Tác giả: Harry Kazianis
Người dịch: Thủy Trúc
Suốt
vài tuần qua, trong khi truyền thông phương Tây theo đuổi việc tiết lộ các diễn
biến trong vụ Trần Quang Thành chạy vào đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh – xảy ra ngay
sát sau vụ bê bối Bạc Hy Lai – thì báo chí Trung Quốc đảo mắt sang hướng khác.
Trên Biển Đông (nguyên văn: biển Hoa Nam) hay là biển Tây Philippines, tùy vào
việc bạn hỏi bên nào trong tranh chấp, căng thẳng đang bừng bừng bốc lên dưới
hình thức những bài xã luận, những tin bài khiêu khích, và hành động của các
nhà báo Trung Quốc.
Việc viết bài như thế – chẳng có gì khác hơn là thứ chủ
nghĩa sô vanh đã lỗi thời – tạo ra một tiền lệ nguy hiểm trong một khu vực vốn
dĩ đã đầy căng thẳng của thế giới. Và, mặc dù những bài báo kiểu ấy rất có ích
trong việc khiến người ta quên đi những câu chuyện dài kỳ tẻ nhạt của nền chính
trị Trung Quốc, nhưng đốt nóng tinh thần dân tộc chủ nghĩa của người Trung Quốc
có lẽ sẽ chỉ tạo ra một thành tố nguy hiểm mà nếu không kiểm soát được thì sẽ
làm cho bên nào cũng khó thỏa hiệp hơn.
Công
bằng mà nói, những bài báo giật gân và cảm tính của Trung Quốc chẳng phải cái
gì mới, mà cũng không phải chỉ mình Trung Quốc mới có. Tuy nhiên, cùng với việc
những sự biến trong cuộc tranh cãi gần đây giữa Trung Quốc và Philippines được
hé lộ, báo chí Trung Quốc đang trở nên ngày càng hung hãn hơn.
Không
gì minh họa xu hướng ngả về chủ nghĩa sô vanh mới đây rõ ràng hơn ví dụ sau: một
nhà báo của kênh truyền hình Dragon (Rồng) quyết định cắm quốc kỳ lên bãi cạn
Scarborough/ đảo Hoàng Nham/ bãi cạn Panatag. Một biểu tượng không thể nào mạnh
mẽ hơn, chỉ còn thiếu nước có hành động cư trú một cách thách thức. Tuy nhiên,
đoạn phim cho thấy điều hơi kỳ lạ, là diện tích của hòn đảo đá mà cả hai bên
(Trung Quốc và Philippines – ND) đang tranh chấp này chỉ vừa đủ để nhà báo đặt
chân lên. Trên thực tế, một phần của bãi cạn còn chìm đi khi thủy triều dâng.
Tuy nhiên, với những mỏ tài nguyên thiên nhiên lớn, ngư trường, và những tuyến
giao thương hàng hải quan trọng nằm gần đó, không có gì lạ khi cả hai bên đều
quan tâm đến bãi cạn này như thế. Vấn đề càng phức tạp thêm khi không chỉ có
Trung Quốc và Philippines, mà còn nhiều bên khác cũng tuyên bố chủ quyền từng
phần đối với Biển Đông, gồm Đài Loan, Brunei, Việt Nam, Malaysia và những bên
khác nữa.
Chuyện
càng tồi tệ hơn với một sự cố có thể được coi là một trong những lời buột miệng
tồi tệ nhất trong lịch sử báo chí hiện đại: Nhà báo Trung Quốc Hà Giai (He
Jia), thuộc đài truyền hình chính thống CCTV, tuyên bố trong một chương trình
tin tức rằng: “Tất cả chúng ta đều biết Philippines vốn là lãnh thổ của Trung
Quốc, và Philippines thuộc về Trung Quốc; đây là sự thật không thể tranh cãi”.
Bản tin biến mất khỏi website của CCTV, nhưng nói không chỉ một mà tới hai lần
cùng một câu thì là điều kỳ quặc – nhận xét nhẹ nhàng nhất là như thế. Hà Giai
đã xin lỗi trên blog cá nhân về sự cố buột miệng này, nhưng những lời bình luận
phía dưới câu xin lỗi của cô bộc lộ rõ thứ tình cảm dân tộc chủ nghĩa bùng lên
xung quanh câu chuyện.
Mạng
xã hội cũng ngùn ngụt những bình luận dân tộc chủ nghĩa. Các nhà kiểm duyệt của
Trung Quốc đã rất mau lẹ trong việc kìm giữ bất cứ tin tức hay tin đồn nào liên
quan đến Bạc Hy Lai hay Trần Quang Thành; trong khi đó, các vấn đề liên quan tới
Biển Đông lại được đề cập có vẻ rất công bằng. Một blogger tên là kongdeua
tuyên bố: “Philippines nói chung đã và đang gây rắc rối một cách phi lý trí, nếu
chúng muốn khơi ngòi chiến tranh thì chúng ta sẽ đánh, chẳng ai sợ chúng”.
Blogger này tiếp tục phát biểu trong một bình luận được nhiều người dẫn lại, rằng,
“Nếu mỗi người Trung Quốc đều nhổ một bãi nước bọt thì chúng ta sẽ làm chúng
(Philippines) chết chìm”.
Nhận
xét công bằng thì báo chí Trung Quốc cũng có khả năng tuyên truyền về sự thỏa
hiệp và ngoại giao một khi xung đột giữa các quốc gia ngấp nghé. Tờ Hoàn Cầu Thời
Báo chẳng hạn, đã từng xuất bản những nội dung với lời lẽ ít gay gắt hơn.
Jeffrey
Bader, cố vấn cao cấp về Trung Quốc và châu Á của Tổng thống Obama ở Hội đồng
An ninh Quốc gia từ năm 2009 tới năm 2011, viết trong một bài báo rằng mối quan
hệ Mỹ-Trung “đang ở trong trạng thái tương đối tốt. Trung Quốc hợp tác tốt với
chúng ta (Mỹ) trong các vấn đề Bắc Triều Tiên và Iran. Đài Loan thì không phải
là nguồn gây căng thẳng, và trong nhiều năm nữa sẽ không có nguy cơ gây căng thẳng.
Vì đây là một vấn đề mà về nguyên tắc có thể đẩy chúng ta đến xung đột, nên trạng
thái tích cực và xu hướng quan hệ xuyên eo biển Đài Loan là rất quan trọng, mà
lại được chú ý một cách chưa tương xứng”.
Đảng
Cộng sản Trung Quốc có ảnh hưởng rất lớn đến những gì được báo chí chính thống
công bố trên báo in, đài phát thanh, truyền hình và mạng xã hội. Nếu cơ quan chức
năng Trung Quốc thích, họ có thể kiểm soát cả chủ nghĩa sô vanh. Tuy nhiên cho
đến giờ dường như họ không mấy thích như thế. Các cây bút và lãnh đạo Trung Quốc
cần phải cảnh giác.
Tác
giả: Ông Harry Kazianis là trợ lý biên tập của The Diplomat.
Nguồn:
The Diplomat
Bản
tiếng Việt © Ba Sàm 2012
http://anhbasam.wordpress.com/2012/05/16/can-than-voi-chu-nghia-so-vanh-trung-quoc/#more-57487
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét