Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




NHỮNG VẤN ĐỀ TIỀM ẨN ĐẰNG SAU CĂNG THẲNG TRÊN BIỂN ĐÔNG

Tác giả: Roberto Tofani
Người dịch: Thủy Trúc - Blog Ba Sàm

Tranh chấp trên Biển Đông phải được ứng xử và giải quyết một cách hòa bình. Câu nói này tóm gọn nhiều tuyên bố do các quan chức chính phủ đưa ra sau những cuộc gặp song phương hay đơn phương về chuyện Biển Đông, nhưng nó cũng nhấn mạnh sự thiếu vắng một ý chí chính trị thực sự và tình trạng bất ổn, không thể dự báo, đang tiếp diễn trong khu vực.

Tranh chấp liên quan tới chủ quyền đối với đất đai và quyền tài phán trên biển cho thấy căng thẳng dứt khoát sẽ tăng lên trong những tháng trước mắt; hoặc ít nhất cũng cho đến khi có một Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) mới về Biển Đông, có tính ràng buộc hơn, được cả Trung Quốc và tổ chức 10 thành viên Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chấp thuận. Sau cùng, tuyên bố tìm kiếm “một giải pháp hòa bình”, như các bên bày tỏ, đã không ngăn chặn nổi một cuộc chạy đua vũ trang mới trong khu vực.

Sự cố mới đây nhất trong tuần này là khi tàu chiến lớn nhất của Philippines, Gregorio Del Pilar, chạm trán với hai tàu hải giám Trung Quốc, sau khi phía Trung Quốc can thiệp để cứu một tàu đánh cá của họ, gồm 8 ngư dân, khỏi bị bắt giữ vì đánh cá trái phép tại bãi cạn Scarborough Shoal, nằm ngoài khơi bờ biển phía tây bắc của Philippines, cũng là nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Hôm thứ năm, khủng hoảng kéo dài sang ngày thứ ba. Các nhà ngoại giao của cả hai bên vẫn đang tìm cách làm dịu tình hình.

Đúng như một số nhà quan sát đã dự đoán, vấn đề Biển Đông không nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh ASEAN, tổ chức tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia hồi đầu tháng. Hiệp hội có một thông lệ hoạt động đã thành tiêu chuẩn, có mục đích là che giấu các vấn đề gây tranh cãi; tuy nhiên, quyết định của Campuchia với tư cách chủ tịch ASEAN – không thảo luận về Biển Đông – cũng bộc lộ sự ảnh hưởng của Trung Quốc.

Campuchia đã im lặng về chuyện Biển Đông suốt từ khi vấn đề này được Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nêu ra nhân Diễn đàn Khu vực ASEAN, tháng 7-2010. Tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, tổ chức tháng 11 năm ngoái ở Bali, với sự có mặt của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Campuchia cùng với Myanmar là hai nước thành viên ASEAN phản đối việc nâng mức độ quan ngại về an ninh hàng hải lên cao hơn. Trong vài năm gần đây, số nợ Trung Quốc của Phnom Penh đã tích tụ dần tới mức hơn 8 tỷ USD.


“Có vẻ như lúc đầu Campuchia có đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự chính thức, nhưng sau đó lại rút ra. Điều này chắc chắn là do Trung Quốc đã bộc lộ những quan điểm rất mạnh. Trong bất kỳ sự kiện nào, ASEAN cũng thường che giấu những vấn đề gây tranh cãi bằng cách không đề cập tới chúng một cách trực tiếp. Có thể thấy rõ điều này trong Thông cáo cuối cùng của Chủ tịch ASEAN, rằng vấn đề Biển Đông đã không được thảo luận”. Ông Carl A Thayer, Giáo sư danh dự Đại học New South Wales ở Học viện Quốc phòng Australia, Canberra, giải thích với Asia Times Online.

Kết thúc hai ngày họp, như thông cáo báo chí đã nêu, 10 vị lãnh đạo “nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường các nỗ lực nhằm đảm bảo việc thực thi có hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố về Ứng xử của Các bên (DOC) dựa trên những hướng dẫn về cách thực thi DOC”.

Chủ quyền đối với các khu vực trên Biển Đông hiện đang là đối tượng tranh giành giữa Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Malaysia, Đài Loan và Brunei. Nhiều vùng ở Biển Đông được cho là rất giàu nhiên liệu hóa thạch và hết sức quan trọng đối với hàng hải và mậu dịch trong khu vực. Năm qua, căng thẳng đã tăng vọt sau nhiều vụ việc xảy ra trên biển, đặc biệt là giữa hai trong số các quốc gia có yêu sách chủ quyền: Trung Quốc và Việt Nam.

Năm ngoái, hai nước này đã đạt tới một thỏa thuận nhằm giải quyết tranh chấp chủ quyền theo lối song phương; và việc – như Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã tuyên bố – không nước nào liên quan tới tranh chấp lại đòi chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông, dường như cũng báo hiệu điều tốt cho tương lai.

Vào tháng 2, Hà Nội và Bắc Kinh đã lập nhóm làm việc ở cấp vụ để xử lý các vấn đề gây tranh chấp trên Biển Đông, và tới đầu tháng 3 thì mở một đường dây nóng giữa hai bộ ngoại giao. Cách tiếp cận mới này cũng có thể góp phần làm rõ yêu sách của hai bên tại khu vực tranh chấp.

Năm 2009, Việt Nam phác thảo các yêu sách của họ trong bản đăng ký đệ trình lên Ủy ban LHQ về Ranh giới Thềm lục địa. “Việt Nam có vẻ như đang chuyển từ tuyên bố chủ quyền biển sang tuyên bố chủ quyền đối với những cấu trúc trên biển (feature) – gồm đảo và đá – mà họ chiếm hữu. Việt Nam chưa tuyên bố cấu trúc nào là đảo, theo luật quốc tế, để từ đó có thể hưởng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý và thềm lục địa, và cấu trúc nào là đá, để được hưởng lãnh hải 12 hải lý” – ông Thayer cho biết.

Do đó, các khó khăn cũng như những vấn đề chưa được giải quyết sẽ vẫn còn đó, bởi vì “Trung Quốc chưa làm rõ là họ có yêu sách chủ quyền đối với tất cả các cấu trúc – đảo và đá – kể cả những cấu trúc mà Việt Nam, Philippines và Malaysia đang chiếm giữ; hay chỉ với những đảo và đá mà họ đang chiếm giữ” – ông Thayer nhấn mạnh.

Chẳng hạn, vào tháng 3, khi công ty CNOOC – nhà thăm dò khai thác dầu lớn nhất Trung Quốc – quyết định khai thác các khu vực giàu dầu khí ở phía bắc Biển Đông, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tuyên bố rằng việc làm đó xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.

Chính quyền Hà Nội chọn ra Lô 65/24, họ cho rằng lô này nằm cách một trong các đảo của Trường Sa 1 hải lý. Họ lên án một loạt hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của họ. Đáp lại, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân (Liu Weimin) bác bỏ mọi lời buộc tội và yêu cầu Việt Nam tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.

công ty Ấn Độ ONGC Videsh
Hơn thế nữa, khi một công ty nước ngoài hoạt động trong vùng biển tranh chấp, chẳng hạn công ty Ấn Độ ONGC Videsh, chính quyền Trung Quốc phản đối, nói rằng ONGC Videsh đang ăn trộm tài nguyên của Trung Quốc. Trong vụ việc cụ thể này, “yêu sách về của Trung Quốc về các quyền có tính lịch sử chồng lấn với yêu sách của Việt Nam về vùng đặc quyền kinh tế – tại nơi ONGC của Ấn Độ có giấy phép hoạt động. Nếu Trung Quốc làm rõ được yêu sách của họ dựa trên cơ sở nào, thì điều ấy sẽ giúp giải quyết vấn đề cụ thể này” – Giáo sư Thayer giải thích.

Toan tính của Trung Quốc nhằm giành lại niềm tin của ASEAN và các nước có yêu sách chủ quyền, do đó, đã bị phá hoại bởi sự thiếu minh bạch của Bắc Kinh cũng như thái độ hung hăng của họ trong vấn đề tranh chấp. Đó là hai nguyên nhân chính dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang mới trong khu vực và cũng đã dẫn tới sự “gia tăng về số lượng tàu ngầm, tên lửa chống tàu và sự tăng cường năng lực C4ISR – chỉ huy (command), điều khiển (control), truyền thông (communication), vi tính (computing), giám sát (surveillance) và do thám (reconnaissance)” – như ông Thayer đã nhấn mạnh.

“Mặc dù Việt Nam đã và đang mở rộng cửa cho các nhà cung cấp vũ khí phương Tây trong nhiều năm liền, trong giai đoạn vừa qua, nhu cầu từ phía chính phủ vẫn tăng lên rất nhanh, đặc biệt cầu về hệ thống quốc phòng, mặt hàng mà chúng ta đang phải cạnh tranh với các nhà cung cấp khác” – một nhà cung cấp vũ khí châu Âu giấu tên xác nhận với Asia Times Online. “Tuy nhiên, thu hút chú ý nhiều nhất là đơn đặt hàng trị giá 1,8 tỷ USD mới đây, đặt mua 6 tàu ngầm lớp Kilo từ Nga” – như “The Hanoist” đã nhấn mạnh trong một bài báo gần đây (Xem bài “Việt Nam phát triển cơ bắp cho hải quân”, Asia Times Online, ngày 29-3-2012). Nhưng Việt Nam không phải là nước duy nhất hăm hở tăng cường sức mạnh hải quân, bởi “Philippines đã gửi chúng tôi rất nhiều đơn hàng, mà tôi không thể nêu cụ thể được” – nhà buôn vũ khí châu Âu nọ nói.

Trong lúc các thành viên ASEAN mua vũ khí, hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc được đặt ở mức độ cảnh giác cao. Theo Văn phòng Tình báo Hải quân Hoa Kỳ – như tờ Asashi Shimbun đưa tin – 5 tàu ngầm hạt nhân lớp Jin, trang bị tên lửa đạn đạo JL-2, có thể tăng tầm ngắm tới hơn 8.000 km, đang được triển khai ở Tam Á (Sanya), thành phố cực nam của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và là một trong hai thành phố cấp quận ở tỉnh Hải Nam.

Rủi ro, trong bối cảnh này, là sự phổ biến vũ khí hạt nhân trong khu vực, bất chấp cái nỗ lực ngoại giao đã đưa các nước thành viên ASEAN đến việc ký kết Hiệp ước Khu vực Không Vũ khí Hạt nhân (SEANWFZ, ký năm 1995), một điều ước đình chỉ vũ khí hạt nhân. Tháng 11-2011, “các Quốc gia có Vũ khí Hạt nhân (Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh, Mỹ) và ASEAN đã nhất trí tiến hành các bước cần thiết để tạo thuận lợi cho việc ký Nghị định thư và đưa Nghị định thư vào hiệu lực sớm nhất có thể” – nhưng không ai trong số 5 quốc gia này ký vào Nghị định thư cả.

 Khu vực Đông Nam Á phi vũ khí hạt nhân theo đề xuất của Indonesia.
Cùng với việc căng thẳng gia tăng, nguy cơ xảy ra các sự cố tại một trong những khu vực có mậu dịch đường biển phát triển nhanh nhất thế giới cũng gia tăng theo. Đã nhiều năm qua, ASEAN không thể cùng với Trung Quốc tìm ra một giải pháp ngoại giao và hòa bình cho vấn đề Biển Đông – trong khi bản thân Trung Quốc cũng đang phải lo ngăn chặn sự tham gia trở lại của Mỹ vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chính sách ngoại giao của Mỹ đã thành công trong việc cô lập Trung Quốc tại kỳ họp thượng đỉnh Đông Á, bằng cách đưa vấn đề an ninh hàng hải vào chương trình nghị sự của hội nghị và nhấn mạnh tầm quan trọng của “quyền tự do hàng hải” vì mục đích thương mại.

ASEAN khai thác kết quả này để làm đối trọng với sự bành trướng của Trung Quốc. Tuy nhiên, một số thành viên ASEAN lo ngại rằng sự có mặt nhiều hơn của Mỹ có thể gây bất ổn trong khu vực. Indonesia chẳng hạn, vốn sợ sự hiện diện của tàu chiến Mỹ nhằm ủng hộ Australia. Thái Lan tin rằng cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ lan vào các vấn đề của khu vực. Quan hệ quân sự giữa Washington và Hà Nội, theo một số nhà quan sát, cũng đã đi vào một “giai đoạn mới”, nhưng dường như mang tính hình thức hơn là thực tiễn.

Hiện tại, thành viên ASEAN duy nhất nhiệt tình ủng hộ “sự chuyển hướng chiến lược” mới của Mỹ trong khu vực có lẽ là Philippines. Không chỉ vì các nguyên nhân lịch sử, mà còn vì Manila không thể chỉ trông cậy vào lực lượng quân sự của họ, vốn được xây dựng để bảo vệ biên giới của Philippines hơn là để đối đầu với quân đội quốc tế.

Hơn ai hết, Bắc Kinh không muốn có sự can thiệp (từ ngoài) nào vào Biển Đông. Trong một bài xã luận xuất bản trên tờ Nhân Dân Nhật Báo, bản điện tử, họ gọi lời yêu cầu tôn trọng tự do hàng hải và hành động có trách nhiệm trên Biển Đông – của Trung tướng Burton Field, tư lệnh quân đội Mỹ ở Nhật Bản – là “vô trách nhiệm”.

“Mỹ cố ý nhập nhèm vấn đề tự do hàng hải với vấn đề chủ quyền, và cố ý tạo ra một dạng công luận để mở đường cho việc thực hiện chiến lược của họ” – tờ báo của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc nhận định.

Trong tình hình này, ngoại giao có vẻ đã chiếm sân khấu chính trong tranh chấp Biển Đông. Với quyết định thực hiện DOC, chính quyền Bắc Kinh muốn tỏ ra rằng Trung Quốc không phải là mối đe dọa đối với an ninh khu vực, và họ muốn phục hồi lại cái uy tín đã mất đi vì cách ứng xử hung hăng của họ. “Nhưng Trung Quốc cũng biết, đàm phán với các nước ASEAN là loại bỏ bất kỳ vai trò nào của Mỹ trong việc tham gia thúc đẩy một giải pháp. Trung Quốc sẽ được lợi khi kéo dài đàm phán với ASEAN để tận dụng sự chia rẽ giữa các nước ASEAN” – ông Thayer nói thêm.

Tại Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 18, tổ chức hồi tháng 7, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì và các đối tác ASEAN đã ký một văn bản vạch ra các biện pháp thống nhất nhằm làm cho bản Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), ký cách đây 10 năm ở Phnom Penh, có tính ràng buộc hơn.

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tháng 11 tới ở Phnom Penh sẽ là giai đoạn cuối cùng để tiến tới một Bộ Quy tắc ứng xử (COC) cuối cùng mà 10 nước ASEAN sẽ đưa cho Trung Quốc, kẻ “muốn một chỗ ngồi ở bàn để thảo luận xây dựng COC vì lợi ích của mình” – ông Thayer nói. Nhưng tự đặt ra hạn chót cho việc soạn thảo COC “có thể đưa đến một sự thỏa hiệp bừa phứa, một văn bản không có hiệu lực thực thi” – ông Thayer kết luận.

Tác giả: Ông Roberto Tofani là nhà báo tự do và là nhà phân tích về Đông Nam Á. Ông cũng là đồng sáng lập PlanetNext, một hiệp hội báo chí theo đuổi sứ mệnh “thông tin vì sự thay đổi”.

Nguồn: Asia Times
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
http://anhbasam.wordpress.com/2012/04/13/tiem-an-sau-cang-thang-tren-bien-dong/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét