Những
năm đầu của thập niên tám mươi, nghe tin báo tử ai đó, có lẽ cũng không thấy
nghiêm trọng bằng tin bị đuổi việc. Việc làm gắn liền với sổ gạo, tem phiếu thực
phẩm, đôi khi còn là sinh mạng chính trị của con người. Thế mà đánh đùng một
phát, tôi bỏ việc, hỏi sao mẹ tôi không kinh hãi. Thấy mẹ buồn, nên tôi thi vào
trường ngoại ngữ. Học được mấy tháng, không hiểu sao thấy chán, tôi lại bỏ. Được
tin, chú tôi ở Hải Phòng cho Dũng, con lớn của chú lên Hà Nội, bảo tôi xuống
cùng Dũng làm, và mông má chân máy khâu.
Nhìn thấy Dũng quân phục bộ đội chỉnh tề, tôi ngạc nhiên hỏi:
Dũng
cười cười:
-
Em đóng quân ở nhà.
Tưởng
Dũng đùa, tôi hỏi lại:
-
Nghĩa là như thế nào?
-
Bộ đội lúc này đang đói, nhiệm vụ đơn vị em làm kinh tế, nhưng khó khăn quá.
Các bố đành phải mắt nhắm mắt mở cho những thằng có nghề, tự đi tìm việc làm,
hàng tháng mang tiền về cho đơn vị.
Bố
tôi mất khi còn rất trẻ, nên ông nội tôi buồn, phát bệnh mất sau đó không lâu.
Từ đó bà tôi xuống Hải Phòng ở với chú. Ngày cải cách ruộng đất, chú đang ở Nam
Định. Nghe tin ông bà, bác Âm tôi bị bắt ở quê Cát Chử, Trực Ninh, chú trốn ra
Hải Phòng. Lúc đó chú đã thi đậu tú tài, Hải phòng vừa được tiếp quản, nếu như
không muốn học tiếp, trong cái nhộm nhoạm ấy, chú có thể xin được công việc kha
khá. Nhưng chú lại có quan niệm kỳ quặc, thà chết đói chứ không làm việc cho
nhà nước. Thế là chú trở thành ông thợ cắt tóc dạo, rồi làm nghề buôn, mông má
chân bàn máy may. Khi có khá vốn, chú buôn tất tần tật, từ đầu máy may, máy vắt
sổ, đến cả máy dệt.
Gió
mùa đông bắc đã về, không có mưa phùn nên tiết trời càng khô hanh. Gió tuy
không lớn, nhưng thỉnh thoảng lại có những cơn xoáy chạy trên mặt đường, cuốn
theo lá, đất cát, bụi mù. Làm cho nhiều người đi xe đạp, bị cuốn ngã bổ chửng.
Thành phố đã về đêm. Các hàng quán, dịch vụ cũng tấp nập người ra vào. Có lẽ thời
gian này, cả nước, chỉ có Hải Phòng còn một chút sinh khí. Hải phòng có biển,
có những con tầu, có những dịch vụ, và làm ăn cá thể. Hải phòng đã dám khoán sản
(chui)cho người nông dân. Vậy là cả vạn người chết oan, sống tủi trong cải cách
ruộng đất, thêm mấy lần cải tạo công thương, không chứng minh được điều gì cả,
mà nó chỉ là một trò thí nghiệm của ma đưa lối quỉ dẫn đường. Làm cho tấm thân
gầy của Mẹ, gánh thêm những thương đau, sau cuộc chiến tương tàn. Để rồi hôm
nay, nếu như không muốn chết, cả nước phải đổi mới về cái cũ, về với nền tảng cội
nguồn của cha ông.
Nhà
chú tôi nằm sâu trong ngõ đài truyền thanh, ngoằn ngoèo, tôi đã xuống nhiều,
nhưng lần nào cũng phải hỏi đường vì lạc. Gọi là nhà, nhưng trước khi chú thuê,
cái thời thằng Tây bóc lột ấy, nó chỉ là nơi chứa đồ. Sau này sợ nhà nước tịch
thu, bà chủ đất bán rẻ như tặng cho chú. Trước nhà có cái hồ khá rộng, bên kia
bờ là khu chợ Cột Đèn, nhưng đã bị hợp tác xã mượn, để thả bèo, chăn nuôi gia
súc. Thấm được cái kiểu mượn đểu đó, nên bà xúi chú, đóng cọc, đổ đất lấn dần
ra ao. Mấy năm sau, chú có đất xây thêm cái bếp và khoảng sân khá rộng. Về đêm,
nơi này cũng không khác miền quê. Những tối mất điện, cả nhà sinh hoạt ở sân,
dưới ánh trăng hè, rọi xiên qua giàn mướp, đâu đó có tiếng kêu à uôm của ếch,
nhái cũng cảm thấy đỡ nhớ quê, chú bảo thế. Sau này, hợp tác xã giải thể, hồ của
bà cũng mất theo. Thay vào đó những ngôi nhà giống như quân cờ đã mọc lên.
Vừa
vào đến sân, đã nghe thấy tiếng đay nghiến của bà tôi vọng ra:
-
Tôi tin tưởng chị (tức thím tôi), nhưng không ngờ chị lại chỉ điểm cho chúng
nó (đội cải cách) đào bới thu đi tất cả. Thà... thà... chị giết tôi đi còn
hơn... Ối! giời đất ơi...
Có
lẽ lòng tin đã bị phản bội, làm tổn thương, và cú sốc của cải cách ruộng đất,
dù đã qua mấy chục năm, nhưng vết thương đó dường như không bao giờ thành sẹo.
Nên thỉnh thoảng nó lại nhói đau, làm cho bà tôi phát điên. Ngày còn sống, bố
tôi hay xoa dịu, khi vết thương của bà trở lại:
-
Thím ấy cũng chỉ là nạn nhân, lúc đó mới mười bốn, mười lăm tuổi đã biết gì
đâu, bọn người lưu manh, phỉnh lừa thế nào mà chẳng được. Thím ấy còn nhỏ, sao
bà đã cho biết chỗ cất giấu vàng bạc? Lỗi đó cũng do người lớn chúng ta nữa.
Bà
tôi lại thừ mặt ra một lúc, rồi khóc… Rồi lại kể chuyện cải cách, chuyện ngày
xưa…
Con
thứ nhưng là trai, nên mọi người đều gọi bác là Cả Bưởi. Sau khi lập gia đình,
bác Cả được ông tôi mua cho nhiều ruộng đất, nhà cửa ở vùng biển Sỹ Lâm, phủ
Nghĩa Hưng. Tính bác cả thích rượu chè, tụ tập bạn bè tổ tôm đánh chắn. Công việc
đồng áng, thuê mướn người làm, bác chẳng bao giờ quan tâm, bàn giao cả cho bác
gái. Nhưng đặc biệt bác có cái tính gia trưởng, trong họ ai cũng nể, sợ bác. Bạn
bè bác đủ thành phần, từ ông phú hộ giầu có, đến mấy ông tá điền, làm thuê
nghèo khó. Ông Phạm Triệu (gọi theo tên con trai cả), người làng bên, nhà
nghèo, đông con, nhưng là bạn tổ tôm của bác. Những ngày giáp hạt, đói kém bác
thường cho ông Triệu vay thóc, gạo. Đến vụ gặt, ông Triệu trả nợ. Bác Cả chỉ lấy
tượng trưng, còn lại bảo ông Triệu mang về. Ông Triệu có cô con gái đầu Phạm Thị
Mai, mười mười bốn, mười lăm, đang tuổi dậy thì, nết na xinh đẹp. Đã có nhiều
nơi đánh tiếng dạm hỏi, nhưng ông Triệu đều từ chối. Trong một lần cùng rượu
chè, bù khú, ông Triệu vỗ vai bác Cả:
-
Nhiều nơi, dạm hỏi con Mai, nhưng tôi chưa đồng ý nơi nào. Nếu ông không chê,
tôi sẽ cho con Mai về làm dâu nhà ông?
Bác
cả gật gù:
-
Thằng Đàn, Thằng Phách nhà tôi, tuy xấp xỉ tuổi con Mai, nhưng còn nghịch ngợm,
phá phách lắm, hai thằng này chưa thể lấy vợ được. Tôi có chú em giáp út, gọi
là Sáu Chiêm, hơn con Mai chừng năm, sáu tuổi, đang học trên Nam Định. Tháng
sau về quê, tôi thưa lại với ông bà cụ, rồi xin con Mai cho chú nó.
-
Ấy... tôi đâu dám bằng vai với các cụ trên nhà, mà chắc gì cậu Chiêm đã đồng ý.
-
Ông cứ yên tâm, chuyện này để tôi lo.
Không
biết bằng cách nào, bác Cả đã thuyết phục được ông bà tôi đồng ý cưới thím Mai
cho chú Chiêm, trong khi chú cương quyết phản đối. Bị ép quá, nổi khùng chú bảo,
cưới cô Mai cho ông bà thì cưới, đó không phải là vợ chú. Thế rồi mọi việc vẫn
diễn ra. Nghe đâu hôm cưới, chú chỉ có mặt một lúc rồi trở về Nam Định. Sau
này, nhân lúc vui vui, có cả chú thím ở đó, tôi hỏi, sao chú lại phản đối dữ vậy?
Chú bảo, lúc đó tao đang mê cô nữ sinh, em thằng bạn học, còn bà này vắt mũi
chưa sạch, không quen biết, có thằng điên mới đồng ý…. Chú nói một thôi một hồi,
thím tôi chỉ cười lành.
Sau
ngày cưới, thím Mai ở lại làng Cát Chử chăm sóc ông bà. Ở làng lúc này chỉ còn
bác Lý Âm, là chị cả của bố tôi nhưng tính tình không hợp với ông bà. Thím Mai
hiền lành, trong sáng, dù còn ít tuổi nhưng quán xuyến công việc, gia đình rất
chu đáo. Nên ông bà dồn cả tình cảm cho thím….
Đất
nước đã thật sự bị chia cắt, dòng người đổ ra Hải Phòng bằng mọi cách, mọi
phương tiện, để di cư vào Nam. Cải cách ruộng đất với những cuộc đấu tố kinh
hoàng, đã diễn ra nhiều nơi. Chú út Tân ở Nam Định, về quê hối thúc ông bà tôi
di cư. Vì tiếc ruộng đất và nhà cửa, lại tin tưởng ông Phi chủ tịch lâm thời
huyện, người được ông bà nuôi dưỡng trong thời gian bóng tối, nên dứt khoát
không đi. Bác Lý Âm còn cho người nhốt, canh chừng chú Tân, vì không đồng ý cho
chú vào trong đó. Nửa đêm chú phá cửa, trốn thoát ra Hải Phòng lên được tầu há
mồm vào Nam. Có lẽ, chú không ngờ đó là lần gặp mặt cuối cùng với cha mẹ, và
người chị vô cùng yêu thương chú. Sau ba mươi tháng tư, bảy lăm, chú cũng không
thể về thăm quê, thăm bà. Trước lúc mất, bà nhớ và gọi tên chú, thế nhưng không
biết lúc đó, chú còn đang ở nơi rừng rú nào.
So
với các xã, huyện khác, đội cải cách về Cát Chử muộn nhất, cũng là đợt cuối
cùng. Chỉ có đội trưởng Đông ở lại ngoài đình, còn mọi người đều phải xuống ba
cùng, tìm rễ, cắm nhành. Đội Đụ, người xứ Nghệ, là dân công thồ hàng trong
kháng chiến. Đã qua bình dân học vụ, nên có khả năng đọc viết thành thạo. Từng
có chân trong ban thanh niên của đội hậu cần, nên Đụ được phân công tham gia,
làm nòng cốt, kích đông thanh, thiếu niên. Những ngày này, làng Cát Chử uỳnh uỵch
tiếng chân người, tiếng hò hét bắt người của đám dân quân. Tiếng mõ, tiếng loa,
tiếng trống ếch của thiếu niên rộ lên từng hồi, cầm đầu là nữ đồng chí dân quân
tên Phố và đội Đụ. Không rõ bằng cách nào Đụ dụ dỗ Phố từ con nuôi của bác Lý
Âm, người bị qui thành địa chủ, cường hào đợt này trở thành cốt cán.
Bố
mẹ, anh chị em chết đói cả năm Ất Dậu, khi Phố mới chừng chín, mười tuổi, được
sư Phi chùa ngoài nuôi dưỡng. Sau này sư Phi làm chủ tịch lâm thời huyện, rồi
lên công tác mặt trận trên tỉnh, thấy bất tiện, nên bác Lý Âm nhận làm con
nuôi. Từ ngày vào du kích, đội Đụ bảo Phố, nên đổi tên, dũ sạch bụi bùn của kiếp
con nuôi địa chủ, để trở về với thành phần cơ bản bần cố nông. Nghe sướng quá,
Phố bỏ luôn cái tên của cha mẹ, lấy cái tên Tâm do anh đội Đụ đặt cho. Hôm dẫn
đội đến bắt, tịch thu tài sản của vợ chồng bác Lý Âm, Tâm tuyên bố từ cha mẹ
nuôi. Chị Ngấn, chị Ngần con bác khi đó chưa đầy chục tuổi, đội cho phép ở góc
bếp, chung với một bần cố, vừa được chia. Hàng ngày, hai chị cứ lầm lũi mót
khoai, mót sắn ở ngoài gồ đồng, trong cái xua đuổi, khinh rẻ, miệt thị của những
người xung quanh. Bọn trẻ con trong đội thiếu nhi, đốt đèn, đánh trống, nhìn thấy
các chị, giật hết khoai, ném đất ném cát chửi rủa. Nhưng cũng có những người
thương, lại sợ liên lụy, chỉ dám giả vờ để sót khoai, cho các chị đi sau nhặt.
Có khoai sắn, hai chị nướng, luộc, rình lúc không có người, lẻn mang vào cho mẹ,
ông bà. Bác Âm trai, sau khi bị bắt, họ đưa đi đâu không rõ. Mọi người tưởng
bác đã chết. Mấy năm sau, thấy bác lò dò về. Mọi người hỏi, bác bảo ở tù, nhưng
không ai nói là tội gì. Có lẽ vì mấy năm làm lý trưởng của bác.
Ông
bà tôi là người đầu tiên trong làng bị bắt và tịch thu tài sản. Ngoài ruộng đất,
nhà cửa ở Trực Ninh và thành phố Nam Định, cũng như vàng bạc đội đã thu được
khá nhiều. Nhưng bần cố nông vẫn tố, ông bà tôi ngoan cố còn cất giấu đâu đó,
chưa giao nộp hết. Đụ đã tham gia đội cải cách nhiều đợt, từ Thanh Hóa ra đến
ngoài này, nên có nhiều mánh khóe trong việc cắm rễ và đấu tố. Bằng chứng, chỉ
một thời gian ngắn, chẳng biết bằng cách nào, Đụ đã xui Tâm dụ dỗ được thím Mai
tham gia vào đội trống ếch của thiếu niên, rong ruổi khắp ngõ xóm, đả đảo địa
chủ, cường hào ác bá. Thím đã tách khỏi ông bà tôi. Sau đó, thím dẫn đội đào tất
cả những nơi chôn giấu vàng, trang sức. Mấy nơi, ông bà tôi gửi từ trước cũng bị
thím chỉ cho đội đến thu. Riêng cụ phó Hoạch bạn của ông tôi, bị thọt chân,
nghèo, làm thợ may dứt khoát phủ nhận việc ông bà tôi gửi vàng. Cụ còn sa sả chửi
lại đội, vì nghe lời đứa con nít. Cụ bị du kích đánh hộc cả máu mồm, bắt giam,
gán cho rất nhiều tội. Từ trong chuồng lợn, Cụ chửi vọng ra, và bảo, đếch sợ thằng
nào, đéo muốn sống ở cái thời tôm lộn cứt lên đầu này. Nhưng cụ phó không được
như ý, cụ không có quyền được chết, mà phải sống. Sau sửa sai, cụ phó Hoạch,
mang toàn bộ vàng trả lại cho ông bà tôi. Ông tôi biếu một nửa, nhưng cụ dứt
khoát từ chối. Trong đợt tổng kết thắng lợi của cải cách ruộng đất, trên báo
Nam Định, người ta thấy tên của địa chủ Đỗ Văn Điếm, tức Cửu Điếm làng Cát Chử,
Trực Ninh, của cải, ruộng đất nhiều đứng vào hàng thứ ba bị tịch thu trong toàn
tỉnh.
Mấy
ngày đầu bị bắt, ông bà tôi vẫn còn hy vọng, sẽ có lúc ông chủ tịch Phi về cứu.
Đúng như thế, trong lúc nước sôi lửa bỏng, chủ tịch Phi mò về thật. Nhưng ông vừa
tới đầu làng, đã bị Tâm phát hiện, báo cho đội:
-
Tên sư Phi trước đây, quan hệ với cả đế quốc Pháp, bọn quốc dân đảng và được địa
chủ Điếm nuôi dưỡng, che chở. Hắn về làng, muốn giải cứu cho đồng bọn.
Được
tin, đội trưởng Đông đích thân dẫn du kích vây bắt. Chủ tịch Phi ngớ người ra bảo:
-
Các đồng chí….
Vừa
cất tiếng, chủ tịch Phi đã bị Đông dộng một báng súng vào mặt, phọt máu ra đằng
mũi.
-
Ai đồng chí với mày. Thằng việt gian quốc dân đảng này.
Khám
trong người, thấy có giấy tờ chứng nhận cán bộ tỉnh, và cả súng lục mang nhãn
hiệu của đế quốc Mỹ. Đội trưởng Đông hét, trói thật chặt, bảo:
-
Thằng này là nhân vật quan trọng của địch, cài vào hàng ngũ của ta, leo cao để
đánh phá, các đồng chí phải canh chừng, lấy khẩu cung cho cẩn thận.
Có
lẽ, chủ tịch Phi là người bị tra khảo, đấu tố tàn bạo nhất. Chỉ có mấy ngày,
hàng răng cửa của ông bị gẫy sạch, mặt sưng vêu lên, hai mắt húp lại, nhìn như
nửa cái bát úp. Người ông mềm oặt, chi chít những vết thâm, phù. Hôm mang ra đấu
ở sân đình, hai du kích nắm bả vai ông, kéo rê, như bọn trẻ nghịch kéo một con
chó chết trôi sông vậy. Trong cái đám nhộm nhoạm ấy, có ai đó xuýt xoa, hai
chân ngoặt lại thế này, gẫy bố nó rồi, thế mà không chịu nhận tội, thằng này
gan thật. Thế mà không hiểu bằng cách nào, và lấy đâu ra sức lực, đêm hôm đó
ông dùng mảnh sành tự rạch bụng mình, lôi hết cả ruột ra ngoài. Sáng hôm sau, mắt
ông vẫn còn chừng chừng mở, hai con ngươi bị đẩy ra khỏi hốc như muốn vọt ra
ngoài. Người ta không thể vuốt mắt cho ông, buộc phải xé miếng vải đậy vào mặt,
cuốn chiếu mang ra đồng.
Bà
tôi và bác Âm, hôm đấu tố bị tát, vả nhiều nhất vì can tội cãi và cứng đầu.
Nhìn thấy chiếc răng hàm bọc vàng, một bấn cố nhảy xổ lên bóp miệng bà, thò tay
vào móc. Bà tôi lắc lắc đầu, nghiến chặt răng, bà bần cố kêu rú lên, máu vọt
ra. Máu từ miệng bà tôi, máu từ tay bà bần cố thấm xuống cả sân đình. Say máu,
bà bần cố cầm cả cái guốc cứ nhè vào miệng, vào răng bà tôi mà ghè. Cả hàm răng
của bà tung ra, người gập xuống như thân chuối gẫy. Bà bần cố nhặt chiếc răng
vàng chùi chùi vào áo, rồi giơ lên, cười sằng sặc. Trên nghế chủ tọa, đội Đông,
đội Đụ đang bắt nhịp đồng thanh: Đả đảo địa chủ cường hào gian ác….Chủ Tịch Hồ
Chí Minh muôn năm, đảng lao động Việt Nam muôn năm….
Bị
đánh đau, cổ bác Âm như bị gẫy, rũ xuống. Nữ đồng chí Tâm lấy đầu súng để vào cằm
hất ngược mặt lên, hỏi:
-
Địa chủ Âm, mày có biết tao không?
-
Dạ thưa, bà là Phố, con của con ạ.
Một
báng súng thúc vào bụng, đánh hự, mồm hộc ra máu, bác đổ người ra phía sau.
-
Ai là con của mày. Tao là Tâm, chứ không còn là Phố nữa. Mày đã biết tội chưa?
-
Dạ, tội của con lớn lắm ạ! Lúc bà sắp chết đói, con nhận về nuôi dưỡng, thương
bà như thương cái Ngấn, cái Ngần, còn can tội cho bà đến trường học nữa.
-
Mày nuôi tao để lợi dụng, che đậy sự bóc lột, tội lỗi xấu xa. Cho tao đi học biết
chữ, nhằm mục đích làm sổ sách, và quản lý tài sản cho mày. Mày còn sống đến
hôm nay vì chúng tao muốn để cho mày cơ hội nhận ra tội lỗi và hối cải, khai ra
tài sản, vàng bạc còn chôn giấu. Thế mà chúng mày vẫn ngoan cố chối quanh...
Lần
này, hai, ba báng súng liên tiếp giáng vào bụng, vào ngực, khi bác vừa lóp ngóp
bò dậy. Rồi một bầy người xông lên, kẻ nắm tóc, người giựt tai, đấm đá, huyên
náo làm cho con quạ đen trên nóc đình cũng phải sợ, bay vọt lên với những tiếng
kêu man rợ.
Gần
sáng, tỉnh dậy, ông bà tôi nghe tiếng bác Âm đang lạy và tế sống mình, rồi tiếng
xé quần áo, bện thành dây thừng, xoàng xoạc ở bên kia tường. Bà tôi khóc rống
lên, gào người đến cứu, nhưng tiếng kêu ấy không xé nổi màn đêm đen dầy đặc đó.
Ông tôi bảo, đằng nào cũng phải chết, bà hãy để cho nó đi…
Buổi
sáng, ông bà tôi nhìn thấy, người ta kéo tấm thân trần truồng của bác ra giữa
sân, bó bằng một manh chiếu rách. Ông già coi miếu và nhà đòn, đặt bác lên cái
gạc tre, ì ạch kéo đi. Hai chân của bác thò cả ra ngoài, lê trên mặt đường…
Trưa hôm đó, ông tôi ngồi úp mặt vào hai đầu gối. Tưởng ông đói và ngủ, lúc sau
bà lay nhẹ, ông đổ kềnh ra, tay vẫn còn đang bóp cổ mình, mặt xưng to như cái
cơi trầu. Bà vuốt ngực, hà hơi, một lúc ông tôi sống lại. Bà khóc, lạy, xin ông
đừng chết trước. Đến lúc phải chết, thì cả hai cùng đi.
Đàn
chim vội bay đi, để tìm nơi xây tổ mới. Chỉ còn lại mảnh đất, đã mất đi những
linh hồn. Bến sông, trưa đã vắng tiếng gọi đò. Nhịp trống ếch gọi thu, gọi
trăng, nay thình thình nghe như tiếng tiễn đưa vong hồn về cõi xa. Sau một chập
xỉa xói, đấm đạp, ông bà tôi được nghe lời tuyên án của chủ tọa, thay mặt tòa
án nhân dân: Kết án tử hình vợ chồng địa chủ cường hào Đỗ Văn Điếm (tức Cửu Điếm)
làng Cát Chử, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Bản án được lập tức thi hành.
Lại
những cánh tay xương xẩu giơ lên, tiếng gào như hoang dại…. Đả đảo vợ chồng địa chủ
Đỗ Văn Điếm… Đả đảo……
Mặt
ông bà tôi hội đủ các màu, đen đỏ tím vàng, những vệt máu chồng lên vệt máu,
khô cứng dọc ngang mặt, cổ. Môi bà sưng lên như hai múi bưởi. Những cục máu đen
còn đọng trên hai hàm răng cụt. Đầu bà lắc lư, không còn cảm giác. Chiếc kính của
ông chỉ còn một mắt, buộc lủng lẳng bên tai. Đứng mà lưng ông cứ gập xuống, chiếc
áo rách dốc ngược xuống đầu, lộ ra những vết thương có những con dòi con bọ.
Người đã tản ra hai bên, hai xạ thủ được chọn, súng đã sẵn sàng lên đạn. Người
du kích đang loay hoay dựng thẳng người ông tôi, thấy một người đạp xe, xộc tới,
hét lớn. Hãy dừng án tử hình lại, đây là lệnh của ban cải cách trung ương. Đội
trưởng Đông đã nhận ra Huỳnh, người của ban cải cách. Tòa án nhân dân buộc phải
hủy bản án.
Ông
bà tôi được tha, nhưng ngơ ngác vật vờ như hai cái bóng. Đang đứng trong hàng
trống ếch của đội thiếu niên, thím Mai chạy ra đỡ bà tôi. Nhận ra thím, bà hất
tay, lẩm bẩm. Thím quay sang đỡ ông tôi ngồi bệt xuống. Lúc sau chi Ngấn, chị
Ngần đang lởn vởn ở bên ngoài cũng chạy lại, ôm chặt lấy ông bà. Thím Mai muốn
đưa ông bà về góc nhà dưới chỗ thím được chia, để chăm sóc, nhưng bà không chịu.
Ông bà tôi về tạm góc bếp chỗ chị Ngấn, chị Ngần. Hàng ngày, thím Mai vẫn sang,
ông tôi vẫn tình cảm yêu thương thím, nhưng bà giận ra mặt.
Đội
cải cách vẫn còn ở lại, hết đấu tố, rảnh rỗi đâm ra ngứa ngáy. Đồng chí du kích
Tâm vẫn còn sát cánh ngày cũng như đêm với đội Đụ. Có người bảo đội Đụ đang bồi
dưỡng cảm tình đảng cho đồng chí Tâm. Người khác thì thào, bồi dưỡng cái con khỉ
gió, bồi dưỡng bụng thì có. Chẳng phải mình đội Đụ đâu nhé, tôi nhìn thấy đội
Đông không chỉ vật đồng chí Tâm, còn đè mấy đồng chí nữ khác, tẩm quất nhau ở
góc đình nữa kìa.
Thời
dân đói, những ông đội cũng phải cạp khoai sắn, chứ có bơ sữa gì đâu, nên nhìn
da xanh bủng của đội Đụ biết ngay là đói kinh niên. Ấy thế mà không hiểu sức lực
ở đâu, bất kể sáng, trưa, chiều, tối, gặp các đồng chí nữ dân quân, mắt trước mắt
sau; đội Đụ vật nghiến ra cầy thật lực. Khiếp thật! Có lẽ cái tên nó vận vào
người đồng chí đội chăng? Nên sau này có câu ca ngợi các đồng chí đội thế này.
“Đội Đông, đội Đụ, đội Huỳnh, ba đội đồng tình bóp vú đảng Tâm” Nhưng bà tôi lầm
rầm bảo, nói thế oan cho đội Huỳnh, người có học nên đàng hoàng hơn.
Đội
Huỳnh là bạn của bố tôi ở Nam Định, bỏ học theo kháng chiến. Đội Huỳnh về làng
làm công việc sửa sai, nên thỉnh thoảng đảo qua chỗ ông bà. Bà tôi đề nghị đội
sửa sai trả cho cái từ đường họ Đỗ, vừa để ở và có nơi thờ cúng. Đội Huỳnh hứa,
nhưng không giải quyết được. Nên đội Huỳnh đưa ông bà tôi ra chòi nghỉ trưa của
thợ gặt ngoài gò đồng, ở tạm. Sau này, bà khỏe lại, tay bị tay gậy lên Hà Nội.
Bà ngoại tôi và cụ Bốn Đễ (bố của đồng chí trưởng ban cải cách trung ương) dẫn
đến văn phòng quốc hội, họ mới trả lại cho cái từ đường.
Biết
tin chú Sáu Chiêm không vào Nam, đang ở Hải Phòng nên ông tôi bảo thím Mai ra
tìm chú. Chú tôi sắp xếp cho thím học nghề, sau đó làm việc xí nghiệp may của
thành phố. Dù rất thương thím, nhưng lại không có tình yêu, nên chú Sáu Chiêm lại
ra ở với bác Cả Bưởi, đã trốn thoát ra Quảng Yên. Vào dạng cũ người, thuốc lào
bắn liên chi hồi điệp, tẩm ngẩm tầm ngầm, thế mà ra Quảng Yên không lâu, chú
Sáu Chiêm đã bắn đổ cô nữ sinh. Thấy tình yêu rực lửa, sợ lần này chú làm thật,
nên bác Cả Bưởi ép chú về Hải Phòng. Vậy mà nhùng nhằng sáu, bảy năm sau chú mới
chịu ở hẳn với thím.
Nghe
tôi kể, một nhà văn tên tuổi, người anh lớn, tuổi thơ cũng phải trải qua những
ngày tháng tang thương này, bảo, cả Miền Bắc lúc đó điên cuồng như một cái chảo
lửa, những cái rùng rợn, phi nhân ấy, tưởng chỉ có trong tiểu thuyết. Vâng!
Đúng như vậy. Cuốn tiểu thuyết này, không phải viết, chẳng phải đọc mà là một
cái chảo lửa, không lúc nào ngừng rang, cháy trong lòng những người đã từng phải
trải qua. Và đây cũng là một trong rất nhiều câu chuyện trong chảo rang ấy của
bà tôi.
Đỗ
Trường
Leipzig
25-4-2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét