Bài
viết ‘Huynh đệ tương tàn” của Trần Khải đăng trên TTHN, mang đến cho tôi nhiều
nghĩ suy, chiêm nghiệm. Tác giả bài viết và các “còm” dẫn dụ nhiều minh họa để
người đọc tự phân định.
Thiết
nghĩ, để nói về ý nghĩa và kết quả của cuộc chiến, tôi xin kể ra đây quá trình
lớn lên của 1 con người hoàn toàn xứ bắc. Tuổi thơ tôi sống trong thời kỳ chiến
tranh, khi bước vào tuổi trưởng thành thì 2 miền thống nhất, khi đi làm thì đất
nước mở cửa.
Đối
với tôi, tuổi thơ có phần nghèo, đói như bao nếp nhà nông thôn bắc bộ ngày xưa,
nhưng tôi vẫn thấy tuổi thơ đó thật đẹp, cái làng bé tí tẹo của tôi cũng có hẳn
1 đội văn nghệ có thể diễn hoàn chỉnh 1 vở tuồng cổ, trẻ con đi học không phải
nộp đồng nào, thầy giáo yêu thương học sinh, mỗi ngày rằm trung thu trẻ con lại
nô nức đi tập văn nghệ, cắm trại, phá cỗ đêm trăng, hả hê thả diều bay trong
gió chiều, đá bóng, bắn chim, ngày tết cả làng như mặc áo mới, nhà nhà chúc tụng
nhau chân tình, cây xanh phủ kín quanh làng, vườn nhà nào cũng có cây trái, đồng
ruộng xanh tươi, tôm cá có nhiều.
Năm
1975, kết thúc chiến tranh, nhà tôi nhận được tin tức của ông nội lưu lạc từ những
năm 30 nay ở tận Sài Gòn, lên xã xin giấy phép, cha tôi được vào Sài Gòn thăm
ông, khi trở về cha mang theo 1 cái xe đạp, tôi không còn nhớ cha tôi kể về SG
thế nào, nhưng chắc chắn là không ấn tượng gì đậm nét. Làng tôi, có những người
lính trở về, họ mang theo niềm hân hoan, tự hào cho cái xóm nghèo, nhưng bên cạnh
đó cũng còn những giọt nước mắt, nỗi đau của các mẹ, các chị khi những người
con, người chồng mãi mãi không về nữa.
Nhà
tôi còn có người được đi học tận bên Liên Xô chỉ dựa vào điểm thi đạt yêu cầu.
Lớn lên, tôi được đi học đại học do nhà nước bao cấp toàn bộ, thời sinh viên
cũng đói, nghèo nhưng được cái vô tư, không phải tự lo cơm áo, rau, đậu, gạo mắm.
Ngày ấy khái niệm chạy điểm, chạy thầy vẫn còn rất là xa lạ với tất cả sinh
viên.
Như
vậy có thể nói, miền bắc trong quá trình tiến hành cuộc chiến với bao lớp thanh
niên ra trận và sau đó không lâu, cuộc sống của người dân vẫn diễn ra một cách
tốt đẹp, trẻ em vẫn có tuổi thơ được vui chơi, học hành, đất nước vẫn dành quan
tâm tạo nguồn nhân lực trí thức cho mai sau. Hệ thống công chức, chuyên viên
cao cấp hiện nay, chủ yếu đã được đào tạo, trưởng thành từ ngày ấy.
Giờ
đây, sau trải nghiệm sống, ngoài kế mưu sinh, tôi cũng như bao người, có lắng đọng
suy tư về những biến thiên của lịch sử, về kiếp nhân sinh.
Tôi
nhất trí với tác giả, đây là một cuộc chiến huynh đệ tương tàn, tôi cũng đồng cảm
nỗi đau và sự “ngộ” ra về nhận thức tư tưởng của nhà văn Nguyễn Khắc Toàn và
Nhà văn Dương Thu Hương khi tiếng súng vừa im, khói súng còn lảng bảng và bước
chân của họ – quân chiến thắng miền bắc đã đặt vào địa hạt cuối cùng của quân
miền nam.
Nhìn
vào đất nước mình, nhìn ra thế giới, xảy cuộc chiến 2 miền nam – bắc thì Việt
Nam không phải là cá biệt, rất nhiều đất nước có trải qua. Xét cho cùng, cuộc
chiến nào cũng là để tranh dành sự thắng thua về ý thức, quan điểm, về lợi ích
cụ thể mà sự khởi phát từ 1 vài người lãnh đạo. Đương nhiên, chúng sinh vô khối,
nhưng số người lãnh đạo, số người khởi xướng 1 ý thức, 1 chủ thuyết thì bao giờ
cũng là số ít, số ít đó quyết định vận mệnh, sinh mệnh của đa số chúng dân. Cuộc
chiến nào cũng vậy, để phân định thắng thua trên chiến trường phải dựa vào
giáo, gươm, súng đạn, kết thúc tiếng súng, ai thắng, ai thua tất cả đều nhìn thấy,
không cần phải bàn cãi.
Tuy
nhiên, sự chiến thắng đích thực còn phải căn cứ vào thời kỳ hậu chiến, cuộc chiến
chỉ được cho là chiến thắng thật sự khi những người chiến thắng đã ngơi tay
súng thì họ có tiếp tục ủng hộ, trung thành, mãn nguyện với những người, với chủ
thuyết mà họ đã cầm súng chiến đấu hay không? Khi mà những người chiến bại cũng
đã buông tay súng thì họ có yên lòng, bình an để sống, làm việc trong giai đoạn
mới hay không?
Theo
nhiều ý kiến thì cuộc chiến nam – bắc Mỹ cũng nồi da, nấu thịt, quân miền bắc
chiến thắng, nhưng cái cách kết thúc chiến tranh với họ dường như không có phân
biệt thắng, thua, không có hận thù, không tàn sát và sỉ nhục kẻ bại, sau đó cả
đất nước đồng lòng đi theo những người chiến thắng, đi theo chủ thuyết chiến thắng.
Họ có được điều đó, bởi họ có những vị tướng ở cả 2 bên có học hành, có lòng trắc
ẩn và có tâm hồn nhân văn, họ có một chủ thuyết có tính khoa học, hợp mong muốn
của con người.
Về
những người ở 2 bên chiến tuyến còn sống trong thời kỳ hậu chiến nam – bắc VN,
thiết nghĩ đến ngày nay, nhiều người có thể nhận xét, không ai bưng bít được.
Tôi chỉ nêu 1 minh họa nho nhỏ: Những chiến binh cộng sản của cuộc chiến, giờ
đây, sau hơn 30 năm, họ đã bước sang tuổi già, bệnh tật đến với họ là lẽ không
thể tránh, nhưng khi đi chữa bệnh ở bệnh viện, cái họ có được là nỗi lo bị bỏ
bê, nỗi lo chạy tiền đưa cho bác sỹ – chiến sĩ, những người lẽ ra là đồng đội của
họ, lẽ ra là có bổn phận phục vụ họ.
Đất
nước đã lùi xa chiến tranh, huynh đệ dù sao cũng đã tương tàn, cơm áo thì có phần
khá hơn, nhưng tâm hồn và đức tính của người Việt cả 2 miền đã nhiều biến đổi
theo chiều hướng xấu đi; sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội rõ nét; giáo dục
và y tế vẫn loay hoay để tìm ra hướng đi phù hợp; đô thị phình to tự phát; cơ sở
hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn và thành thị phát triển lung tung, thiếu quy hoạch
bài bản; cơ sở thượng tầng xã hội dường như bế tắc về triết lý, chủ thuyết đang
còn dò dẫm, vay mượn, chắp vá, mâu thuẫn; giới chức lãnh đạo kém cỏi cả về tâm
và tầm; nạn tham nhũng hoành hành khắp hang cùng, ngõ hẻm của đời sống xã hội;
nền kinh tế khập khiễng, chơi vơi, thiếu căn cơ, không có động lực cơ bản; lòng
người ly tán…
Tất
cả những điều đó, làm cho cơ thể đất nước ví như 1 cơ thể sống đang chứa một
căn bệnh lạ làm rối loạn các chức năng sống trong khi các bác sỹ vẫn đang mải
mê lý luận trên bàn hội chẩn chưa biết hồi kết và đến bữa, họ cứ vô tư chén no
nê cái đã.
Tôi
và các bạn, chắc đều mong 1 ngày kia, có 1 hoặc vài người bác sỹ đủ tài, đủ đức
ngõ hầu chữa khỏi căn bệnh trên cơ thể đất nước. Rất mong ngày đó đến thật sớm.
BS.Minh
Tân
http://tintuchangngay4.wordpress.com/2012/04/18/nhan-d%E1%BB%8Dc-bai-cu%E1%BB%99c-chi%E1%BA%BFn-huynh-d%E1%BB%87-t%C6%B0%C6%A1ng-tan/#more-43942
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét