Ðang
tìm hiểu lý do tại sao, sau một ngàn năm Bắc thuộc, nước Việt Nam không thành một
tỉnh của Trung Quốc, chúng tôi có dịp đọc sách sử cũ, thấy có mấy chuyện đáng kể
lại trong lúc này.
Cuốn
Mân Thành Tạp Thảo của Lý Văn Phức kể chuyến đi Phúc Kiến của ông năm 46 tuổi.
Mân Việt là tên của tỉnh Phúc Kiến thời xửa thời xưa; trong cùng lúc người
Trung Hoa gọi nước ta là Lạc Việt.
Ông Lý Văn Phức đi sứ sang Tàu bốn lần, chưa
kể một lần sang Phi Luật Tân (đảo Lucon) và hai lần qua Bengal. Chuyến đi năm
Tân Mão (1831) có lý do nhân đạo. Cả gia đình một người Trung Hoa tên là Trần
Khải đi biển gặp bão, thuyền trôi dạt vào hải phận Việt Nam. Vua Minh Mạng sai
cả một phái bộ dùng đường biển đưa cả gia đình này về nguyên quán. Lý Văn Phức
phụ trách việc này, nhân đó có dịp gặp gỡ và đối đáp, đã “tranh đấu ngoại giao”
với viên tổng đốc họ Tôn ở đó, về những vấn đề có tính cách nghi thức thù tiếp
nhưng lại đụng chạm tới thể diện quốc gia. Ngay hôm đầu tiên, được đưa kiệu đến
trước cửa ngôi nhà tạm trú, Lý Văn Phức đã lùi lại, không vào. Vì trên cửa là tấm
giấy ghi: “Việt Nam quốc Di sứ Công quán.” Di là chữ người Trung Hoa gọi tên
các giống dân “man rợ.” Quan địa phương chịu gỡ tấm bảng đi, ông mới bước vào.
Ngày hôm sau, họ phải viết một tấm bảng khác: “Việt Nam quốc Sứ quan Công
quán.” Sứ quan, chứ không phải Di sứ!
Mấy
ngày sau, Lý Văn Phức viết một bài “Biện Di Luận,” bàn luận về “Di.” Sau khi mô
tả nước Việt Nam biển rộng sông dài, ra đến các đảo ở Ðại Hải; lại kể ra các
phong tục tập quán, và nền giáo dục, thi cử ở nước ta không thua kém gì bên
Tàu; ông hỏi: “Như thế mà lại gọi là Di được hay sao?” Lý Văn Phức lại lục lọi
sách sử cũ Trung Hoa ra, trích dẫn nguyên văn: “Vua Thuấn vốn là người Ðông Di,
Văn Vương vốn là người Tây Di; truyện sử có chép như thế.” Hai ông đế, ông
vương được kính trọng nhất nước Tàu, cũng gốc người “sắc tộc thiểu số!”
Chưa
hết, Lý Văn Phức còn phân tích thêm để “nói móc” cho họ phải ngượng. Bài văn viết:
Có phải các ông gọi một sắc tộc là Di vì cách ăn mặc và tiếng nói của họ hay
không? Nếu vậy thì trong xứ Mân Thành này, quý vị ăn mặc không giống, nói tiếng
nói không giống các tỉnh khác của Trung Quốc; quý vị có phải là Di hay không?
Nói
vậy là đụng tới một nỗi xấu hổ của người xứ Mân. Hai ngàn năm trước, cũng như
Việt Nam, họ không hề thuộc vào nước Tàu. Triệu Ðà là ông tướng đầu tiên đánh
chiếm Mân Việt. Bây giờ họ đã biến thành một tỉnh, bị đồng hóa thành người
Trung Quốc! Còn chúng tôi, người Việt Nam thì vẫn là một nước độc lập!
Bài
Biện Di Luận được Lý Văn Phức viết, đem treo trước công quán, thầy giáo, học
trò kéo nhau đến đọc, có người chép lại đem về nhà giữ. Ông kể lại, có một viên
quan lo về giáo dục (huấn đạo) tên là Lý Chấn Nhân đã tự giật mũ, ném xuống đất,
nói: “Chúng ta là Di mà lại còn gọi người khác là Di làm gì!” Chi tiết “giật mũ
ném xuống đất” này quan trọng. Vì một trong những thứ mà người Trung Hoa đời
thượng cổ tự hào hơn các giống Di, Ðịch, là họ biết đội mũ! Hậu Hán Thư đã kể
công hai ông thái thú Tích Quang và Nhâm Diên dạy dỗ dân Giao Chỉ, Cửu Chân
thay đổi trang phục, với việc “chế vi quan, lý” – tức là chế tạo ra mũ đội và
làm dép để đi vào chân. Người Phúc Kiến vẫn quen quấn khăn chứ không đội mũ, đó
là một phong tục cũng được Lý Văn Phức nêu ra trong bài văn! Ðọc tới đó, người
ta phải thấy xấu hổ, giựt mũ ném xuống đất là phải!
Lý
Văn Phức xứng đáng làm một người đại diện cho nước Việt Nam ra nước ngoài, để bảo
vệ thể diện dân tộc. Nếu ngày nay có người có tài trí và đảm lược như ông thì đỡ
biết mấy! Mân Thành Tạp Thảo còn kể nhiều cuộc đối đầu lý thú giữa ông sứ thần
nước ta với một quan tổng đốc Trung Quốc; nhưng còn một câu chuyện của một tác
giả khác, sống trước Lý Văn Phức nửa thế kỷ, cũng đáng kể lại.
Vua Quang Trung đại phá quân Thanh |
Mùa
Xuân năm Canh Tuất (1790) Quang Trung cử Phan Huy Ích làm sứ thần đưa một vị võ
tướng giả đóng vai nhà vua sang Trung Quốc triều kiến vua Càn Long nhà Thanh.
Trước đó một năm quân ta mới đánh Tôn Sĩ Nghị tơi tả ở trận Ðống Ða. Phái đoàn
gồm 150 người, có cả một đoàn văn nghệ 10 nhạc sĩ và ca sĩ, bái biệt vua ở Nghệ
An ngày 29 Tháng Ba (Âm lịch), đến Tháng Bẩy mới đến Bắc Kinh. Ngày 11 Tháng Bẩy,
phái bộ được vua Càn Long tiếp tại nhà nghỉ mát ở Nhiệt Hà, làm thơ xướng họa với
nhau. Ba ngày sau gặp lại gặp, Càn Long tặng cho “quốc vương giả” Phạm Công Trí
và nhân viên sứ bộ nhiều món quà quý giá. Ðặc biệt, ông vua nhà Thanh nhờ phái
bộ chuyển một món quà gồm “hai tấm đoạn,” đem về cho một vị trưởng đồn người Việt
Nam, tên là Phạm Quang Chương.
Ông
Phạm Quang Chương đã làm gì mà được vua nhà Thanh tặng quà như vậy? Cuốn hồi ký
Tinh Sà Kỷ Hành của Phan Huy Ích tường thuật chuyến đi, cho biết lý do. Trước
đó ba ngày vị “đồn tướng” Phạm Quang Chương, trong lúc đi tuần trên biển, đã cứu
được một chiếc thuyền của người Trung Hoa trong lúc họ đang bị cướp biển tấn
công. Tin đưa về Bắc Kinh rất nhanh, Càn Long tạ ơn ngay.
Ước
chi lúc này có được những vị đồn trưởng như ông Phạm Quang Chương thời đó. Ông
có thể cứu những ngư phủ Việt Nam bị cướp biển tấn công ngay trong hải phận nước
mình. Mà bọn cướp đó lại là quân sĩ của những người ngồi kế vị trên ngai vàng
các vua nhà Thanh ở Bắc Kinh, là đảng Cộng Sản Trung Quốc!
Nghe
tin 21 đồng bào đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi đi biển bị lính tráng Tàu bắt cóc từ
Tháng Ba, bị tra tấn, bỏ đói trong hơn một tháng giam cầm mới được thả về, sau
khi đã bị cướp hết thuyền bè, dụng cụ đánh cá, người Việt ở nơi nào cũng phải rớt
nước mắt. Mà đây không phải lần đầu tiên ngư dân mình bị trấn lột, hành hạ như
vậy. Bọn “cướp biển” mặc đồng phục Trung Quốc đã tung hoành như thế từ bao
nhiêu năm nay rồi. Hàng ngàn đồng bào Việt Nam đã bị họ cướp, đánh, nhiều người
còn bị giết. Ông Phạm Quang Chương ơi, cứu chúng tôi với! Ông Phạm Quang Chương
ơi, ông ở đâu rồi?
Tại
sao những người lính Trung Cộng có thái độ và hành vi khinh thường dân Việt Nam
như vậy? Phải hỏi những vị quan to trong Câu Lạc Bộ Ba Ðình để nhờ các ông bà
giải đáp cho dân chúng tôi nghe.
Trong
mấy ngày qua, hai nước Philippines và Việt Nam đều phản đối bản “Quy hoạch bảo
vệ hải đảo toàn quốc” của chính phủ Trung Quốc. Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt
Nam chỉ nói một cách giản dị là nó “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.”
Và yêu cầu Trung Quốc phải hủy bỏ ngay bản quy hoạch nêu trên, không có thêm
hành động nào làm phức tạp tình hình ở Biển Ðông. Nói xong rồi, không có một
hành động nào khác. Vẫn tụng đọc 16 chữ vàng mỏi miệng, chờ coi các “đồng chí
anh em” sẽ làm gì tiếp thì lại nói thêm vài câu nữa!
Chính
phủ Philippines cũng phản đối Trung Quốc như vậy; nhưng họ còn làm nhiều hơn. Họ
cho phép giới quân sự lên tiếng “Quân đội Philippines sẽ không lùi bước!”
Philippines còn “kêu gọi các nước phương Tây và Châu Á tỏ rõ lập trường” về
tình hình Biển Ðông, để cùng đối đầu với một “mối đe dọa.” Tức là đề nghị quốc
tế hóa vấn đề Biển Ðông. Khi tổng thống Philippines tuyên bố nước ông sẽ “không
gây chiến với Trung Quốc ở Biển Ðông” thì người ta hiểu rằng họ sẵn sàng chờ đợi
nếu cần phải chống cự bất cứ một cuộc gây hấn nào, dù là chiến tranh! Trung Quốc
yêu cầu Philippines rút con tàu khảo cổ đang vớt lên một con tàu đắm gần bãi đá
ngầm Scarborough ở Biển Ðông, chính phủ Manila cương quyết từ chối.
Có
vị tướng lãnh nào ở Việt Nam được phép lên tiếng về vấn đề Biển Ðông hay không?
Hay là các ông tướng còn đang lo các biện pháp đối phó với “Cơn sóng Ðoàn Văn
Vươn” đang dâng trào; khi đồng bào Hưng Yên ào ào kéo nhau biểu tình đòi đền bù
đất đai bị “cưỡng chế,” lại được đồng bào từ Bắc Ninh đến hỗ trợ?
Không
cần hỏi tại sao những người lính Trung Quốc ngang nhiên cướp bóc ngư dân Việt
Nam, khinh rẻ mạng sống, tài sản của người Việt Nam. Nhà dột từ nóc dột xuống!
Năm
1992 cả một đoàn lãnh đạo Bộ Chính Trị đảng Cộng sản Việt Nam xin phép kéo nhau
sang triều yết Ðặng Tiểu Bình để xin được làm “đồng chí anh em” như cũ. Ðặng Tiểu
Bình không thèm tiếp, còn không cho được đến Bắc Kinh. Bắt gặp gỡ ở Thành Ðô,
tuốt muốt ở Tứ Xuyên, một tỉnh ở góc nước Trung Hoa vĩ đại. Ðặng Tiểu Bình còn
đòi bằng được phải đưa cả ông Phạm Văn Ðồng sang gặp, dù ông cựu thủ tướng này
không còn chức vụ nào nữa. Bởi vì chính ông Phạm Văn Ðồng là người đã ký lá thư
năm 1958 công nhận bản tuyên bố về hải phận của Trung Quốc, trong đó nói họ làm
chủ cả Hoàng Sa lẫn Trường Sa! Cứ như vậy mà cả sứ bộ Cộng Sản Việt Nam lục tục
kéo sang chầu để xin giải hòa, thề từ nay ngưng không chửi bới “Trung Quốc xâm
lược” nữa! Chẳng còn chút thể diện nào cả! Làm sao người ta không khinh được?
Ước
chi lúc này có được những nhà ngoại giao như Lý Văn Phức thời đó! Ước chi lúc
này có được những vị đồn trưởng như ông Phạm Quang Chương thời đó!
http://baotoquoc.com/2012/04/25/%C6%B0%E1%BB%9Bc-chi-th%E1%BB%9Di-do/#more-37776
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét