Báo Người Lao động
Chợ nông sản Nam Dong, huyện Cư Jút - Đắk Nông đã biến thành kho chứa, bãi rác, điểm hút chích ma túy...Ảnh: CAO NGUYÊN |
Nhiều địa phương tuy còn nghèo nhưng vẫn đầu tư xây dựng hàng loạt công trình bạc tỉ rồi bỏ hoang phí.
Những ngày qua, dù đang vào thời điểm chính thu hoạch sắn, mía, bắp, đỗ… nhưng dạo quanh khuôn viên rộng hơn 1 ha của khu chợ đầu mối nông sản EaLy ở huyện Sông Hinh - Phú Yên, chúng tôi vẫn thấy lạnh tanh. “Chợ có kinh phí đầu tư hơn 5 tỉ đồng này hoàn thành đã 3 năm nay nhưng nông dân không đưa nông sản vào bán vì tư thương đã cho xe đến mua tận tay họ rồi” - ông Huỳnh Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã EaLy, ngậm ngùi.
Hoang phí chợ bạc tỉ
Trước nguy cơ bỏ hoang ngôi chợ tiền tỉ, đầu năm 2010, UBND xã EaLy đã cho tư nhân đấu thầu khai thác và DNTN Phú Quyến trúng thầu với giá… 7,5 triệu đồng/năm! Theo bà Trần Thị Thùy Dung, chủ DNTN Phú Quyến, dù doanh nghiệp đã cố gắng lôi kéo nhưng chỉ có khoảng 50 người vào thuê chỗ bán… quần áo, giày dép…! “Chúng tôi đã đề nghị UBND tỉnh bỏ tên chợ đầu mối nông sản để chuyển sang kinh doanh dịch vụ, họa may mới không bỏ phí ngôi chợ này” - ông Đinh Ngọc Dạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, nói.
Tại Đắk Nông, chợ đầu mối nông sản Nam Dong ở huyện Cư Jút có mức đầu tư khoảng 10 tỉ đồng được đưa vào sử dụng từ tháng 4-2008 nhưng lâu nay đã biến thành kho chứa, bãi rác thải, điểm chích hút ma túy. Do không được quản lý, nhiều hạng mục công trình bị hoang hóa, xuống cấp nghiêm trọng. “Chợ Nam Dong chưa thu hút được người đến mua bán vì chưa có phương thức, mô hình hoạt động theo đúng nghĩa của một ngôi chợ” - ông Trần Sỹ Mỹ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Nam Dong, nhận xét.
Cầu chẳng ai qua
Người dân huyện Chư Pah - Gia Lai không khỏi bức xúc khi cây cầu treo Phú Hòa được xây dựng với kinh phí gần 2 tỉ đồng, tuổi thọ theo thiết kế trên 30 năm nhưng khi đưa vào sử dụng vào đầu năm 2008, chỉ chưa đầy một năm sau đã hư hỏng trầm trọng, phải bỏ phế. Cầu treo Phú Hòa nối thị trấn Phú Hòa với nương rẫy, vườn cao su, rất ít người có nhu cầu đi lại. “Người dân đi làm rẫy vẫn qua đường Cây Xăng, chỉ lâu hơn so với qua cầu chưa tới 10 phút. Đường này xe lớn đi được, có thể vận chuyển hàng hóa, phân bón..., trong khi cầu Phú Hòa không thể vận chuyển” - ông Trương Tánh, ngụ thị trấn Phú Hòa, cho biết.
Vậy mà năm 2010, Ban Quản lý dự án đầu tư - xây dựng cơ bản huyện Chư Pah đã tham mưu sửa chữa cầu Phú Hòa để phục vụ một buổi lễ trồng cây tại Công viên Phú Hòa và đã được duyệt, với kinh phí ngốn thêm 450 triệu đồng. Dù vậy, cầu Phú Hòa vẫn không có mấy người sử dụng.
Cũng ở Gia Lai, hiện nhiều người dân cũng rất bức xúc trước sự hoang phí của việc đầu tư xây dựng 3 cây cầu vượt ở TP Pleiku với tổng mức đầu tư hơn 3 tỉ đồng. Trong 3 cây cầu vượt này, chỉ có cây cầu cạnh Trường THCS Phạm Hồng Thái là có một số học sinh sử dụng, 2 chiếc còn lại bị người dân chiếm dụng bán hàng hoặc chẳng ai thèm đi.
Trường xây để…nhốt trâu bò!
Năm 2000, xã Tam Phú, TP Tam Kỳ - Quảng Nam bắt đầu xây 9 trường mẫu giáo với tổng kinh phí gần 900 triệu đồng. Thế nhưng đến năm 2008, TP Tam Kỳ chủ trương xây một trường mẫu giáo mới, gom 9 trường nêu trên lại. Vì thế, 9 ngôi trường này bị bỏ hoang phế, người dân đã tận dụng nhốt trâu bò, phơi rơm rạ... Ông T.Q.T, một nhà giáo về hưu ở xã Tam Phú, băn khoăn: “Đây là sự lãng phí khó thể chấp nhận”. Ông Nguyễn Đức Vương, Chủ tịch UBND xã Tam Phú, cho biết xã đã có tờ trình xin UBND TP và Phòng GD-ĐT TP Tam Kỳ bán thanh lý 9 trường này để đầu tư việc khác nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi.
Tại huyện Chư Pah - Gia Lai, hàng chục phòng học ở Trường Ia Mơ Nông, Trường Ia Ka… xây xong rồi niêm phong, còn học sinh phải ngồi chen chúc học trong phòng tạm. Tìm hiểu nguyên nhân, chúng tôi được biết số phòng học này nằm trong đề án kiên cố hóa trường lớp và nhà công vụ giáo viên. Theo kế hoạch, năm 2011, Chư Pah được đầu tư 24 phòng học. Tuy nhiên, mới năm 2010, Ban Quản lý dự án đầu tư - xây dựng cơ bản huyện Chư Pah đã “nhanh nhạy” cho xây các phòng này. “Năm 2011, dự án mới có vốn nhưng lại được xây dựng đón đầu, đến khi Nghị quyết 11 của Chính phủ ban hành thì mọi việc đã rồi, giờ không quyết toán được” - ông Trần Như Thảo, Chủ tịch UBND huyện Chư Pah, lo ngại.
Trạm nước sạch “đắp mền”
Từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Krông Pa - Gia Lai được đầu tư 57 công trình nước sạch nhưng hiện trên 20% trạm không phát huy hiệu quả hoặc xuống cấp, không sử dụng được. Chẳng hạn, trạm nước sạch tại Buôn Blang - xã Chư Ngọc với vốn đầu tư 1 tỉ đồng, xây dựng xong phải “đắp mền” vì người dân không sử dụng. Hằng ngày, họ vẫn dùng nước sông, suối theo thói quen bao đời nay, lại không tốn phí.
Tại huyện Vạn Ninh – Khánh Hòa, năm 2004, một trạm nước sạch được đầu tư hơn 2,6 tỉ đồng để phục vụ gần 9.000 hộ dân xã Vạn Hưng nhưng chỉ hoạt động được 2 tháng đã trục trặc. Từ đó đến nay, người dân phải dùng nước ruộng, nước bẩn sinh hoạt, còn trạm nước sạch tiền tỉ lại bỏ hoang.
|
http://nld.com.vn/20120411110412920p0c1002/nem-tien-qua-cong-trinh-du-an-cho-cau-truongtram-bo-hoang.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét