Phạm
Ngọc Sinh
Lời giới
thiệu : Kỷ niệm 65 năm ngày qua đời của cụ
Huỳnh Thúc Kháng ,(1876 - 1947) nhân vật lịch sử đã để lại dấu ấn không chỉ ở
Quảng Nam mà cả miến Trung Việt Nam, hôm thứ Sáu 20/4/2012 mới đây một cuộc hội
thảo mang tên "Thân thế và sự nghiệp
cụ Huỳnh Thúc Kháng" đã được tổ chức tại quê hương Cụ ở huyện Tiên Phước. Sau đây là
một tham luận đọc tại hội thảo
Vào thời buổi
cụ Huỳnh Thúc Kháng sinh sống, nhân dân chịu nỗi thống khổ hai tròng của thực
dân và phong kiến, cơ cực, lầm than và gần như bị tước hết quyền, kể cả quyền
được sống, mà sau này trong Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ trích
dẫn Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ để nói rằng “Tất cả mọi người sinh ra đều có
quyền bình đẳng.
Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được;
trong những quyền ấy, có quyền được sống,
quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc” – một lập luận hiển nhiên ,và đanh
thép để khẳng
định “Đó là những lẽ phải không
ai chối cãi được”. Nhưng mục đích sâu xa hơn là để phê phán xã hội đương thời
và tuyên bố một xã hội mới ra đời: Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là một nhà
nước bảo đảm các “quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” cho nhân dân.
Trước tình
cảnh của nhân dân và nhận ra bản chất hủ bại của
chính quyền đương thời, cụ Huỳnh luôn trăn trở, lo âu đến đời sống và quyền của nhân dân. Nhân dân thôi thúc cụ hành động. Giá trị cao quý
này của cụ là thước đo, là tấm gương chiếu rất gần và nguyên giá trị để chúng
ta đo, soi vào đó với cuộc vận động mà
chúng ta đang thực hiện, sẽ thực hiện, đang hô hào về phục vụ nhân dân. Cụ Huỳnh
là hiện thân sinh động cho tinh thần phục vụ nhân dân và đó là giá trị vĩnh hằng.
Trong toàn bộ trước
tác của mình, cụ Huỳnh dành nhiều
trang viết về nhân
dân/dân/đồng bào/quốc dân. Quan niệm về nhân dân trong tác phẩm của cụ
là nhân dân chịu bao nỗi cực khổ và nỗi đau mất nước. Cụ thấy được sức mạnh
nhân dân và lãnh lấy sứ mệnh thay mặt nhân dân lên tiếng với chính quyền. Trong
con người cụ luôn thường trực “Quốc gia
hưng vong, thất phu hữu trách”
Xót xa tình
cảnh nhân dân, đau nỗi đau nhân thế
Sinh thời,
cụ có lần bộc bạch: “Tôi
một học trò gốc sinh
trưởng nhà nông nghèo trong thôn quê, đã là cái hoàn cảnh phác dã, thô vụng,
khô khan, quê kệch, gia dĩ đặc tính trời phú ham mê về sự học, nửa đời người
tôi, ngoài cái văn thơ sách vở ra, gần như không có gì gọi là “mỹ cảm”. Bởi vậy,
trong bạn lứa anh em đồng thời với tôi… thường có lời nhạo tôi là “lão phác” vì
không biết bốn cái hứng thú mà làng văn thích ngoạn thưởng: không biết uống rượu, không biết chơi hoa, không biết ngắm sắc,
không biết thưởng sơn thủy”. Tuy nhiên, đọc thơ ta thấy cụ
phong nhã. Là nhà nho, như bao chí sĩ khác, thơ cụ để
dãi bày nỗi lòng thời thế. Theo cách của cụ, một sĩ phu chân chính lúc nước mất
nhà tan, cảnh tình dân chúng thì
không thể nào an tâm hưởng hoa vọng
nguyệt được…
Với tên Đào
Mộng Giác (chung của cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp) làm một bài thơ Chí Thành Thông Thánh và
một bài phú Danh Sơn Lương Ngọc, để lẫn vào các quyển học trò cho dễ truyền bá
trong kỳ thi ở Bình Định (1905), với những ý tứ về thời thế và trách nhiệm của
sỹ phu thức tỉnh cả nước:
Vạn dân nô
lệ cường quyền hạ
Bát cổ văn
chương túy mộng trung.
(Muôn dân
chịu kiếp sống nô lệ dưới ách cường quyền, vậy mà sỹ tử vẫn mê say trong giấc mộng
văn chương bát cổ).
Tình cảnh
cơ cực, bần hàn làm đau lòng cụ. Cụ trăn trở, thổn thức với nhân
dân qua các cảnh thật cảm động:
…Mặt mũi áo
quần bùn chất đống
Tối lại trời
đen mò, tát nước gàu dai thở hù họng
Mồ hôi nước
mắt trộn làm phân…
(Nhà nông nghèo ở thôn quê, Tiếng Dân 476, số 9/4/1932)
Dân nghèo
không ruộng biết nhờ ai?
Đậu, bắp,
mì, khoai, gạo đỡ ngày
Chẳng rõ vì
sao thêm mối khổ?
Hôm qua ông
Lý bắt đòi khai
(Cảnh nhà quê, Tiếng Dân số 493, ngày 8/6/1932)
Khóc than
biết có thấu trời chăng
Trời cứ
thinh thinh chẳng nói năng
Xin hỏi dân
này bần lại khổ
Tai ương chồng
chất mấy trăm lần.
(Dân xứ bị
lụt,Tiếng Dân số 531, ngày 19/10/1932)
Và từ đó, cụ
có thư gởi Ủy ban điều tra Quốc hội Pháp vào ngày 9/11/1937, để đề đạt nguyện vọng của nhân dân.
Khẳng định
vai trò của nhân dân
“Bộ ba” Quảng Nam thời
bấy giờ có những quan niệm về nhân dân rất tiến bộ. Trần Quý Cáp: giáo dân, dưỡng
dân, tân dân. Phan Châu Trinh: Chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân
sinh. Trong phong trào duy tân của các cụ, cụ Huỳnh quan niệm giữa vũ trụ
này là nhân dân:
Sinh ra một
nước phải lo phần
Dưới đất trên trời giữa có dân
(Tiếng Dân tự đề)(1).
Cụ giảng
“nghĩa chữ dân” cặn kẽ và sâu sát. Theo cụ, “Hợp dân thành nước” và “Nước lấy
dân làm gốc, dân an thì nước mới vững bền”(2).Về mối quan hệ
dân quyền và nhân quyền, cụ cho rằng “mọi người đều
bình đẳng trước pháp luật” thì dân và nhân chả khác gì cả (Tiếng Dân số 955,
ngày 3/9/1936). Đây là quan niệm hiện đại. Trên cơ sở đó, cụ tiếp tục thể hiện
trong luận “Chánh trị trong nước mà muốn cho nhân dân có lòng tín nhiệm thì cần
nhứt là điều gì” (Tiếng Dân, số 286 (31/5) và 287 (4/6/1930).
Những quan
niệm đó đều bắt đầu “Dân quyền mầm mống
đầu tiên đấy” và được thể hiện súc tích, cụ thể “nước là có lãnh thổ, có nhân
dân và chính quyền” (Tiếng Dân, số 1750, ngày 27/2/1943).
Trong ưu tư
thế thái nhân tình nặng trĩu ấy, cụ Huỳnh cho rằng, dù có bao thay đổi bể dâu,
nhân dân vẫn là hồn nước, nước là nước của nhân dân:
Cuộc đời
thay đổi biển ra cồn
Người có lương tâm nước có hồn
(Khóc cụ Giải Huân)
Nhưng dù thế nào
chăng nữa, đất nước ngàn năm vẫn nguyên
vẹn trong lòng dân tộc, trong tâm trí mọi người. Ý thức trách nhiệm về đất nước
thiêng liêng:
Non sông nước
cũ còn nguyên đó
Kéo lại
nhành xuân để đợi ai
(Tết, Tiếng
Dân, số 253, ngày 29/1/1930)
Cách mạng
tháng Tám thành công, cụ nhận ra sức mạnh nhân dân là to lớn. Lời thơ
hào sảng, đầy nghĩa khí trong tác phẩm viết bằng chữ Hán “Việt Nam Chính
phủ Quân dân chính kháng chiến Ủy ban kính cáo đồng bào quốc dân thư” (bản dịch
của Nguyễn Ngọc Tỉnh):
Một trường
oanh liệt, dựng lại non sông…
… Sấm sét ầm
ầm vang đất hạn; gió mây rầm rập thét oai quân…
Sau khi reo
vui “sướng ơi là sướng” với nền độc lập, cụ Huỳnh nhấn mạnh: cần phải bảo vệ
thành quả cách mạng đó. Để bảo vệ, không
có sức mạnh nào bằng sức mạnh nhân dân, đó là sức mạnh không có gì ngăn
cản được. Trong Bài ca cứu quốc, cụ Huỳnh thôi thúc:
Trung Nam Bắc
hè nhau cùng dậy dậy,
Đem máu xương giữ lấy chủ quyền,
Sóng hoàn cầu dẫu bao cuộc biến thiên
Đường lịch
sử quả nhiên thu phần thắng
Sức mạnh ấy
chả thứ gì ngăn chặn
Thử ngẩng đầu
trông thẳng suốt năm châu
Kìa ai đi
ngược trào lưu!
Tiếng Dân
là dân lên tiếng
Sinh thời,
cụ nói đại ý sao chẳng ai làm cả mà để nhà nho như cụ làm báo. Cụ làm báo cũng
là vì dân: “Tiếng Dân là dân lên tiếng”. Trong Lời phi lộ của số báo đầu tiên, số 01 ngày 10-8-1927, cụ
thẳng thừng đón nhận cái sứ mệnh:“Đối với
đồng bào xin làm vị thuốc đắng, mong rằng
bỏ lòng ghen ghét mà dốc lòng thương yêu; đối với chánh phủ xin làm người bạn
ngay, mong rằng theo trình độ dân mà thật lòng cải cách”.
Tuyên ngôn
báo chí bất di bất dịch, cực kỳ súc tích, vô cùng độc đáo: “Nếu không có quyền
nói thì ít ra cũng giữ được cái quyền không nói những điều người ta buộc nói”.
Hai năm sau, năm 1929, cụ khẳng định lại cái quyền bị tước mất và cái quyền
không ai tước đi được của mình: “Vì rằng ta không có quyền tự do nói những điều
nên nói, mà ta lại có quyền tự do không nói những cái không nên nói”…
Tờ báo Tiếng
Dân của cụ chống chính quyền thuộc địa của Pháp và chính quyền Nam Triều rất quyết liệt và suốt
16 năm, trang báo của cụ đầy ắp bao nhiêu điều cần nói với đồng bào. Thời buổi
của cụ mà không nói “a dua” thì đáng khâm phục. Có lẽ tinh thần này sống mãi, rực
sáng với thời gian và lịch sử báo chí ViệtNam.
Cụ nói lên
nỗi thống khổ của đồng bào và mạnh dạn vạch trần xảo ngôn, mị dân của thực dân
Pháp để cho độc giả, đồng bào thấu hiểu. Cụ vinh danh các phong trào yêu nước,
những cuộc cách mạng giành độc lập… Với cụ Huỳnh, Dân là gốc nước – Tiếng dân
đâu đó cũng là dân. Số báo ra ngày 20 tháng 8
năm 1928, cụ khẳng định: “Ngày nay là ngày dân quyền phát đạt. Khắp trên
thế giới chữ Dân đã hiện thành một chữ rất to lớn. Nét ngang, sổ dọc, đá ngược,
vác xiên, sáng chói rõ ràng như mặt trời treo giữa khoảng không, gom tóm cả
loài người trên mặt địa cầu, thâu vào dưới
bóng sáng đó”.
Cứ mỗi lần
có dịp viết về tờ báo của mình nhân ngày
kỷ niệm các năm, cụ đều nhắc nhở lại trách nhiệm của người làm báo:
Ngòi bút
chưa xong cái nợ đời
(Ngày đệ tứ chu niên báo Tiếng Dân, số 408 ngày 8/8/1931)
Ngòi bút
quanh năm chẳng nới tay
(Khai bút,
Tiếng Dân, số 460 ngày 13/2/1932)
Mực say bút
múa sức xông pha
(Mừng kỷ niệm sinh nhật báo Tiếng Dân năm thứ năm, Tiếng Dân số
511 ngày 10/8/1932).
Mục đích của người làm báo là:
Ngậm khổ nuốt
đau nín đã từng
Mới đây khắp
xứ tiếng vang lừng
Kêu ngay giấc
mộng nghìn năm dậy
Cuốn sạch màn che mấy lớp
dừng.
…
Đồng bào ai
nấy ghi cho nhớ
Tấn hóa đường
kia bước chả
ngừng
(Kỷ niệm đệ
nhất chu niên báo Tiếng Dân, số 103 ngày 11/8/1928).
Và, khi tiếng
nói của nhân dân vút lên, thì không thể nào “câm” (chữ cụ Huỳnh), với một ước
nguyện duy nhất là có cuộc sống hạnh phúc, quyền thiêng liêng của con người:
Miễn đặng
bà con may mặc ấm
Kéo tơ đâu
dám kể công tằm
(Kỷ niệm đệ
nhị chu niên báo Tiếng Dân, số 204, ngày 10/8/1929)(3).
Vì nhân dân mà hành xử
Cụ ra làm Viện trưởng cốt cũng vì dân, những
mong giúp dân. Trong lời đáp Bài diễn thuyết của quan Khâm sứ đọc tại Viện Nhân
dân đại biểu Trung kỳ, Huế năm 1926, cụ nói rõ: “Anh em chúng tôi đã chịu nhân dân phó thác bắt đầu
ra mà đương cái trách nhiệm này”. Nhưng khi gặp cảnh nghị gật, nghị hùa theo,
không vì lợi ích nhân dân thì cụ dứt áo ra đi.
Việc cụ Huỳnh
tham chính cũng là vì dân. Cụ ra Hà Nội
là cốt để gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh chứ không hề có ý định làm quan,
còn dặn anh em: “Tôi sẽ trở về lo việc
công ty như thường”. Đến Hà Nội, nhân gặp Nguyễn Hải Thần, cụ Huỳnh cố gắng
thuyết phục họ nên cộng tác thật sự với
Chính phủ Liên hiệp. Được Nguyễn Hải Thần nghênh tiếp hậu đãi, những tưởng lấy
lòng đặng “kéo” cụ, nhưng khi ra về, cụ rất ngán, thẳng thừng bảo: “Làm cách mạng
như vậy thì sướng thật! Thấy bàn đèn, thấy mụ vợ Tàu trẻ, tự nhiên hết tin tưởng!”
Nhưng khi nghe Hồ Chủ tịch giải thích không phải quan và thiết tha thỉnh cầu:
“Trên con đường tranh đấu giành độc lập, cụ đã đi được 99 dặm, chỉ còn một dặm nữa, xin cụ đừng thoái thác!” Cụ Huỳnh thanh
thản: “Nếu cụ thấy ba chữ Huỳnh Thúc Kháng còn chỗ dùng đối với Tổ quốc… thôi
thì xin hiến cho cụ dùng” và tuyên bố:
“Trong lúc phục hưng dân tộc, xây dựng nước nhà thì bất kỳ già, trẻ,
trai, gái ai cũng ra sức phụng sự Tổ quốc”. Khi nghe đến vì nhân dân, rất rõ
ràng, không thoái thác, rất khí khái, cụ
hiến cuộc đời cho Tổ quốc.
Cụ xử vụ án
phố Ôn Như Hầu cũng trên quan điểm dân là trên hết, Tổ quốc trên hết. Cụ kêu gọi,
mong mỏi khối đoàn kết dân tộc và khuyên mọi người phải tôn trọng pháp luật của
Nhà nước, tôn trọng quyền sống và lợi ích của nhân dân. Trước vụ phố Ôn Như Hầu,
nhân danh quyền Chủ tịch nước, cụ tuyên bố
thẳng: “Đoàn kết là cần để xây dựng nền dân chủ cộng hòa, nhưng không thể
dựa vào “đoàn kết” mà làm những điều phi pháp. Tôi khuyên mọi đảng phái, mọi phần
tử quốc dân đoàn kết. Nhưng cũng vì quyền lợi quốc gia, tôi phải đem ra trước
pháp luật những kẻ làm điều phi pháp. Pháp luật là pháp luật chung. Những đảng
viên Việt Nam Quốc dân đảng chân chính được bảo đảm sự tự do trong vòng pháp luật.
Những kẻ bắt cóc, tống tiền, ám sát phải bị pháp luật nghiêm trị”.
Sau vụ án
phố Ôn Như Hầu, những người trong Việt Nam Quốc dân đảng kéo đến Bắc bộ phủ xin
gặp cụ để thanh minh cho đường lối cách mạng của mình, cụ Huỳnh đã ra cầu thang
cầm batoong chỉ thẳng vào mặt chúng quát to: “Đồ kẻ cướp! Đồ vô lại! Quốc gia
dân tộc gì chúng mày!”(4) Đó cũng là tiếng
quát của dân. Rất khí phách.
Bất kỳ thế
lực nào mà đụng đến dân, đụng đến chính phủ của Hồ Chí Minh, đụng đến “hồng
phúc của dân”… cụ không tha. Trên đường đi kinh lý miền Trung, khi cụ hô hào
nhân dân theo Hồ Chủ tịch, có người nghi ngờ, cụ thẳng thừng và nghiêm: “Ông tưởng
tôi tâng bốc cụ Hồ ư? Tôi xưa nay chưa biết nịnh ai. Sự thật thế nào tôi nói vậy!”
Khi về đến Quảng Nam, gặp lại người xưa và hầu hết cũng là học trò cũ, cụ căn dặn:
“Hôm nay với danh nghĩa một người thầy, một người bạn cũ có nhiều kinh nghiệm ở
đời, tôi nói chuyện với các chú và có mấy lời khuyên các chú. Nếu chú nào có những
hành động phá rối thì đừng có trách tôi sẽ lấy danh nghĩa đại diện Chính phủ
Trung ương mà thẳng tay trừng trị” (5) . Cụ hành xử vì dân như vậy đến hơi thở cuối cùng.
Suốt cuộc đời,
cụ không vô cảm trước nhân dân: lo trước cái lo thiên hạ, vui sau cái vui thiên
hạ. Khối óc cụ luôn nghĩ về nhân dân.
Trái tim cụ đau nỗi đau dân nước, vui nỗi vui dân nước. Với nhân dân, cụ luôn
dành sự kính trọng và tận lực hướng dẫn nhân dân đi theo con đường ngay:
Đồng bào
yêu dấu ta ơi
Quốc dân
yêu dấu ta ơi
Lòng tốt sẵn
rồi
Niềm tin vững
nhé.
(Thư của Ủy ban
kháng chiến “quân dân chính” Chính phủ Việt Nam gởi quốc dân đồng bào)
Cụ sống trọn nghĩa với nhân dân, vì nhân dân.
Cụ thanh thản ra đi giữa lòng nhân dân. Trong bài điếu văn Thương tiếc cụ Huỳnh
Thúc Kháng đọc đầy xúc động của đại diện Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh Quảng Ngãi đã kết thúc bằng hai vế đối hật súc tích, đầy ý nghĩa:
Làm nghệ sĩ không vinh, tù Côn Lôn không nhục,
khí tiết cội Tùng trơ mộ gốc
Lãnh Bộ trưởng
trọn tài, quyền Chủ tịch trọn đức, tinh anh sao Vĩ chiếu ngàn thu.
____________
CHÚ THÍCH:
1. Chương
Thâu, Phạm Ngô Minh,
Tuyển tập
Huỳnh Thúc Kháng, Nxb Đà
Nẵng năm
2010.
2. Tìm chân
lý với học lịch sử quan
hệ thế
nào, Tiếng Dân, số 567
(01/3)
và 568
(4/3/1933), theo Chương
Thâu,
Phạm Ngô
Minh, Sđd.
3. Dẫn
theo Chương Thâu-
Phạm
Ngô Minh,
Sđd.
4. Theo VOV
online (dẫn theo tien-
phuoc.gov.vn)
5. Dẫn theo
Lâm Quang Thự Người
on Đất Quảng,
Nxb Đà Nẵng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét