Sau khi người lính cuối cùng rời khỏi Việt Nam và Hà Nội trao trả 580 tù binh thì chính giới Hoa Kỳ không còn lý do để ủng hộ cho VNCH. Dù có nhiều tin tức về vi phạm Hiệp định Paris nhưng công luận không còn quan tâm. Hai khái niệm chính yếu cho Hoa Kỳ trong gia đoạn này là Hoà bình và Danh dự.
Cuối tháng Bảy năm 1973, Quốc hội tìm cách hủy bỏ các quân viện cho chiến trường Đông Dương. Nixon phủ quyết quyết định của Quốc hội, tình hình căng thẳng và không một thoả hiệp nào đạt được. Ngày 15 tháng 8 năm 1973, các cuộc ném bom trong phạm vi biên giới Campuchia dọc theo Nam Việt Nam kết thúc. Hoa Kỳ đã ném tổng cộng hơn 250.000 tấn bom xuống khu vực này, nhiều hơn số lượng bom trong Thế chiến thứ Hai, làm cho khoảng 7 triệu dân Campuchia phải chạy tỵ nạn.
Quốc hội tìm mọi cách gây ảnh hưởng ngăn chặn trong mọi tiến trình quyết định của Tổng thống. Tháng 11 năm 1973, Quốc hội biểu quyết luật War Power Act, quy định trường hợp can thiệp quân sự trong các xung đột quốc tế; Tổng thống có quyền điều quân ra nước ngoài trong thời hạn 60 ngày; nếu Quốc hội không cho phép can thiệp, thì trong vỏng 30 ngày sau đó Tổng thống phải rút quân. Do đó, thẩm quyền can thiệp quân sự của Tổng thống trong tương lai bị hạn chế.
Biến động Watergate làm cho Nixon hoàn toàn bất lực. Thông tin sai lạc và lạm quyền Tổng thống quá mức lần lượt bị báo chí phơi bày nên không còn được tín nhiệm Nixon; Tối cao Pháp viện đồng thanh quyết định Nixon phải trao các băng ghi âm các buổi nói chuyện tại văn phòng Bầu dục cho Ủy viên Điều tra là Jaworski; Ủy Ban Tư pháp của Hạ Viện truy tố Nixon vi phạm ba tội hình sự; toàn thể Hạ viện và Thượng viện đồng thanh chấp thuận tiến hành thủ tục huyền chức (Impeachment) Tổng thống, một vụ việc chưa có tiền lệ.
Để tránh khỏi thủ tục này, ngày 2 tháng 8 Nixon tuyên bố từ chức và không nhận tội. Người kế nhiệm là Gerald Ford. Ông tuyên bố kế tục chính sách ngoại giao của Nixon và Kissinger vẫn nắm chức vụ Cố vấn An ninh Quốc gia đến cuối tháng 11 năm 1975. Trong thời gian này, các mật ước của Nixon hỗ trợ Tổng thống Thiệu không ai biết tới, nhưng bất ổn xã hội tại miền Nam càng thể hiện trầm trọng hơn.
Bất ổn xã hội
Sau khi Hiệp định Paris ký kết, cả hai phe Nam Bắc liên tục cáo giác nhau về các vi phạm ngưng bắn, cùng ngăn trở hoạt động của Ủy ban Hòa giải (UBHG) và gia tăng phương tiện kiểm soát lãnh thổ và dân chúng. Trong chiến dịch này, QLVNCH chiếm lại được hơn 1000 làng xã. Thành quả này cũng là một thách thức mới vì QLVNCH còn phải đảm nhiệm thêm các công tác hành chánh địa phương và bình định nông thôn, vượt quá khả năng bảo vệ.
Quân số QLVNCH lên đến tên 1,1 triệu trong khi quân số của CSBV và MTGPMN có khoảng 300.000. Ưu thế quân số không tạo thắng lợi hơn cho VNCH vì 2/3 Quân lực phải lo cho việc kiểm soát lãnh thổ, trong khi đối phương chỉ cần có 10% lo chuyện phòng thủ.
Hà Nội kiên quyết kết thúc chiến tranh bằng chiến thắng quân sự. Để chuẩn bị cho đợt tấn công mới, CSBV tập trung kiện toàn đường mòn Hồ Chí Minh; nhờ việc tiếp vận từ biên giới Hoa–Việt đến biên giới Miên–Việt hoàn chỉnh, nên chuyển chở vũ khí, nguyên liệu và quân dụng nhanh hơn. Trong năm 1974, CSBV tăng cường hoạt động trong các tỉnh thuộc khu phi quân sự và các tỉnh cao nguyên trong khi MTGPMN chiếm gần phân nửa vùng châu thổ sông Cửu Long.
Tình hình kinh tế của Miền Nam suy sụp trầm trọng. Viện trợ cắt giảm, khu vực cung ứng dịch vụ cho Quân đội Đồng minh không còn, làm mất đi gần 300.000 công việc và tỷ lệ thất nghiệp lên đến 40%. Đời sống công chức và binh sĩ gặp khó khăn khi giá lương thực tăng. Thực phẩm khan hiếm khi chính phủ VNCH kiểm soát thị trường lúa gạo và MTGPMN tìm cách bóp nghẹt các trục vận chuyển.
Quốc hội chấp thuận viện trợ 700 triệu cho VNCH trong tài khoá năm 1975, sau khi trừ chi phí vận chuyển chỉ còn lại 300; hậu quả là QLVNCH không thể trang trải mọi quân phí. Chiến lược của QLVNCH là theo kiểu Mỹ, nên cực kỳ tốn kém, sử dụng số lượng vũ khí 17 lần hơn đối phương trong năm 1973, và 12 lần hơn trong năm 1974. Giảm quân viện làm tiêu hao tiềm năng chiến đấu và nhất là khi lương quân nhân không đủ sống. Ảnh hưởng này làm cho tỷ lệ đào ngũ lên cao, 240.000 người trong năm 1974, một kỷ lục chưa từng có.
Tình hình kinh tế càng khó khăn khiến cho dân thành phố, thành phần trí thức, kể giới làm giàu nhờ chiến tranh tỏ ra chống đối Tổng thống Thiệu qua chương trình chống tham nhũng. Giới hữu sản bắt đầu chuyển tiền của và tìm cách định cư nước ngoài. Một niềm tin còn lại dành cho tất cả mọi người là: “Mỹ không thể bỏ Việt Nam“, nhưng càng ngày càng mơ hồ hơn vì thiếu cơ sở luận chứng.
Tất cả mọi người dân đều mong muốn có sự thay đổi phù hợp cho miền Nam, nhưng không ai có khả năng để thích nghi khi CSBV khởi động chiến dịch Hồ Chí Minh 1975.
Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975
Hoa Kỳ rút quân và Nixon từ chức sau vụ Watergate là hai món quà vô giá dành cho CSBV. Gerald Ford không đủ tư thế và cũng không chống Cộng cuồng nhiệt như Nixon. Không còn cần Hiệp định Paris, Hà Nội quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh vào ngày 18 tháng 12 năm 1974 để tiến chiếm miền Nam.
Tháng 12 năm 1974, CSBV tấn công Đồng Xoài, Phước Long, tháng 3 năm 1975 tấn công Ban Mê Thuột. Tổng thống Thiệu quyết định bỏ ngỏ cao nguyên để cũng cố lực lượng cho vùng duyên hải và miền Tây. Quân đội triệt thoái khỏi Pleiku và Kontum gây hỗn loạn và nhiều người chết. Vì không còn ai lãnh đạo nên dân chúng và binh sĩ chạy thoát thân trên các “đại lộ kinh hoàng“ để lánh nạn nơi vùng duyên hải. Các trạm giao thông tắc nghẻn, quân nhu và vũ khí đều bỏ lại trên đường tháo chạy. Ngày 25 tháng 3 CSBV chiếm Huế và sau đó ngày 30 tháng 3 Đà Nẳng thất thủ.
Ngày 4 tháng 4 Tướng Frederick Weygand, Tham mưu Trưởng Liên quân, còn đề nghị Gerald Ford nên tăng viện cho Việt Nam 722 triệu. Gerald Ford bác bỏ vì không thể tìm sự đồng thuận của Quốc hội. Ngày 23 tháng 4 năm 1975, trước các sinh viên Đại học Tulane, New Orleans, đang hân hoan về tình hình thay đổi tại Việt Nam, Gerald Ford tuyên bố là: “Chiến tranh Việt Nam đã qua đi trong mối quan hệ với Hoa Kỳ” (The war is over as far as American is concerned). Hoa Kỳ đã học hỏi những sai lầm của mình; nhưng loại sai lầm nào thì ông không kể tới.
Thắng thế, Hà Nội quyết định tấn công Sài gòn và các tỉnh miền Tây. Ngày 21 tháng 4 Tổng thống Thiệu trao quyền cho Tướng Dương Văn Minh và lưu vong sang Đài Loan. Hy vọng cuối cùng cho người dân miền Nam là Tướng Minh sẽ có một cơ hội đối thoại với MTGPMN. Vì tương quan lực lượng không còn nửa nên Hà Nội quyết định không đối thoại và ngày 30 tháng 4 tiến chiếm Sài gòn. Ngày 1 tháng 5 tướng Minh tuyên bố đầu hàng.
Tình hình chuyển biến quá nhanh ngoài sự dự liệu của Đại sứ Hoa Kỳ Graham Martin. Ông bối rối trong việc tổ chức di tản cho 9000 nhân viên người Mỹ và khoảng 150.000 người Việt. Khi chiếc trực thăng cuối cùng rời khỏi Toà Đại sứ, trang sử mới cho Việt Nam bắt đầu.
Ai thắng, ai thua, và tại sao?
Tại sao Hoa Kỳ thua?
Hoa Kỳ thua vì phải trả 167 tỷ USD, kinh phí tổng cộng cho chiến cuộc và 58.000 binh sĩ hy sinh. Về đối ngoại, uy tín của Hoa Kỳ như một siêu cường không còn. Hậu quả là phong trào chống Mỹ tại châu Âu, vổn dĩ đã có sẳn, nay lên cực điểm. Các nước chậm tiến không còn tin tưởng việc kết ước liên minh quân sự với Hoa Kỳ, mà ngược lại, xem đó là một tai hoạ. Về đối nội, chiến tranh đã đem lại một vết thương tinh thần, không phải chỉ riêng với các cựu chiến binh mà toàn dân tộc. Các giá trị cao cả mà người Hoa Kỳ đề cao và theo đuổi trước đây, nay được đặt lại nghiêm túc hơn để tìm một hướng đi mới làm hồi sinh dân tộc.
Các cuộc thảo luận tại Hoa Kỳ về cuộc chiến hầu hết tập trung vào khía cạnh quân sự. Họ nêu lên ba luận điểm chính trong ba thời kỳ khác nhau và đi đến kết luận là Hoa Kỳ đã có nhiều cơ hội để thắng CSBV mà Hoa Kỳ không nhận ra hoặc không theo đến cùng.
Một là khái niệm Counterinsurgency của Kennedy là một sách lược chống Cộng đúng đắn cho Việt Nam mà kinh nghiệm tại Mã Lai đã chứng minh thành công. Lý do hỗ trợ cho quan điểm này là thoạt đầu chính phủ Ngô Đinh Diệm được hai thành phần nông dân miền Nam và người Bắc di cư ủng hộ. Chính quyền có hiệu năng trong việc xây dựng đất nước, kết hợp các giáo phái và giải quyết xung đột địa phương là thí dụ điển hình. Kinh tế trên đà phát triển trong một xã hội đang chuyển mình khi MTGPMN chưa có lý do để tuyên truyền là Mỹ xâm lược hay bom Mỹ phá hoại xóm làng. Chính sách gia đình trị cũng như kỳ thị tôn giáo của Tổng thống Diệm chưa thành hình.
Kennedy không quan tâm kết hợp các thành quả xây dựng của VNCH trong công cuộc đấu tranh toàn diện, kể cả bằng quân sự để tiêu diệt cộng sản còn trong thời kỳ phôi thai, mà chỉ gởi các cố vần quân sự là không đủ mạnh. Trở ngại chính một phần là do phản ứng đầy tự ái dân tộc của Tổng thống Diệm, một phần do thiếu kiên quyết của Kennedy gây áp lực. Tổng thống Diệm thực thi Quốc sách Ấp Chiến lược có nhiều sai lầm, gây bất mãn cho nông dân và MTGPMN bắt đầu có cơ hội phát triển cơ sở.
Hai là Johnson quyết định leo thang chiến tranh nhưng ông lại áp dụng trong phạm vi giới hạn. Dị biệt quan điểm giữa các cố vấn dân sự và quân sự về sách lược đấu tranh làm cho Johnson thiếu kiên quyết. Ông chủ trương không gài mìn hải cảng Hải Phòng sợ làm chìm tầu Nga, luôn lo sợ là Hoa Kỳ có thể bị Trung Quốc và Nga trả đủa; sai lầm nhất của ông là không theo đánh đuổi CSBV qua bên kia biên giới của Campuchia và Lào, vì sẽ mở rộng cuộc chiến. Các biện pháp này Nixon thấy là đúng đắn và thực hiện về sau.
Giới chức quân sự tin là nếu Johnson oanh tạc các trục tiếp vận và phong toả các hải cảng miền Bắc mạnh hơn và tiến hành Việt Nam Hoá chiến tranh ở miền Nam vào cuối 1966, đó là cơ hội thích hợp nhất để thắng CSBV. Ngược lại, Johnson–McNamara cho là chiến thắng quân sự không là một giải pháp tối ưu như quan niệm cổ điển, mà nghĩ là xây dựng dân chủ miền Nam và không phá hủy miền Bắc là chính. Mục đích oanh tạc và đánh phá các căn cứ hậu cần để giảm mức độ xâm nhập của CSBV.
Năm 1967, mặc dù thực hiện chiến dịch Rolling Thunder và tăng quân lên 425.000 nhưng CSBV không chịu đàm phán, nên không có triển vọng kết thúc chiến tranh.
Sự hiện diện binh sĩ Hoa Kỳ tại miền Nam và các đợt không kích tại miền Bắc giúp cho CSBV có lập luận mạnh hơn để thu phục nhân tâm tại nông thôn cũng như các trí thức cánh tả phương Tây về việc Hoa Kỳ xâm lăng Việt Nam, làm cho đấu tranh ngoại vận của Hoa Kỳ và VNCH thêm khó khăn.
Ba là thành quả cuộc không kích Linebacker II của Nixon, đến nay vẫn còn là một bí ẩn. Tại sao Nixon không kéo dài oanh tạc trước sự nguy cơ sụp đổ của CSBV? Chiến thắng gần kề mà Nixon lại tạo cho CSBV cơ hội đàm phán và mua thời gian là sai lầm. Có quá nhiều cách giải thích về chuyện ngưng không tập này.
Dư luận thế giới kết án Hoa Kỳ nặng nề về mặt đạo đức và kêu gọi ngưng oanh tạc. Đó không phải là lý do chính mà Hoa Kỳ không tiếp tục không kích, mà là vì đã đạt được các mục tiêu. Oanh tạc và phong tỏa hải cảng thành công làm cho các lực lưọng phòng không CSBV phải thôi hoạt động.
Một lập luận khác cho rằng CSBV thắng lớn; làm Không quân Hoa Kỳ thiệt hại nặng nề, nên không thể tiếp tục. Thực ra, chỉ có 15 chiếc B-52 và 12 phi cơ chiến đấu bị bắn hạ. Một lập luận khó thuyết phục.
Một nguồn tin khác cho là CSBV đầu hàng sau cuộc oanh tạc này. Ten Gunderson, một nhân viên FBI tiết lộ tin này và xác quyết là CIA nhẹm tin và đổi các nhân viên phụ trách sang các nhiệm sở khác. Theo ông, lý do của CIA là Hoa Kỳ đang trong tiến trình thương thuyết với Bắc Kinh, kết quả ngoại giao với Bắc Kinh quan trong hơn là chiến thắng quân sự với Hà Nội. Nguồn tin này khó kiểm chứng và vẫn còn nghi ngờ.
Dù theo lối giải thích nào thì Nixon cũng tỏ ra kiên quyết chống Cộng và có nỗ lực cuối cùng tạo chiến thắng cho Hoa Kỳ và VNCH.
Ba lập luận này khó thuyết phục vì mang giá trị cảnh báo hoặc giải thích một sự kiện đã rồi. Tại sao Kennedy không tiến hành chiến dịch Bình định Nông thôn và hành quân bộ binh ngay lừ lúc đầu mà Johnson đã phải làm về sau? Tại sao Johnson không tấn công sang Campuchia và Lào như Nixon? Tại sao Johnson và Nixon luôn lo sợ Trung Quốc và Nga Xô trực tiếp can thiệp? Một kịch bản đã không xảy ra. Tìm các bằng chứng cho các lập luận này là bất khả.
Vấn đề có thể sáng tỏ hơn nếu tìm hiểu tại sao dân tộc Việt Nam và VNCH thua và CSBV thắng.
Tại sao VNCH thua?
Việt Nam Hoá chiến tranh đòi hỏi điều kiện đầu tiên là miền Nam phải có một chính quyền ổn định mọi mặt, nhưng tất cả còn đang trong thời xây dựng ban đầu. Chính trị Việt Nam bất ổn liên tục và tình trạng tiến thoái lưỡng nan của chương trình Việt Nam Hoá là hai nghịch lý song hành: VNCH sẽ còn nắm quyền cho đến khi nào còn được Hoa Kỳ ủng hộ, nhưng khi VNCH còn tiếp tục nắm quyền thì chương trình Việt Nam Hoá sẽ thất bại.
Ngoài vấn đề an ninh, những vấn đề cấu trúc cơ bản của xã hội miền Nam vẫn chưa giải quyết, đặc biệt nhất là khía cạnh chính danh cho chế độ. Tổng thống Thiệu thắng cử độc diễn năm 1971 với 90% số phiếu ủng hộ nên không tạo uy tín lãnh đạo. Bộ máy hành chánh, cơ cấu quân đội và hệ thống kinh tế chưa tạo ra được một ý thức về quyền lợi quốc gia đủ mạnh. Tinh thần của đa số dân chúng quá mệt mỏi vì chiến tranh và không quan tâm đến chính sự. Nhưng trầm trọng nhất là vấn đề tham nhũng, đa số mong biến thành quyền lợi cá nhân và gia đình khi đóng góp cho chế độ. Khi Việt Nam Hoá chiến tranh cũng có nghĩa là dân thành phố không còn tiếp tục làm giàu qua cơ chế viện trợ Mỹ; tinh thần ủng hộ cho chính quyền cũng suy giảm theo.
Khả năng và bản lĩnh của chính giới miền Nam là khía cạnh quan trọng nhất. Đa số là được Pháp đào tạo qua hai lĩnh vực quân đội hay hành chánh, nay họ tiếp tục hành sự trong tinh thần lệ thuộc viện trợ Mỹ, nên không thể suy nghĩ độc lập và đủ bản lĩnh tìm một lối đi tương kế tựu kế cho đất nước trong gọng kiềm của lịch sử. Thiểu số liêm chính, có khả năng, tinh thần quốc gia và kiên cường thì không được chế độ trọng dụng, nhất là có cơ hội hợp tác với Mỹ. Cùng một hoàn cảnh đất nước bị chia cắt mà các chính khách của Tây Đức và Nam Hàn đem lại một số thí dụ khác biệt. Tinh thần chiến đấu của QLVNCH sẽ ra sao khi được tiếp tục quân viện đầy đủ, hoặc không bị lãnh đạo bỏ chạy, vấn đề đến nay còn gây nhiều tranh cải. Nhưng tấm gương bất khuất và hào hùng của các tướng lãnh và chiến sĩ luôn được hậu thế tri ân nhân ngày 30 tháng 4.
Tại sao CSBV thắng?
Bất ổn nội tình và truyền thông hỗn loạn của Hoa Kỳ là các lý giải chính.
CSBV thua nặng trong chiến cuộc Mậu Thân nhưng truyền thông Hoa Kỳ lầm lạc khi đề cao khả năng chiến đấu. Qua màn ảnh truyền hình người dân nghĩ rằng nguy cơ cho miền Nam đã đến khi Cộng quân vào tận đến Toà Đại sứ Hoa Kỳ và các thành phố lớn. Phạm vi hành động của Nixon càng thu hẹp khi phải đề ra kế hoạch tuần tự rút quân để thu phục cảm tình của giới phản chiến. Thắng lợi trong việc cảị thiện bang giao Nga–Hoa làm cho các lo sợ của Hoa Kỳ phải trực tiếp đối đầu không còn. Áp lực quốc tế giảm đã đem lại một suy nghĩ mới: Thuyết Domino không còn có giá trị thuyết phục cho Hoa Kỳ phải tiếp tục kết ước tại Việt Nam và Đông Nam Á. Cuối cùng, hậu quả của Watergate là một bất hạnh cho định mệnh chính trị của Nixon, nhưng là một đại bất hạnh cho sinh mệnh toàn dân miền Nam.
Sách lược đấu tranh và nội tình của CSBV cũng mang lại các lý giải khác.
Ý chí xâm chiếm miền Nam là động cơ duy nhất. So với các nước cùng cảnh ngộ như Đông Đức và Bắc Hàn, hai nước này không tiến hành đấu tranh giải phóng Tây Đức và Nam Hàn đang bị Hoa Kỳ kiềm kẹp.
Đối với dư luận quốc tế, CSBV đánh Đế quốc Mỹ cho đến xương máu của người Việt Nam cuối cùng thay cho Trung Quốc và Liên Xô, đó là một lý tưởng cao cả mà đến nay mà họ còn hãnh diện. Chính sách đu dây ngoại giao của CSBV trong tình huống xung đột Nga–Hoa là một thành công đặc biệt; không có nguồn lực này, chiến thắng của CSBV là chuyện không tưởng. Điểm đặc biệt là dù lệ thuộc nặng nề về viện trợ vũ khí của khối cộng sản nhưng CSBV lại hoàn toàn hành sử độc lập trong mọi lĩnh vực hoạt động tác chiến, không như VNCH bị lệ thuộc vào mọi sự chỉ đạo cụ thể của Hoa Kỳ.
Đối với đồng bào, CSVN dùng chiêu bài giải phóng dân tộc qua lý tưởng đấu tranh cách mạng, chống bạo quyền miền Nam và giặc Mỹ xâm lăng. Họ không có các lập luận kinh điển nhằm bảo vệ công nhân bị bóc lột trong một xã hội công nghiệp, mà sách động quần chúng kết hợp đấu tranh chính trị và quân sự như là một chiến lược chung, đôi khi qua các liên hệ với thân nhân, đó cũng là một cách ràng buộc để làm cho người dân đi theo cộng sản. Kết hợp uyển chuyển này làm cho CSBV thành công trong mặt trận tình báo và nội tuyến.
Đối với đảng viên, nghệ thuật lãnh đạo của đảng là đồng hoá vận mệnh của ĐCSVN, dân tộc, cá nhân, gia đình, tập thể và xã hội, tất cả hoà nhập trong một lý tưởng đấu tranh chung; nên tất cả phải tuân phục kỷ luật và có tinh thần hy sinh; mà cao cả nhất là được hy sinh cho đảng và tổ quốc, vì đó là hạnh phúc của con người. Kết quả của sự tuyên truyền này là 1 triệu thanh niên miền Bắc nằm xuống, 300.000 mất tích và 600.000 bị thương và thế hệ thanh niên miền Bắc cho chiến dịch 1975 là thế hệ cuối cùng.
Cơ chế lãnh đạo của ĐCSVN chặt chẽ nên tạo ra một hình ảnh chung là đoàn kết, nghiêm mật và kiên cường. Hồ Chí Minh được thần thánh hoá là hình ảnh cao đẹp của vị cha già dân tộc; sách vở phương Tây cũng phụ họa theo lập luận này khi so chiếu với Bảo Đại và Ngô Đình Diệm. Ngày nay, vô số tư liệu cho thấy nội bộ của ĐCSVN thanh toán nhau đẩm máu để tranh giành quyền lực, nên chuyện hèn với giặc và ác với dân không còn gây ngạc nhiên. Thần tượng sụp đổ khi đời tư và công của Hồ Chí Minh được nhiều báo chí phơi bày. Bác Hồ nào đã chết trong quên lãng vào năm 1932 và còn Bác Hồ nào còn được tiếp tục sùng bái trong lăng Ba Đình, các sử gia thiếu can đảm làm sang tỏ.
Tại sao dân tộc Việt Nam thua?
Toàn dân phải trả một cái giá quá đắc cho chiến thắng của ĐCSVN là vì có khoảng hơn 1,5 triệu cho đến 2 triệu người chết và 300.000 người mất tích.
Người dân Miền Bắc thua mà không biết, vì lý tưởng cao đẹp bị lừa dối. Đau xót nhất là những người nằm xuống vì họ không còn có cơ hội biết được sự thật về ý nghĩa của cuộc chiến tranh giải phóng.
Người dân miền Nam biết mà vẫn thua, vì không tránh khỏi các biện pháp tiến nhanh, tiến mạnh lên XHCN; nông dân thua vì bị tập thể hoá nông nghiệp; doanh nhân thua vì bị cải tạo tư sản; dân thành phố thua vì phải đi xây khu kinh tế mới; trí thức thua vì chiến dịch bài trừ văn hoá Mỹ Ngụy; thảm kịch học tập cải tạo và thuyền nhân là hai thí dụ bi thương của bên thua cuộc.
Binh sĩ thua vì là nạn nhân của một chính sách sai lầm và còn chịu thêm hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và Trung Việt; người nằm xuống không được tưởng niệm và người còn sống không được ghi công.
Thế hệ hậu chiến thua vì không có kiến thức về lịch sử đấu tranh của dân tộc, sách về chiến tranh chống Mỹ bị bóp méo và chiến tranh Trung–Việt ghi lại có 11 dòng để truyền lại cho hậu thế. Đa số không được học tập các giá trị dân chủ căn bản nên vô cảm trước các chính sự trong nước và chính biến ngoài nước.
Cuối cùng, những người thành tâm hoà giải quốc gia và hoà hợp dân tộc cũng thua, vì không có chổ đứng trong lòng dân tộc.
Dân tộc Việt còn thua đến bao giờ và làm gì?
Không ai biết rõ còn bao lâu nữa và phải làm gì cụ thể để thay đổi. Có còn chăng là sự tỉnh thức trong chúng ta. Đó là một khả năng tự soi sáng và tự quyết định về vận mệnh của đất nước mà toàn dân Đông Âu là một thí dụ. Tỉnh thức thân phận là vấn đề kiến thức; xác định ý muốn để thay đổi là vấn đề quyết tâm. Nếu còn sống trong vô cảm, mang tâm trạng nô lệ tự nguyện hay còn đảng còn mình và chờ đợi hạnh phúc giả tạo do đảng, Trung Quốc, Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế ban phát, thì người dân sẽ còn tiếp tục thua trong đau khổ. Không ai có phép lạ để chuyển hoá đất nước thay cho chúng ta. Vấn đề là sự chọn lựa.
Chúng ta cùng giúp nhau tỉnh thức trong tình tự dân tộc là một hy vọng khởi đầu: Đất nước đang nguy cơ hơn bao giờ hết, sức mạnh của toàn dân sẽ đem lại giải pháp và quyền dân tộc tự quyết là phương tiện. May ra một phép lạ nào đó cho đất nước sẽ đến sau.
_______
* Dr. Đỗ Kim Thêm: Non Governmental Advisor of International Competition Network (ICN), Research Associate at United Nations Conference on Trade and Development (UNCTAD). Bài viết là ý kiến cá nhân và không phải là quan điểm của ICN và UNCTAD.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét