Nguyễn Quang Lập
Trên
70% là khiếu kiện liên quan đến đất đai, đó là thông tin được công bố tại hội
nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố
cáo 4 năm (2008-2011). Đất đai chiếm tới 98% tổng số đơn thư khiếu nại tố cáo Bộ
Tài nguyên – Môi trường (TNMT) nhận được hằng năm, thứ trưởng Bộ TNMT Chu Phạm
Ngọc Hiển cho biết. Chừng đó thông tin cũng đủ cho thấy vấn đề nóng bỏng nhất
là đất đai, dân chúng nhiều bức xúc nhất vẫn là đất đai.
Điều đó không ai không biết. Vấn đề là làm thế
nào để cho đất đai không còn là vấn đề nóng bỏng, nhiều bức xúc? Tại hội nghị
nói trên, Thủ tướng cũng đã có câu trả lời trong 13 chữ: “Đề cao trách nhiệm”,
“Giải quyết hài hòa”, “ Làm tới nơi tới chốn”. Có thể gọi đó là 13 chữ vàng,
xin cảm ơn Thủ tướng.
Tuy
nhiên để thực hiện 13 chữ vàng của Thủ tướng không là chuyện đơn giản, khi mà
chính sách về đất đai còn quá nhiều bất cập. Nói như một nhà báo: “Không nên coi một chính sách
luôn giữ kỷ lục trên dưới 80% tổng số người khiếu kiện trong suốt hơn 20 năm
qua là không có gì sai”. Khi mà quyền lợi của người nông dân không thể dung hòa
với quyền lợi của các đại gia. Khi mà, nói như giáo sư Tương Lai, “ luật đất
đai, nhân danh sở hữu toàn dân, nhưng lại giao quyền sỡ hữu toàn dân đó, giao
cái quốc gia công thổ đó cho chính quyền địa phương. Một ông lãnh đạo xã cũng
có thể trở thành Nhà nước để quyết định sở hữu toàn dân đó.” Trong khi Thứ trưởng
Chu Phạm Ngọc Hiển thì nhận định: “Việc giải quyết khiếu kiện đòi hỏi phải có một
đội ngũ những người am hiểu pháp luật, có nghiệp vụ chuyên sâu và làm việc
chuyên nghiệp, nhưng hiện nay cán bộ chủ yếu là kiêm nhiệm, trình độ hiểu biết
pháp luật đất đai còn thấp.”
Sự
bất cập dễ thấy nhất là ở chính sách bồi thường. Với một tỉ lệ 1/15, 1/20 lần,
thậm chí cao hơn nhiều, giữa giá bồi thường và giá bán ra thì đến Phật cũng nổi
đóa, đừng nói đến người dân. Chính tổng Thanh tra chính phủ Huỳnh Ngọc Tranh đã
thừa nhận:“Có sự chênh lệch quá lớn giữa giá bồi thường và giá thị trường hoặc
giá bán của nhà đầu tư bán, chuyển nhượng lại cho người khác .” Giải quyết hài
hòa vấn đề này khi và chỉ khi chúng ta
khẳng định: đất là của dân và chính quyền là của dân chứ không phải của
các đại gia. Nếu thiếu một trong hai điều đó tất nhiên sẽ không thể “giải quyết
hài hòa”, càng không thể buộc chính quyền
“đề cao trách nhiệm”, “làm tới nơi tới chốn” như Thủ tướng mong muốn.
Đối
với các đại gia, nói như Mác, khi lợi nhuận lên tới 100% thì dù có treo cổ họ
cũng cứ làm. Nếu coi đất không thực sự của dân xin đừng bảo chính quyền đứng ra
bảo vệ quyền lợi của dân, vì đó là sự bảo vệ vô duyên và vô lý. Huống hồ miếng
mỡ 100% lợi nhuận thơm đến mức khó lòng một ông chính quyền nào nhịn được. Khi
đó ý niệm mông lung của “sở hữu toàn dân” sẽ nhanh chóng được cụ thể hóa bằng việc coi đất đai là của chính quyền sở
tại. Từ các cuộc cưỡng chế ở Tiên Lãng, Văn Giang người ta dễ nhận ra sự lúng
túng của các nhà quản lý: một mặt họ phải chứng tỏ họ là công bộc của dân, mặt
khác họ phải cho dân biết đất đai là của họ, quyền định giá đất đai là của họ
chứ không phải ai khác.
Bảo
rằng dân là ông chủ trong khi đất đai không phải của họ, vì thế mới có hai chữ “thu
hồi”, tấn bi hài ông chủ ở nhờ nhà đày tớ là ở chỗ này đây. Cho nên để giải quyết
tấn bi hài này chỉ có cách đặt lại câu hỏi đất của ai một cách rõ ràng minh bạch
nhất. Nếu đất của dân thì 13 chữ vàng của
Thủ tướng mới thực sự có lợi cho dân, ngược lại thì các đại gia hưởng lợi.
Bao
giờ đất đai mới thực sự của dân? Sẽ không bao giờ, nếu như “bộ phận không nhỏ”
vẫn khăng khăng cho rằng bỏ sở hữu toàn dân là mất CNXH. Đây mới thực sự là bi
kịch nước nhà và hạnh phúc của các đại gia, bởi vì 13 chữ vàng của Thủ tướng
đã, đang và sẽ thuộc về họ.
Nguyễn
Quang Lập
http://quechoa.info/2012/05/04/12-chu-vang-cua-thu-tuong/#more-23982
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét