Ngọc Hà - VietNamNet
Trí Nhân Media : Trong thời gian gần đây, dư luận xã hội rất bức xúc về sự qúa lạm dụng vào Nghị quyết của Quốc hội về các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông, bộ Giao thông vận tải và ông bộ trưởng Đinh La Thăng đã đưa ra hết loại lệ phí này đến loại phí khác đánh vào các phương tiện xe cá nhân. Báo chí đang lên tiếng phê phán gay gắt, dư luận xã hội bất bình.
(VEF.VN) - Phí lưu hành đánh vào 2 loại xe, là xe của các doanh nghiệp, hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân, các hộ kinh doanh cá thể và xe cá nhân thuần tuý. Trong hai loại xe này, đâu là xe của người có tiền và sử dụng vào khu vực phi sản xuất - cần phải phân tích rõ điều này để tránh sai lầm nghiêm trọng.
Không phải tất cả xe đều mua từ tiền dư thừa.
Gửi thư tới Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VEF.VN) - báo VietNamNet, ông Nguyễn Kim Chung và nhiều độc giả khác mong muốn ý kiến của mình được lắng nghe và chia sẻ từ phía cơ quan quản lý Nhà nước.
Trong bài viết của mình, độc giả Nguyễn Kim Chung lưu ý về mục đích, tính tư tưởng trong chủ trương thu phí lưu hành ô tô, xe máy của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Các bài viết đăng tải trên VEF.VN - báo VietNamNet có dẫn lời của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng, "thu phí lưu hành ôtô, xe máy - nhất là ôtô - chủ yếu đánh vào người có tiền, không ảnh hưởng gì đời sống dân thường...".
Ông Chung cho rằng, những người đã, đang và sẽ sử dụng xe ôtô gồm:
Thứ nhất là xe con, xe công vụ biển xanh biển đỏ trong các cơ quan công quyền - được mua sắm theo chế độ nhà nước phục vụ công ích.
Thứ hai là xe con, xe vận tải trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, và các chủ DN tư nhân và hộ kinh doanh cá thể.
Thứ ba là xe con cá nhân chỉ dùng thuần tuý đi lại cho các nhân viên, công chức nhà nước - sử dụng cho nhu cầu không thiết yếu.
Trước hết cần xem các loại phí có đánh đều vào tất cả 3 loại xe trên không? Chắc chắn câu trả lời sẽ là không với xe biển xanh, biển đỏ vì đó là xe Nhà nước, nếu thu phí thì ngân sách lại cấp tiền cho các Sở mang đi nộp, lại vào ngân sách.
Vì vậy, phí lưu hành chỉ đánh vào 2 loại xe dưới, là xe của các DN, HTX, DN tư nhân, các hộ kinh doanh cá thể và xe cá nhân thuần tuý. Trong hai loại xe này, đâu là xe của người có tiền và sử dụng vào khu vực phi sản xuất - cần phải phân tích rõ điều này để tránh sai lầm nghiêm trọng.
Theo độc giả Nguyễn Kim Chung, xe con, xe tải trong các DNNN, hợp tác xã, DN tư nhân và các chủ hộ sản xuất kinh doanh cá thể, trong hàng triệu phương tiện xe con và xe tải và phương tiện máy móc khác mà họ đang sử dụng hiện nay, không phải tất cả đều mua từ đồng tiền dư thừa. Rất nhiều phương tiện họ phải mua bằng vốn vay để phục vụ sản xuất kinh doanh, trong đó có vốn cổ đông đóng góp hoặc của nhà đầu tư.
Điều đó chứng tỏ, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhận xét thu của người có tiền, người nhiều tiền là hoàn toàn không đúng trong khu vực này.
"Ông Thứ trưởng nói thu phí này là nhằm vào người có tiền chứ không ảnh hưởng đến người dân - thì không đúng cả hai vế - người dân cũng bị ảnh hưởng, vốn cổ đông của họ cũng bị trích ra nộp thuế, cổ phiếu chứng khoán của họ bị giảm giá trị khi mà giá đầu vào tăng cao làm giảm lợi nhuận của DN", độc giả Chung viết.
Hơn nữa, trong một xã hội và một quốc gia nói chung - quan trọng nhất là khu vực lao động sản xuất - vì vậy phải tập trung mọi nguồn lực mọi quan tâm hỗ trợ để khu vực này có thể vận hành tốt nhất, hiệu quả nhất chứ không phải là giáng một khoản thu phí vài chục triệu đồng/năm trên một phương tiện. Lẽ ra, việc thu phí cần phải áp dụng trên đối tượng phi sản xuất, chẳng hạn như xe cá nhân của nhân viên và công chức nhà nước...
Đừng để bùng phát nạn xe máy
Theo độc giả ký tên Người không có ôtô, thì mọi chính sách có liên quan đến người dân (trong đó có các loại thuế, phí liên quan đến ôtô) cần phải được công bố trước ít nhất là một năm để người dân cân nhắc, tính toán nên như thế nào.
"Giả dụ những đề xuất của Bộ GTVT được Chính phủ chính thức thông qua cách đây 1 năm thì đã có hàng chục nghìn người không lâm vào cảnh khó xử vì trót mua ôtô trong khi điều kiện kinh tế của cá nhân chưa thực sự dư dả, và nhu cầu sử dụng ôtô riêng cũng chưa thực sự bức thiết. Nhân đây cũng phải nói rằng quan niệm những người có ôtô là giàu có là chưa chính xác với đại đa số những người đang sở hữu ôtô hiện nay, vì vậy tổng các mức lệ phí 50-60 triệu/năm đương nhiên là không phù hợp", độc giả trên khẳng định.
Việc thu thuế đường bộ, độc giả thanhhoathanh20@... đề xuất, nếu thu thì chỉ nên ở mức thấp hơn nước Mỹ là được. Ở Mỹ, thu nhập của người dân cao gấp 36 lần Việt Nam mà thuế đường bộ chỉ 150 USD/năm) nên Việt Nam nên thu dưới mức 50 USD/năm là hợp lý.
Độc giả PBN cho rằng, việc áp dụng các loại thuế, phí lên phương tiện giao thông như hiện giờ là quá bất cập, chồng chéo. Đơn cử như khi chủ phương tiện mua xe (đã phải đóng các loại phí và thuế tính vào giá mua) phải nộp phí trước bạ với mục đích để chiếc xe đó được lăn bánh (lưu hành) trên đường, vậy tại sao giờ lại phải tiếp tục đóng ''Phí lưu hành'' thêm lần nữa ? Hay như đề xuất nộp thêm ''Phí bảo trì đường bộ và phí xăng dầu'' , thực chất phí xăng dầu chính là phí bảo trì đường bộ thu trên xăng dầu, khi người chủ phương tiện mua xăng để vận hành xe chạy (chạy nhiều mua nhiều, chạy ít mua ít) chính là đã bỏ tiền ra để nộp cả phí bảo trì đường bộ rồi.
Bên cạnh đó, nếu việc áp thuế và phí thật nặng để ''cấm'' ôtô lưu hành thì những người chủ cũng không có phương tiện cá nhân để sử dụng cho công việc, sinh hoạt hàng ngày. Lúc đó lại nảy sinh ra việc mua thêm vài trăm ngàn xe máy để tham gia giao thông, càng gây thêm ùn tắc, tai nạn trong đô thị.
Hạn chế ôtô phần nào làm giảm mạnh nhu cầu mua nhà ở ngoại ô của người dân vì họ không còn phương tiện tối ưu để di chuyển. Như vậy bài toán giãn dân, tránh ùn tắc không giải quyết được ở phần gốc mà càng làm tăng thêm áp lực lên giao thông đô thị.
Do vậy, các ý kiến độc giả kiến nghị, thay vì chỉ chăm chăm lo việc thu phí từ người dân, Bộ GTVT nên tập trung vào việc quản lí chất lượng và tiết kiệm kinh phí các công trình giao thông. Việc thu phí các phương tiện giao thông, nếu có, cũng cần có loại phí bắt buộc chung cho cả nước (ở mức vừa phải) và thu qua xăng sẽ công bằng hơn.
http://vef.vn/2012-03-21-thu-phi-oto-co-danh-dung-nguoi-co-tien-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét