Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




CÔNG LÝ NÀO CHO CÁC CÔNG DÂN BÙI THỊ MINH HẰNG, NGUYỄN VĂN MINH VÀ NGUYỄN THỊ THÚY QUỲNH ?

Minh Tâm
23-8-2014
trích từ "Công dân Bùi Thị Minh Hằng không phạm tội hình sự"


Bản kết luận điều tra số 14/KLĐT-PC44 của Công an tỉnh Đồng Tháp, đề ngày ký 02-07-2014 đã cho rằng ba công dân Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Thị Thúy Quỳnh “cùng can tội gây rối trật tự công cộng”.

Tuy nhiên đọc nội dung của bản kết luận này, cho thấy khả năng không chỉ các điều tra viên, mà ngay cả đại tá Lê Văn Bé Sáu, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Tháp đã có những nhầm lẫn cách hiểu về chứng cứ, vật chứng trong việc xác định hành vi phạm tội hình sự ở Điều 245 của Bộ Luật Hình sự.

Công an đã vu khống?

Theo mô tả của kết luận điều tra, khoảng 10 giờ ngày 11-02-2014, tổ tuần tra kiểm soát giao thông khi đi đến khu vực cầu Nông Trại trên huyện lộ DH67B thuộc ấp An Quới, xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò thì phát hiện phía trước, ngược chiều có một nhóm người đi trên 11 xe mô tô từ hướng ngã ba ra tỉnh lộ 849.

Các xe mang biển số 67TA-0361 và 67L1-38193, trong đó có hai người đàn ông tên là Nguyễn Vũ Tâm và Võ Văn Bửu điều khiển xe chạy đi đầu có hành vi chạy dàn hàng ngang từ ba xe trở lên (còn người chạy xe bên trong lề đường không rõ họ tên, không vi phạm luật giao thông) gây cản trở giao thông nên đồng chí Nguyễn Đức Nhã ra hiệu lệnh dừng xe theo quy trình để kiểm tra giấy tờ đối với hai xe vi phạm nói trên. Thấy cảnh sát giao thông ra hiệu lệnh dừng xe của Tâm và Bửu để kiểm tra thì nhóm người đi chung với Tâm và Bửu dừng xe lại gồm những người sau:…” (dừng trích).

Kết luận điều tra cho biết do việc dừng xe này gây cản trở giao thông nên công an yêu cầu “các xe này nép sát vào lề đường”. “Trong lúc này Nguyễn Văn Minh người phía sau xe mô tô do vợ là Bùi Thị Diễm Thúy điều khiển, nhảy xuống dùng tay phải đánh trúng vào tay phải của đồng chí Danh một cái” (dừng trích). Không chấp hành, nhóm người đi chung đã chửi và la lớn tiếng.

“Lúc này, người dân tại địa phương thấy bất bình trước thái độ hung hãn, xem thường pháp luật của các đối tượng trên nên ra xem thì bị can Bùi Thị Minh Hằng và Nguyễn Thị Thúy Quỳnh tiếp tục có những lời lẽ chửi bới tổ tuần tra như: “Công an là đồ ăn cướp”, “Công an chặn đường cướp tài sản”, “Đả đảo Cộng sản”, “Đả đảo chính quyền địa phương” và chửi luôn cả người dân ở địa phương là “đồ ngu dân” (…); Lúc đó tại khu vực này có khoảng 700 người dân hiếu kỳ đến xem làm cho người đi đường không thể qua lại được, gây ùn tắc giao thông trên đường huyện lộ DH67B một đoạn đường dài khoảng 500m” (dừng trích).

Công an đã sai luật khi cáo buộc

Những nội dung như trích dẫn nói trên cho thấy khả năng về cáo buộc cho tội hình sự ở ba công dân Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Thị Thúy Quỳnh là “hành vi vu khống” từ phía cơ quan công an điều tra.

Thứ nhất, công an nhìn nhận chỉ có 02 xe máy biển số 67TA-0361 và 67L1-38193 là dấu hiệu chạy dàn hàng ngang. Theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP (Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 01-01-2014), thì không có quy định nào xử phạt với hành vi điều khiển xe gắn máy dàn hàng ngang 02 xe, mà chỉ có khi người lái xe dàn hàng ngang từ 03 xe trở lên.

Cụ thể tại Điểm b, Khoản 2, Điều 6, Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy khi thực hiện hành vi vi phạm: “Điều khiển xe chạy dàn hàng ngang từ 03 (ba) xe trở lên”. Như vậy, theo đó, đi xe gắn máy dàn hàng ngang 02 xe sẽ không bị xử phạt.

Thứ hai, theo quy định tại Điều 64 của Bộ Luật Tố tụng hình sự (BLTTHS), thì: 

1. Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự do Bộ luật này quy định mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án.

2. Chứng cứ được xác định bằng: 
a) Vật chứng; 
b) Lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; 
c) Kết luận giám định; d) Biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác”.

Theo quy định của BLTTHS thì một thông tin, tài liệu chỉ có thể được coi là chứng cứ của vụ án khi nó có đủ ba thuộc tính sau: Tính khách quan: Là những gì có thật và phản ánh trung thực những tình tiết của vụ án hình sự đã xảy ra; Tính liên quan: Có mối quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với vụ án. Nhưng cho dù là trực tiếp hay gián tiếp thì đó cũng phải là mối quan hệ nội tại, có tính nhân quả, tức là chứng cứ phải là kết quả của một loại hành vi hoặc hành động hoặc một quan hệ nhất định, ngược lại, hành vi, hành động hoặc quan hệ đó là nguyên nhân dẫn đến việc hình thành các chứng cứ này; Tính hợp pháp: Tất cả những gì có thật phải được cung cấp, thu thập, nghiên cứu, bảo quản theo một trình tự do luật định. Đây là trình tự nhằm bảo đảm giá trị chứng minh của chứng cứ.

Trong bản kết luận điều tra số 14/KLĐT-PC44 của Công an tỉnh Đồng Tháp, toàn bộ phần chứng cứ liên quan đến cáo buộc “gây rối trật tự công cộng”, chỉ gồm lời lẽ được cho là “chửi bới tổ tuần tra như: “Công an là đồ ăn cướp”, “Công an chặn đường cướp tài sản”, “Đả đảo Cộng sản”, “Đả đảo chính quyền địa phương” và chửi luôn cả người dân ở địa phương là “đồ ngu dân”.

Thứ ba, bản kết luận điều tra cho biết công an đã thu giữ tại hiện trường, gồm có: “Một tấm băng-rôn bằng vải màu vàng, chữ màu đỏ, kích thước 1,4m x 56cm có nội dung “Đả đảo công an côn đồ bắt người trái pháp luật”; Một tấm băng-rôn bằng vải màu vàng, chữ màu đỏ kích thước 1,4m x 59cm có nội dung “Yêu cầu xử lý công an côn đồ để làm gương cho dân”; Một tấm băng-rôn bằng vải màu vàng, chữ màu đỏ, kích thước 1,4m x 56cm có nội dung: “Đả đảo những tên cộng sản đập phá bàn thờ Đức Huỳnh Giáo Chủ”; Một tấm băng-rôn bằng vải màu vàng, chữ màu đỏ, kích thước 80cm x 50cm, có nội dung: “Cực lực lên án công an, C.S khủng bố xúc phạm tôn giáo”. “Thu giữ trong người của bị can Bùi Thị Minh Hằng: một điện thoại di động nhãn hiệu Iphone, Model A1332 EMC 380BFFC ID: BCG-E2380B IC: 579C-E2380B. Điện thoại đã qua sử dụng, không kiểm tra chất lượng bên trong” (trích phần II, bản kết luận điều tra).

Theo nội dung mô tả ở bản kết luận điều tra, thì các vật dụng băng-rôn này được chuẩn bị để gây rối trật tự. Tuy nhiên tình tiết được nêu trong bản kết luận điều tra lại không có dòng nào liên quan việc các công dân này thực hiện gây rối trật tự bằng những vật dụng được công an cho rằng đã được chuẩn bị trước ra sao.

Như vậy, với ít nhất 3 điểm nêu trên cho thấy cơ quan điều tra đã buộc tội các công dân về hành vi mà họ không hề làm, hoặc chưa hề làm thời điểm đó và địa điểm đó. Ngoài ra công an còn vấp phải lỗi nhận định, khi đưa ra các nội dung mâu thuẫn nhau trong một vụ việc. Phần đầu bản kết luận mô tả: “Lúc này, người dân tại địa phương thấy bất bình trước thái độ hung hãn, xem thường pháp luật của các đối tượng trên nên ra xem”. Phần kế tiếp lại là: “Lúc đó tại khu vực này có khoảng 700 người dân hiếu kỳ đến xem làm cho người đi đường không thể qua lại được”.

Giả dụ công an đã đưa ra cáo buộc có căn cứ, thì việc bắt tạm giam các bị can là có dấu hiệu vi phạm vào Điều 88 của BLTTHS.

Công an đã vi phạm tố tụng

Ba công dân Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Thị Thúy Quỳnh bị tạm giam tại trại giam của Công an tỉnh Đồng Tháp kể từ ngày 12-02-2014, với cáo buộc “can tội: “Gây rối trật tự công cộng”, được quy định tại Điều 245 Bộ Luật Hình sự”.

Trường hợp nào thì tạm giam?

Bộ Luật Tố tụng hình sự Điều 88, quy định:

1. Tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo trong những trường hợp sau đây: a) Bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; phạm tội rất nghiêm trọng; b) Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên hai năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.

2. Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới ba mươi sáu tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà nơi cư trú rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ những trường hợp sau đây: a) Bị can, bị cáo bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã; b) Bị can, bị cáo được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng tiếp tục phạm tội hoặc cố ý gây cản trở nghiêm trọng đến việc điều tra, truy tố, xét xử; c) Bị can, bị cáo phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ cho rằng nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.

Thế nào là phạm tội nghiêm trọng?

Khoản 1 Điều 245 của Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định: “Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thị bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.

Theo quy định tại điểm 5.1 mục 5 phần II của Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17-4-2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS về các tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng” và “gây cản trở giao thông nghiêm trọng” quy định tại Điều 245 BLHS, hành vi gây rối trật tự công cộng mà để hậu quả xảy ra thuộc một trong các trường hợp sau đây bị coi là “gây hậu quả nghiêm trọng” và phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 245 BLHS:

a) Cản trở, ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ; 
b) Cản trở hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân; 
c) Thiệt hại về tài sản có giá trị từ mười triệu đồng trở lên; 
d) Người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khỏe với tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên; 
e) Nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% trở lên; 
g) Người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm triệu đồng trở lên; 
h) Nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% đến 40% và còn thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm triệu đồng trở lên.

Công lý có được nhân danh?

Như vậy, giả dụ ba công dân nói trên có hành vi “gây rối trật tự công cộng”, và nội dung bản kết luận điều tra số 14/KLĐT-PC44 cho thấy ngoại trừ công dân Bùi Thị Minh Hằng có một tiền án về vi phạm chế độ một vợ một chồng, thì hai công dân còn lại không hề tiền án, tiền sự. Theo luật định, cả ba công dân sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 245 của BLHS. Cả ba công dân này sẽ chỉ  bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm trật tự công cộng.

Cũng muốn nói thêm, những băng-rôn “Đả đảo công an côn đồ bắt người trái pháp luật”; “Yêu cầu xử lý công an côn đồ để làm gương cho dân”; “Đả đảo những tên cộng sản đập phá bàn thờ Đức Huỳnh Giáo Chủ”; “Cực lực lên án công an, C.S khủng bố xúc phạm tôn giáo” được nêu trong kết luận điều tra là “vật chứng của vụ án”, song không thấy “vật chứng” này được sử dụng ra sao để “gây rối trật tự công cộng”?

Căn cứ theo hiến định về quyền con người, ở đây có thể xem các nội dung ghi trên những băng-rôn này thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 30, Hiến pháp 2013. Do vậy, theo hiến định tại Điều 107, cơ quan Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đồng Tháp phải tìm hiểu vì sao có các ý kiến bức xúc của công dân về những điều được nêu trên băng-rôn. Đây có thể sẽ được xem là căn cứ tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật mà công dân được quyền lên tiếng. Pháp luật phải bảo hộ quyền con người, quyền công dân cũng đã được hiến định tại Điều 14, Hiến pháp 2013.

Nếu vụ án nói trên được đưa ra xét xử, liệu sự thật có được trả về đúng vị trí của nó cùng việc phải trả lời bằng được nguyên cớ nào khiến người dân bức xúc phải chọn giải pháp viết tố cáo trên băng-rôn?

Ở một bài viết, luật sư Ngô Ngọc Trai chia sẻ: “Tòa án nước ngoài nhân danh công lý để xét xử. Tòa án ở Việt Nam không nhân danh công lý, thay vào đó tòa án nhân danh nhà nước hay nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Trong buổi làm việc với cán bộ tòa án nhân dân tối cao hôm 15-7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã phát biểu: Tòa án phải mang lại công lý cho mọi người!.

Công lý nào cho các công dân Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Thị Thúy Quỳnh?


Minh Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét