Người dịch: Đan Thanh - Blog Ba Sàm
Ngày 20-3, Tổng thống Myanmar Thein Sein đã đến Hà Nội trong một chuyến thăm chính thức, được các nhà lãnh đạo Việt Nam, trong đó có Chủ tịch Trương Tấn Sang, đón tiếp nồng hậu. Chuyến thăm hai ngày này diễn ra vào thời điểm hai nước đang nỗ lực phát triển quan hệ.
Gần đây, mối bang giao giữa Naypyidaw và Hà Nội đã được thắt chặt hơn nhiều, như việc hai nước có những chuyến thăm qua lại ở cấp cao.
Tháng 6 năm ngoái, Phó Thủ tướng Việt Nam Hoàng Trung Hải sang thăm Myanmar bốn ngày. Tháng 11, tân Tổng Tư lệnh lực lượng vũ trang Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing đến Hà Nội. Sau đó một tháng, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tới Myanmar dự Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ tư của Các nước Tiểu vùng Sông Mekong Mở rộng, tổ chức ở Naypyidaw.
Tháng 6 năm ngoái, Phó Thủ tướng Việt Nam Hoàng Trung Hải sang thăm Myanmar bốn ngày. Tháng 11, tân Tổng Tư lệnh lực lượng vũ trang Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing đến Hà Nội. Sau đó một tháng, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tới Myanmar dự Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ tư của Các nước Tiểu vùng Sông Mekong Mở rộng, tổ chức ở Naypyidaw.
Ngày 12-3, khi Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh lên đường thăm chính thức Naypyidaw, hai tàu khu trục của hải quân Myanmar đã đến cảng Tiên Sa ở Đà Nẵng trong một chuyến thăm lịch sử, kéo dài ba ngày. Hôm sau, một phái đoàn quan chức và doanh nghiệp TP.HCM, do ông Lê Thanh Hải – Bí thư Thành ủy TP.HCM kiêm ủy viên Bộ Chính trị của đảng – dẫn đầu, cũng sang Myanmar.
Các hoạt động trao đổi qua lại nhộn nhịp này diễn ra trong bối cảnh nội lực kinh tế của Myanmar ngày càng tăng lên, khi được giải phóng bởi những thay đổi về chính trị. Riêng trong năm 2011, Myanmar nhận mức đầu tư trực tiếp nước ngoài cao kỷ lục, 20 tỷ USD, so với chỉ 302 triệu USD vào năm 2010 và tổng cộng 16 tỷ USD trong suốt hai thập niên trước đó cộng lại.
Trong khi các nhà đầu tư rõ ràng đều tin rằng kinh doanh ở Myanmar có những cơ hội khổng lồ, thì dường như Việt Nam lại chưa khai thác được điều đó một cách đáng kể. Quả thật, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Myanmar vẫn còn rất kém phát triển – đặc biệt khi so sánh với quan hệ giữa mỗi nước này với các quốc gia ASEAN khác. Ví dụ, vào năm 2010, 45,2% kim ngạch mậu dịch của Myanmar và 18,5% kim ngạch mậu dịch của Việt Nam là với các thành viên khác của ASEAN. Trong khi đó, Việt Nam chỉ chiếm 0,9% tổng kim ngạch của Myanmar, còn Myanmar chỉ chiếm 0,1% của Việt Nam.
Do đó, không có gì lạ khi gần đây các chuyến thăm qua lại của hai nước tập trung rất mạnh vào hợp tác kinh tế. Thành quả đầu tiên là một cam kết tăng kim ngạch thương mại hai chiều từ 170 triệu USD năm 2010 lên 500 triệu USD từ nay tới năm 2015.
Nhưng hợp tác kinh tế không phải nguyên nhân duy nhất khiến Hà Nội và Naypyidaw thúc đẩy quan hệ song phương. Các thành tố quan trọng khác – cả ở bình diện quốc gia lẫn khu vực – cũng đóng vai trò quyết định trong việc mở đường cho hai nước phát triển quan hệ.
Đối với Myanmar thì chuyến thăm của ông Thein Sein sang Việt Nam – điểm dừng chân đầu tiên của ông trong ba nước Đông Dương – là kết quả của việc Myanmar mở cửa gần đây, cũng là một phần chủ chốt trong những nỗ lực không ngừng của đất nước này nhằm tăng cường vai trò của mình trong những vấn đề quốc tế, trên các diễn đàn quốc tế. Mặc dù Myanmar đã trở thành thành viên của ASEAN từ năm 1997, nhưng họ chưa bao giờ giữ chiếc ghế chủ tịch luân phiên của khối. Hơn thế nữa, họ còn thường xuyên bị coi là “kẻ bị ruồng bỏ” trong cộng đồng quốc tế, thậm chí bị xem như chướng ngại vật, ngăn trở quan hệ của ASEAN với EU và các nước Tây Âu khác.
Tuy nhiên, những cải cách chính trị gần đây của Myanmar sẽ cho phép họ làm chủ tịch ASEAN lần đầu tiên trong lịch sử, vào năm 2014 tới. Là chủ tịch ASEAN, Myanmar sẽ tổ chức không chỉ hội nghị thượng đỉnh ASEAN mà còn nhiều sự kiện quan trọng khác, chẳng hạn hội nghị bộ trưởng của Diễn đàn Khu vực ASEAN, và đặc biệt là Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á – hai diễn đàn ASEAN+ lớn, có sự tham dự của một số siêu cường thế giới và khu vực. Trong chuyến thăm của mình, ông Thein Sein cảm ơn Việt Nam đã ủng hộ Myanmar giữ chức chủ tịch ASEAN sau 2 năm nữa.
Đi xa hơn, trong hoàn cảnh Myanmar đang phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc ở rất nhiều cấp độ, Myanmar đang cần đa dạng hóa quan hệ quốc tế của mình để hạn chế ảnh hưởng chi phối của Trung Quốc. Trên thực tế, quan điểm phổ biến cho rằng một trong các lý do chủ yếu để Myanmar tiến hành đợt cải cách chính trị hiện nay là mong muốn của họ cân bằng lại sự hiện diện thái quá của Trung Quốc. Với ý nghĩa này, mặc dù Việt Nam không phải là đối tác kinh tế lớn của Myanmar, nhưng Hà Nội vẫn tạo cho Myanmar động lực nhất định trong quan hệ giữa Naypyidaw và Bắc Kinh. Cũng như Myanmar, Việt Nam đang lo ngại về thái độ ngày càng hung hăng của người láng giềng khổng lồ.
Có vẻ như rõ ràng là lập trường của Myanmar và Việt Nam đối với Trung Quốc, cũng như những tính toán liên quan về an ninh và chiến lược, đang trở thành một thành tố quan trọng trong quan hệ song phương giữa hai quốc gia này. Hai chuyến thăm gần đây của Myanmar – của tướng Min Aung Hlaing vào tháng 11-2011 và của hải quân Myanmar tháng này – là hai chuyến thăm quan trọng nhất của họ tới Việt Nam.
Ngoài việc ông Min Aung Hlaing là tân tổng tư lệnh quân đội Myanmar, thì tầm quan trọng có tính biểu tượng của chuyến đi của ông còn do thời điểm thích hợp của nó. Nó diễn ra như là kết quả của quyết định đơn phương từ phía Myanmar đình chỉ dự án Đậm Myitsone trị giá 3,6 tỷ USD do Trung Quốc tài trợ. Hơn thế nữa, thay vì sang Trung Quốc như người tiền nhiệm, ông lại chọn Việt Nam làm điểm đến của chuyến thăm chính thức đầu tiên.
Cũng cần lưu ý rằng chuyến đi đầu tiên của hai tàu quân sự Myanmar tới Việt Nam là vào cùng ngày với sự kiện Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tổ chức đối thoại với người đồng nhiệm Wunna Maung Lwin. Trong cuộc gặp, “hai bên thảo luận về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông, giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, theo luật quốc tế”. Thông điệp tương tự cũng được nhấn mạnh trong cuộc gặp giữa ông Thein Sein và người đồng nhiệm phía Việt Nam.
Cuộc hội đàm đó và thông điệp đó có lẽ sẽ không làm hài lòng Trung Quốc, bởi lẽ Bắc Kinh vẫn luôn nói rằng nước thứ ba không nên tham gia vào tranh chấp. Trong hoàn cảnh này, sự ủng hộ mà Myanmar – quốc gia không có yêu sách nào trong vấn đề Biển Đông – dành cho đường lối của Hà Nội – giải quyết tranh chấp một cách hòa bình theo luật quốc tế – có ý nghĩa rất quan trọng. Điều này đặc biệt đáng nói khi mà Myanmar trước đây vốn là đồng minh mạnh mẽ của Trung Quốc. Do vậy, quan hệ ngày càng thân thiết giữa Myanmar và Việt Nam sẽ nâng cao một cách đáng kể vị thế của Việt Nam trong ASEAN, trên khía cạnh quan hệ với Trung Quốc.
Đoàn Xuân Lộc là nghiên cứu viên ở Viện Chính sách Toàn cầu (Global Policy Institute).
Nguồn: The Diplomat
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
http://anhbasam.wordpress.com/2012/03/30/quan-he-viet-mien-nong-am/#more-50669
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét