25-11-2014
Nhân ngày lễ “Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ” 11/11 tôi đi thăm một vài lớp học mẫu giáo (Kindergarten) ở vùng Bắc Virginia (Northern Virginia).
Hệ thống trường công lập ở đây (Public School system) được coi là tốt hơn nhiều nơi khác. Học sinh trường công được học miễn phí. Tuy nhiên một số trường tư thường có phẩm chất cao và kỷ luật hơn nếu so sánh với trường công ở những khu vực nghèo và có nhiều tội ác.
Phong cách và lối tư duy của người Mỹ có lẽ không giống bất cứ một dân tộc nào trên thế giới. Muốn tìm hiểu những đặc thù của công dân Hoa Kỳ chúng ta phải quan sát nền giáo dục của xứ Hiệp Chủng Quốc. Sinh hoạt của xã hội Hoa Kỳ có thể nói được thực hành từ những lớp mẫu giáo (Kindergarten).
Trong 3 tiếng đồng hồ ngắn ngủi tôi chụp được một số hình ảnh và trò chuyện với vài giáo viên và một số học sinh và chứng kiến tận mắt công việc giáo huấn đào tạo những công dân tương lai Hoa Kỳ. 3 tiếng đồng hồ chỉ ghi nhận một vài góc độ của một tiến trình. Chắc chắn còn thiếu sót nhiều và không tránh được sự chủ quan.
Mỗi buổi sáng xe bus đến đón các em ở các ngã tư đường, khi xe chớp đèn đỏ báo hiệu thì tất cả xe cộ bắt buộc phải ngừng lại cả 2 chiều, nhiều khi cả đoàn dài. Các phụ huynh ôm từ giã con mình rồi đứng đợi xe lăn bánh và đưa tay vẫy chào.
Hình ảnh che chở bảo vệ thương mến này hoàn toàn trái ngược khi đứa trẻ lên 5 hay 6 đã biết tập sự ngồi bán nước giải khát bên vệ đường để hiểu giá trị của đồng tiền và biết tự dành giụm từng đồng cắt cho các nhu cầu mua sắm đồ chơi cho chính mình. Ở tuổi 14, 15 nhiều gia đình khá giả khuyến khích con đi làm làm bồi bàn, cắt cỏ v.v. khi rảnh rỗi để tự kiếm thêm tiền cho việc tiêu xài của chúng hơn là ăn bám phung phí tiền bạc của cha mẹ. Đến 18 tuổi thì đa số dọn ra ở riêng như con chim đã đủ lông cánh phải rời tổ ấm.
Trong lớp mẫu giáo đúng 9 giờ sáng mỗi ngày, giáo viên hướng dẩn các em đứng nghiêm bàn tay đặt lên trái tim hướng về lá quốc kỳ nhỏ và cùng đọc lời tuyên thệ trung thành mà tôi tạm dịch như sau: “Tôi xin hứa trung thành với lá cờ của tôi và nền cộng hòa, đó là tư thế của một quốc gia không bị chia cắt, với tự do và công bằng cho tất cả mọi người (I pledge allegiance to my Flag and to the Republic, for which it stands, one nation, indivisible, with liberty and justice for all). Xin xem hình.
Thật lý thú vì tôi không tìm thấy được một tấm hình của Tổng Thống Mỹ đương nhiệm trong ngôi trường công lập đồ xộ này. Dĩ nhiên hình ảnh của vị cha già dân tộc là ông Washington cũng không có chổ đứng nơi chốn giáo dục dành cho các mầm non của Mỹ quốc này. Trẻ thơ Mỹ không được tiêm vào đầu vi trùng của căn bệnh tôn thờ lãnh tụ.
Ngoài ra mỗi năm khi lên lớp các em được nhà trường sắp đặt trộn lẫn lộn với các em ở lớp khác. Vì thế học trò phải làm quen với bạn mới và tránh được thói quen đàn đúm phe đảng vây cánh.
Một hình ảnh khác đập vào mắt tôi là các điều luật được trình bày qua hình thức của những bàn tay gọi là “helping hands mà tôi ngây ngô dịch “những bàn tay giúp đỡ”. Có lẽ để làm giảm đi sự khô khan khắt khe của luật lệ nhưng vẫn chuyển đạt được nội dung. Các điều luật như sau:
• Luôn chia xẻ với những người khác (always share with others).
• Lắng nghe một cách im lặng (listen quietly).
• Lượm rác (clean up trash).
• Dùng ngôn ngữ nhân ái (use kind words).
• Đừng làm thú vật đau đớn (don’t hurt animals).
• Dơ tay, khi muốn phát biểu hay đặt câu hỏi (Raise your hand).
• Tái chế, dùng lại vật liệu đã dùng (recycle).
• Lắng nghe thầy giáo (listen to teachers).
• Đừng chạy vào một đám cháy (don’t run into a fire).
• Không dùng ngôn ngữ khiếm nhã như mông đít “chim” “bướm” v.v. (Don’t use potty words).
• Làm bạn với những người khác (be friends with others).
• Không lớn tiếng nạt nộ bạn bè (don’t yell at friends).
• Nhân ái với tất cả mọi người (be kind to everyone).
• Xếp hàng (line up).
• Giữ bàn tay của mình cho riêng mình (keep your hands to yourself) (*).
(*) Câu này tôi không hiểu nên khi hỏi một em 4 tuổi thì được trả lời vanh vách rằng không nên dùng tay đụng tới người khác vì có thể bị vi khuẩn truyền sang. Thật nể cho số tuổi đó mà đã thấu triệt những vấn đề vệ sinh căn bản.
Cách tổ chức của trường khá qui mô. Ngoài ban giáo viên nồng cốt, nhà trường còn có chuyên viên đặc trách về ngôn ngữ (speech language pathologist), các giáo viên phụ trách về toán, hội họa, âm nhạc, thư viện, giáo dục đặc biệt dành cho các em chậm hiểu (special education), chuyên viên tâm lý về hành vi bất thường, huấn luyện viên thể thao, y tá, liệu pháp vật lý dành cho các em bị thương tích (physical therapy), nhân viên nhà bếp phụ trách thức ăn nóng, v.v.
Giáo viên dạy ở trường công lập đòi hỏi có bằng cử nhân 4 năm và đã thi đậu bằng hành nghề (teaching certification tests). Sau khi đi dạy, giáo viên bắt buộc phải tiếp tục tu nghiệp để lấy bằng thạc sĩ (master degree).
Phương tiện và cách tổ chức dồi dào qui mô như vậy, tuy nhiên không ít trẻ em ở Hoa Kỳ khi lớn lên vẫn trở nên hư đốn ăn nói thô tục và phạm tội ác vì phần lớn bị ảnh hưởng từ phim ảnh và giáo dục gia đình. Sống và lớn lên trong những khu vực nghèo nàn dân trí thấp cũng làm ảnh hưởng nhiều tới tính nết và sự phát triển của các em.
Phải công bằng nhìn nhận đất nước này không phải là một thiên đường, vì nước Mỹ cũng có những người tham ô quên lời thề và đã phản bội làm gián điệp cho đối phương. Họ là những cây hoang dã biết ăn thịt người.
Lau Bông, FB
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét