Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




DỰ ÁN ECOPARK (HƯNG YÊN) NGÀY CÀNG NÓNG, CÓ THỂ NỔ LỚN !

Trần Đức Việt, nhà báo tự do (Dân Luận)

Vừa về đến nhà, vợ tôi thông báo: Điện thoại của anh reo chuông liên tục, có cả tin nhắn nữa. Cầm máy lên xem, hóa ra những ngày tôi vắng nhà xẩy ra quá nhiều chuyện. Tại phố Tràng Thi (trụ sở Mặt trận Tổ quốc), Ngô Quyền (trụ sở Quốc hội), rồi trụ sở Thanh tra Chính phủ ở Mỹ Đình liên tục xẩy ra khiếu nại đông người. Điểm mới là những cuộc tập trung này diễn ra cùng lúc của nhiều đoàn khác nhau. Có thể nhận ra dấu hiệu các đoàn bắt đầu liên kết lại, tạo ra áp lực mạnh hơn trước. Tất nhiên, sự liên kết này là chưa đủ mạnh, chưa bền chặt và thống nhất. Nhưng được như hiện nay cũng là quý lắm rồi, không nên vội vàng, vì "dục tốc bất đạt".

Ngày 12/2/2012 có một sự kiện đặc biệt không thể bỏ qua. Đoàn thanh tra Chính phủ do một Phó Tổng thanh tra Chính phủ dẫn đầu đến UBND huyện Văn Giang (Hưng Yên) đối thoại trực tiếp với nhân dân. Nhưng rồi cuộc đối thoại này đổ vỡ vì mục tiêu của 2 bên quá khác nhau. Về phía đoàn nhà nước, UBND huyện Văn Giang chỉ mời 166 hộ gia đình ở xã Xuân Quan đến họp. Theo chủ tịch huyện, đây là các hộ có đất liên quan trực tiếp đến việc giải phóng mặt bằng 72 ha sắp tới để bàn giao cho chủ đầu tư. Huyện chỉ nghe tâm tư, nguyện vọng của các hộ này trước khi giải phóng mặt bằng, thực chất là cho dân nói "xả hơi" rồi... cưỡng chế! Về phía nhân dân, các đại biểu đòi hỏi phải đối thoại về toàn bộ dự án liên quan đến gần 2000 hộ dân, phải có đại biểu của cả 3 xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao dự họp. Chủ tịch huyện không đáp ứng yêu cầu này, tuyên bố sẽ thực hiện lệnh cưỡng chế vào ngày 20/4/2012. Đáp lại, nhiều người dân bày tỏ quyết tâm giữ đất, dù có phải "đổ máu" cũng không chịu mất đất. Cuộc đối thoại chưa thành đã phải giải tán, chưa biết được rồi ngày 20/4 sắp tới sẽ xẩy ra điều gì? 

Nhìn sắc thái của tôi, bà xã hỏi: Trông anh khác lắm, có chuyện gì vậy? Quả thật là sau khi biết thông tin tôi bứt rứt không yên. Có hiện tượng mới đang diễn ra: Một vài nhóm trí thức yêu nước bắt đầu đến với các hộ dân khiếu nại, động viên, tư vấn người dân về mặt pháp luật. Được động viên đúng lúc, nhiều người dân trở nên tự tin hơn, quyết tâm cũng tăng lên. Một số nhóm yêu nước ở xa đã đến Hà Nội, lẳng lặng quan sát sự kiện diễn ra ở Văn Giang. Trong đội hình các hộ dân mất đất ở Văn Giang đang nổi lên câu hỏi: Đến 20/4 liệu chính quyền có cưỡng chế không? Nếu có thì đối sách sẽ thế nào? Kinh nghiệm cho thấy trước đây chính quyền đã dùng côn đồ "xã hội đen" cưỡng chế rất tàn bạo, nhiều người bị thương, có bà mẹ 80 tuổi bị đánh ngất. Bây giờ chính quyền xem ra còn hung hãn hơn. Tuy nhiên, thời điểm này tình hình cũng khác trước. Sự kiện Tiên Lãng, Hải Phòng đã động viên nhân dân rất nhiều. Bộ mặt của chính quyền cấp huyện lộ rõ không che dấu được ai. Chính quyền huyện cưỡng chế, thực chất là cướp đất, cướp trắng từ tay nhân dân. Có lý nào người dân đang cầm sổ đỏ trong tay mà chính quyền bán đất cho công ty, không hề hỏi người chủ là nhân dân một tiếng?

 

Tôi nghĩ những người đứng ở tuyến đầu trong đội hình các hộ dân Văn Giang đang phải đắn đo, cân nhắc kỹ. Nên phản đối thế nào? Mức nào là vừa? Họ không muốn để nhân dân tổn thất, nhưng cũng không muốn đầu hàng bọn cướp ngày! Bây giờ đất là sự sống. Sau sự kiện Tiên Lãng, những người dân mất đất trong cả nước đang cần đến một "sự kiện" khác mạnh mẽ hơn, có tiếng vang hơn nữa để thúc đẩy cuộc đấu tranh giành quyền sống. Thì đây, "sự kiện Văn Giang" đang đến. Khác với Tiên Lãng, Văn Giang là cả nghìn con người, trong đó có nhiều người muốn cầm lấy vũ khí. Trận đấu này có thể dẫn đến cái chết cho một số người thuộc cả 2 phía. Đó là hậu quả đau lòng nhất có thể thấy trước. Cũng có vài người hi vọng sự kiện Văn Giang sẽ mở màn một loạt sự kiện lớn lao hơn cho đất nước. Tôi không nghĩ thế. Dù biết rằng có một số nhóm yêu nước đã và đang đến theo dõi sát sự kiện Văn Giang nhưng cũng phải thấy rằng các nhóm chưa tạo ra mối liên kết đủ mạnh, có thể hỗ trợ lẫn nhau. Điều kiện khách quan và chủ quan chưa chín muồi cho những sự kiện lớn và đặc biệt lớn. Có thể có người sẽ hỏi: Lúc nào mới chín muồi? (Ai cũng bảo nó đổ này, nó đổ này... mà mãi không thấy nó đổ? Sốt ruột ơi là sốt ruột!). Tôi thì nghĩ phải đến năm 2013, khi hết hạn giao đất trên toàn quốc, chính quyền cấp cao phải phạm sai lầm tạm gọi là cực kỳ ngu xuẩn trước nhân dân (điều này tất yếu sẽ xẩy ra, những cái đầu đất của lãnh đạo không nhận thức được đâu), các đầu mối của nhiều phong trào (trong đó có phong trào giữ đất, đòi đất) liên lạc được để hỗ trợ lẫn nhau, lúc đấy mới có thể nói đến chuyện đã chín muồi hay chưa? Để đến được lúc ấy, về mặt chủ quan các nhóm yêu nước cần tích cực xây dựng niềm tin, liên lạc với nhau từ bây giờ. Sự kiện Văn Giang sắp đến chính là cơ hội để các nhóm yêu nước nhận ra nhau, tạo ra mối liên kết ngày mai. Tôi nghĩ bây giờ là lúc cần xúc tiến các hoạt động theo hướng này. Thế liệu Văn Giang có thể trở thành đốm lửa đốt cháy cả cánh đồng được không? Cũng có khả năng, dù chỉ là một phần nghìn tia hi vọng. Vì thế mới cần theo dõi tình hình thật sát sao và kỹ lưỡng. Cho dù thế nào thì các nhóm yêu nước cũng được thắp sáng niềm tin vào nhân dân. Nếu Tổ quốc và nhân dân kêu gọi, chúng con sẽ đến với Người.

Trần Đức Việt
http://anonymouse.org/cgi-bin/anon-www.cgi/http:/danluan.org/node/12320

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét