Radio Đáp Lời Sông Núi
Trí Nhân Media : Vào tuần qua, một số cựu chiến binh lão thành tại VN đã phổ biến một lá thư kêu gọi dân oan hãy xuống đường biểu tình tại 3 thành phố lớn. Điều trùng hợp ngẫu nhiên là ngày biểu tình lại rơi đúng vào ngày 26 tháng Ba, tức ngày mà 42 năm trước đây, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ban hành đạo luật "Người cày có ruộng". Trí Nhân Media xin gửi đến quý bạn đọc bài quan điểm của Lực lương Đoàn kết Dân tộc Cứu nguy Tổ quốc có tựa đề "Người cày đi đòi ruộng", qua sự trình bày của anh Hải Nguyên phát trên Đài phát thanh Đáp Lời Sông Núi
Vào tuần qua, những cựu chiến binh quân đội cộng sản đã phổ biến một lá thư, nội dung kêu gọi toàn thể dân oan trên toàn quốc hãy cùng nhau xuống đường để đòi lại đất đai, ruộng vườn bị bọn tư bản Đỏ tước đoạt suốt bao năm qua.
Điều trùng hợp là ngày xuống đường tại ba thành phố Hà Nội, Sài Gòn và Đà Nẵng lại đúng vào ngày 26 tháng Ba, tức là ngày mà vào năm 1970, Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu ban hành luật "Người cày có ruộng". Đạo luật đã giúp cho hàng trăm ngàn nông dân nghèo được sở hữu ruộng đất, và được thế giới đánh giá là một cuộc cách mạng nông nghiệp vĩ đại nhất vào thời đó.
Dĩ nhiên thì không một đạo luật nào mang lại công bằng tuyệt đối. Nhưng công tâm mà nói thì đạo luật "người cày có ruộng" của miền Nam có tính nhân đạo hơn, so với cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc, vì không có đổ máu hay cướp đoạt của bất cứ ai. Ngay cả giới địa chủ cũng hài lòng vì chẳng những không bị đấu tố mà còn được bồi thường cho số ruộng đất mà Việt Minh đã cướp đoạt và đem chia cho những nông dân nghèo trong 9 năm kháng chiến. Nhân đạo hơn nữa là số ruộng đất mà các nông dân được Việt Minh chia cho, không những không bị chính quyền Việt Nam Cộng Hòa lấy lại, mà còn cấp luôn chủ quyền cho họ.
Chính vì thế, ngày 26 tháng 3 được người dân miền Nam gọi vui là ngày "người cày có ruộng". Nhưng niềm vui ấy không kéo dài bao lâu, vì chỉ 5 năm sau thì miền Nam rơi vào tay cộng sản, những hình thức tước đoạt sở hữu đất đai bắt đầu diễn ra. Từ việc ép buộc nông dân phải dâng hiến cho hợp tác xã thời bao cấp, cho đến việc cưỡng chế hay quy hoạch thời mở cửa với các bộ luật Đất đai cho phép giới quan chức địa phương toàn quyền cướp đoạt bất cứ miếng đất nào, và bất cứ lúc nào.
Hậu quả là trên khắp nước đang có hàng trăm ngàn, nếu không muốn nói là hàng triệu, người dân oan đang bị đẩy đến bước đường cùng vì mất đất mất đai. Và chuyện gì đến phải đến. Hơn 15 năm trước, giới nông dân Thái Bình đã vùng dậy để chống lại bọn cường hào ác bá mới, nhưng bị dập tắt trước thủ đoạn thâm độc của đảng cộng sản và sự bưng bít thông tin. Thế nhưng vụ nổ súng kháng cự lực lượng cướp đất của gia đình Đoàn Văn Vươn ở huyện Tiên Lãng đã khiến người dân Việt thức tỉnh trước một chế độ tàn bạo, phi nhân và vô đạo đức.
Nhưng mức độ thức tỉnh của người dân Việt sẽ đến độ nào, vẫn là câu hỏi chưa giải thích được, nhưng đang đi dần đến đáp số qua lời kêu gọi của các cựu chiến binh đã hy sinh xương máu để dựng lên chế độ bạo tàn đó. Sẽ có bao nhiêu dân oan nghe được lời kêu gọi đó, và sẽ có bao nhiêu người đáp ứng trong ngày 26 tháng Ba sắp tới?
Khó có thể ước đoán được vì tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Yếu tố đầu tiên vẫn là khả năng tổ chức và lôi kéo dân oan của những người đưa ra lời kêu gọi này. Yếu tố thứ nhì là việc chiến thắng sự sợ hãi đã hằn sâu trong tâm trí của người dân, sau bao nhiêu năm sống dưới guồng máy công an trị của đảng cộng sản. Và yếu tố sau cùng là những thủ đoạn đàn áp của nhà cầm quyền.
Thế nhưng dù đông đảo hay thưa thớt, dù thành công hay thất bại, thì ngày 26 tháng 3 năm 2012 cũng sẽ đi vào lịch sử như là ngày "người cày đi đòi ruộng", ngày mà giới nông dân đi tìm lại lẽ sống và phương tiện sống cho chính mình, chứ không thể trông cậy ở một chế độ đã sản sinh ra một tầng lớp cường hào ác bá đông đảo hơn cả thời thực dân phong kiến trước đây.
Chính vì thế, nếu xuống đường thì hãy nói thẳng với cái đảng tự xưng là lực lượng tiên phong của giai cấp công nông biết rằng, lẽ sống và phương tiện sống hiện nay của hàng chục triệu người dân Việt là ruộng đất, chứ không phải là kiếp nô lệ trong những nhà máy của người ngoại quốc, hay phải vật vờ kiếm sống ở các thành phố lớn. Hãy nói thẳng cho giới quan chức cầm quyền biết rằng người dân không còn tin tưởng ở họ nữa vì chính họ đã làm giàu trên mồ hôi và nước mắt của người dân. Chính họ là những kẻ phi lao động, đang "ngồi mát ăn bát vàng" qua các dự án xây dựng khu công nghiệp, sân golf hay khu nghỉ mát.
Nhưng quan trọng hơn hết là hãy chứng tỏ cho họ thấy rằng giai cấp nông dân không phải là những người dễ bị phân hóa hơn là giai cấp công nhân như người cộng sản vẫn giảng giải theo chủ nghĩa Mác – Lê suốt bao nhiêu năm qua. Hãy siết chặt tay nhau thành một bó đũa mới có thể áp lực chế độ phải trả lại công lý cho mọi dân oan, như lá thư kêu gọi đầy bi hùng của các cựu chiến binh.
Nếu không thì con số dân oan sẽ ngày càng nhiều hơn, vì ruộng đất vẫn là phương tiện làm giàu nhanh chóng nhất của giới tư bản hoang dã và bọn cường hào ác bá Đỏ!
Radio Đáp Lời Sông Núi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét