Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




VỪA BUỒN CƯỜI...LẠI MUỐN KHÓC !

Kỳ Duyên - VietNamNet

Trí Nhân Media : Mấy ngày qua, báo chị rộ lên tin chính quyền ở một huyện thuộc tỉnh Gia Lai cưỡng chế thu hồi 2 hòn đá do người dân đào lên trong vườn nhà mình. Cuộc cưỡng chế bất thành vì người dân phản đối quyết liêt. Nhưng chính quyền vẫn chưa chịu lui bước. Trí Nhân Media giới thiệu đến bạn đọc bài viết "Vừa buồn cười...lại muốn khóc” của Kỳ Duyên đăng trên Vietnam Net đưa ra đôi điều đáng suy ngẫm về việc này.

******* 
Có hai câu chuyện trong tuần này, mà đọc xong, chuyện này thấy buồn cười, chuyện kia thấy muốn khóc. Chuyện tưởng bé tẹo, mà không tẹo tí nào.

Hòn đá mà biết nói năng...

Đó là vụ việc, ngày 29/3 mới đây, UBND huyện Chư Sê và UBND xã H'bông (huyện Chư Sê- Gia Lai) tổ chức lập biên bản "cưỡng chế"... hai hòn đá của gia đình ông Lê Hùng Dũng, khiến xã hội bất bình và chê cười.

Bởi hai hòn đá, ông Dũng đào được trong vườn nhà, nằm trỏng chơ suốt ba năm, chả cán bộ nào ngó ngàng đến. Nay nghe người ta đồn là đá quý. Lập tức, chính quyền cấp huyện cấp xã có mặt đòi ...tịch thu.

Nhưng cái cách làm việc "khi quan liêu, lúc cấp tập, khi vô cảm lúc cậy quyền" của hai cấp quản lý khiến gia đình ông Dũng nói riêng, người dân xã nói chung phản ứng quyết liệt.

Còn lý do tịch thu: Mảnh vườn ông Dũng được cấp giấy chứng nhận để sản xuất, chứ không phải để khai thác khoáng sản. Hai hòn đá đào được thuộc...tài sản quốc gia.

Một vị lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Gia Lai còn "mách có chứng": Từ năm 1996 nước ta đã có Luật Khoáng sản khẳng định đây là nguồn tài nguyên của quốc gia, do Nhà nước quản lý. Luật Khoáng sản mới (QH thông qua năm 2010) kế thừa quan điểm này.

Người dân chỉ được đào khi cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Nếu đó chỉ là đá thông thường thì phải xin phép địa phương nhưng nếu là đá quý thì phải ra tận trung ương để xin phép. Còn trường hợp vô tình phát hiện đá quý thì phải trình báo. (Pháp luật TP HCM, ngày 4/4/2012).

Nghe rất có lý, có luận, có luật hẳn hoi.

Thế nhưng, khi thi hành cái lý, cái luật, mới thấy rối như canh hẹ.

Bởi không ít người dân ở Gia Lai, Đồng Nai, TP HCM lâu nay toàn đào đá lấy ở suối về, hoặc đua theo phong trào mua "đá phong thủy" trôi nổi ở các cửa hàng, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, giờ mới cuống, mình đang chiếm giữ tài sản quốc gia. Phạm luật theo... phong trào mà không biết! Vậy xử lý thế nào đây?

Cũng vị lãnh đạo Sở TN- MT Gia Lai nói trên: Nguyên tắc là vậy nhưng chúng tôi chưa bao giờ kiểm tra, xử lý những trường hợp người dân có vài viên đá kiểng trong nhà, trong vườn. Luật có mà không bao giờ đi kiểm tra việc thi hành, thì không hiểu quản lý kiểu gì?

Lạ nhất, cái việc "cưỡng chế" hai hòn đá của gia đình ông Dũng cũng không theo một quy chuẩn nào.

Hòn đá bị cưỡng chế
Ông Phó CT thường trực UBND huyện Chư Sê thì bảo: Xét thấy đây là khoáng sản, là tài sản quốc gia nên tiến hành lập biên bản thu giữ. Việc thu giữ hai viên đá này, chúng tôi sẽ tổ chức bán đấu giá và trích lại tiền cho chủ hộ có đá bị tạm giữ. Số tiền còn lại được sung vào ngân sách.

Nhưng khi cưỡng chế, thấy gia đình ông Dũng van nài, nên chính quyền huyện chỉ  tịch thu một, cho vợ chồng ông Dũng giữ lại một, theo kiểu "một hòn trọng, một hòn ...khinh".

Tuy nhiên, điều rất khó hiểu, biên bản được lập cũng chỉ duy nhất một bản, không trích sao bản thứ hai để gia đình ông Dũng giữ làm bằng chứng theo quy định pháp luật.

Trước cách làm tùy tiện và đáng ngờ, ông Dũng đã không đồng ý ký. Chánh Văn phòng huyện Chư Sê bèn thay đổi ý định, lập biên bản thu hồi cả hai hòn, khiến ông Dũng quyết liệt phản đối, càng không ký.

Xin mượn ý câu ca dao dân gian thâm thúy: Hòn đá mà biết nói năng/ Thì mấy ông huyện hàm răng chả còn!

Bởi chuyện quan hệ chính quyền với dân, chuyện thi hành luật pháp mà "ngộ nghĩnh", tiền hậu bất nhất và tùy tiện hệt chuyện ...trẻ con. Tùy tiện từ lúc phát hiện, đến lúc lập biên bản và đòi cưỡng chế, lúc chỉ một, lúc đòi cả hai hòn đá vô tri vô giác.

Cầu tạo hình chữ V chứ không sập!
Tùy tiện như phát ngôn ngụy biện cực kỳ vui, của ông Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pảh, (cũng thuộc Gia Lai), cách đây ít lâu, khi cây cầu của huyện bị sập gẫy: Cầu tạo hình chữ V chứ không sập, khiến xã hội cười nghiêng ngả. Cứ ngỡ vị Phó CT này xem quá nhiều chương trình "Hỏi xoáy- đáp xoay" của VTV3 nên bị... nhiễm tính hài hước.

Chưa biết chuyện "hai hòn đá" đi đến đâu, và chính quyền huyện Chư Sê giải quyết thế nào. Và còn nữa, những hòn đá to, hòn đá nhỏ... lâu nay đang đứng, ngồi, nằm tạo dáng ở trong nhà không ít người dân các địa phương, sẽ được xử lý kiểu gì? "Cưỡng chế" hay "tha bổng"?

Chỉ biết, các hòn đá to, hòn đá nhỏ, và kể cả hai hòn đá tảng của gia đình ông Dũng vừa bị cưỡng chế "hụt" đã... trốn biệt.

Vì người dân có quyền đặt câu hỏi về một nghịch lý: Tại sao chính quyền không ngăn cấm một số đối tượng khai thác đá trái phép một cách bừa bãi trên địa bàn, mà lại cưỡng chế thu hồi những hòn đá nhỏ lẻ do người dân vô tình tìm được?

Vì sao lại "trọng một bên, khinh một bên" thế nhỉ?

Người...giả ?

Một chuyện khác ngay lập tức gây sốc cho xã hội- gạo giả?

Báo Dân trí đưa tin, ngày 16/3, Duy Mạnh, sinh viên đang tạm trú tại phố Giáp Nhị (p. Thịnh Liệt, q. Hoàng Mai- Hà Nội) đã đi mua 5 kg gạo trên phố Giáp Nhị với mức giá 14.000 đồng/kg. Loại gạo này có hình dạng dài và to hơn các loại gạo bình thường, màu trắng đục và bề ngoài bóng bắt mắt.

Gạo không có mùi thơm đặc trưng của cám gạo, mà có mùi "lạ", gần giống như mùi nhựa. Khi nấu thành cơm, Mạnh và một số người bạn cùng ở trọ phát hiện ra cơm không nở như các loại gạo bình thường, các hạt gạo rời rạc bất thường. Đặc biệt, thay vì mùi thơm của cơm, cả nồi nồng nặc mùi nilon, xen kẽ mùi nhựa tổng hợp khó ngửi và không thể ăn.

Trời ơi. Còn thiếu cái gì mà không giả: Thuốc tân dược giả, rượu giả, bằng cấp giả, thuốc trừ sâu giả, phân bón giả...Và cả ngực, mông phụ nữ cũng có thể giả nốt, nếu các người đẹp có nhu cầu.

Nay thì gạo giả. Cái Hạt gạo làng ta, có bão tháng bẩy, có mưa tháng ba... nay cũng là hạt giả? Còn gì là giả nữa đây?

Có lẽ, ai cũng phải ăn cơm (dù mê phở), nên cái tin gạo giả quá nhạy cảm, ngay lập tức được các cơ quan chức năng vào cuộc. Mà không vào cuộc sao được, nếu chẳng may, người thân của mình, và chính mình cũng ăn phải gạo nilon?

Con người ta có thể xài bằng cấp giả, làm giả, nhưng đã ăn, phải ăn... thật!

Mẫu gạo nghi giả thu được tại Hà Nội.
Và tin gạo giả bước đầu được cho là không xác thực.

Kết quả kiểm tra của ngành chức năng cho biết, không thấy gạo giả như thông tin đã phản ánh. Tổ kiểm tra đã tiến hành lập biên bản với sự có mặt của chủ hộ kinh doanh là ông Đinh Văn Thiện, và anh Duy Mạnh, người cung cấp thông tin cho báo chí.

Sinh viên Duy Mạnh đã không đưa ra được những bằng chứng để chứng minh đã mua gạo giả tại cửa hàng của ông Thiện. Mạnh cho biết, gạo là do bạn ở cùng mua và hiện nay đã đem vứt đi hết.

Vậy đâu là sự thật? Và ai phải chịu trách nhiệm gây bất ổn, bất an cho tâm lý xã hội khi gieo những thông tin trên? Khi người dân đã quá hoang mang vì phải gặt hái quá nhiều những thất thoát, tham nhũng, tội ác, tệ nạn xã hội...?

Cũng theo nhiều chuyên gia về nông nghiệp: Chưa có căn cứ khoa học nào khẳng định gạo đó là giả. Về góc độ sản xuất nông nghiệp, không thể có loại giống lúa nào "đẻ" ra được gạo giả ( ông Phạm Đồng Quảng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn)

Hoặc: Để sản xuất loại gạo giả từ nhựa thì giá thành không thể rẻ như trên. Bởi giá đắt gấp ba lần giá gạo hiện tại. Có thể loại gạo giả này được làm từ những tinh bột rẻ khác (như bột sắn) và được trộn các hóa chất tạo mùi, tạo màu, tạo độ dẻo và chất chống mốc... thì mới có giá như vậy (ông Mai Thành Chí, Viện Công nghệ Hóa học- Bộ Công thương).

Dầu vậy, trong cái thời buổi "của giả là của...đắt" như hiện nay, thì tin gạo giả vẫn có sức khiến con người nghi nghi hoặc hoặc. Chả thế, các chuyên gia vẫn cảnh báo và nhắc nhở xã hội phải đề phòng cảnh giác gạo giả. Kết quả kiểm nghiệm gạo giả sẽ được cơ quan chức năng thông báo nay mai

Và trong khi chờ đợi- Con người- tự cho mình là rất trung thực, đàng hoàng, tìm đến chỗ nơi tạm giam, nơi biệt giam các "tội phạm" hàng giả. Nào Rượu giả, Bằng cấp giả, Thuốc tân dược giả... nằm ngả ngớn.

Ở nơi tạm giam, Con người gườm gườm hỏi Gạo giả:

- Bé tẹo như hạt gạo, lại chỉ có mấy tháng mà cũng đòi làm giả!

Gạo giả cãi lại:

- Thế sao, to béo, bệ vệ, và sống dai như Con người lại dùng bằng cấp giả nhỉ? Dạy phải trung thực mà toàn "học giả"? Xin lỗi các bậc học giả xịn. Hì...hì...

Con người chưa kịp trả lời, thì từ nơi biệt giam, Rượu giả cười hềnh hệch:

- Cũng tại Con người các vị chỉ thích sài rượu ngoại, và thích các em chân dài, nên mới có rượu giả ngoại, ngực, mông độn silicon.... Lại thích địa vị, nên mới có Bằng giả chu cấp!

Con người nổi nóng:

- Bằng cấp ta đang dùng là bằng thật hẳn hoi nhé!

Bằng giả bỗng chen vào:

- Bằng thật nhưng quản lý quá kém thì "trình đó" (trình độ) cũng là trình... giả!

Cả bọn "tội phạm"- Gạo giả, Rượu giả, Thuốc giả, Bằng giả... bỗng gào lên:

- Chúng tôi không có tội. Tội là Con người các vị làm ra. Chúng tôi cũng muốn gạo thật, rượu thật, thuốc thật, bằng cấp thật, chất lượng thật chứ. Cũng muốn được là hàng xịn chứ? Các vị làm ra toàn hàng giả rồi đổ tại lũ chúng tôi.

Thế là bằng cấp thật, nhưng trình độ giả, phẩm chất giả, nhân cách giả nhé. Đồ Người ...giả!

Đồ giả dối. Đồ đạo đức giả!

Vừa buồn cười, lại muốn khóc...

Kỳ Duyên 
http://tuanvietnam.net/2012-04-05-vua-buon-cuoi-lai-muon-khoc-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét