Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




CHIẾN TRANH DƯỚI CON MẮT "KẺ THÙ"

Tác giả: Mark Thompson
Người dịch: Phạm Xuân (Blog vietsuky)

Các thành viên trong gia đình Zumwalt từng rất tự hào về truyền thống phục vụ trong quân đội Mỹ từ thời Cách mạng [thế kỷ 18]. Chính truyền thống đó đã dẫn dắt James Zumwalt theo bước chân bố và anh trai, gia nhập lực lượng Hải quân trước khi chuyển sang lực lượng Thủy quân Lục chiến. Suốt 26 năm khoác áo lính, vị trung tá về hưu đã phục vụ trong 3 cuộc chiến: chiến tranh Việt Nam, cuộc chiến ở Panama và chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất.


Tuy nhiên, cuối cùng thì Việt Nam là nơi ông đã trải qua cuộc hành trình dài bất ngờ sau khi Mỹ bỏ mặc đất nước này. Dấu ấn quan trọng trong hành trình đó chính là sự hy sinh của người anh trai Elmo đã chiến đấu tại đây. Khởi đầu là sự căm phẫn người Việt do cái chết của người anh ruột, đã thúc đẩy James Zumwalt viết cuốn sách mới, Chân trần, ý chí sắt đá: Những câu chuyện từ phía bên kia của chiến trường Việt Nam, miêu tả những thay đổi về nhận thức sau khi ông trở lại Đông Nam Á. Trong email trao đổi với Battleland dưới đây, ông nói về những điều mà ông đã học được trong những cuộc chiến của ngày hôm qua… và cả hôm nay.

Thưa ông, lý do nào khiến ông viết cuốn sách này?

Tôi đã viết cuốn sách này với nỗ lực giúp cho người đọc hiểu một khía cạnh của cuộc chiến Việt Nam, khía cạnh mà tôi tin rằng, chúng ta, những người Mỹ, đã quên đi nhiệm vụ quan trọng. Mặc dù chúng ta đã trải qua những khó khăn, gian khổ và bi kịch trong suốt cuộc chiến đó, nhưng nó cũng phản chiếu ở phía bên kia của chiến trường. Gần như chúng ta chưa viết gì về cuộc chiến từ góc nhìn của họ. Tôi cảm thấy mình có một bổn phận, xuất phát từ sự thay đổi mà mình đã trải qua, từ nỗi căm giận kẻ thù tới việc có được sự nhìn nhận đúng đắn mức độ đau đớn và gian khổ mà họ đã chịu đựng, để cất lên tiếng nói về những câu chuyện ngoài chiến trường của họ.

Những cuộc chiến mà ông đã từng tham gia, cuộc chiến ở Việt Nam khác cuộc chiến ở Panama và chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất như thế nào, ngoài độ dài của cuộc chiến?

Trong cả hai cuộc chiến ở Panama và cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ nhất, mục đích quân sự của Mỹ đều rõ ràng và nhanh chóng đạt được. Chính vì thế chiến lược kết thúc cuộc chiến của chúng ta không có gì phải nghi ngờ. Hơn nữa, vì lý do này nên hai cuộc chiến [ở Panama và vùng Vịnh I] đều nhận được sự ủng hộ của công chúng.

Những thôi thúc nội tại đến từ sự hy sinh của gia đình ông trong cuộc chiến Việt Nam để viết quyển sách này có nhiều lắm không? Xin hãy nói cho chúng tôi biết về những thôi thúc này.

Gia đình tôi có truyền thống phục vụ quân ngũ lâu đời từ thời Cách mạng Mỹ. Người nhà Zumwalt phục vụ trong mọi cuộc chiến mà người Mỹ tham gia suốt thế kỷ 20. Chính vì thế, chẳng có gì lạ khi mọi thành viên nam giới trực tiếp trong gia đình đã tình nguyện phục vụ trong cuộc chiến Việt Nam.

Đô Đốc Elmo R, Zumwalt Jr.
Chúng tôi đều an toàn trở về từ cuộc chiến đó, hay có thể nói như vậy. Anh trai tôi, Elmo khi đó là chỉ huy thuyền máy quân sự loại nhỏ hoạt động trên hệ thống sông ngòi chật hẹp và chằng chịt ở Việt Nam. Mười ba năm sau khi trở về nhà, Elmo được chẩn đoán bị ung thư do nhiễm chất độc da cam ở Việt Nam. Điều mỉa mai cay đắng là số chất độc da cam đã được rải dọc sông ngòi miền Nam Việt Nam thời đó là theo lệnh của chính cha tôi, phó Đô đốc Elmo R.Zumwalt Jr., lúc đó ông là chỉ huy toàn bộ lực lượng hải quân Mỹ ở Việt Nam.

Khi bi kịch xảy ra, tôi phát hiện ra rằng nó đã tạo cơ hội cho những người chịu đựng hậu quả đó là biến những mất mát cá nhân thành sức mạnh tích cực hoặc cho phép chuyển sang tiêu thụ hết các năng lượng tiêu cực. Về cha tôi, lập trường trước đây của ông là tự xen vào vấn đề chất độc da cam, [nên ông phải] cố gắng hết sức để thuyết phục chính phủ Mỹ thừa nhận mối liên hệ giữa sự phơi nhiễm thuốc diệt cỏ với rất nhiều loại ung thư, tìm cách để giành phúc lợi cho các cựu binh Việt Nam. Ngược lại, tôi đã biến nỗi đau của mình thành năng lượng tiêu cực, bày tỏ sự phẫn nộ dành cho kẻ thù mà chúng tôi đã chiến đấu ở đó.

Năm 1994, cha tôi đi Việt Nam gặp ông chủ tịch nước để thảo luận về triển vọng tiến hành nghiên cứu chung giữa hai chính phủ về chất độc da cam. Ông hỏi tôi có muốn đi cùng với ông không. Lúc đầu tôi đã miễn cưỡng đồng ý, nhưng cha tôi đã gợi ý rằng [biết đâu] chuyến đi này có thể giúp chữa lành nỗi đau của tôi. Và như thường lệ, ông đã đúng.

Sự phẫn nộ về cái chết của người anh trai đã nhanh chóng tan biến sau lần gặp riêng giữa tôi với vị thiếu tướng Việt Nam là ông Nguyễn Huy Phan. Ông ấy bắt đầu cuộc gặp bằng lời chia buồn về cái chết của anh trai tôi. Khi chúng tôi bắt đầu thảo luận về cuộc chiến và hậu quả của nó, tôi để ý thấy đôi mắt ông ấy rưng rưng. Sau đó, ông tâm sự với tôi rằng, người em trai của ông cũng đã hy sinh trong cuộc chiến và suốt 17 năm qua ông vẫn cố gắng tìm kiếm hài cốt em mình. Khi nghe câu chuyện của ông, giống như một tia sáng loé lên trong đầu tôi và nảy sinh câu hỏi: “Liệu sự mất mát người thân trong cuộc chiến sẽ ít quan trọng hơn, chỉ vì nó xảy ra ở phía bên kia chiến tuyến?” Câu trả lời thật rõ ràng. Sự mất mát của vị tướng Việt Nam và tôi đều giống nhau. Nhưng tôi đã nuôi nỗi căm giận dành cho kẻ thù, trong khi vị tướng này đã không căm giận kẻ thù của ông.

Một cách vô tình, thiếu tướng Phan chia sẻ câu chuyện về mất mát riêng của ông với tôi đã khiến tôi nghĩ lại về cách nhìn của chính mình với người Việt Nam. Tôi quyết định trở lại Việt Nam lần nữa (và đã trở lại hơn 50 lần) để có thể phỏng vấn thật nhiều cựu chiến binh Việt Nam, để hiểu rõ hơn về việc họ đã chiến đấu như thế nào, cũng như những nỗi đau mà họ đã phải chịu đựng trong cuộc chiến. Không mất nhiều thời gian để tôi hiểu được nguyên lý của nỗi khổ chung mà tất cả những người lính tham chiến đã trải qua. Hơn nữa tôi còn hiểu thêm rằng những người lính Việt Nam đã kiên nhẫn và khéo léo như thế nào để chống lại một siêu cường.

Elmo RZumwalt III, James G. Zumwalt, Elmo R Zumwalt, Jr.
Tôi không hề nhận ra rằng, sự kiện anh trai tôi qua đời năm 1988 do cuộc chiến Việt Nam, đã đưa tôi vào cuộc hành trình không những hàn gắn nỗi đau của chính mình, mà còn dẫn tôi vào những hoạt động nhân đạo đối với kẻ thù mà trong một khoảng thời gian dài tôi đã không có ý định tha thứ.

Ông đã bao giờ tới thăm bức tường tưởng niệm chiến tranh Việt Nam ở Washington chưa? Tại sao ông tới đó hoặc tại sao không? Và nếu đã từng tới, ông thường làm gì ở đó?

Tôi đã tới đó trong một vài dịp. Sau cái chết của anh trai tôi không bao lâu, cha tôi và tôi đã tới đó. Và trước khi cha tôi qua đời hồi tháng 1 năm 2000, ông cũng đã tham gia vào tổ chức “In Memory Memorial Inc.” – một tổ chức ra đời với mục đích công nhận những người anh hùng trong cuộc chiến Việt Nam đã không được thừa nhận. Tổ chức này nỗ lực đấu tranh để tên những người hy sinh rất nhiều cho cuộc chiến nhưng không đủ điều kiện được khắc trên Bức tường Tưởng niệm. Chẳng hạn như những cựu binh qua đời sau khi cuộc chiến kết thúc nhưng nguyên nhân lại do chính thời gian họ tham chiến. Những người này gồm những người bị ung thư do chất độc da cam và những người tự tử do hội chứng rối loạn trầm cảm sau chiến tranh.

Cha tôi không thể hoàn thành nhiệm vụ này trước khi ông qua đời do một chứng bệnh ung thư liên quan tới môi trường, cũng giống như những chứng bệnh ung thư do chất độc da cam, chứng bệnh này nhắm vào những người mặc quân phục: chứng u trung biểu mô (mesothelioma). Cuối cùng là tôi thay thế ông trong tổ chức đó, trình bày trước Nhà Trắng và Thượng viện lý do tại sao luật pháp cần điều chỉnh để những nạn nhân của chiến tranh Việt Nam, những người đã chết sau khi cuộc chiến kết thúc, vẫn được tôn vinh. Quốc hội đã đồng ý bảo đảm sự công nhận đó, và vào tháng 4 năm 2000, tấm bia được đặt cạnh bức tường tưởng niệm. Tấm bia tưởng niệm đó được dựng vào ngày 10 tháng 10 năm 2004, chỉ khắc hai câu đơn giản: “Để tưởng nhớ những người đàn ông và đàn bà đã phục vụ trong cuộc chiến Việt Nam và đã qua đời sau đó vì sự phục vụ của họ. Chúng ta vinh danh và ghi nhớ sự hy sinh của họ”.

Tháng 4 hàng năm, nghi lễ thường niên được tổ chức tại bức tường để tưởng nhớ các cựu binh đã chiến đấu ở Việt Nam, những người đã chết sau cuộc chiến vì những lý do kể trên và cũng để công nhận một nhóm những người lính mới được “tưởng niệm” là nạn nhân do hậu quả chiến tranh trong suốt những năm tham gia.

Tấm bia bên cạnh bức tường tưởng niệm đem lại cho nhiều người đã mất người thân một nơi để tới và có thể vinh danh và tưởng nhớ những người đã mất.

Bài học từ cuộc chiến Việt Nam cho quân đội Mỹ và cả nước Mỹ nói chung là gì? Chúng ta đã thực sự học được từ những bài học đó chưa?

Bức tường Tưởng Niệm Chiến
Tranh VN
Bài học chính từ cuộc chiến Việt Nam chỉ có một. Khi chúng ta chiến đấu với một đối thủ mới ở một thế kỷ mới, chúng ta vẫn chưa hoàn toàn hiểu họ. Đó là bài học mà Tôn Tử, một chiến lược gia thiên tài Trung Quốc đã dạy chúng ta cách đây 2.500 năm. Ông đã viết cuốn sách mà vẫn còn được xuất bản cho đến ngày nay, mang tên “Binh Pháp”. Cuốn sách đã đưa ra nhiều nguyên tắc lãnh đạo mà một nhà chỉ huy quân sự nên thấm nhuần trước khi đối diện với kẻ thù ngoài chiến trường. Một nguyên tắc cảnh báo người chỉ huy, đó là không bao giờ giao chiến với kẻ thù ngoài chiến trường trừ khi ông biết trước đối thủ của mình như thế nào.

Trong các cuộc chiến mà chúng ta tham gia, chúng ta thường thất bại trong việc thấu hiểu tầm quan trọng của nguyên tắc này. Ngay cả sau khi cuộc chiến kết thúc, nếu chúng ta thấu hiểu được điều này, chúng ta đã hiểu được lý do quan trọng khiến người Việt Nam luôn chiếm ưu thế trong suốt cuộc chiến. Chúng ta đã hiểu được rằng hơn một thế hệ người Việt đã chiến đấu và đã đánh bại người Pháp, người Nhật, người Mỹ, người Trung Quốc và người Campuchia. Và có lẽ chúng ta đã chiến đấu với một “thế hệ lớn nhất” của Việt Nam.

Chúng ta đã áp dụng những điều đó ở đâu? Ở Iraq, Afghanistan và Libya?

Chúng ta đã thất bại trong việc học bài học của Tôn Tử. Nhưng một bài học khác mà Việt Nam đã dạy chúng ta đó là sự nguy hiểm của việc tiến hành các hành động quân sự mà không có một chiến lược kết thúc rõ ràng. Bỏ qua thực tế là mọi hành động quân sự sẽ có những khía cạnh riêng biệt tác động tới bất kỳ một chiến lược kết thúc đã được hoạch định trước, ít nhất là phải xác định rõ ràng một chiến lược kết thúc khả thi ngay khi bắt đầu.

Thật không thể tin nổi là sau khi trải qua những kinh nghiệm xương máu mà chúng ta đã gặp phải trong các cuộc chiến ở Việt Nam, Afghanistan và Iraq mà chúng ta vẫn chọn cách tự đẩy mình vào những bất ổn ở Libya – một lần nữa không có chiến lược kết thúc rõ ràng được định vị từ đầu.

Chúng ta đã có được một chiến lược kết thúc rõ ràng hơn trước cuộc tấn công Iraq năm 2003, nhưng đã nhanh chóng thất bại khi chúng ta giải tán quân đội và lực lượng cảnh sát, do đó tạo nên một khoảng trống và ngay lập tức được lấp đầy bởi sự bất ổn và những kẻ Hồi giáo quá khích. Chúng ta đã tìm cách phá vỡ chủ nghĩa dân tộc Iraq – một quân bài cần thiết trong tay để chơi, để có thể đạt được sự ổn định – lót đường cho những kẻ Hồi giáo cực đoan nuôi dưỡng bạo lực và bất ổn.

Ở Afghanistan, một quốc gia không có chủ nghĩa dân tộc bị lợi ích bộ tộc thúc đẩy, thực sự không thể thiết kế, bất kể trước hay sau khi triển khai các hành động quân sự – một chiến lược kết thúc vững chắc, chặt chẽ do những thúc đẩy bộ tộc sẽ luôn nắm quyền kiểm soát, và thường bị bẽ cong theo hướng gió. Con bài chủ nghĩa dân tộc vô cùng khó chơi ở Afghanistan do tâm lý bộ tộc đã tồn tại qua nhiều thế hệ – và sẽ tiếp tục tồn tại như thế thêm nhiều thế hệ nữa. Ngay cả khi nắm đấm sắt của Thành Cát Tư Hãn cũng không thể thành công trong việc duy trì sự ổn định ở một đất nước như thế.

Nếu sống ở thế kỷ 21, chắc chắn Tôn Tử cũng sẽ đưa ra một số quyết định khác nhau trong việc đưa các lực lượng vào mỗi chiến trường này như thế nào.

Việt Cộng khác Taliban như thế nào?

Đối thủ mà chúng ta chiến đấu ở Việt Nam khác rất nhiều so với những kẻ mà chúng ta chiến đấu ở Iraq và Afghanistan hiện nay.

Qua hàng trăm cuộc phỏng vấn các cưụ binh Việt Cộng và lính Bắc Việt trong cuốn sách của mình, tôi biết được rằng, động cơ chiến đấu của họ không khác gì lắm so với động cơ của chúng ta. Cũng giống như chúng ta, mục đích của họ là sống sót qua cuộc chiến, trở về với người thân và sống một cuộc sống đầy đủ ý nghĩa nhất.

Kẻ thù của chúng ta trong cuộc chiến hiện nay thì khác. Mục đích của họ không phải để sống sót qua cuộc chiến mà là chết trong cuộc chiến – bởi họ tin rằng cái chết đó sẽ giúp họ bước sang kiếp sau và họ sẽ nhận được phần thưởng nơi thiên đường.

Nguyên lý của Tôn Tử là phải biết được tư duy của kẻ địch, đòi hỏi chúng ta nhận thức đúng về tư duy của những kẻ Hồi giáo cực đoan và hiểu được một cách đầy đủ về điều đã giam hãm niềm tin của họ. Hiểu được tư duy của những kẻ cực đoan đó, cũng chính là tư duy của các lãnh tụ Iran, biện minh cho việc Tehran sử dụng trẻ em để làm sạch các bãi mìn trong cuộc chiến tranh 1980-1988 với Iraq. Trước khi hy sinh mạng sống của mình, những đứa trẻ đó đã được tặng những chiếc chìa khoá bằng nhựa và đeo trên cổ, với lý giải rằng chiếc chìa khoá đó sẽ mở những cánh cửa tới thiên đàng, nơi chúng sẽ được nhận được phần thưởng. Tôn Tử sẽ cảnh báo chúng ta, nếu các lãnh tụ Iran có thể hy sinh mạng sống của những đứa trẻ của chính họ bằng cách này, thì hãy nghĩ đến điều gì chứa đựng trong đầu của một kẻ Hồi giáo quá khích dành cho chúng ta, bất kể là Taliban hay Iran.

Thêm một sự khác biệt nữa giữa kẻ thù của chúng ta ở chiến trường Việt Nam và những kẻ thù mà chúng ta đang chiến đấu hôm nay, đó là, mặc dù thất bại trên chiến trường nhưng chúng ta không bao giờ phải lo lắng về việc kẻ thù sẽ theo chúng ta về tận đất nước mình. Nhưng đó không phải là chuyện đang xảy ra ngày hôm nay. Nếu chúng ta thua trong những cuộc chiến này, kẻ thù cũng sẽ theo chúng ta về nhà, và họ đã bắt đầu làm như thế rồi.

Liệu cuộc chiến Việt Nam có phải một sai lầm? Tại sao lại là sai lầm hoặc tại sao không?

Người Việt Nam tin rằng cuộc chiến tranh Việt Nam là một sai lầm lịch sử. Chính vì thế người Việt Nam sẽ không bao giờ đánh nhau với người Mỹ nữa.

Đối với chúng ta, Việt Nam là một lựa chọn sai lầm để chiến đấu ở Đông Nam Á. Một loạt những sự kiện đáng tiếc đã dẫn hai đất nước bước vào một quá trình xung đột. Trước khi Tổng thống Roosevelt qua đời năm 1945, ông cho biết quan điểm không ủng hộ người Pháp coi Việt Nam là thuộc địa và ủng hộ quyền tự quyết của người dân Việt Nam. Lịch sử đã không diễn ra như vậy và chúng ta đã chuyển sang ủng hộ Pháp sau chiến tranh Thế giới thứ II trong việc đấu tranh giữ quyền kiểm soát Việt Nam, tiếp tục ủng hộ khi người Pháp bại trận ở Điện Biên Phủ năm 1954. Chỉ trong vài năm, Hoa Kỳ đã bắt đầu gửi các cố vấn sang miền Nam Việt Nam. Kể từ đó, định mệnh đã đẩy chúng ta tới một cuộc đối đầu thật sự khi sai lầm nối tiếp sai lầm, cuối cùng đã đặt Mỹ và Việt Nam vào hai phía ngoài chiến trường.

Thậm chí cái chết đầu tiên của một người Mỹ ở Việt Nam cũng là một sai lầm. Người đó là sĩ quan quân đội, tên là A. Peter Dewey. Là thành viên của Sở Hành động Chiến lược Mỹ, tiền thân của CIA ngày nay – ông Dewey đã tới Việt Nam 2 ngày sau khi quân Nhật đầu hàng ngày 2-9-1945. Nhiệm vụ của ông ấy là giúp tìm kiếm quân nhân mất tích và giúp một vị tướng người Anh vừa tới Sài Gòn để duy trì trật tự ở miền Nam Việt Nam. Khi thấy viên tướng Anh đối xử với người Việt như là những người đã bị chinh phục, thay vì đồng minh đã giúp đánh bại Nhật, Dewey báo cáo với Washington về điều khó chịu này. Viên tướng Anh này đã không hài lòng, nên đã thu xếp để Washington triệu hồi Dewey về nước.

Ngay trước khi rời sân bay Sài Gòn trở về nhà, Dewey hoàn thành bản báo cáo cuối cùng về Việt Nam. Trong một nhận xét như một điềm báo chẳng lành, ông viết: “Nam Kỳ (miền Nam Việt Nam) đang rực lửa, người Pháp và người Anh đã kết thúc ở đây, và chúng ta phải dọn dẹp vùng Đông Nam Á”. Mặc dù bản báo cáo cuối cùng của Dewey đã về tới Washington, nhưng ông đã không bao giờ trở về nhà. Ông bị lực lượng Việt Minh (tiền thân của Việt Cộng) phục kích trên đường ra sân bay vì họ nhầm tưởng ông là một sĩ quan Pháp. Dewey không chỉ là người Mỹ đầu tiên chết ở Việt Nam sau Đệ nhị Thế chiến, mà ông còn là người Mỹ đầu tiên mất tích trong khi làm nhiệm vụ, mà không bao giờ tìm thấy hài cốt.

Nguồn: Time
Bản tiếng Việt © Việt Sử Ký 2012
http://vietsuky.wordpress.com/2012/04/19/105-war-through-enemy-eyes/

1 nhận xét:

  1. -Ong nay khong nhac gi toi VNCS la mot tay chan cua Nga-Tau !
    -Nguoi linh CSVN sau 1975 va sau 1990 khi NgaSo xup do, ho thuc tinh va biet minh bi lua, va My that ra co chinh nghia ngan chan CS, cho nen ho ko oan gian gi My, co nhieu nguoi mong My thang tran nua !
    -Sao ko nhac toi linh dongminh VNCH ?
    Lai mot ong My lam cam, da cam nao o cac song ngoi ?

    Trả lờiXóa