Lê Tuấn Kiệt
(Trí Nhân Media)Từ Australia gửi đến TríNhânMedia
Không rùng mình sao được khi một dân tộc vốn tự hào có hơn 4000 năm văn hiến nhưng bây giờ nhìn chung quanh chỉ thấy con người đối xử với nhau bằng lừa lọc, dối trá và bạo lực. Chủ nghĩa cộng sản cho rằng con người là quá trình tiến hóa từ loài khỉ, tức một loại động vật cao cấp hơn. Nếu đúng như thế thì không lẽ con người Việt lại đang thoái hóa thành một bầy thú ít có tầm suy nghĩ và "quay lưng lại trước nỗi khổ của đồng loại để lo liếm bộ da của mình" mà ông tổ Karl Marx từng phê phán?
Câu trả lời là không phải như thế. Tình người và nghĩa làm người vẫn còn bàng bạc trên mọi miền đất nước. Nếu không thì đã không có một chị Út Lành trao các tấm vé số trúng độc đắc hàng chục tỷ đồng cho một anh lái xe ba gác trong khi anh này chỉ đặt mua bằng miệng chứ chưa trả tiền. Và nếu không có tình người hay nghĩa làm người thì dư luận đã không lên tiếng bênh vực cho gia đình Đoàn Văn Vươn trong vụ nổ súng ở Tiên Lãng.
Đảng CS VN đang áp đặt công an trị để tước đoạt quyền làm người của công dân |
Và đó là điều bi thảm cho dân tộc khi các tập đoàn lãnh đạo đất nước đánh mất bản ngã văn hóa của mình. Không ai phủ nhận rằng tiền nhân Việt không để lại những công trình đồ sộ như Vạn Lý Trường Thành, đền Đế Thiên Đế Thích, hay hàng trăm Kim Tự Tháp cao chọc trời. Thế nhưng đó lại là điều tốt vì nó chứng tỏ là không một đấng minh quân nào của Việt Nam có dòng máu tàn ác như Tần Thủy Hoàng hay như các hôn quân bạo chúa Đông – Tây đã huy động hàng triệu người dân để xây dựng những công trình nguy nga đó, bất chấp mưa gió và đói lạnh.
Và tốt hơn thế nữa là tiền nhân Việt lại du nhập tư tưởng Phật giáo vào đất nước, với hàng loạt chùa chiền được xây dựng trên khắp đất nước. Giới vua quan rủ nhau đi tu, trong khi người dân khuyến khích nhau tu thân tích đức qua những câu ca dao bàng bạc tình người như "bầu ơi thương lấy bí cùng", "lá lành đùm lá rách" hay "một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ".
Tiền nhân Việt cũng không cần phải treo những khẩu hiệu đó ở khắp đường phố, hay lập ra những ban tuyên giáo để truyền bá tư tưởng mà vẫn thấm đậm trong tâm hồn mỗi con dân Việt, từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Thế nhưng chỉ sau 70 năm sống dưới sự cai trị của đảng cộng sản, tình người và nghĩa làm người đó đã trở nên hiện tượng rất hiếm hoi. Hằng ngày người ta chỉ còn nghe những vụ chém giết vì ghen tuông, vì bị phụ tình hay giật nợ. Chuyện con giết cha, hay cha dùng búa đập vào đầu con không còn là chuyện lạ. Chồng giết vợ, hay vợ tưới xăng đốt chồng, là câu chuyện hằng ngày trên báo. Chuyện nữ sinh xúm nhau lột trần truồng bạn mình, hay rạch mặt nhau tại học đường, gần như diễn ra mỗi ngày. Và cứ mỗi ngày lại phát giác vài thi hài trôi vật vờ trên sông, dưới ruộng hay trong ao hồ mà không thấy giới hữu trách đưa ra một kết luận nào. Những người đó tự tử, bị tai nạn hay bị giết chết? Chẳng ai biết và cũng chẳng ai quan tâm vì mọi người đều tất bật lăn xả vào cuộc mưu sinh, phải kiếm tiền để xây nhà cao tầng và mua xe siêu sang.
Câu hỏi đặt ra ở đây là đất nước VN có cần phải công nghiệp hóa và hiện đại hóa đến độ phải hy sinh nền văn hóa bao dung và bác ái của dân tộc như thế hay không?
Câu trả lời là không. Không ai muốn sống trong một xã hội thừa thãi vật chất nhưng thiếu thốn tình người như thế. Các nước tiền tiến Tây phương đang trải qua kinh nghiệm đó, và đang phải trả giá đắt cho những vấn nạn xã hội đến từ tiến trình công nghiệp hóa vì con người cũng dần dần biến thành những cỗ máy mà họ đã sáng chế. Các nước đó đang tập trung sửa chữa những sai lầm đó qua hàng loạt chính sách về phúc lợi xã hội và giáo dục nhằm mục tiêu nâng cao đời sống tinh thần và khía cạnh vị nhân sinh trong mỗi con người.
Có nghĩa là trong khi dân tộc Việt đang cố tìm một đời sống vật chất xa hoa thì thế giới văn minh đang bước vào tiến trình "thăng hoa về tinh thần", tạo dựng những xã hội tràn đầy tình người và nghĩa làm người. Điều mỉa mai là con đường này dân tộc Việt đã từng trải qua suốt mấy trăm năm trước, nhưng đã tự mình đánh mất chúng, chỉ vì lỡ tin vào cái thiên đường của chủ nghĩa cộng sản!
Đầu tháng 3/2012
Lê Tuấn Kiệt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét