Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




Hoa Kỳ 'không cụ thể về nhân quyền VN'

Nhà báo tự do Bùi Văn Phú
Gửi cho BBC Tiếng Việt từ San Jose

Biểu dương cho nhân quyền Việt Nam
 ở San Jose ngày 5/3/2012
Ngày 5/3 là một ngày đáng ghi nhớ của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ khi một phái đoàn hơn 150 người đại diện cho nhiều đoàn thể, tổ chức, mọi thành phần xã hội đã vào Bạch Ốc để lên tiếng cho nhân quyền Việt Nam với chính giới Hoa Kỳ.
Họ là những người từ 50 tiểu bang trên nước Mỹ đã kí tên vào thỉnh nguyện thư yêu cầu chính phủ của Tổng thống Obama không phát triển giao thương với Việt Nam cho đến khi tình trạng nhân quyền ở đó được cải tiến.


Kỷ lục
Bản thỉnh nguyện thư đã có trên 130 nghìn chữ kí tính đến giờ phái đoàn vào Bạch Ốc. Đây là một kỉ lục về việc vận động người Việt tham gia vào một việc chung với mục đích tranh đấu cho tự do nhân quyền tại Việt Nam.
Phái đoàn vào Bạch Ốc có một số người đến từ San Jose, thủ phủ của người Việt ở miền bắc California. Họ cũng thuộc nhiều thành phần khác nhau. Hoạt động chính trị có bác sĩ Nguyễn Xuân Ngãi và giáo sư Ngô Đức Diễm. Giới trẻ có tiến sĩ Lê Mỹ Phương, anh Huỳnh Hớn. Sống ở Mỹ từ nhỏ có luật sư Đỗ Văn Quang Minh.
Dịp này luật sư Minh đã chia sẻ cảm nhận riêng về buổi tiếp xúc. Ông nhận xét đó là một buổi thảo luận và đối thoại giữa giới chức Hoa Kỳ và cộng đồng người Việt. Tiếp phái đoàn chỉ là giới chức cấp trung gồm những phó vụ trưởng bên hành pháp, như của Hội đồng An ninh Quốc gia, Vụ Giao tế Cộng đồng và Văn phòng đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động của Bộ Ngoại giao.
Các giới chức đều lập lại chính sách hiện hành của Hoa Kỳ đối với Việt Nam và với các nước Đông Nam Á nói chung.
Ông nói: “Họ không phải là những người đưa ra chính sách. Tuy nhiên người Việt chúng ta phải nêu vấn đề để họ lắng nghe và trình bày lại với ngoại trưởng và Tổng thống để họ biết khi làm chính sách về Việt Nam.”

Không khác mấy

Theo luật sư Minh những gì ông nghe được trong buổi tiếp xúc hôm nay cũng không có gì khác với chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đang có đối với Việt Nam. Ông cho biết giới chức Mỹ nói Hoa Kỳ hiểu là Việt Nam có những vi phạm nhân quyền trầm trọng và họ đã và đang quan tâm theo dõi các trường hợp như linh mục Nguyễn Văn Lý, thày Quảng Độ, Blogger Điếu Cày và mới đây là nhạc sĩ Việt Khang.

Luật sư Đỗ Văn Quang Minh
 cho rằng trả lời của giới chức
 Mỹ còn mơ hồ
Trong phần nêu câu hỏi, luật sư Minh đã hỏi về những hành động cụ thể nào Hoa Kỳ có thể làm để giúp cải tiến tình trạng nhân quyền tại Việt Nam? Câu trả lời của giới chức Mỹ, theo luật sư “mang tính tổng quát, không có gì cụ thể, còn hơi mơ hồ nữa”.
Trong khi phái đoàn hơn 150 người Việt được đón tiếp bên trong, hàng nghìn người khác từ nhiều tiểu bang tụ họp tại công viên Lafayette trước Bạch Ốc biểu dương tinh thần ủng hộ cho thỉnh nguyện thư.
Luật sư Đỗ Văn Quang Minh kể rằng trước khi vào phòng hội trong thính đường Eisenhower trong khuôn viên Bạch Ốc, nhìn qua đoàn người biểu dương bên ngoài ông thấy có biểu ngữ đại diện có đến 20 tiểu bang có đông người Việt tại Hoa Kỳ. Họ đến từ bang Washington, California, từ Georgia, Texas.
Các đoàn từ bang Georgia, Massachusetts về thủ đô bằng mấy chuyến xe buýt chở cả trăm người. Ông nói đây là niềm phấn khởi vì điều này nói lên sự đoàn kết trong người Việt ở khắp nơi trên đất Mỹ trong việc tranh đấu cho tự do dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam.

Sáng 5/3 không chỉ có biểu dương trước Bạch Ốc để ủng hộ cho thỉnh nguyện thư, nhiều nơi khác cũng đã có những sinh hoạt tương tự. Riêng ở miền bắc California hàng trăm đồng hương ở San Jose và Oakland đã xuống đường.
Trước tiền đình Toà Thị chính San Jose, từ 10 giờ sáng đã có hơn 200 người tụ họp hô to những khẩu hiệu cho nhân quyền, hát vang hai bài hát “Anh là ai” và “Việt Nam tôi đâu” của nhạc sĩ Việt Khang hiện đang bị giam giữ. Tham gia cuộc biểu dương có cựu tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hoà là Đề đốc Trần Văn Chơn, nhiều cựu H.O. và những người hoạt động cộng đồng như các anh Thomas Nguyễn và Vũ Huynh Trưởng.
Cùng lúc tại Clinton Park ở Thành phố Oakland hơn 100 người cũng tập họp và tuần hành quanh công viên để góp tiếng nói ủng hộ cho thỉnh nguyện thư. Cuộc biểu dương do Hội Diên Hồng vùng Đông Vịnh đứng ra tổ chức và được điều phối bởi các ông Trần Kiêm Thiều và cựu dân biểu Trần Minh Nhựt.
Chiến dịch kí tên vào thỉnh nguyện thư do nhạc sĩ Trúc Hồ của đài truyền hình STBN và tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng của tổ chức Boat People SOS khởi xướng sẽ kéo dài một tháng cho đến ngày 8-3. Với mức độ kí tên như trong mấy tuần qua, con số chữ kí có thể đạt tới 150 nghìn.

Im lặng trong nước
Trong khi người Việt ở Mỹ và nhiều quốc gia xôn xao với việc vận động cho nhân quyền tại Việt Nam, truyền thông trong nước không nhắc gì đến.
"Tuy bên ngoài Hoa Kỳ không công khai lên tiếng chỉ trích Hà Nội nhưng bên trong những quan tâm về nhân quyền luôn được các giới chức Mỹ lưu ý chính phủ Việt Nam."
Đây là một điều khác với trước. Cách đây gần một thập niên khi một dự luật về nhân quyền Việt Nam được Hạ viện Hoa Kỳ thông qua, trong nước báo chí đã chỉ trích mạnh dự luật này qua nhiều bài viết.
Lúc đó ông Trần Bạch Đằng còn viết bài đề nghị đưa ra một chiến dịch thu thập một triệu chữ kí của người Việt để phản đối dự luật nhân quyền. Tuy nhiên đề nghị của ông đã bị chìm vào quên lãng.
Hoa Kỳ và Việt Nam đang muốn nâng quan hệ lên một mức cao hơn. Tuy nhiên với tình trạng nhân quyền ngày càng xấu hơn tại Việt Nam quan hệ hai nước khó có thể tiến nhanh hơn.
Tuy bên ngoài Hoa Kỳ không công khai lên tiếng chỉ trích Hà Nội nhưng bên trong những quan tâm về nhân quyền luôn được các giới chức Mỹ lưu ý chính phủ Việt Nam.

Bùi Văn Phú
Tác giả là một nhà báo tự do hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco. Bài viết thể hiện cách nhìn riêng của tác giả.
Nguồn :http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/03/120306_buivanphu_us_meeting.shtml


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét