(Thư ngỏ
của nhà báo Tống Văn Công gửi Quốc hội)
Kính gửi Quốc
hội khóa XIII , kỳ họp thứ 3
Ngày 5-5-
2012, tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Huỳnh Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch
Quốc hội đề nghị Chính phủ có báo cáo riêng gửi đại biểu Quốc hội “việc xử lý,
giải quyết vụ việc ông Đoàn văn Vươn (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) vì đây là việc
nhận được sự quan tâm rất lớn của xã hội và gây nhiều bức xúc trong thời gian
qua”. Thiết nghĩ, Quốc hội cần quan tâm hơn đối với vụ cưỡng chế ở Văn Giang
ngày 24-4, vì vụ này gây bức xúc đối với người Việt trong và ngoài nước vô cùng
nghiêm trọng.
Bởi vì, theo ông Nguyễn Khắc Hào, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên
báo cáo với Thủ tướng trong hội nghị trực tuyến: “Đây là một trong số ít các vụ
khiếu kiện đông người điển hình”, “Có sự móc nối chặt chẽ giữa các phần tử chống
đối trong và ngoài nước”, “Có dàn dựng lên các video clip giả để vu khống bôi
nhọ chính quyền”. Tuy nhiên,
Tuyên Bố của
các trí thức tiêu biểu của đất nước cho rằng, vụ cưỡng chế giải tỏa đất đai bẵng
vũ lực ở Văn Giang “đang gây xúc động mạnh mẽ tất cả người Việt Nam có lương
tri, dấy lên nỗi lo lắng chưa từng có trong mọi người dân Việt biết ưu tư về vận
mệnh đất nước”. Chỉ trong vài ngày có hàng ngàn người hưởng ứng xin ký tên, đặt
biệt là bà con nông dân Văn Giang đã vượt qua nỗi sợ hãi. Giáo sư Nguyễn Minh
Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội đã viết những câu thơ thâm ưu:
“Người thắng
trận này không phải nhân dân.
Dân là vậy,
Chỉ thắng
trong trận cuối.
Nhưng chính
quyền nhân dân thất bại,
Khi tấn
công những người mình nhân danh”.
Kính thưa
Quốc hội, một sự kiện ở tầm vận mệnh đất nước như thế, rất mong phải được kỳ họp
này quan tâm mổ xẻ, đem lại hi vọng và niềm tin cho đồng bào, đặc biệt là bà
con nông dân đã bị quá nhiều thua thiệt bất công!
Từ các ý kiến
tâm huyết, xin kính gửi tới Quốc hội bốn điều bức xúc từ Văn Giang:
I – LUẬT
ĐẤT ĐAI SỬA ĐỔI NHẰM ĐÁP ỨNG “NHÓM LỢI ÍCH”?
Kể từ năm
1993, Luật Đất đai được sửa đổi 5 lần. Các điêù khoản thu hồi đất được quy định
chặt chẽ ở luật 1993 đã trở nên rắc rối ở Luật 2003. Điều 27, Luật Đất đai 1993
quy định:”Trong trường hợp thật cần thiết, Nhà nước thu hồi đất đang sử dụng của
người sử dụng đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc
gia, lợi ích công cộng thì người bị thu hồi đất được đền bù thiệt hại”. Luật đất
đai 2003, tuy rằng ở Điều 40 quy định trong trường hợp “Thu hồi đất để sử dụng
vào mục đích phát triển kinh tế “, Thì “nhà đầu tư được nhận chuyển nhượng,
thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của các tổ chức
kinh tế, hộ gia đình, cá nhân mà không phải thực hiện thủ tục thu hồi đất”.
Nhưng, tại Điều 39, các công trình đầu tư có “mục đích quốc phòng, an ninh, lợi
ích quốc gia, lợi ích công cộng” chỉ được định nghĩa là “những dự án đầu tư có
nhu cầu sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt”. Điều này đã
biến “lợi ích của nhà đầu tư” thành “lợi ích quốc gia”. Theo Luật sửa đổi này,
Dự án Ecopark ở Văn Giang đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, do vậy nó là
“lợi ích quốc gia”. Đó chính là căn cứ để giáo sư Đặng Hùng Võ trả lời đài BBC
rằng “Quyết định thu hồi đất ở Văn Giang là đúng Luật.
Từ khi Luật
đất đai sửa đổi 2003 đã có hàng ngàn vụ khiếu nại tố cáo. Khiếu nại, tố cáo về
đất đai chiếm 70% số khiếu nại, tố cáo. Điều đó chứng tỏ Luật sửa đổi này không
hợp lòng dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói:”Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không
hợp thì để họ đề nghị sửa chữa”. Vì không chịu nghe khiếu nại tố cáo của dân
chúng cho nên đã xảy ra vụ Đoàn văn Vươn, Văn Giang và nếu không kịp thời sửa đổi
thì chắc chắn sẽ còn xảy ra nhiều vụ khác ngày càng nghiêm trọng hơn!
Tại Hội nghị
Trung ương 3, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói:”Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch
và chính sách đầu tư phải có tầm nhìn xa, không bị tư duy nhiệm kỳ, tư tưởng cục
bộ, thành tích, chủ quan duy ý chí, hay nhóm lợi ích chi phối”. Luật Đất đai sửa
đổi 2003 quả là minh họa cho cái sự thật mà Tổng bí thư cảnh báo: Bị nhóm lợi
ích chi phối!
Quốc hội bằng
quyền lực nhà nước cao nhất cần có biện pháp khẩn cấp ngăn chặn tai họa khủng khiếp
đối với giai cấp nông dân, cũng là tai họa đối với đất nước. Sự nghiệp đổi mới
đã trả lại quyền sở hữu cho các thành phần xã hội, kể cả nhà tư sản; chỉ riêng
nông dân vẫn không có quyền sở hữu ngay trên mảnh đất thừa kế của cha ông mình
đã đổ mồ hôi, xương máu. Xin Quốc hội xây dựng Luật đất đai mới, trả lại sự
công bằng cho giai cấp nông dân, vốn là đội quân chủ lực của cách mạng.dân tộc
dân chủ.
II –
1000 CÔNG AN ĐÁNH ĐẬP 200 NÔNG DÂN, CÓ NGƯỜI GIÀ VÀ PHỤ NỮ.
Nhiều đảng
viên, nhà báo kể lại vụ cưỡng chế:
Một bên,
khoảng 1000 ( UBND Hưng Yên đã xác nhận 1000, nhưng nhiều nguồn tin cho là hơn
2000 ) công an cảnh sát cơ động, mặc áo chống đạn, có khiên che, có súng, lựu đạn,
dùi cui.
Một bên là
khoảng 200 nông dân, nhiều người già, phụ nữ tay cầm gậy gộc, gạch vỡ, chai
xăng.
7 giờ 30,
công an rầm rập xáp tới. Sau khi tung 2 quả lựu đạn, khói mù trời, hằng ngàn
dùi quật tới tấp vào những người nông dân khóc la chửi bới, chống cự một cách
tuyệt vọng và bỏ chạy!
Thưa Quốc hội,
“Người cày
có ruộng!” Giai cấp nông dân trở thành quân chủ lực cách mạng là vì tin theo khẩu
hiệu đó của Đảng. Nay bỗng dưng họ bị cưỡng chế tàn bạo ngay trên mảnh ruộng của
cha ông mình để lại!
Từ một đứa
con nông dân đã có 10 năm mặc áo lính, tôi không khỏi đau lòng khi nhìn thấy
hàng ngàn cảnh sát nện dùi cui lên lên đầu bà con Văn Giang. Tôi thấy như chính
mình là kẻ phản bội các cha, các mẹ chiến sĩ đã cưu mang mình và đồng đội trong
suốt những năm kháng chiến gian khổ!
Luật đất
đai sửa đổi 2003 đã biến bộ máy công quyền thành người làm thuê cho các nhà đầu
tư, tức những “đại gia”. Từ khi có Luật này các đại gia không cần trực tiếp
thương lượng với nông dân mà chính quyền địa phương đã phục vụ cho họ đạt được
giá đền bù rẻ mạt:
Nhà đầu tư
dự án này đang rao bán “giá căn hộ trên dưới 20 triệu đồng/ m2, giá biệt thự và
nhà phố trên dưới 45 triệu đồng/ m2, đã bao gồm phần xây thô”. Trong khi giá đền
bù là 135.000 đồng/m2, nếu đến nhận tiền sớm thì được nhà đầu tư thưởng thêm
cho 35000 đồng/ m2.
Báo Nông
Thôn Ngày Nay có bài viết gọi đây là “Cánh Đồng Vàng đã mất”. Dự án này xâm phạm
quyết định giữ 3,8 triệu ha đất nông nghiệp của Chính phủ, nhưng đây chỉ nói về
việc nó gây thiệt hai to lớn cho bà con nông dân, vì không được đền bù đúng mức, và
vì vậy rồi đây họ sẽ phải lâm vào cảnh khốn cùng. Nhiều năm nay, bà con vùng
này chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây cảnh, mỗi sào bình quân thu hoạch từ
50 đến 70 triệu đồng/năm. Với số tiền đền bù ít ỏi như trên, họ làm sao để có số
thu nhập ấy?
Nguyên phó
Thủ tướng phụ trách nông nghiệp Nguyễn Ngọc Trìu nhận định khái quát về đền bù
giải tỏa:”Khi trong này khai trương công trình thì bên ngoài dân khiếu kiện biểu
tình. Vì giá đền bù cho dân là 1, khi đem lô đất đó ra bán thì giá gấp 15 lần.”
Như vậy Luật đất đai sửa đổi 2003 đã tạo môi trường tốt cho tham nhũng, bởi các
nhà đầu tư sẵn sàng trả giá cao cho nhà chức trách ra quyết định cưỡng chế “hỗ
trợ thi công”. Đây là vấn đề thuộc nội dung của Nghị quyết TƯ. 4 phải giải quyết.
Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng nói: ”Dân sai thì phải thuyết phục”. Đúng vậy! Trong vụ Văn
Giang chưa thể nói dân sai, nhưng việc dùng 1000 cảnh sát để cưỡng chế dân là
trái với ý kiến Thủ tướng. Nhiều người coi đây là một vết nhơ không thể gột rửa
trong lịch sử!
Bằng quyền
lực cao nhất xin Quốc hội mau chóng nghiêm cấm hình thức phản nhân dân này!
III- “SỐ
ÍT CHỐNG ĐỐI MÓC NỐI VỚI BỌN PHẢN ĐỘNG TRONG, NGOÀI NƯỚC”?
Sáng ngày 2
-5- 2012, tại Hội nghị trực tuyến có 63 tỉnh thành và các Bộ, Ngành do Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng chủ trì, Phó Chủ tịch UBND Hưng Yên Nguyễn Khắc Hào báo cáo rút
ra những “bài học bước đầu trong lãnh đạo chỉ đạo và công tác tiếp dân, giải
quyết khiếu nại, tố cáo” rất đáng lo ngại:
1- Về lý do
cưỡng chế, ông Hào cho rằng, khi đã có chủ trương đúng, hiệu quả kinh tế xã hội
cao, “được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ thì không thể vì một số người chống
đối mà không triển khai thực hiện chủ trương đó”.
Chúng ta đã
có kinh nghiệm: Ngày xưa, chủ trương hợp tác hóa nông nghiêp từng được cho rằng
có 100% nông dân tự nguyện gia nhập, nhưng sự thật là họ không thể không “tự
nguyện”, bởi bao nhiêu lo lắng bị đối xử như công dân hạng hai, con cái sẽ khó
vào Đoàn, khó vào đại học… Người dân Văn Giang cho báo Đất Việt biết: Côn đồ
vào nhà dọa nạt bảo phải mau chóng nhận tiền đền bù; đảng viên bị dọa nếu chống
chính sách sẽ bị khai trừ; giáo viên bị dọa không nhận tiền đền bù sẽ bị đổi
công tác đến nơi khó khăn; người sắp kết hôn sợ không cho đăng ký kết hôn khi
chưa chịu nhận tiền đền bù… Báo Người Cao Tuổi cho biết, có ít nhất là 4 người
bị bắt ngày 24 – 4 phải ký giấy cam kết không khiếu nại nữa mới được thả. Một
phụ nữ có con nhỏ còn bú cho đài RFI biết, chị phải ký giấy cam kết không khiếu
kiện nữa, mới được thả về cho con bú!
Theo truyền
thống văn hóa dân tộc, cái gì từ 1 tăng lên đến 3 thì đã thay đổi về chất:
“Một cây
làm chẳng nên non; Ba cây dụm lại nên hòn núi cao”; “Ba anh thợ da thành ông
Gia Cát”; “Ba chị đàn bà thành cái chợ”; “Hơn một tuổi là anh; Hơn 3 tuổi là
chú”… Vậy thì hơn 160 hộ dân, có hơn 200 con người dám đứng ra đương đầu, làm
sao có thể gọi là số ít?
2 – Trong vụ
cưỡng chế ngày 24- 4 ở Văn Giang Phó Chủ tịch Hào cho rằng: “Có sự móc nối chặt
chẽ với những phần tử chống đối ở nước ngoài. Các thông tin thậm chí còn được
tường thuật tại chỗ, từng giờ để tuyên truyền xuyên tạc, dàn dựng những video
clip giả để vu khống bôi nhọ chính quyền…”. Ông nói, do tính chất nghiêm trọng
như vậy nên 19 người đã bị bắt ngay, hiện 5 người còn bị tạm giữ, có 9 “đối tượng
cầm đầu”, “nhiều năm gây rối” đã bỏ trốn. Ông Hào nhận định: “Xử lý được 9 người
này sẽ khắc phục được tình trạng tập trung đông người, kéo lên cơ quan Trung
ương”.
Nhận định
nói trên của đại diện chính quyền tỉnh Hưng Yên là cực kỳ nguy hiểm: Ghép nông
dân Văn Giang vào với bọn phản động, đẩy 9 người nông dân bị o ép, quá sợ hãi bỏ
trốn vào hàng ngũ phản động nguy hiểm!
Đề nghị Quốc
hội kiểm tra, giám sát làm rõ các kết luận sai trái hết sức nguy hiểm nói trên,
đừng để một chính quyền cấp tỉnh phát ngôn tùy tiện, dựng đứng, vu cáo nhân
dân, bất chấp sự thật mà không bị trừng phạt, như vậy cách làm này sẽ lan tràn
như một thứ bệnh dịch làm mục ruỗng hệ thống chính quyền của dân, do dân vì
dân.
IV- VÌ
SAO PHẢI HẠN CHẾ HOẠT ĐỘNG BÁO CHÍ?
Trong vụ
Tiên Lãng, báo chí được Thủ tướng khen ngợi đã góp phần tích cực sớm làm sáng tỏ
sự thật giúp Chính phủ kịp thời xử lý. Vụ Văn Giang, về quy mô cũng như sự phức
tạp của nó còn lớn hơn, rất cần được báo chí quan tâm làm sáng tỏ thì trái lại
có những bằng chứng các hoạt động báo chí đã bị hạn chế ngay từ đầu.
Nếu việc cưỡng
chế là đúng pháp luật thì tại sao phải hạn chế thông tin? Tại sao những tấm bảng
“Cấm quay phim, chụp ảnh” được dựng ra khắp nơi? Chỉ có hai tờ báo dám nói một
phần sự thật, và nói rất từ tốn là báo Người Cao Tuổi và báo Sài Gòn tiếp thị
thì cả hai đều bị buộc phải gỡ xuống khi vừa cho lên mạng! Lạ lùng là hai nhà
báo của đài phát thanh quốc gia bị công an Hưng Yên đánh “hội đồng”, còng tay,
mặt mũi bê bết máu, phải đi bệnh viện, dù hai anh nhiều lần kêu to “chúng tôi
là nhà báo đang làm nhiệm vụ”! Càng lạ lùng hơn trong khi đài BBC biết chuyện
nhà báo bị đánh đã có ngay cuộc phỏng vấn, thì phía Việt Nam mãi đến ngày 9-5,
tức là mất nửa tháng sau, các báo chúng ta mới được lên tiếng! Và cho đến nay,
Công an Hưng Yên chẳng những chưa có lời xin lỗi mà còn từ chối trả lời câu hỏi
rất đơn giản: Vì sao đã biết nhà báo đang tác nghiệp mà vẫn cứ đánh đập?!
Hình như một
số việc nhằm hạn chế hoạt động của báo chí trong vụ cưỡng chế ở Văn Giang không
phải chỉ là từ phía Hưng Yên? Vậy thì cấp nào và vì lý do gì đã chủ trương hạn
chế hoạt động của báo chí trong vụ này? Tại sao bài học tích cực của báo chí
trong vụ Tiên Lãng được Thủ tướng biểu đương, nhưng đã không được phép vận dụng?
Giải mã được
những uẩn khúc về việc hạn chế hoạt động báo chí trong vụ Văn Giang sẽ rút ra
nhiều bài học bổ ích cho thực hiện quyền được thông tin, công khai minh bạch
các hoạt động ảnh hưởng tới người dân, xúc tiến dân chủ…
Vốn là một
nhà báo, tôi vô cùng bức xúc trước câu hỏi mà mình không tự trả lời được, xin
tin cậy gửi tới Quốc hội .
Ngày 9
tháng 5 năm 2012
Tống Văn
Công*
* Nhà báo Tống
Văn Công từng là TBT tờ Lao động (1988-1995), cùng tờ Văn nghệ khi đó do Nhà
văn Nguyên Ngọc làm TBT và một số báo khác, đi đầu đóng góp nhiều vào cuộc “Đổi
mới” cho xã hội, “cởi trói” cho văn nghệ.
Mấy năm
qua, ông đã có một số bài viết chấn động dư luận, có khi lấy bút danh là Thiện
Ý:
Nguồn
:http://www.boxitvn.net/bai/36720
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét