Cái
mùi “lạ”, thông qua cái mũi của một sinh viên khiến báo chí như phát rồ, khiến
cả thủ đô phập phồng lo sợ, khiến dư luận cả nước hồi hộp theo dõi. Và tất
nhiên, nông dân thì nín thở với hồi ức “những quả trứng”
Tháng
9-2009, nông dân miền Bắc “khóc ra máu” khi giá trứng gà trong chỉ một tuần giảm
tới 40%, từ 2.000 đồng, xuống chỉ còn 1.200 đồng/quả. Tính ra, cứ mỗi quả trứng,
nông dân lỗ đứt 400 đồng. Nhưng họ không thể “ngừng đẻ” dù “nỗi lo gà đẻ trứng”
dày lên từng ngày theo những sọt trứng ế, bởi chi phí cho việc kìm gà đẻ còn lỗ
hơn.
Thôi thì cứ đẻ, lỗ 400 đồng còn hơn lỗ 1000 đồng. Nông dân sợ “báo”, sợ
“bão”, sợ tin đồn thất thiệt hơn sợ dịch. Bấy giờ, cơ sự tệ còn hơn những mùa
cúm. Trứng mùa dịch cũng còn bán “não hết ruột gan”- được 200 đồng/quả cho người
nuôi ếch, nuôi cá. Còn bấy giờ, khi “báo” đưa tin trứng gà Tàu được tẩy trắng bằng
Axit clohydrich biến thành trứng gà ta- dù là chuyện ở đâu đó cạnh Hà Nội,
nhưng “bão tẩy chay” trứng gà xảy ra ở hàng loạt các tỉnh miền Bắc khiến nhiều
trang trại cả tuần không bán được, dù chỉ 1 quả.
Mãi
4 tuần sau đó, UBND TP Hà Nội mới có văn bản chính thức phủ nhận thông tin “tẩy
trứng Tàu thành trứng ta bằng axit”. 4 tuần cũng là quá đủ để “cơn bão tẩy
chay” khiến nông dân điêu đứng. Chỉ hơn một năm sau đó, “cơn bão” tẩy chay trứng
lại tái xuất hiện, cũng bắt đầu từ “báo” và cũng lại là tin đồn thất thiệt về
công nghệ làm trứng gà giả từ Trung Quốc.
Không
phải chỉ người nuôi gà dính bão. Trong 2 năm 2007-2008, nông dân nuôi bò sữa
rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất khi thông tin sữa Trung Quốc, sữa nhập
khẩu nhiễm melamine tràn ngập trên báo chí Việt Nam. Khi người tiêu dùng đã
“rùng mình” thì tất nhiên họ nhịn sữa luôn. Cho chắc.
Những
“Cơn bão tẩy chay” của dư luận, bắt nguồn từ những bản tin theo thuyết âm mưu,
dù đúng, dù sai trên “báo chí” thực sự đã “giết” nông dân không ít lần.
Sự
thể này lại có dấu hiệu lặp lại khi trong suốt 3 ngày qua, đã có hàng chục bài
báo rùm beng quanh chuyện “cái mũi” của một anh sinh viên quê quê lúa Thái
Bình. Đại khái bạn anh này đi mua gạo, chắc không phải gạo Thái Bình- nhưng khi
nấu cơm thì anh này ngửi thấy “mùi lạ” nồng nặc, đại khái như là mùi nilon. Báo
chí, không thấy nói là đã ngửi, lập từng giật những cái tít đại loại “hoảng hồn
(hoặc kinh hoàng) với gạo bốc mùi nhựa”, “Bộ Công thương “truy” gạo giả”, thậm
chí có vẻ hình sự “Nghi án gạo giả ở Hà Nội”.
Trong
“cơn bão tẩy chay trứng hồi năm 2009”, Hà Nội đã phải mất đến 4 tuần để làm một
việc là cử một đoàn kiểm tra xuống…Đông Anh và ký một tờ giấy phủ nhận. Nhưng lần
này thì ngược lại, họ ngay lập tức tuyên bố “Thông tin gạo giả là không xác thực”
chỉ sau một cuộc kiểm tra cho có của Quản lý thị trường, một lực lượng không có
chức năng giám định, thậm chí còn không đủ trình độ phân biệt gạo tẻ, gạo nếp.
Việc
quá chậm chễ kiểm tra bao nhiêu lần khiến nông dân khốn khổ. Nhưng ngay lập tức
mà một anh Quản lý thị trường có thể khẳng định như đúng rồi, ngược lại, cũng
làm người tiêu dùng không biết đâu mà tin.
Tất nhiên, không phải dòng tin nào của báo chí cũng là tin đồn thất thiệt.
Nhưng dòng tin nào, dù thất thiệt hay không đều gây ra “bão dư luận”. Nguyên
nhân: Báo chí giờ quá hóng hớt với một chủ đề giờ đã quá nhạy cảm. Cơ quan quản
lý thì hoặc quá vội vàng khi thậm chí không buồn kiểm tra đã khẳng định không
có, không lo, không sợ. Còn người dân bây giờ quá thừa đa nghi vì quá sợ cách
thức quản lý quá vô trách nhiệm của quá nhiều bộ ngành trước quá nhiều các loại
thực phấm chứa quá nhiều chất độc hại.
Cái
mùi, thông qua cái mũi của một sinh viên khiến cả thủ đô phập phồng lo sợ, khiến
dư luận cả nước hồi hộp theo dõi. Và tất nhiên, nông dân thì nín thở với hồi ức
“những quả trứng”. Nhưng liệu có nên đặt vấn đề gạo giả, có cần phải là “nghi
án”- để lại “giết” nông dân thêm một lần nữa- với căn cứ duy nhất là cái mũi,
mà cũng có thể là từ đôi mắt của một sinh viên?
Cũng
may là anh chàng này chưa dẫm phải cái gì đó.
Đào Tuấn
http://daotuanddk.wordpress.com/2012/04/05/may-la-anh-sinh-vien-ch%C6%B0a-d%E1%BA%ABm-ph%E1%BA%A3i-cai-gi-do/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét