tế đang nghiên cứu để
tìm ra giống lúa tương lai cho Việt Nam.[1]
Mục
tiêu? một giống lúa có thể sống và mọc trong một môi trường nhiễm mặn. Từ tháng
3 đến tháng 5 là mùa khô, nước biển càng ngày càng tiến xa vào đất liền, nhiễm
mặn đồng ruộng miền Nam Việt Nam. Những tháng ấy, có cả 700 ngàn mẫu ruộng (
thuộc đồng bằng sông Cửu Long), tuy nằm xa cách biển cả 70 cây số, vẫn bị nhiễm
mặn.
«
Chúng ta phải cố gắng nghiên cứu đẩy mạnh sức chịu đựng nhiễm mặn của giống lúa
tương lai » kỹ sư Nguyễn Thị Lang của CLRRI giải thích với chúng tôi. Phương thức: ghép các giống lúa có sức chịu nước mặn với các giống lúa có năng suất, để tạo
sau nhiều thế hệ lai giống một giống lúa vừa có năng suất vừa có sức chịu mặn,
còn phẩm chất ăn ngon miệng thơm dẻo hạp khẩu vị hay không ? Hiện nay chưa có sự
trả lời !!
Hiện
nay viện CLRRI của bộ Canh nông Việt Nam đã sản xuất được vài loại lúa giống rồi
với những tên đầy số hiệu. Như AS996 chẳng hạn, có thể sống trong một môi trường
nhiễm mặn bằng hai hoặc ba môi trường bình thường. Giống nầy được sử dụng để
gieo, cấy trong những vùng ven biển Nam Việt Nam và Bangla Desh, cũng bị nhiễm
mặn tương đương như Việt Nam.
«
Chúng tôi sẽ cố gắng sáng chế thêm nhiều loại giống lúa khác nhau có khả năng
thích ứng tùy theo từng vùng, với những điều kiện thủy nhưởng khác nhau. Chúng
tôi không sáng chế một loại lúa giống duy nhứt đầy mầu nhiệm » kỹ sư Nguyễn Thị
Lang nói tiếp
Cũng
trong Viện CLRRI, một giống lúa mới đang thành hình sẽ được trồng vào dịp mùa
mưa, ở vùng Cà Mau, là một vùng đang nuôi tôm, thường bị nhiễm mặn rất nặng.
Trong vùng ấy, ở tận cùng đất nước anh nông dân Trần, khai thác thay phiên nuôi
tôm và trồng lúa. « Tôi thích nuôi tôm hơn, vì nuôi tôm cho tôi được lợi nhuận
lớn », anh mời chúng tôi vào thăm căn nhà xọ xẹp , cất bằng mái tôn, vách ván cạnh
bên hồ nuôi tôm và chia với anh một chén nước chè nóng. Và anh nói tiếp « Nhưng cái hại của nghề tôm, là nếu có cái dịch
bịnh gì bậy bạ là ta mất trắng tay, vì vậy trồng lúa vẫn bảo đảm hơn ».
Việt
Nam tuy đứng hàng thứ hai sau Thái lan về xuất cảng gạo (loại phẩm chất kém,
nhưng năng suất cao, xuất cảng cho các quốc gia Phi Châu hay Nam Mỹ, thường ít
người gốc Á châu), nhưng hiện nay phải rất lo lắng cho tương lai của cái vựa
lúa miền Nam của mình, một mình gánh chịu 50% tổng sản xuất cho cả nước. Mùa
khô càng ngày càng kéo dài, các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê kông
càng ngày càng giữ nước, vì vậy nước mặn từ biển chảy ngược sâu vào đất liền. Đất
canh tác vì vậy càng ngày càng nhiễm mặn.
Đập
thủy điện (1/01/2010) đỏ sử dụng, cam
công trình, vàng dự án – Tinh hình ngập mặn (trên 4gr/lít) từ 6 tháng hay trên
đến 1-4 thg
«Giữ
công suất sản xuất lúa như ngày nay đã là một thách thức. Dân số Việt Nam (
ngày nay là 86 triệu) sẽ có thêm 14 triệu nữa vào năm 2020, chúng tôi phải
nghiên cứu làm sao trả lời bài toán nầy ! » Giám đốc CLRRI Lê Văn Bành tuyên bố
với chúng tôi. Đồng thời, cơ quan Liên Hiệp Quốc cũng cho biết rằng con số sản
xuất thế giới phải được tăng lên 40% trước năm 2030 để đáp ứng với sức tăng trưởng
của dân số thế giới.
Tăng
hiệu năng các đồng ruộng mặc dư đang bị nhiễm mặn ? Có thể sử dụng con đường ‘
biến thể hệ căn nguyên – génétiquement modifié » không ? Dùng những giống «
transgénique », thay đổi « gène của một loại rong biển để ghép vào gène của lúa
» ? tạo một loại lúa trồng nước mặn.
Kỹ
sư Lê Quang Hòa, nghiên cứu sanh thuộc Viện Bách Khoa Hà nôi, tác giả một luận
án về chất nhiễm mặn và lúa cho biết « Là một quốc gia hàng đầu xuất cảng gạo,
sử dụng một loại gạo « biến thể » sẽ không có lợi về mặt kinh tế ».
Hay
nâng cao những đê điều lên, (kiểu Hòa Lan), Vì theo một viện nghiên cứu, viễn
tượng một ngày không xa lắm, 2100, phân nửa đồng bằng sông Cửu Long hoàn toàn
dưới nước biển.
«
Làm sao sáng chế được một loại lúa sống bằng nước mặn. Giá cho chúng ta có sức
phát minh được một loại lúa có sức chịu tối đa… chỉ đi đến 5 hay 6 gr muối
trong một lít nước thôi. Nước biển là 30 gr cho một lít nước làm sao chịu nổi
». Kỹ sư Lê Quang Hòa nhấn mạnh thêm.
Thế
nhưng trước khi bị cuộc Đại hồng Thủy, nông dân miền Nam đã bắt đầu gặp những
khó khăn ; « Riêng tháng nầy thôi, khúc sông chạy qua xã chúng tôi đã bị nhiễm
mặn ba lần rồi » một nông dân ở Sóc Trăng, Nguyễn Văn Thu than phiền với chúng
tôi, xã ông ở cách bờ biển gần 60 cây số. « Hồi nhỏ tôi tắm ở đây hằng ngày, có
bao giờ có nước mặn đâu ? ».
CLRRI
khuyên nông dân nên đổi nghề trồng đậu nành, hay trồng mè thay vì trồng lúa.
«
Nhứt định chúng tôi không bỏ cuộc, chúng tôi sẽ sáng chế những giống lúa tốt với
sức chịu mặn mạnh hơn » kỹ sư Nguyễn Thi Lang nhứt quyết với chúng tôi, nhưng
bà cũng thêm « nhưng chúng tôi phải biết chấp nhận khoanh vùng lại, chấp nhận
có những vùng phải di dân, vì đất không còn tốt để trồng lúa nữa, và khuyên dân
tìm canh tác khác để sanh sống !».
Sáng
nay Nguyễn Văn Thu, đi thăm những khu canh tác của mình. Ruộng của ông gồm những
luống dài, giữa có đường nước, các luống đều cho bạt nylông. Các phụ nữ, đầu đội
nón lá đang đâm thủng các bạt nylông bằng những que sắt. Họ đang trồng lúa ?
trên cạn ?
«
Hồi năm ngoái đây là cánh đồng lúa, bây giờ, tôi trồng dưa hấu ! » Ông Thu nói.
Và
từ đây có thể dân Việt Nam ta phải ăn chén cơm mặn đầy muối .. và nước mắt.
TS
Phan Văn Song
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét