Trí Nhân Media
37 năm trước,
cuộc chiến huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt giữa hai miền Bắc – Nam, kéo dài
21 năm, đã kết thúc. Đây là một
cuộc chiến mà ý nghĩa và mục đích của nó vẫn hiện còn gây tranh cãi cho rất nhiều
người.
Cuộc chiến
tranh đó đã cướp đi mạng sống của hơn ba triệu người Việt, hơn 58.000 lính Mỹ,
và rất nhiều lính đồng minh, cũng như thường dân ở các nước trên bán đảo Đông Dương như Lào và Campuchia.
Mười hai
năm trước, Hòa thượng Thích Huyền Quang đã gửi một bức thư kêu gọi lãnh đạo Đảng
và Nhà nước Việt Nam, hãy lấy ngày 30 tháng 4 hàng năm làm “Ngày Sám hối và Chúc sinh toàn quốc”,
“ban hành thành Sắc luật trong việc tìm kiếm thi hài người chết trận, dù họ thuộc
bộ đội miền Bắc hay binh sĩ miền Nam, để chôn cất và trả nghĩa, cho gia đình họ
khỏi ngậm ngùi”.
Hôm nay 30
tháng 4 kính mời quý vị hãy dành những giây phút mặc niệm, tưởng nhớ những người
lính đã hy sinh trong cuộc chiến, cho dù họ chiến đấu cho phía bên nào, cũng như
tưởng nhớ đến những cái chết oan khiên của những người dân vô tội, trong và cả
sau cuộc chiến, những người đã bỏ mạng trên biển khi vượt biên, để tìm kiếm tự
do.
Tưởng niệm
ngày 30 tháng 4 năm 1975 Trí Nhân Media trân trọng giới thiệu văn thư cách đây 12
năm của Đức cố Đệ Tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang đề nghị Ðảng và Nhà nước Việt
Nam lấy ngày 30/4 làm “Ngày Sám hối và Chúc sinh toàn quốc”
Đức cố Đệ tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang |
GIÁO HỘI
PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VIỆN
TĂNGTHỐNG
Phật lịch
2543 Số : 02/VTT/VP
Ðồng kính gửi
:
Ông Lê Khả
Phiêu, Tổng bí thư Ðảng Cộng sản Việt Nam
Ông Trần Ðức
Lương, Chủ tịch CHXHCNVN
Ông Phan
Văn Khải, Thủ tướng CHXHCNVN
Ông Nông Ðức
Mạnh, Chủ tịch Quốc hội CHXHCNVN
Nghĩa Hành,
ngày 21 tháng 4 năm 2000
Thưa quý
Ngài,
Từ hơn một
tháng qua Ðảng và Nhà nước bắt đầu tổ chức ăn mừng ngày kết thúc chiến tranh
30.4.1975. “Ðại thắng mùa xuân”, “Giải phóng miền Nam”, “Thống nhất đất nước”,
“Ðộc lập và hòa bình”, v.v... sẽ là những đề tài được ca ngợi.
Nhân danh
Viện Tăng thống và Hội đồng Lưỡng viện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất,
tôi muốn nói lên những điều mà có lẽ Ðảng và Nhà nước sẽ không có cơ hội nhắc tới
trong dịp Kỷ niệm 25 năm này.
Xin hãy
nghĩ đến những người đã chết và để tâm lo cho gia đình họ
Hai điều
tôi mong được quý Ngài lưu tâm, là những người tử vong, tàn tật vì cuộc chiến,
và quyền sống của người dân với đầy đủ các quyền tự do căn bản chưa được công
nhận.
Theo số liệu
chính thức của Nhà nước, trong cuộc chiến vừa qua có ba triệu người chết,
300.000 bộ đội mất tích chưa tìm thấy mộ phần. Trong thực tế, số liệu này còn
cao hơn gấp bội. Chưa kể hằng triệu người tàn tật, hằng triệu gia đình có con
em chết trận không được nâng đỡ hay đền bù xứng đáng. Chưa kể số phận đông đảo binh
sĩ tử vong hay tàn tật thuộc miền Nam cũ chưa hề được nhắc nhở như con dân một
nước, dù chiến tranh chấm dứt từ lâu, dù lưỡng cực phân tranh trên thế giới đã
cáo chung. Chưa kể nạn nhân chết oan ức hoặc bị hành hạ tàn bạo trong thời Cải
cách Ruộng đất, mà con số 700.000 ngườiđã được các cán bộ trong cuộc tiết lộ.
Chưa kể nạn dân bị tàn sát trong cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân, đặc biệt tại
Huế. Chưa kể trên 100.000 người bịhành quyết trong các Trại Cải tạo, và gần một
triệu người bỏ thân trên biển cả khi vượt biển tìm tự do. Biết bao dâu bể thảm sầu
trong một bài tính cộng.
Ðó là những
người đã chết hoặc sống trong phủ phàng, quên lãng.
Chọn lựa
duy nhất : Vào tù hay vào guồng máy Ðảng
Nhắc đến
quyền sống của người dân với đầy đủ các quyền tự do căn bản, tôi chợt nhớ lời
tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh : “Ðộc lập mà dân không được tự do, không được
hạnh phúc, thì độc lập không có nghĩa gì”. Sự thật ngày nay, 80% nông dân và
người lao động sống trong cảnh bần hàn, đói khổ. Sung túc bề ngoài chỉ thấy ở vài
thành phố lớn, làm màu mè cho khách du lịch hay những nhà ngoại giao phương
Tây, nhằm cầu viện trợ kinh tế. Sung túc nói đây là sung túc trong tham nhũng và
chụp giựt của nhau, chứ chưa là đời sống ổn định thái hòa của một xã hội an
sinh.
Muốn biết
quốc gia thịnh suy như thế nào, chỉ cần nhìn vào đời sống của một người dân thường,
một đoàn thể, một tôn giáo. Hiện tại ở nước ta, đoàn thể hay tôn giáo không được
quyền tự do tồn tại, vì điều 4 trên Hiến pháp quy định sự độc tôn của tư tưởng
Mác Lê-nin, và độc quyền cai trị của Ðảng Cộng sản. Mọi hình thái sinh hoạt của
đoàn thể, tôn giáo ngoài chủ nghĩa cộng sản đều bị loại trừ. Con người Việt ở đầu
thế kỷ 21 chỉ còn hai chọn lựa : vào nhà tù hay vào guồng máy Ðảng.
Khổ thay
khi vào guồng máy Ðảng, con người chẳng còn được hiện hữu theo cá tính tự do của
họ. Có miệng không được nói, có đầu óc không được suy nghĩ, có trái tim không được
thương yêu nòi giống và quê hương theo quan điểm riêng biệt.
Còn vào nhà
tù hay trại cải tạo thì được tự do suy nghĩ một mình, tự do ăn nói một mình.
Song tự do như thế là tự do di động trong mồ sống, chẳng ai biết chẳng ai hay,
vô tích sự với xã hội, nhân quần. Tự do theo kiểu này, khi nhân phẩm đã bị giải
thể, có khác chi thứ tự do của loài trùn quằn quại trong lòng đất?
Lời tra vấn
cho nền văn hiến Việt và sự sinh tử cho mỗi con người
Thưa quý
Ngài,
Là Tăng sĩ
Phật giáo, với 83 tuổi đời, tôi không được sống và hoằng dương giáo lý Từ bi của
đức Phật cho đồng bào tôi. Từ dưới thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến Cộng hòa
Xã hội Chủ nghĩa ngày nay, tôi chỉ biết mùi vị của nhà tù. Bởi cớ gì một công
dân, một người tôn giáo như tôi không được sống trong cảnh tự do ? Và qua tôi,
một Giáo hội dân lập có truyền thống 20 thế kỷ trên đất nước này, là Giáo hội
Phật giáo Việt Nam Thống nhất, không được tự do sinh hoạt, như Công ước quốc tế
về các Quyền dân sự và chính trị của Liên Hiệp Quốc quy định và bảo đảm ?
Câu hỏi tôi
đặt ra đây không là sự oán hận cá nhân hay lời than phiền của một tôn giáo. Mà
là lời tra vấn thống thiết về tiền đồ của nền văn hiến Việt, và sự sinh tử cho
mỗi con người. Là nạn nhân và chứng nhân lịch sử 55 năm qua, tôi muốn được thấy
đất nước đổi thay trong khi mình còn sống. Chứ không muốn từ giả cõi đời với
hình ảnh của một chính thể bất biến trong chủ trương kỳ thị và đàn áp tự do tôn
giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội cùng mọi quyền tự do căn bản
của nhân quyền.
10 ngón
tay chặt 5 ngón :
tiêu diệt
Trí, Phú, Ðịa, Hào và Tôn giáo thời Việt Minh
Năm 1950, sống
ở Liên khu 5 vào thời Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động Cải cách Ruộng đất, tôi đã
từng nghe cán bộ và loa phóng thanh ra rả ngày đêm kêu gọi nhân dân tiêu diệt
năm thành phần xã hội “Trí, phú, địa, hào, và tôn giáo lưu manh”. Mười ngón tay
mà chặt mất năm thì còn lại gì ? Năm 1951, ông Nguyễn Duy Trinh, Chủ tịch Ủy
ban Kháng chiến Hành chính Liên khu 5,đại diện Chính phủ Trung ương, tuyên bố rằng: “Phật giáo đã đến lúc cáo chung”. Ông Trinh nêu đích danh Phật giáo, không nhắc
nhở hay công kích các tôn giáo khác. Thế là sang năm 1952, chính quyền kháng
chiến bắt quần chúng Phật tử phải rời bỏ hàng ngũ Phật giáo để sáp nhập vào
Liên Việt, một tổ chức ngoại vi của Ðảng. Tôi phản đối, liền bị bắt giam tại Quảng
Ngãi, Hội Phật giáo Cứu quốc của chúng tôi bị giải tán. Nhờ có Hiệp định đình
chiến Genève năm 1954, tôi mới được trả tự do. Giấy phóng thích không ghi tôi
phạm tội gì.
Kỳ thị
và đàn áp Phật giáo sau ngày 30.4.1975
Sau ngày
30.4.1975, chính quyền Cách mạng lên ngôi, ai cũng tưởng mọi thành phần dân tộc,
mọi tầng lớp nhân dân sẽ được yên ổn làm ăn, tự do sinh họat trong tinh thần
hòa hợp hòa giải ghi trong Hiệp định Paris. Nhưng không, chuyện cũ tái hiện.
Thành phần đông đảo quần chúng là Phật giáo đồ, tổ chức có truyền thống dân tộc
và quy mô là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, là những nạn nhân bị kỳ thị
và bị đàn áp trước tiên. Mặc dù lập trường của Giáo hội chúng tôi trước sau như
một : dân tộc, hòa bình, từ bi, cứu khổ.
Chính sách
kỳ thị và đàn áp thể hiện qua việc bắt Tăng Ni hoàn tục, bắt họ đi kinh tế mới,
đi nghĩa vụ sang chiến trường Kampuchia hay đem giam vào trại Cải tạo ; chiếm
đoạt tại Saigon và trên khắp các tỉnh thành ở miền Nam tất cả các cơ sở tự viện,
gia ốc của Giáo hội, các cơ sở văn hóa, giáo dục, xã hội, kinh tế, viện đại học
Vạn Hạnh, hệ thống trường trung, tiểu học Bồ Ðề, trường Thanh niên Phụng sự xã hội,
cơ quan từ thiện, nhà nuôi trẻ, cô nhi viện, đất chùa, kinh sách, v.v... . Khiến
cho 12 Tăng Ni đã phải tự thiêu tập thể tại Chùa Dược Sư ở Cần Thơ ngày
2.11.1975 để phản đối và yêu sách quyền tự do tôn giáo.
Trong bức
thư đề ngày 20.9.1975, mang số 0278-VHÐ/VP, nhân danh Viện Hóa Ðạo gửi ông Chủ
tịch Chánh phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam (kính quá Thượng tướng Trần
Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban Quân Quản Saigon - Gia định), tôi đã yêu cầu chấm dứt
hành động đập phá tượng Phật. Trong thư, tôi nêu rõ 3 trường hợp cụ thể phá tượng
Phật tại chùa Bửu Long ở Sóc Trăng ngày 2.9.75 ; đặt mìn phá tượng Phật Quan Âm
lộ thiên cao 9 thước tại đồi Phú Hải ở Phan thiết ngày 11.9.75 ; đặt mìn phá tượng
Phật Quan Âm tại Biển Hồ ở Pleiku ngày 11.9.75.
Tình trạng
càng lúc càng tệ hại, nên ngày 17.3.1977 tôi lại nhân danh Viện Hoá Ðạo viết
thư, mang số 044/VHÐ/VP, gửi Thủ tướng Phạm Văn Ðồng, nói lên chính sách đàn áp
tôn giáo quy mô tại miền Nam cũ. Kèm thư, tôi nêu rõ 88 trường hợp đàn áp cụ thể
và các vụ cưỡng chiếm văn phòng trụ sở Giáo hội tại 29 tỉnh thành : Phú bổn,
Long khánh, Khánh hòa, Nhatrang, Ðà Nẵng, Quảng ngãi, Bình thuận, Sóc trăng,
Chương thiện, Saigon, Thủ đức, Long châu tiền, Kiên giang, Tuyên đức, Gia lai,
Kontum, Pleiku, Ban Mê thuộc, Ðịnh tường, Phan thiết, Bình tuy, Hậu giang, Kiến
phong, Thuận hải, Ðồng nai, Bình chánh, Biên hòa, Long an, Minh hải. Việc tàn
phá các Phật đài tôn nghiêm vẫn tiếp diễn. Cho đến đầu năm 1977, gần 20 tượng
Phật Thích Ca và Quán Thế Âm bị phá hủy bằng chất nổ, bằng búa, thủ tiêu hoặc vứt
xuống sông. Như các trường hợp xẩy ra tại các chùa Tỉnh hội ở Gia Lai, Kontum,
Ban Mê thuộc, chùa Vạn Hòa ở Kiên giang, chùa Khánh Minh ở Cần giuộc, chùa Thiền
Tôn ở Minh Hải, Niệm Phật đường trong bệnh viện Nguyễn Văn Nhựt, v.v...
Bây giờ
Dân khinh đáo để
Ðại lão Hòa
thượng Thích Ðôn Hậu ở miền Bắc trở về Nam thấy tình hình đàn áp nhân quyền nói
chung và khủng bố Phật giáo nói riêng, đã phải thán lên trong băng hồi niệm mà
ngài cho ghi âm, hiện chúng tôi còn giữ, rằng : “Tình đoàn kết, thương yêu, kính
trọng của nhân dân miền Nam chỉ được 10 ngày. Sau 10 ngày “giải phóng” : tình
đoàn kết tan rã, lòng yêu thương đổi thành ghét cay ghét đắng, sự kính trọng
bây giờ người dân trở lại khinh đáo để”.
Dù tình
hình khó khăn khốc liệt như thế, nhưng Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt
Nam Thống nhất, vẫn nghĩ đến sự đóng góp phần mình vào cuộc tái thiết quê hương
sau thời chiến, nghĩ đến việc thống nhất khối lượng Phật giáo đồ hai miền Nam Bắc,
y như thời đất nước chưa bị Hiệp định Genève qua phân, để chấn chỉnh đạo đức, bảo
vệ nền hòa bình dân tộc, băng bó vết thương tranh chấp, bất hoà, và bài trừ các
tệ nạn xã hội. Viện chúng tôi đã cẩn thỉnh Ðại lão Hòa thượng Thích Ðôn Hậu đại
diện đến gặp ông Nguyễn Văn Hiếu, Bộ trưởng bộ Văn hóa, trình bày sự việc.
Nhưng ông Hiếu trả lời : Thống nhất rất tốt, nhưng không thống nhất với Phật
giáo phản động. Hỏi Phật giáo phản động là ai ? Ông Hiếu không trả lời. Phải
chăng ông Hiếu và chính quyền Cách mạng không muốn cho Phật giáo đồ Bắc Nam
Trung thống nhất trong lẽ Ðạo, mà chỉ nhằm bắt họ “thống nhất” với chính trị ?
Những ai
không chịu thế tục hóa đạo Phật liền bị bắt nhốt, bị chụp cho đủ thứ mũ. Hiện
trạng mà năm 1977, tôi cùng các vị lãnh đạo cao cấp và trung cấp trong Viện Hóa
Ðạo, như quý Thầy Thiện Minh, Quảng Ðộ, Trí Giác, Thông Huệ, v.v... bị bắt giam
ở Phan Ðăng Lưu. Cuối năm 1977, Hòa thượng Thích Thiện Minh bị tra tấn đến chết
trong tù, Giáo hội xin nhận thi hài làm lễan táng, thì bị từ chối. Hai năm sau,
tất cả chúng tôi bị đưa ra tòa xét xử mà vẫn không biết mình phạm tội gì. Bởi
chỉ đứng nghe lời vu cáo phán quyết, không được quyền tự biện hộ, cũng chẳng có
luật sư bảo vệ như tại các nước văn minh tôn trọng pháp quyền. Người lãnh án
treo, người tha bỗng, người bị 2 năm, 3 năm, 7 năm tù.
Nền“Phật
giáo Nước nhà” biến thành “Phật giáo Nhà nước”
Cuối năm
1981, Ðảng và Nhà nước dựng lên tổ chức Phật giáo làm công cụ cho chính trị, bỏ
tinh thần thống nhất đặc thù của Phật giáo Việt Nam để thu hình vào danh xưng
“Giáo hội Phật giáo Việt Nam”. Từ phong trào Chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX,
suốt 70 năm qua, tâm nguyện chúng tôi hành trì cho cuộc thống nhất nền Phật
giáo Nước nhà, thì nay Ðảng nắn dựng ra tổ chức Phật giáo Nhà nước. Vì vậy mà
chúng tôi phản đối. Việc Giáo hội là của chư Tăng Ni và Phật tử quyết định, cớ
sao Ðảng lại nhúng tay sắp đặt và quyết định thay cho hàng giáo phẩm Giáo hội
và quần chúng Phật tử ? Báo chí Ðảng và Nhà nước dựa vào vài Tăng sĩ tên tuổi
làm bình phong trấn an quần chúng trong nước và dư luận thế giới. Nhưng ngoài
những người đội lốt Tăng già, còn lại là những trường hợp cá nhân bị bó buộc, bị
lũng đoạn, thúc ép, hoặc nhiều vị lâm cảnh giảdại qua ải. Khiến Phật tử toàn quốc
khổ tâm chứng kiến cảnh : Một Giáo hội Nhà nước đã chết mà chưa chôn ! Một Giáo
hội Dân lập (Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất) đã chôn mà vẫn sống !
Giáo hội là
nơi tập họp những người mang cùng chí nguyện đem lại Chân, Thiện, Mỹ và giải
thoát khổ đau cho đời. Không thể là nơi hoan hô, đả đảo suốt ngày. Vì vậy chúng
tôi từ khước hình thức và nội dung của một Giáo hội công cụ. Thế là ngày
25.2.1982, tôi nhận Quyết định số 71/QÐ-UB của Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh
do ông Nguyễn Minh Ðạm, Phó giám đốc Công an thành phố và ông Lê Quang Chánh,
thay mặt Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố ký, trục xuất tôi ra khỏi thành phố
Saigon. Áp giải về quản thúc tại tỉnh Nghĩa Bình từ đó đến nay. Bản Quyết định
ghi tội danh của tôi là “lợi dụng tôn giáo để gây chia rẽ khối đoàn kết dân tộc
(...), gây nguy hại và an ninh trật tự của thành phố”. Lấy quyền gì mà Ủy ban
Nhân dân Thành phố quyết định, bắt giam, lưu đày một tu sĩ cũng là công dân như
tôi, chẳng cần thông qua sự xét xử của bất cứ tòa án nào. Cung cách ấy có là
tôn trọng pháp quyền chăng ? Cùng bị bắt, cùng bị đưa về nguyên quán quản thúc
như tôi, còn có Hòa thượng Thích Quảng Ðộ giải về Thái Bình ở miền Bắc.
Dân biết,
dân câm họng. Ðảng biết, đảng bỏ tù
Năm 1992, Ðại
lão Hòa thượng Thích Ðôn Hậu viên tịch tại chùa Linh Mụ ở Huế. Cuối tháng 4 năm
ấy, tôi xin phép ra Huế thọ tang Ngài cùng với chư tôn Giáo phẩm cao cấp, trung
cấp của Giáo hội và Tăng Ni, Phật tử quy tập về từ các miền Nam, Trung, Bắc. Tại
lễ điếu này, tôi được chư vị Giáo phẩm có mặt, chiếu Chúc thư của cố Ðại lão
Hòa thượng Thích Ðôn Hậu, ủy nhiệm tôi làm Quyền Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, để
cùng với nhị vị Hòa thượng Thích Quảng Ðộ,Thích Pháp Tri lãnh đạo Giáo hội vận
động phục hồi quyền sinh hoạt cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, và tổ
chức Ðại hội VIII để bổ sung nhân sự lo việc hoằng pháp lợi sanh.
Tiếp nhận ấn
tín của Giáo hội và trọng trách chư Giáo phẩm giao phó, về lại Quảng Ngãi tôi
viết “Ðơn xin cứu xét nhiều việc” đề ngày 25.6.1992 bao gồm 9 yêu sách gửi các
ông Tổng bí thư Ðảng, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội
đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Tối cao Pháp viện và Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc. Lạ
thay, thư không được hồi âm. Không bao giờ được hồi âm, những thư trước đó cũng
như nhiều thư sau này. Ðảng và Nhà nước thường tuyên bố nền dân chủ Xã hội Chủ
nghĩa dân chủ một triệu lần hơn các nước dân chủ tư sản phương Tây. Sao lại giữ
thái độ xem thường tiếng kêu cứu của người dân như thế ? Khẩu hiệu tuyên truyền
của Ðảng và Nhà nước là “dân biết, dân làm, dân kiểm tra” còn mang ý nghĩa gì nữa
?
Sự trả lời
gián tiếp mà chúng tôi nhận được là hai tài liệu “Mật” mang số 125/TUDV của Ban
Dân vận và “Tuyệt Mật” mang số 106/PA 15-16 của cơ quan Công an Bộ Nội vụ vào
năm 1993. Hai tài liệu này chỉ thị cán bộ công an và tôn giáo vận “cắt đứt tay
chân” và lấy “giáo luật, pháp luật” cô lập tôi và chống hàng giáo phẩm Giáo hội
Phật giáo Việt Nam Thống nhất, mà tài liệu gọi bằng danh xưng không mấy lễ độ
và rất thiếu chính trị “Bọn phản động Phật giáoẤn Quang” !
Phản động
hay không phản động chỉ là cách Ðảng phân chia thù bạn. Chứ trong thực tế, tôn
giáo nói chung, Phật giáo nói riêng, chẳng ai thoát khỏi sự kìm kẹp, hạn chế tối
đa nếu không nói là ức chế của những sắc luật, nghị định, hướng dẫn về tôn
giáo.
Suốt hai
ngàn năm lịch sử Việt, ở vào các triều đại tự chủ và độc lập, Phật giáo chưa bao
giờ nhận các loại Sắc luật dành cho tôn giáo như thế. Từ Nghị định 297/CP, rồi
69 của Hội đồng Bộ trưởng năm 1991 đến Nghị định 26/1999/NÐCP, từ các Chỉ thị,
Hướng dẫn 379/TTG, 500/HD/TGCP đến Hướng dẫn Nghị định 26 của Ban Tôn giáo
Chính phủ hôm 16.6.1999, 25 năm ròng rã vừa qua tất cả các tôn giáo, các người
có tín ngưỡng đều buộc phải đứng sắp hàng nghe Nhà nước dạy bảo qua Ban Tôn
giáo Chính phủ về những điều chẳng dính líu chi đến chuyện tín ngưỡng, chuyện
giác ngộ hay giải thoát khỏi vô minh, khổ nạn. Chẳng có gì gọi là tự do cả.
Ðấy là tình
trạng và hoàn cảnh người dân nói chung, người tu sĩ và Phật tử nói riêng chịu đựng
trong ức chế và khốn cùng tại miền Nam 25 năm qua, tại miền Bắc 45 năm qua.
Phục hồi
quyền sinh hoạt của GHPGVNTN, trả tự do cho tù nhân tôn giáo và bãi bỏ Nghị định
31/CP
Con chim sắp
chết tiếng nó kêu thống thiết. Người lão tăng sắp về cõi Phật như tôi không nói
lời gian dối : Ðảng và Nhà nước không thể mãi mãi che đậy những lỗi lầm của
mình để làm chuyện thất đức, mà hậu quả khiến nhân dân bần cùng, tôn giáo bị
đàn áp, trí thức mất tự do tư tưởng, nhà báo mất tự do ngôn luận, văn nghệ sĩ mất
quyền sáng tạo, người lao động không tự do nghiệp đoàn...
Ðã đến lúc
cần chấm dứt tình trạng làm cho dân nghèo nước yếu, nhân tài và trí thức tiêu
ma.
Ðối với Phật
giáo, chúng tôi yêu sách Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất phải được phục
hồi quyền tự do sinh hoạt trên pháp lý hiện hành, vốn được quy định và bảo đảm
tại Hiến chương, Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Công ước quốc tế về các quyền
dân sự và chính trị của LHQ. Các Hòa thượng, Thượng tọa, Ðại đức Tăng Ni, Phật
tử sau khi được trả tự do phải được phục hồi hộ khẩu, quyền công dân và quyền tự
do hành đạo ; bãi bỏ Nghị định 31/CP để chấm dứt vĩnh viễn chế độ quản chế hành
chính phi luật pháp khiến kẻ được trả tự do vẫn thấy như mình bị dẫn độ từ nhà
tù nhỏ sang nhà tù lớn, khiến ai nấy nơm nớp lo âu bị bắt vô cớ bất cứ lúc nào.
Các Tăng sĩ, Phật tử còn bịgiam giữ hay quản chế phải được trả tự do và giải chế.
Nếu xét thấy họ có tội, thì đưa ra xét xử công khai trước một tòa án với quyền
bào chữa của luật sư do họ chọn lựa, cùng sự hiện diện của báo chí quốc tế.
Ngoài ra,
chúng tôi xin trả lại “chiếc mũ phản động”,“chiếc mũ phá hoại”, “chiếc mũ vu
cáo chống đối” cho những ai chụp lên đầu chúng tôi. Ðạo Phật là đạo thực hành sự
Giác ngộ và Cứu khổ. Ðạo Phật là đạo xây dựng một cõi người nhân ái và huynh đệ.
Ðạo Phật không chống đối những tư tưởng thời đại, vì những tư tưởng ấy sẽ theo
thời đại đi qua. Ðạo Phật lấy Chánh Kiến soi sáng các thiên kiến, tà kiến mà
thôi.
Linh quyền
cho người chết và Nhân quyền cho người sống : 3 lời đề nghị
Kỷ niệm 25
năm chấm dứt chiến tranh, theo tôi nghĩ, Ðảng và Nhà nước nên làm chuyện có một
không hai, chuyện không ai dám làm, ngoại trừ kẻ có hùng tâm tráng chí. Ấy là thực
hiện ba nghĩa cử văn minh :
Thứ nhất, chấm dứt vĩnh viễn sự gây chiến trong ý nghĩ (tư duy) cũng như trong hành động, đối với mọi thành phần dân tộc và tôn giáo ngoài đảng Cộng sản. Sự gây chiến ấy đã từ lâu hóa trang bằng chủ trương đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản ;
Thứ hai, lấy
ngày 30.4. làm “Ngày Sám hối và Chúc Sinh toàn quốc” . Sám hối với người chết
và Chúc Sinh người sống. Các nước dân chủ Tây phương làm cuộc sám hối các lỗi lầm
hằng ngày, qua cơ chế tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do phê phán để chính
quyền sửa sai. Một tôn giáo lớn của phương Tây như Giáo hội Công giáo, mà vừa
đây đức Giáo hoàng cũng phải làm cuộc Thống hối các sai lầm bức tử và bạo động
của Giáo hội dọc hai ngàn năm qua đối với đồng loại và các tôn giáo khác. Có thể
nào Ðảng và Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa dám khẳng định không vi phạm sai lầm
trong 55 năm qua ? Bao nhiêu lời tảoán từ hai cuộc chiến, trong Cải cách ruộng
đất, trong Tổng tiến công Tết Mậu thân ở Huế, trong các vùng Kinh tế mới, và tại
các Trại tập trung Cải tạo. Dù chối bỏ cách nào chăng, vẫn khó tránh né một thực
tế, là oan hồn bị bức tử đếm không xiết. Ðảng và Nhà nước hãy xót thương những
người chết, hãy nghĩ đến Linh quyền của họ mà Sám hối và làm lễ Cầu Siêu cho
vong hồn họ thôi vất vưởng gọi kêu báo oán.
Linh quyền
cho người chết. Nhân quyền cho người sống, đây là ý nghĩa của lễ Chúc Sinh. Xưa
các vua chúa Tế Trời mỗi năm ở đàn Nam giao cầu cho quốc thái dân an. Nay ở thời
đại mới, Nhà nước nên áp dụng luật pháp bảo đảm các quyền tự do căn bản về dân
sự và chính trị cho mọi công dân, như một cách Tế thờNgười.
Thứ ba, ban
hành thành Sắc luật trong việc tìm kiếm thi hài kẻ chết trận, dù họ thuộc bộ đội
miền Bắc hay binh sĩ miền Nam để chôn cất và trả nghĩa cho gia đình họ khỏi ngậm
ngùi ; trả tự do cho toàn bộ những người tù vì chính kiến hay tôn giáo ; phục hồi
danh dự những kẻ chết oan, và cấp dưỡng xứng đáng những người tàn tật vì chiến
tranh, không phân biệt Nam Bắc, chính kiến.
Làm được ba
điều nói trên cùng với việc tôn trọng quyền tự do sinh hoạt của Giáo hội Phật
giáo Việt Nam Thống nhất, chiến tranh mới thực sự chấm dứt, cuộc lễ 25 năm mới
mang ý nghĩa khởi đầu cho cuộc hòa hợp dân tộc thực sự.
Mong lắm
thay.
Trân trọng
chào quý Ngài.
Xử lý Thường
vụViện Tăng Thống
Giáo hội Phật
giáo Việt Nam Thống nhất
(ký tên)Tỳ
kheo Thích Huyền Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét