Tuệ Mẫn chuyển ngữ
Theo Bloomberg News
Tuần qua, Việt Nam cho biết họ đang xem xét đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế sau khi Bắc Kinh đặt giàn khoan dầu gần quần đảo Hoàng Sa có tranh chấp chủ quyền giữa hai nước. Đây có thể là trường hợp thứ hai sau khi Philippines tiến hành kiện Trung Quốc ra trước tòa án quốc tế liên quan đến chủ quyền tại bãi cát ngầm ngoài khơi bờ biển Philippines.
Hành động pháp lý là một trong số ít các lựa chọn mà các lãnh đạo Việt Nam phải làm nhằm xoa dịu sự giận dữ trong lòng dân chúng tại nước này. Nhiều người hy vọng chính phủ có thể làm nhiều hơn trong việc chống lại các động thái ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông. Cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây chết người đã nổ ra tại Việt Nam hồi đầu tháng này, chủ yếu nhắm mục tiêu vào các doanh nghiệp được cho là thuộc phía Trung Quốc đầu tư. Việc đưa Trung Quốc ra trước tòa án quốc tế hoặc Liên Hiệp Quốc có thể đe dọa và làm tổn hại đến mối quan hệ kinh tế giữa hai nước cộng sản láng giềng Việt–Trung.
“Về mặt chiến lược thì các lãnh đạo Việt Nam hiện có ít rất lựa chọn”, Carlyle Thayer, giáo sư danh dự tại Học viện Lực lượng Quốc phòng Úc ở Canberra, cho biết trong một cuộc phỏng vấn điện thoại ngày hôm qua. “Trung Quốc sẽ tếp tục đối chọi lại Việt Nam bất kể phía Việt Nam có hành động gì. Trung Quốc sẽ tiếp tục đập vỡ tàu của Việt Nam để buộc họ quay trở lại cảng và làm phía Việt Nam nhụt chí. Hành động này rất nghiêm trọng.”
Việt Nam đang xem xét các hành động pháp lý chống lại Trung Quốc, Nguyễn Thị Thanh Hà, người đứng đầu công tác đối ngoại thuộc Bộ Ngoại giao cho biết vào ngày 23 tháng Năm. Theo thông tin trên trang web chính phủ tối hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Phó Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ameerah Haq truyền đạt “tình hình nghiêm trọng” đến Tổng thư ký Ban Ki-moon để Liên Hiệp Quốc “tiếp tục có tiếng nói và hành động” nhằm đảm bảo ổn định khu vực.
Mối đe dọa từ Trung Quốc
“Phía Việt Nam đã mạnh mẽ phá hoại các hoạt động bình thường của Trung Quốc nhưng tất cả những sự gián đoạn này là vô ích và kết thúc cuối cùng thì phía Việt Nam sẽ bị thiệt thòi”, Tần Cương – phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết ngày hôm qua tại một cuộc họp ở Bắc Kinh.
Hành động của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế và đe dọa hòa bình cũng như an ninh và tự do hàng hải, ông Dũng phát biểu tại Manila ngày 22 tháng Năm trong chuyến thăm Philippines. Cuộc xung đột sẽ làm gián đoạn dòng chảy hàng hóa và thậm chí có thể đảo ngược nổ lực phục hồi kinh tế toàn cầu, ông Dũng nói thêm.
Việt Nam hiện đang lên kế hoạch đệ đơn kiện Trung Quốc vào thời gian tới, Hà Hoàng Hợp, thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore cho biết.
“Việc này sẽ diễn ra rất sớm”, ông nói qua điện thoại. “Đây là chiến lược của chính phủ Việt Nam”.
Cứu hộ tàu cá
Một tuyên bố trên trang web của chính phủ Việt Nam cho biết rằng một nhóm ngư dân đánh cá đã được cứu sống vào cuối buổi chiều 26 tháng Năm sau khi tàu thuyền Việt Nam bị 40 tàu Trung Quốc bao vây trong vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các cuộc đụng độ đã xảy ra cách giàn khoan của Trung Quốc khoảng 17 hải lý (19,5 dặm) nằm gần quần đảo Hoàng Sa đang có tranh chấp chủ quyền.
Phía Trung Quốc phản bác lại rằng tàu của Việt Nam đâm vào phía bên trái của một tàu đánh cá Trung Quốc sau khi tìm cách xâm nhập vào “khu vực cảnh báo” gần giàn khoan dầu, Tần Cương cho biết ngày hôm qua.
“Chúng tôi hy vọng phía Việt Nam sẽ ngừng các hành động phá hoại và nghĩ đến những lợi ích tổng thể của sự ổn định trong khu vực”, Tần Cương nói. “Chỉ bằng cách làm như vậy thì phía Việt Nam mới có thể duy trì lợi ích tổng thể của mối quan hệ song phương”.
Chính phủ Việt Nam cho biết họ đã phản đối vụ việc với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội và yêu cầu bồi thường thiệt hại mà phía Trung Quốc đã gây ra.
“Các hành động khiêu khích” phần lớn đến từ phía Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jen Psaki nói với các phóng ở Washington. “Chúng tôi vẫn lo ngại về các hành vi nguy hiểm cũng như đe dọa của tàu thuyền Trung Quốc hoạt động trong khu vực Biển Đông. Chúng tôi tiếp tục kêu gọi tất cả các bên kiềm chế”.
Rủi ro kinh tế
Các cuộc biểu tình ở Việt Nam diễn ra hồi giữa tháng này buộc Trung Quốc gửi tàu đến sơ tán công nhân nước họ ra khỏi khu vực sau khi ba công dân Trung Quốc thiệt mạng. Việc Bắc Kinh đặt giàn khoan dầu cũng dẫn đến các cuộc đối đầu giữa các tàu tuần duyên, bao gồm cả việc sử dụng vòi rồng và hai bên đều tố cáo bị đâm chìm tàu. Trung Quốc nói rằng giàn khoan hiện nay được đặt trong lãnh thổ của nước này và rằng trước đây họ cũng đã có những hoạt động tương tự trong khu vực này.
Bất kỳ sự căng thẳng nào, bao gồm cả hành động pháp lý cũng đều mang rủi ro kinh tế, Adam Sitkoff – Giám đốc Điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
“Trung Quốc không ngần ngại sử dụng sức mạnh kinh tế của mình như một cách để củng cố lại các chính sách mà họ cần thực hiện”, ông nói. “Các quan chức cấp cao trong cả hai chính phủ chắc chắn nhận thức rằng căng thăng có thể sẽ tiếp tục leo thang. Cả hai nước đều có nguy cơ thiệt hại nặng nề về kinh tế và cả hai phía đều không đủ khả năng gánh chịu những hậu quả này”.
Việt Nam và Trung Quốc đều là những nước quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu nên “bất kỳ sự căng thẳng nào cũng có thể làm cản trở nguồn cung cấp và các sản phẩm”, ông Sitkoff nói.
Việt Nam ngạc nhiên
Chỉ số VN-Index của Việt Nam tăng nhẹ 0.3% vào giữa ngày hôm qua. Chỉ số này đã giảm 8,7% từ ngưỡng cao nhất hồi tháng Ba năm nay. Tiền đồng vẫn ở mức ổn định vào 11:50 sáng giờ địa phương.
Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam cho biết thì Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, với thương mại hai chiều tăng 22% lên đến 50,2 tỷ USD hồi năm ngoái. Việt Nam và Trung Quốc nhằm thúc đẩy mục tiêu thương mại hai chiều lên 60 tỷ USD vào năm 2015. Việt Nam đã mua khoảng 37 tỷ hàng hóa từ Trung Quốc vào năm ngoái.
Các lãnh đạo Việt Nam “đã không dự đoán trước rằng Trung Quốc có thể hành động mạnh tay như vậy”, Alexander Vuving – một chuyên viên phân tích an ninh tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á–Thái Bình Dương ở Hawaii cho biết qua điện thoại. “Họ không muốn chấp nhận rủi ro rằng Trung Quốc sẽ trả đũa kinh tế”.
Sự thành công của Trung Quốc trong việc giành quyền kiểm soát tại Bãi cạn Scarborough vào năm 2012, một khu vực trước đây dưới quyền kiểm soát của Philippines, đã làm một số quốc gia trong khu vực như Việt Nam và Nhật Bản lo lắng. Sự cố đâm chìm tàu Việt Nam ngày 26 tháng Năm xảy ra sau khi máy bay Trung Quốc bay gần không phận của Nhật Bản ở Biển Hoa Đông hôm ngày 24 tháng Năm.
‘Rất giận dữ’
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang mở rộng lực lượng hải quân của nước này để củng cố tuyên bố chủ quyền tại khu vực Biển Đông dựa trên bản đồ “đường chín đoạn” mà họ xuất bản lần đầu tiên vào năm 1947. Bản đồ chín đoạn này kéo dài hàng trăm dặm về phía nam từ đảo Hải Nam xuống gần xích đạo vùng biển ngoài khơi đảo Borneo. Trung Quốc và Việt Nam đều tuyên bố có chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa, và các thành viên trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á như Brunei, Malaysia và Philippines cũng tuyên bố có chủ quyền tại một số khu vực khác ở Biển Đông.
“Việt Nam có thể mất rất nhiều thời gian để đi đến một quyết định về việc khi nào và làm thế nào để theo đuổi các hành động pháp lý chống lại Trung Quốc”, Lê Hồng Hiệp – một giảng viên tại Đại học Quốc gia Việt Nam ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết qua điện thoại. “Trung Quốc sẽ rất khó chịu nếu Việt Nam theo đuổi các biện pháp pháp lý”.
Một tùy chọn khác cho Việt Nam là tham gia liên minh với Philippines và Nhật Bản để tiến hành tuần tra chung và giám sát hàng hải, giáo sư Thayer nói. Trung Quốc sẽ rất do dự về việc tấn công một nước có hiệp ước đồng minh với Hoa Kỳ, ông nói thêm.
PR thành công
Việt Nam có thể đã ghi được một chiến thắng trên mặt trận quan hệ công chúng, Mingjiang – phó giáo sư và điều phối viên chương trình Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore cho biết.
“Điều này sẽ giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực mà các cuộc bạo loạn ở Việt Nam đã gây ra”, ông nói. “Bất kể Trung Quốc dựng chuyện thế nào đi chăng nữa thì dư luận quốc tế cũng sẽ cảm thông cho phía Việt Nam”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét