Nguyễn Chính Kết
(Trí Nhân Media)
Tác giả trực tiếp gửi đến Trí Nhân Media
Hôm nay (28/2) lúc 0g30 sáng, mở trang web của Tòa Bạch Ốc để xem số người ký thỉnh nguyện thư gửi TT Hoa Kỳ Obama ([1]) để yêu cầu chính phủ của ông áp lực CSVN trả tự do cho Việt Khang và các tù nhân lương tâm khác, tôi thấy đã có 91.159 người ký.
Con số này đã vượt hơn gần 4 lần con số 25.000 mà TT Obama thách đố như một điều kiện để ông quan tâm tới yêu cầu của người Việt tại Hoa Kỳ. Trước con số lớn và nhanh đáng kinh ngạc ấy, Tòa Bạch Ốc đã đáp ứng lại bằng cách sẵn sàng tiếp 100 người tiêu biểu cho Cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ để lắng nghe nguyện vọng của họ. Qua sự việc này ta thấy số đông người đồng tâm nhắm vào một mục đích duy nhất đã tạo nên sức mạnh.
Con số này đã vượt hơn gần 4 lần con số 25.000 mà TT Obama thách đố như một điều kiện để ông quan tâm tới yêu cầu của người Việt tại Hoa Kỳ. Trước con số lớn và nhanh đáng kinh ngạc ấy, Tòa Bạch Ốc đã đáp ứng lại bằng cách sẵn sàng tiếp 100 người tiêu biểu cho Cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ để lắng nghe nguyện vọng của họ. Qua sự việc này ta thấy số đông người đồng tâm nhắm vào một mục đích duy nhất đã tạo nên sức mạnh.
Là đại diện cho Khối 8406 hải ngoại, tôi có liên lạc với Ban Tổ Chức cuộc gặp gỡ của người Việt tại Hoa Kỳ với chính phủ Obama tại Tòa Bạch Ốc để ghi danh tham dự. Là đại diện cho một tổ chức đấu tranh trong nước, tôi muốn gửi chính phủ Obama một lá thư mang tính nhân chứng nói về tình trạng vi phạm nhân quyền trầm trọng của CSVN ở trong nước, và danh sách những người bất đồng chính kiến đã bị CSVN đàn áp và giam cầm. Tôi hỏi ý kiến về lá thư này, Ban Tổ chức đề nghị tôi không nên làm điều đó. Lý do là chúng ta cần tập trung sự quan tâm của Chính phủ Hoa Kỳ về bức Thỉnh Nguyện Thư mà cho tới nay đã có trên 90 ngàn người ký tên. Nếu tổ chức nào tham dự buổi gặp gỡ hôm đó cũng đều gửi một thư như vậy thì sự quan tâm của chính phủ Hoa Kỳ đối với Thỉnh Nguyện Thư trên sẽ bị giảm đi rất nhiều. Và những thỉnh nguyện thư khác cũng chẳng nhận được đủ sự quan tâm cần thiết của chính phủ, và kết quả là chẳng có thỉnh nguyện thư nào đạt được điều mình thỉnh cầu.
Tôi thấy lý do của Ban Tổ Chức đưa ra hoàn toàn hợp lý, mặc dù tôi không thỏa mãn lắm với nội dung bức Thỉnh Nguyện Thư chung ấy. Từ đó tôi rút ra một bài học rất lớn cho cuộc đấu tranh hiện nay.
Qua sự kiện trên, tôi nghĩ đến những nỗ lực rất lớn mà cộng đồng người Việt hải ngoại đã và đang thực hiện để vận động cho HT Thích Quảng Độ và Lm Nguyễn Văn Lý đoạt giải Nobel và giải Sakharov. Nhưng dường như chúng ta đã không tập trung sức mạnh hay số phiếu của chúng ta cho một người duy nhất trong mỗi giải. Chẳng hạn, đối với giải thưởng Nobel, một số tổ chức đề nghị HT Quảng Độ, một số khác đề nghị Lm Lý, số khác nữa đề nghị một nhân vật khác. Tổng số các tổ chức của người Việt đề nghị ứng viên giải thưởng Nobel tuy đông hơn, thậm chí gấp đôi một số dân tộc khác, nhưng chúng ta bị chia năm sẻ bảy cho nhiều đối tượng khác nhau, nên cuối cùng chẳng đối tượng nào của chúng ta đắc cử cả. Trong khi đó, những dân tộc ít người hơn biết tập trung các đề nghị cho một đối tượng duy nhất, nên đối tượng của họ đạt được số phiếu nhiều hơn các đối tượng của chúng ta, nhờ đó đối tượng của họ đoạt giải dù thành tích không bằng những đối tượng của chúng ta.
Linh Mục Nguyễn Văn Lý |
Hòa Thượng Thích Quảng Độ |
Trong việc đề nghị ứng viên cho các giải thưởng quốc tế, nếu bảo được nhau, chúng ta có thể vận động theo một kế hoạch khôn ngoan để việc vận động của chúng ta thành công mỹ mãn. Chẳng hạn, năm nay, đối với giải thưởng Nobel, tất cả các tổ chức đấu tranh dân chủ đều đề nghị HT Quảng Độ, và đối với giải thưởng Sakharov, tất cả đều đề nghị Lm Nguyễn Văn Lý. Có như vậy thì cả hai người mới đủ số phiếu vượt hơn các ứng viên khác và mới đoạt giải được. Năm sau, chúng ta lại vận động tương tự như vậy cho những đối tượng nào xứng đáng. Vấn đề quan trọng là chúng ta có khả năng bảo được nhau hay không. Thiếu khả năng này thì thất bại là chuyện dễ hiểu, cho dù chúng ta rất đông đảo và các vị ứng viên của chúng ta rất xứng đáng.
Cổ nhân ta có câu: “Xấu đều hơn tốt lỏi”. Nghĩa là: cho dù quyết định chung được đa số chấp nhận có dở đi chăng nữa, nhưng nếu chúng ta nhất tâm, thống nhất và đoàn kết với nhau trong quyết định đó, thì kết quả vẫn tốt hơn và có lợi hơn là khi chúng ta bị chia rẽ do không thống nhất được với nhau (vì mỗi người chúng ta cứ nhất định đòi mọi người phải theo cách mà mình cho là tốt nhất). Xin lưu ý từ “dở” ở đây không có nghĩa là xấu, ác, mà chỉ là không hay hoặc không khôn ngoan bằng một quyết định khác.
Để đẩy một tảng đá lớn chặn lối đi, thì việc đẩy nó qua trái hay qua phải, làm theo cách này hay cách kia, không phải là chuyện quan trọng nhất. Quan trọng nhất là phải đẩy được nó ra khỏi đó. Muốn thế, phải cùng đồng thuận với nhau đẩy theo một hướng nào đó, giờ nào đó, cách nào đó. Giả như đồng thuận được với nhau theo hướng dở nhất, theo cách dở nhất hay vào giờ bất thuận lợi nhất mà liên kết được với nhau để đẩy được tảng đá đi thì vẫn tốt và khôn ngoan gấp trăm lần việc cứ ngồi đấy mà tranh cãi với nhau: do ai cũng đòi cho bằng được phải đẩy theo cái hướng mà mình cho là hay nhất, để rồi cuối cùng... tảng đá vẫn ở nguyên chỗ cũ!
Khi vận động cho 2, 3 ứng viên dân cử của chúng ta, muốn các vị ấy đắc cử, chúng ta không nên chia số phiếu bầu vốn có giới hạn của mình cho cả 2, 3 ứng viên ấy, mà cần bảo được nhau cùng dồn phiếu cho một ứng viên mà thôi. Sống là phải lựa chọn. Lựa chọn người nào thì đành phải chấp nhận bỏ những người khác. Những ứng viên mà chúng ta muốn bầu thì người nào cũng tương đối tốt cả. Người cho ứng viên là A tốt nhất, người khác cho B mới là nhất, người khác nữa lại cho C mới là tuyệt vời. Nếu không bảo nhau được, ai cũng bầu theo ý kiến riêng của mình thì số phiếu của chúng ta bị chia làm ba, chẳng ai trong 3 ứng viên ấy đủ phiếu để đắc cử, và cả ba đều thất cử. Điều này thật đáng tiếc.
Giả như có một nhóm người khôn ngoan, đánh giá chính xác ứng viên A mới là tốt nhất, nhưng quần chúng đông hơn lại thích bầu cho ứng viên B, vốn cũng tốt nhưng không tốt bằng A. Nếu những người khôn ngoan kia thật sự vì đại cuộc, họ sẽ đồng lòng bầu cho B để B đắc cử. Thà để B đắc cử (dù B dở hơn A), còn hơn để cả hai thất cử.
***
Thể chế mà người Việt tị nạn đang được hưởng cách thoải mái tại những nước tự do trên thế giới là thể chế dân chủ. Trong thể chế dân chủ, ai cũng được tự do suy nghĩ và tự do sống theo quan niệm hay theo điều mình cho là đúng, miễn không gây hại cho tha nhân và xã hội. Đó là thể chế chính trị ít xấu nhất trong tất cả các thể chế đã được áp dụng trên thế giới. Tôi muốn nói “ít xấu nhất” là vì thể chế dân chủ vẫn có những hạn chế và bất lợi của nó mà chúng ta phải biết khắc phục khi áp dụng. Nếu không khắc phục được những hạn chế hay bất lợi của nó thì chưa chắc thể chế ấy đã đem lại lợi ích cho dân tộc.
Và cái thể chế nhiều xấu nhất trên thế giới chính là thể chế độc tài đảng trị mà đảng và nhà nước CSVN đang áp dụng tại Việt Nam .
Thể chế dân chủ khác với thể chế độc tài ở chỗ biết tôn trọng tính đa dạng vốn có trong vũ trụ vạn vật và trong xã hội con người. Cổ nhân nói: “bá nhân bá tánh”: kinh nghiệm mỗi người đều rất đặc thù không ai giống ai, tất cả đều suy nghĩ khác nhau, chủ trương khác nhau. Điều người này cho là đúng, là hợp lý, là khách quan, là không thể chối cãi, chưa chắc người khác đã thật lòng công nhận như vậy. Cái mà ở trình độ tâm thức này cho là hợp lý thì ở trình độ khác cho là phi lý, không thể chấp nhận được ([2]).
Khi những người khác biệt nhau như thế phải sống chung để thành một xã hội, nếu không biết tôn trọng sự khác biệt của nhau, không cho người khác được phép suy nghĩ hay chủ trương khác với mình, thì xã hội ấy trở thành loạn. Xã hội ấy chỉ được tạm ổn định khi có kẻ mạnh nhất có khả năng ép buộc tất cả những người khác phải thống nhất theo sự suy nghĩ và chủ trương của mình. Thế là hình thành một chế độ độc tài.
Không cần phải dài dòng để chứng minh sự tàn hại của chế độ độc tài ở đây, vì sự tụt hậu, lầm than và nghèo đói của xã hội Cộng sản Việt Nam trước mắt chúng ta đã quá hiển nhiên.
Tuy nhiên, chế độ độc tài thường có một sức mạnh rất lớn nhờ vào sự thống nhất đường lối, thống nhất ý chí được thực hiện bằng bạo lực, khủng bố, sợ hãi. Chính sự thống nhất ý chí này đã tạo nên sức mạnh. Và sức mạnh này đã được trả giá bằng sự lầm than, đau khổ của người dân, sự tụt hậu của cả một dân tộc...
Còn chế độ dân chủ, nhờ tôn trọng sự khác biệt của nhau mà người dân được tự do thoải mái, tự do phát triển... Nhưng dân chủ không chỉ nằm ở chỗ tôn trọng sự khác biệt, mà còn ở phương cách thống nhất ý chí của toàn dân. Dù “chín người mười ý”, “bá nhân bá tánh”, nhưng người dân vẫn chấp nhận một đường lối duy nhất, một thủ lãnh duy nhất. Chính nhờ vậy họ có sức mạnh. Sự thống nhất ý chí trong chế độ dân chủ không phải do kẻ có quyền hành lớn nhất dùng sức mạnh của mình để ép buộc mọi người phải theo, mà do họ biết tổ chức để biết được ý kiến hay ý muốn của đa số. Ý muốn của đa số được coi là ý muốn chung của cả tập thể. Phần thiểu số có ý kiến khác phải chấp nhận và coi ý kiến của đa số là ý kiến chung của cả tập thể trong đó có chính mình. Một khi ý kiến của đa số được xác định, thì tập thể trước đó là “trăm người trăm ý” lập tức trở thành “trăm người một ý”. Sức mạnh của thể chế dân chủ nằm ở chỗ này.
Tác giả trước tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ |
Chúng ta chưa thắng được cộng sản, dù CSVN đã mục nát và suy yếu rất nhiều, phải chăng vì chúng ta có quá nhiều lãnh tụ? Vì chúng ta không bảo được nhau? Vì không ai chịu lụy phục ai? Phải chăng vì ai cũng muốn làm người trên để ra lệnh, chẳng ai chịu làm người dưới để vâng lệnh? Phải chăng chúng ta đang lạm dụng thể chế dân chủ để đánh phá nhau khi thấy có ai khác biệt với mình, vì thế không tạo được sự thống nhất để có sức mạnh? Phải chăng chúng ta cứ đòi phải có cái tốt nhất để rồi ngay cả cái tốt vừa, lẫn cái tốt kém nhất cũng chẳng có được? Phải chăng chúng ta đòi phải có được vị lãnh đạo thật tốt không khuyết điểm mới chấp nhận vâng phục, để rồi chẳng có một vị lãnh đạo nào được chấp nhận, và chẳng bao giờ chúng ta trở thành một khối thống nhất?
Nguyễn Chính Kết
________________________________________
[1] https://wwws.whitehouse.gov/petitions#!/petition/stop-expanding-trade-vietnam-expense-human-rights/53PQRDZH
[2] Chẳng hạn, ở bậc trung học, việc lấy số nhỏ trừ số lớn là điều hết sức dễ hiểu và hợp lý thì ở bậc tiểu học bị coi là phi lý. Vì nếu chỉ có 3 trái cam thì không thể ăn tới 4 trái được. Ở bậc đại học, căn số bậc hai hay bậc chẵn của một số âm là điều không có gì trở ngại với quan niệm về số ảo (vốn được áp dụng thực tế trong kỹ thuật cao cấp) thì lại bị coi là điều cấm kỵ và phi lý ở cấp trung học. Vì con số trong căn hiệu bậc chẵn được hiểu là bình phương hay có số mũ chẵn vốn không thể nào là số âm được. Điều ấy cho thấy là cái đúng của người này không hẳn là cái đúng của người kia.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét