19-9-2014
Hầu hết các báo lớn báo nhỏ ở VN đều nêu lên tiêu đề rất đáng kinh ngạc:
"Trên 80% số người dân được điều tra đều cho rằng họ hài lòng và… rất hài
lòng đối với các dịch vụ công hiện nay".
Đây là số liệu dựa theo kết quả quá của Bộ Nội vụ phối hợp vớiNgân hàng Thế giới
(WB) đưa ra tại cuộc khảo sát thử nghiệm mức độ hài lòng đối với dịch vụ hành
chính công tại 3 tỉnh Phú Thọ, Thanh Hóa và Bình Định được công bố ngày 20
tháng 8 năm 2014 vừa qua.
Những con số này thật sự đáng kinh ngạc và đã làm rộ lên một làn sóng phản bác
mạnh mẽ trên khắp các diễn đàn. Người dân VN ai mà chẳng biết những dịch vụ
công đó như thế nào. Thậm chí câu nói “hành dân là chính” đã thành câu nói cửa
miệng của dân. Thế mà dám công bố một sự thật trái ngược hoàn toàn với thực trạng
hiện nay. Con số trên 80% người dân hài lòng là một nền dịch vụ công lý tưởng của
một nền hành chính mơ ước của toàn thế giới. Không biết các ông ở Bộ Nội Vụ VN
có quá coi thường sự hiểu biết của người dân không? Một nửa con số 80% hài lòng
đã là quá đáng rồi chứ nói gì đến trên 80%.
Những con số còn “đẹp” hơn nữa
Trong khi đó ở Việt Nam, theo UBND tỉnh Phú Thọ, với 1.570 phiếu khảo sát, tỉ lệ
người trả lời phỏng vấn thể hiện sự hài lòng đối với các loại dịch vụ hành
chính công lên đến… 86%.
Cụ thể, trong nhóm người sử dụng dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
cho gia đình, cá nhân được đánh giá mức độ hài lòng cao nhất với trên 89%.
Trong khi con số khiếu nại, kiện tụng về đất đai cả nước bao giờ cũng chiếm
hàng đầu trong tất cả các vụ kiện tụng, có thể lên đến 80% hồ sơ của các tòa
án.
Thứ hai là sự hài lòng khi xin giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đạt 79%, cấp
giấy phép xây dựng công trình, nhà ở của gia đình đạt 88%. Trong khi có hàng loạt
những vụ khiếu nại vì thủ tục hành chính quá rắc rối rườm rà. Tuy nhiên nó lại
đúng khi có phong bì lót tay. Bạn hãy đọc lời giải thích của một người dân:
Bạn taquangsua81@.....com viết:
“Các bác ah, Tôi đi làm sổ đỏ tôi khoán cho anh địa chính xã làm, tôi làm giấy
phép đăng ký kinh doanh tôi khoán cho anh làm chuyên viên ở sở kế hoạch đầu
tư... nói chung tôi sử dụng dịch vụ công theo kiểu ấy nên dịch vụ tốt lắm rất
hài lòng về tính nhanh gọn, thuận tiện phục vụ tại nhà tôi luôn. Chắc chắn họ
đã khảo sát dịch vu này đấy các bác à!”.
Cái này thì người dân ai cũng biết, muốn nhanh thì chỉ việc “Chi” là đâu vào đấy
ngay. Chỉ số hài lòng đến 99,9%, phải không các cụ?
Đã “vẽ” đẹp còn tô màu đẹp hơn
Tại Thanh Hóa, ông Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Xuân Dũng cho biết lĩnh vực đất
đai kết quả 83% số người dân đánh giá là hài lòng và rất hài lòng. Lĩnh vực xây
dựng 80% khá hài lòng; trong khi tỉ lệ dân không hài lòng và không ý kiến chỉ
chiếm 4%.
Trong lĩnh vực y tế, Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa đạt tỉ lệ tới 72% hài lòng và
rất hài lòng, chỉ có 23% không hài lòng và có tới 77,5% những người đã khám và
điều trị tại BV này cho biết, chắc chắn sẽ quay lại khi có nhu cầu.
Vẫn là những con số quá trắng trợn, tôi phải kính phục sự “liều mạng” của người
dám công bố những kết quả kinh khủng này, khiến người dân phải nghĩ rằng các
ông này khảo sát không phải để tìm ra ưu khuyết điểm cho nền hành chánh tiến bộ
mà muốn ôm mãi lấy những sai sót hiện tại để có quyền được ăn trên ngồi trước,
móc túi dân mãi mãi. Ông cố vẽ cho đẹp, ông cố tô màu cho bắt mắt nhưng bức
tranh ảm đạm vẫn bày ra trước mắt người dân.
Còn về Y tế, vậy là ông Y tế quên béng ngay những chuyện vừa xảy ra ở các BV
Thanh Hóa. Chỉ xin dẫn chứng vụ tai tiếng gần đây nhất,
Sa thải bác sĩ vòi tiền bệnh nhân
Tòa án huyện Nam Đàn, nơi ông Quang chánh án và ông Trường nguyên thẩm phán nhận
hối lộ bí án tù nhưng vắng mặt tại tòa vì lý do… đau ốm!
Ngày 6/4, Sở Y tế Thanh Hóa cho biết, Hội đồng kỷ luật Bệnh viện Nhi Thanh Hóa
vừa thông qua một loạt quyết định kỉ luật y bác sĩ công tác tại bệnh viện này
vì bị cho là vi phạm y đức và các quy định ngành trong khi khám, điều trị cho bệnh
nhân.
Trong đó, ông Lưu Tiến Dũng (bác sĩ khoa Ngoại chấn thương) bị buộc thôi việc
vì đã vòi tiền người nhà bệnh nhân. Theo xác minh, trước ca mổ khối u cho một bệnh
nhi, ông Dũng đã nhận của gia đình em này gần 2 triệu triệu đồng. Hành vi này
sau đó bị người dân tố cáo đến giám đốc bệnh viện.
Ngoài ra, Hội đồng kỉ luật còn thi hành kỉ luật cảnh cáo, chuyển công tác đối với
bác sĩ Dương Văn Thông (Phó khoa Ngoại tổng hợp) vì thực hiện ca mổ cho bệnh
nhân nhưng không làm hồ sơ bệnh án, thu tiền trục lợi cá nhân... Hình thức kỷ
luật này cũng được áp dụng với y tá Lê Thị Tuyết, kỹ thuật viên Lê Thị Hằng Nga
(khoa gây mê) vì đã thông đồng với nhau thực hiện một ca mổ cho một bệnh nhi là
người thân của một cán bộ công tác trong bệnh viện. Số tiền thu được nhóm này
tư túi, không nhập sổ sách.
Ông Lê Trần Tùng (Phó khoa Khám bệnh) bị khiển trách vì đã vi phạm quy chế làm
việc. Ông Tùng bị phát hiện đã nhiều lần kê đơn, hướng dẫn người nhà bệnh nhân
mua thuốc ngoài để hưởng hoa hồng chênh lệch từ các nhà thuốc...
Còn nữa, vào cuối tuần, tại Bệnh viện đa khoa Hợp Lực (Thanh Hóa) liên tục có
hàng trăm bệnh nhân tập trung phẫn nộ vì không được khám bệnh bảo hiểm y tế.
Sáng ngày 26/7, tại Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực Thanh Hóa đã diễn ra sự việc hàng
trăm người bệnh tập trung để khám tuy nhiên họ đều bị Bệnh viện từ chối với lý
do theo quy định của Bộ Y tế không được phép khám bệnh trong ngày nghỉ. Lãnh đạo
bệnh viện này cho biết tình trạng này không phải nay mới diễn ra mà gần đây thì
cuối tuần nào cũng vậy.
Thật ra tình trạng này không chỉ xảy ra ở BV nhi Thanh Hóa mà nó “âm thầm” xảy
ra ở rất nhiều BV tại VN. Người dân VN nào chẳng biết. Vậy mà khảo sát muốn làm
đẹp mắt nhân dân như thế là muốn chọc mù mắt nhân dân mà thôi.
Cho nên bạn tranh 302@gmail.com mới viết: “Chỉ có tâm thần mới tin số liệu vậy”.
99% số công chức hoàn thành nhiệm vụ
Lại thêm một công bố kinh hoàng nữa: “99% số công chức hoàn thành nhiệm vụ”. Ba
tỉnh được khảo sát là Phú Thọ, Thanh Hóa và Bình Định.
Theo báo Lao Động ngày 23/08/2014 Bộ Nội vụ VN công bố, 99% số công chức hoàn
thành nhiệm vụ. Không biết nên vui hay nên buồn trước thông tin tuyệt vời này.
Nếu thế thì nền hành chính công của nước VN quá tiến bộ, quá văn minh, phục vụ
nhân dân cực kỳ hiệu quả. Từ nay, không cần phải cử đoàn đi học tập nước ngoài
làm chi cho tốn kém. Từ nay, cũng không cần phải cử sinh viên sang các nước để
học về các ngành liên quan đến quản lý, hành chính công. Bởi vì, Việt Nam đã là
đỉnh cao rồi.
Ngược lại, nên kêu gọi các nước đến Việt Nam học tập. Mỹ, Nhật, Singapore và
nhiều nước nổi tiếng về chất lượng hành chính công, nếu lấy phiếu khảo sát đo
lường mức độ hài lòng với dịch vụ hành chính công thì còn lâu mới đạt 80% số
người dân hài lòng. Cho nên, họ phải sang Việt Nam để học là điều đương nhiên.
Trở lại với các lĩnh vực khảo sát tại 3 tỉnh trên như đất đai, xây dựng, y tế,
sẽ thấy quá tốt đẹp. Không chỉ các địa phương này giỏi đâu, nếu như mở rộng khảo
sát ra các tỉnh khác, kết quả cũng đẹp như mơ. Chỉ có điều, khác với con số
trên giấy, đất đai là "điểm nóng" của nhiều địa phương, thưa kiện vượt
cấp, khiếu kiện đông người cũng có nguyên nhân từ việc giải quyết quan hệ về đất
đailòng vòng ở cấp dưới. Xây dựng cũng là "điểm nóng", thủ tục rườm
rà, nhiêu khê, tình trạng gây khó cho người dân vẫn tồn tại. Còn y tế, mỗi người
cứ bước vào bệnh viện thì sẽ có câu trả lời chính xác, không cần đọc báo để xem
kết quả các cuộc khảo sát trong mơ.
Khảo sát tại TP Sài Gòn còn “kinh” hơn nữa
Kết quả khảo sát của một số cơ quan công quyền tại TP Sài Gòn về chỉ số hài
lòng của người dân trong các dịch vụ hành chính công vừa được công bố khiến nhiều
người hoảng hồn: giao thông công chính 99%, lao động - thương binh & xã hội
100%, nông nghiệp & phát triển nông thôn 94,3%, tài nguyên - môi trường:
90%, quận Tân Bình: 99,58%...
Ngay ông Nguyễn Văn Quang - phó viện trưởng Viện Kinh tế TP - cũng không tin
vào những con số đó. Ông nói: Khi được thông tin về những tỉ lệ rất cao này,
tôi cũng rất ngỡ ngàng. Người dân cho rằng những con số về dịch vụ hành chính
công vừa được công bố là “những con số biết nói” - nó nói lên sự khảo sát giả dối,
nói lên kiểu “chạy theo thành tích” của các sở, ngành, quận huyện...
Thái độ phục vụ của cán bộ còn khó chịu hơn
Đấy là chưa nói đế thái độ của mấy ông bà cán hách dịch, mắng chửi dân như ở
Bình Phước. Tôi chỉ tóm tắt bà Thoa khiếu nại việc Chi cục Thi hành án dân dự
THADS thị xã Đồng Xoài tổ chức bán đấu giá tài sản của vợ chồng bà có nhiều dấu
hiệu khuất tất, không gửi thông báo theo quy định. Sáng 15-8-2014, bà đến Cục
THADS tỉnh Bình Phước theo thư mời để giải quyết “Đến nơi tôi quá bất ngờ trước
thái độ, lời nói của nữ cán bộ tiếp dân. Nữ cán bộ náy tỏ ra quá hách dịch, mắng
bà là “vô duyên” và khi hỏi tên thìcô này nói: “Cô là dân mà sao dám hỏi tôi
câu đó?”. Đó chỉ một sự việc nhỏ được người dân tố cáo, còn khối vụ khác người
dân đen đành nhịn nhục ra về, sợ ông bà cán bộ như sợ cọp. Bạn đọc Thợ xây nói:
“Chuyện tiếp dân hống hách, nạt nộ tôi thấy nhan nhản rất nhiều. Đây là phần nổi
của tảng băng chìm”. Bạn đọc này còn cho rằng người dân nếu muốn nhận được thái
độ cư xử tốt hơn từ các “quan” thì phải "biết điều” mới gặp "văn minh
lịch sự", còn không thì sẽ phải ôm cục tức như chị Thoa.
Người có trách nhiệm với dân, có lòng trung thực và liêm sỉ thì sẽ buồn thay vì
vui trước con số hài lòng và những thái độ này. Cho dù, dân có vu vơ điền vào
phiếu để cho ra tỉ lệ 80% này thì bản thân người có trách nhiệm cũng không thể
hài lòng. Không thể lấy con số xa rời thực tế để đánh lừa chính mình, trấn an
dân chúng.
Con số trên giấy dù đẹp mấy cũng không tô điểm được chân dung thật của xã hội.
Nó chỉ là cái bánh vẽ trên tờ giấy cũ to tướng, không ai còn tin nữa đâu.
Thủ đoạn khảo sát kiểu VN: Cái gì cũng mua được
"Chúng tôi hài lòng; chúng tôi rất hài lòng; chúng tôi quá hài lòng".
Đây là những câu trả lời từ người dân cần lao mà các ông làm nhiệm vụ khảo sát
đã nhận được và nhanh chóng công bố trên cácphương tiện thông tin đại chúng.
Nhưng tại sao lại có một số người dân đã trả lời như thế? Dễ hiểu thôi, đó là
khảo sát theo kiểu ở VN ngày nay, cái gì cũng có thể mua được bằng tiền và “nhất
thân nhì thế”. Hai thứ “bửu bối” đó có thể áp dụng ở mọi nơi mọi chỗ, kể cả mua
dư luận, mua lòng tin dù là lòng tin giả vờ.
Cũng theo báo Lao Động tiết lộ những người "được hỏi" xem có hài lòng
hay không, đều được "trả thù lao". Và sau đó được hỏi thêm, họ vui vẻ
thừa nhận, họ là… người thân quen của các vị công bộc. Có bao giờ mà người ta vừa
nhận tiền, vừa nói xấu "họ hàng công chức" của mình không đâu.
Hãy nghe một người trong cuộc, bạn lexuanthuy1962@....com.vn kể lại:
“Lâu nay những “tiêu chuẩn” để Lãnh đạo đơn vị đánh giá năng lực của cán bộ của
mình thì đó là ...phải biết báo cáo , phải biết ghi biên bản hội nghị cho
có...thành tích, cho đúng ý lãnh đạo. Bản thân tôi cũng được mời ít lần đi dự hội
nghị tiếp xúc cử tri và nghe các vị đại biểu đọc báo cáo với những chỉ tiêu
"rất đẹp", và khi tôi hỏi lại thì không vị nào tin vào con số vừa báo
cáo, và những con số của năm này là được “tân trang” số liệu của các năm trước
mà thôi. Đất nước Liên Xô sụp đổ là hậu quả của những báo cáo như thế”.
Còn về pháp luật có những chuyện khôi hài đúng nghĩa mà trong kỳ họp Quốc hội
VN đã phải nêu ra.
Quan chức các cấp bỗng dưng bị tâm thần
Thảo luận về báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2014 tại phiên
họp sáng 15-9 vừa qua, các thành viên trong Ủy ban Tư pháp bày tỏ sự băn khoăn,
thắc mắc trước tình trạng nhiều đối tượng khi ở nhà sinh hoạt vẫn bình thường
nhưng khi bị kết tội tham nhũng đi giám định lại “dính” tâm thần, khiến người
dân phì cười không biết tâm thần thật hay là giả?
Báo cáo về công tác PCTN trong năm 2014, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức
Lượng cho hay từ đầu năm đến nay đã phát hiện 54 vụ, 87 đối tượng có hành vi
liên quan đến tham nhũng với số tiền 68,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, Chính phủ đánh
giá tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp, ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối
tượng tham nhũng thường có chức vụ, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng,
liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích. Tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh, phiền
hà ở “một bộ phận” công chức, viên chức nhà nước vẫn diễn ra gây bất bình đối với
người dân và doanh nghiệp.
Bình luận về báo cáo của Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình
Quyền cho rằng các vụ án được phát hiện vẫn chủ yếu là cấp thôn, cấp xã, tham
nhũng vặt, còn các vụ án lớn phát hiện rất ít.
Điều đặc biệt ông Đỗ Văn Đương Ủy ban Tư pháp quan tâm, thắc mắc mà trong báo
cáo không đề cập là có trường hợp các đối tượng sau khi bị phát hiện tham nhũng
thì “bỗng dưng” lại mắc bệnh tâm thần, sau đó được miễn trách nhiệm hình sự?
Ông Đương cho biết: “Người ta nói những “ông” tham nhũng lớn bị tâm thần nhiều
lắm. Dư luận đặt vấn đề là có đúng ông bị tâm thần không. Người ta bảo khi giám
định là tâm thần nhưng giải quyết việc gia đình, nói chuyện với vợ con, bàn
chuyện với bạn bè lại rất bình thường. Vậy ngành y tế nghĩ gì về công tác giám
định?”. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nêu câu hỏi thế và phản ánh có
một số vụ án lớn ở các địa phương kéo dài, chưa xử lý được vì có “ông” đang nằm
trong bệnh viện tâm thần. Chẳng biết các quan này còn “tâm thần” đến bao giờ.
Nhiều quan khi bị gọi ra tòa bèn cáo ốm đau nằm bệnh viện dài dài, nhờ báo chí
chụp hình đưa lên làm “bằng cớ” nên được hoãn ra tòa và hoãn dài dài.
Cụ thể như Ngày 14-8, Tòa án tỉnh Nghệ An đưa vụ án nhận hối lộ của Phan Văn
Quang (nguyên chánh án Tòa án nhân dân huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) ra xét xử.
Với lý do bị ốm, nguyên chánh án và thẩm phán TAND huyện Nam Đàn (Nghệ An) nhận
tiền chạy án đã cùng vắng mặt tại phiên tòa mà HĐXX tuyên án nguyên chánh án 6
năm tù, nguyên thẩm phán 2 năm tù.
Chắc phải đợi đến khi mấy ông “tâm thần” và đau ốm “nặng” này nhắm mắt xuôi
tay, vụ án đành khép lại. Thề là lại huề cả làng.
Khối tài sản khổng lồ tham nhũng đi đâu, về đâu?
Cũng tại kỳ họp lần này, đề cập đến kết quả chỉ thu hồi được 10% tài sản tham
nhũng, ông Đương đặt vấn đề phải chăng tỉ lệ 90% còn lại là kiến nghị không
đúng, kiến nghị để đấy và không bị thu hồi? Theo ông Đương, đây là tài sản của
Nhà nước và nhân dân nên các cơ quan ban ngành phải tìm ra được, tại sao lại chỉ
thu hồi được ít như thế và các giải pháp để thu hồi tài sản, đặc biệt thông qua
đề nghị của thanh tra, kiểm toán.
Giải trình về vấn đề trên, ông Lượng cho rằng do khái niệm tham nhũng ở Việt
Nam khác với các nước. Ở các nước, khái niệm này rộng hơn, tham nhũng liên quan
đến chức vụ, kinh tế đều là tham nhũng nhưng ở ta thì tách ra. Mặt khác, việc
quản lý tài sản, thu nhập trong toàn xã hội nói chung, người có chức vụ, quyền
hạn nói riêng còn nhiều khó khăn. Có trường hợp tẩu tán hết cả rồi. Trong khi
đó phạm vi kê khai tài sản chỉ ở vợ chồng và con thành niên thôi, kiểm soát
chưa tốt, chưa hiệu quả nên chưa làm nghiêm được.
Ông Trần Đăng Yến, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm
(Bộ Công an), cho rằng lý do thu hồi được thấp là do khi phát hiện ra thì tội
phạm đã hoàn thành, công trình đã quyết toán; tài sản tham nhũng đã chia chác,
đã chuyển ra nước ngoài hoặc đã được mua cái khác… Tuy nhiên, theo ông Yến, việc
phát hiện chậm do cơ chế, biện pháp. Bởi bình thường họ là cán bộ, đảng viên,
là người đáng tin cậy nên cơ quan điều tra không thể tổ chức đi xác minh và
trinh sát.
Ông Nguyễn Hải Phong - Phó Viện trưởng VKSND Tối cao cho rằng để việc thu hồi
tài sản đạt tỉ lệ cao thì tới đây cần tích cực kê biên, thu hồi, cũng như tăng
cường biện pháp phong tỏa tài sản, tài khoản…
Quan tham khôn như cáo
Chẳng biết biện pháp mới của Viện Kiểm Sát Tối Cao có mang lại kết quả khả quan
không khi mà các quan tham nhũng thời nay khôn như cáo. Cứ tẩu tán tài sản trước
cho chắc ăn, thí dụ đưa con qua Mỹ học rồi cưới vợ đẻ con, mua nhà mua đất, lập
công ty hay hùn vốn với các tập đoàn ở Mỹ, lúc đó chạy qua Mỹ đòi ông Obama
sao?
Các ông có thống kê được bao nhiêu quan chức hiện có con cái ở nước ngoài và
tài sản của họ là bao nhiêu không? Thử bắt họ kê khai tài sản xem sao rồi công
bố cho nhân dân cả nước biết. Và cần phải khuyến khích người dân mạnh dạn tố
cáo những gian lận trong kê khai tài sản đó. May ra mới thu hồi và ngăn chặn được
một phần nhỏ tài sản tham nhũng mà thôi.
Phố Núi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét