Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




LLDTQK: KIẾN TẠO VIỆT NAM NHÂN BẢN VĂN MINH THIỆN ĐỨC


TƯ TƯỞNG

Con người không phải là dã thú cho nên phải lấy văn minh thiện đức mà đối đãi nhau. Muốn được văn minh thiện đức, đời sống tinh thần và vật chất của con người phải song phương hòa hợp. Tổ chức cho đời sống con người phải dựa trên những tư tưởng, nguyên tắc, và hành động phù trợ cho văn minh thiện đức. Trong một xã hội văn minh thiện đức nhân quyền và dân quyền được tuyệt đối tôn trọng.

Nhân quyền là quyền được sống theo đúng nghĩa sống của một con người. Con người sinh ra vốn bình đẳng và tự do, cho nên đời sống đúng nghĩa cho con người phải thể hiện trạng thái bình đẳng và tự do. Ngay cả tương quan giữa thiên-địa-nhân còn đồng vị hà huống chi là tương quan giữa con người và con người. Cho nên không một ai có thể nhân danh bất cứ một lý do nào (dầu là vì trời, vì đất, hay vì người) để hủy bỏ hoặc tước đoạt sự bình đẳng và tự do của con người.

Bình đẳng và tự do là quyền tối cao của con người cho nên không một ai có thể tự đặt mình ở vị thế cao trọng hơn người khác hoặc ép buộc người khác phải tuân theo tha lực trái với ý muốn.  Đành rằng tổ chức của xã hội loài người phát sinh nhu cầu lãnh đạo và tuân hành. Nhưng không vì nhu cầu đó mà quyền bình đẳng và tự do của con người bị tước đoạt. Cho nên để dung hòa giữa nhu cầu tổ chức với nhu cầu bình đẳng và tự do của con người, quyền lãnh đạo phải được cho phép trước bởi những người tuân hành. Sự tự nguyện tuân hành của đại đa số bằng cách ủy nhiệm vai trò lãnh đạo cho một thiểu số là nguồn gốc cơ bản của quyền lực dân chủ.

Từ đó, trong phạm trù tổ chức một quốc gia dân chủ, quyền lãnh đạo là do dân mà có. Dân là chủ. Dân quyền trở thành là quyền của người dân tùy ý chọn lựa thể chế lãnh đạo, chọn lựa thành phần lãnh đạo, và lựa chọn sách lược lãnh đạo. Chỉ có quyền lực dân chủ mới phù hợp với văn minh thiện đức. Tất cả những quyền lực khác, bất cứ phát xuất từ đâu hay vì bất cứ lý do nào, nếu không có sự ủy nhiệm của dân đều được coi là bạo quyền.

Bạo quyền là nguồn gốc cơ bản của chiến tranh, cho sự tàn hủy. Từ nghìn xưa cho đến giờ, chế độ phong kiến độc tài chuyên chế không ổn định lâu dài.  Chế độ quân phiệt độc tài chuyên chế không ổn định lâu dài. Chế độ cộng sản độc tài chuyên chế không ổn định lâu dài. Chỉ vì tất cả đều dùng sức mạnh của kẻ thắng mà cưỡng đoạt. Chỉ vì tất cả đều dùng sức mạnh của kẻ thắng mà áp chế.  Bạo quyền thường hấp dẫn bạo quyền.  Đó là định luật vay trả đương nhiên. Vì vậy, sanh ra đấu tranh tàn hủy triền miên.  Chỉ tội nghiệp cho người dân chịu cảnh nổi trôi quằn quại.

Con người, không cần biết là nhân chi sơ tánh bản thiện hay bản ác, luôn luôn thay đổi để đáp ứng với hoàn cảnh. Đó là sự thực tất nhiên không thể chối cãi. Sự thay đổi có thể mang con người từ chỗ không văn minh thiện đức đến chỗ văn minh thiện đức. Ngược lại, sự thay đổi cũng có thể mang con người từ chỗ văn minh thiện đức đến chỗ mất đi văn minh thiện đức. Sự thay đổi có thể mang một tập thể từ chỗ không văn minh thiện đức đến chỗ văn minh thiện đức. Ngược lại, sự thay đổi cũng có thể mang một tập thể từ chỗ văn minh thiện đức đến chỗ mất đi văn minh thiện đức. Cá nhân và tập thể lãnh đạo cũng không thoát khỏi định luật này.  Vì vậy, để ngăn ngừa hậu quả không tốt, quyền lực lãnh đạo không nên tập trung vào một cá nhân duy nhất hoặc một tập thể duy nhất. Đồng thời, sự ủy nhiệm quyền lực lãnh đạo nên có giới hạn thời gian.  Nói một cách khác, ba nguyên tắc phân quyền, tản quyền, và bầu cử định kỳ là những bảo đảm hữu hiệu để chống lại sự lạm dụng quyền lực của cá nhân trong một cơ chế lãnh đạo, để chống lại sự lạm dụng quyền lực của tập thể lãnh đạo, để toàn dân chung dự vào hoạt động chính trị, để duy trì dân quyền, để ổn định lâu dài cơ chế dân chủ.

Đối với một cơ chế lãnh đạo được thành lập bằng bạo quyền, phân quyền thực sự là điều không thể có được bởi vì nhu cầu của bạo quyền là thống trị độc tôn. Tất cả đối lực được coi là đe dọa trực tiếp tới quyền lực của giới lãnh đạo. Hủy diệt đối lực hay bị đối lực hủy diệt là con đường chọn lựa duy nhất. Bạo lực hấp dẫn bạo lực. Chính vì lẽ đó, trong một xã hội bạo quyền, cá nhân tàn hại cá nhân, tổ chức tàn hại tổ chức, tài nguyên kiệt quệ, đất nước tan nát, con người lầm than khốn khó, lễ nghĩa suy đồi.

Đối với một cơ chế lãnh đạo được thành lập bằng bạo quyền, tản quyền là điều không thể có được bởi vì nhu cầu của bạo quyền là củng cố quyền lực để hủy diệt đối lực. Tản quyền là tự tạo mầm mống đe dọa; cho nên, áp dụng nguyên tắc trung ương tập quyền là điều đương nhiên.  Chính vì trung ương tập quyền, giới lãnh đạo càng ngày càng xa cách với dân, điều hành càng ngày càng trì trệ, hiệu quả càng ngày càng suy thoái, xã hội càng ngày càng thua sút.

Đối với một cơ chế lãnh đạo được thành lập trên nguyên tắc dân chủ phân quyền, tản quyền, và bầu cử là phương tiện để có thể cùng nhau mà lãnh đạo. Cộng đồng lãnh đạo có thể thực hiện được nhờ vào bản chất của dân chủ là dung chứa và hòa hợp. Trong thể chế dân chủ, đối lực cũng là trợ lực. Trong cái đối kháng có sự phù trợ.  Trong cái phù trợ có sự đối kháng.  Phù trợ nhau để cùng sinh tồn. Đối kháng nhau để cùng tiến hóa. Đối nhau mà không hủy diệt nhau. Phù trợ nhau mà không đưa đến chỗ chuyên chế lầm lạc. Vì vậy phân quyền, tản quyền, và bầu cử trong thể chế dân chủ có thể nói là phù hợp với đạo lý âm dương của trời đất.

Từ đó, câu hỏi cho mọi người là (1) chọn một thể chế lãnh đạo dựa trên bạo quyền, quyền của kẻ thắng ? hay là (2) chọn một thể chế lãnh đạo dựa trên sự ủy quyền của người tự nguyện tuân hành, quyền của dân ? Trong trái tim của nhũng người yêu chuộng văn minh thiện đức, câu trả lời đã rất hiển nhiên.

Con người sinh ra vốn bình đẳng và tự do. Trong cái tự do đó có cả tự do phát triển tư năng. Đành rằng trước khi con người sinh ra đã có trời đất vạn vật đã hiện hữu, và do đó vạn vật trong trời đất là công hữu, nhưng vì mỗi cá nhân đã bỏ tâm sức để phát triển tư năng và vận dụng tư năng của mình để mưu sinh cho nên vật chất cá nhân tạo được đã trở thành tư hữu. Vì vậy, quyền tư hữu là đương nhiên và hợp lý.

Sáng tạo, cần mẫn, và tiết kiệm là những đức tính đáng quý của con người. Nhờ vào sáng tạo và cần kiệm, con người mới tạo ra sự phong phú vật chất. Nói một cách khác, phong phú vật chất là tượng trưng cho kết quả của những đức tính tốt. Quyền tư hữu cho con người cái cơ hội vận dụng sự sáng tạo và cần kiệm để làm cho đời sống trở nên phong phú hơn. Vì vậy, quyền tư hữu không những là điều đương nhiên và hợp lý, mà còn là phương tiện để thúc đẩy và biểu dương đức tính tốt của con người.

Sự thật trong đời sống đã từng chứng minh là nghèo đói có thể đưa con người đến chỗ kiệt quệ, đến chỗ vong thân, đến chỗ mất đi lễ nghĩa. Sự thật trong đời sống đã từng chứng minh là nghèo đói cưỡng đoạt đi quyền sống căn bản của con người: quyền được sốn trong tự do, no ấm, và hạnh phúc. Nếu nghèo đói đưa con người tới chỗ kiệt quệ, đến chỗ vong thân, đến chỗ mất đi lễ nghĩa, đến chỗ mất đi quyền sống căn bản thì không ai có thể phủ nhận được sự phong phú vật chật là một phương tiện tốt để cho con người được có cái cơ hội sống với tinh thần văn minh thiện đức.

Thêm vào đó, con người cần phải biết chia xẻ đùm bọc lẫn nhau. Tiền nhân từng nhắc câu lá lành đùm lá rách. Nhưng nếu cá nhân không có sự phong phú vật chất thì thử hỏi làm sao có thể đưa người khác ra khỏi cảnh nghèo đói, khỏi chỗ kiệt quệ, khỏi chỗ vong thân, khỏi chỗ mất đi lễ nghĩa dầu trong lòng có đầy tình nhân ái? Nhưng nếu cơ chế kinh tế quốc gia không tạo ra được sự phong phú vật chất thì thử hỏi làm sao có thể đưa đại đa số dân chúng ra khỏi cảnh nghèo đói, khỏi chỗ kiệt quệ, khỏi chỗ vong thân, khỏi chỗ mất đi lễ nghĩa dầu công quyền có đầy lòng nhân ái?

Vì vậy, muốn có một xã hội văn minh thiện đức, đời sống vật chất và tinh thần phải song phương hòa hợp. Muốn có được một xã hội văn minh thiện đức, con người không thể bị tước đoạt đi quyền bình đẳng và tự do, trong đó có cả quyền bình đẳng và tự do tư hữu, quyền bình đẳng và tự do mưu sinh, quyền bình đẳng và tự do tìm kiếm hạnh phúc theo nhu cầu cá nhân.

Từ đó trong phạm trù tổ chức của một quốc gia, một cơ chế kinh tế khế hợp với nhân quyền và dân quyền và phù hợp với văn minh thiện đức phải là một cơ chế kinh tế tôn trong quyền tư hữu. Phải là một cơ chế kinh tế khích lệ đức tính sáng tạo và cần kiệm. Phải là một cơ chế kinh tế cho con người những cơ hội tìm kiếm hạnh phúc theo nhu cầu cá nhân mà không lấn ép quyền lợi của cá nhân khác. Phải là một cơ chế kinh tế có khả năng phong phú hóa đời sống con người.  Phải là một cơ chế kinh tế bảo đảm tài sản tư hữu của cá nhân không bị tước đoạt bởi bạo lực hoặc bởi pháp lý của nhà cầm quyền.

Và vì không sợ bị cưỡng đoạt bởi bạo lực, tài sản tư hữu của cá nhân được tự do vận dụng theo nguyên tắc thị trường dân chủ để đầu tư vào công cụ sản xuất. Công cụ sản xuất là phương tiện căn bản có thể phong phú hóa vật chất để cải thiện đời sống của người dân. Đem đầu tư tài sản cá nhân tạo ra phong phú vật chất để cho mọi người cộng hưởng – dầu nhiều ít có thể khác nhau – là theo tinh thần nhân ái của Thiên Chúa. Đem đầu tư tài sản cá nhân tạo ra phong phú vật chất để cho mọi người cộng hưởng – dầu nhiều ít có thể khác nhau – là hành động chia xẻ mà không biết mình đã chia xẻ, không biết đến người nhận sự chia xẻ, không biết đã chia xẻ bao nhiêu.  Đó là tinh thần ba-la-mật thí của đấng Bồ Tát. Một cơ chế kinh tế xây dựng trên nền tảng tư hữu để có thể hữu hiệu đưa tới công ích rộng lớn là một nền kinh tế hữu trách phù hợp với văn minh thiện đức.

Mỗi một con người sinh ra vốn khác nhau và độc đáo. Sự khác nhau và độc đáo đó làm nên những cá thể riêng biệt. Sự khác nhau và độc đáo đó cũng làm nên trạng thái đa nguyên. Đồng thời, con người sinh ra vốn bình đẳng và tự do, không một cá thể nào có thể bị cưỡng đoạt mất đi cái riêng biệt của chính mình. Đối với với một xã hội văn minh thiện đức, tình trạng đa nguyên với trạng thái bình đẳng và tự do kết hợp nhau chặc chẽ tự nhiên trong cái đạo tiểu thể hòa đồng trong cái đại thể của trời đất.

Trong một xã hội văn minh thiện đức, sự khác biệt của mỗi cá thể trong xã hội được tôn trọng theo nguyên tắc bình đẳng và tự do. Để bảo đảm có được sự tôn trọng của người khác cho chính bản thân mình, tự nguyện tôn trọng sự khác biệt của những cá thể chung quanh là điều hợp tình và hợp lý. Hơn thế nữa, mọi người phải đương nhiên tôn trọng sự khác biệt của mọi người chung quanh để duy trì sự ổn định tự nhiên và lâu dài; không cần biết sự khác biệt đó là khác biệt vật thể hay khác biệt tư tưởng; không cần biết sự khác biệt đó là do trời sinh hay nhân tạo. Nói một cách khác, con người phải được quyền tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, tự do hội họp, và tự do tư tưởng biểu hiện tư duy của chính mình. 

Nếu những quyền căn bản này không được bảo đảm, cơ chế chính trị dân chủ không thể thực hiện hoặc tồn tại được. Nếu những quyền căn bản này không được bảo đảm, cơ chế kinh tế thị trường không thể phát huy. Nếu những quyền căn bản này không được bảo đảm, xã hội đi đến chỗ con người sẽ nhân danh con người, nhân danh chế độ, nhân danh tổ chức, nhân danh ngay cả thượng đế để áp chế con người một cách trắng trợn. Khi một cá nhân mất đi những quyền này, cá nhân đó đã bị vô hình bức tử một cách tàn nhẫn vì quyền sống cá nhân đó bị cưỡng đoạt.  Đó là trạng thái vong thân. Nếu một xã hội để cho những điều này xảy ra, cùng với định luật vay trả, tất cả mọi người trong đó cũng bị vong thân. Ngay cả trong một cơ chế dân chủ cũng vậy.  Tập thể độc tài có thể dùng thế lực đa số để thực thi chính sách chuyên chế sau lưng cái chiêu bài dân chủ hoặc sau lưng một phương thức dân chủ. Vì vậy, nguyên tắc tự do dân chủ tuyệt nhiên không thể tách rời khỏi trạng thái đa nguyên. Vì vậy, xã hội văn minh thiên đức không thể tách rời khỏi trạng thái đa nguyên.

Đa nguyên là trạng thái tự nhiên của trời đất. Vạn vật có muôn hình vạn trạng. Tuy có khác nhau, nhưng bình đẳng và tự do. Tuy có khác nhau, nhưng hòa hợp trong đại thể của trời đất. Lịch sử đã từng chứng minh là có những cá thể vì muốn thế giới có một chủng tộc duy nhất mà đã nhẫn tâm dùng bạo lực tàn hại sinh linh. Lịch sử đã từng chứng minh là có những cá thể vì muốn tất cả mọi người theo một tôn giáo duy nhất mà đã nhẫn tâm dùng bạo lực tàn hại sinh linh. Lịch sử đã từng chứng minh là có những cá thể vì muốn tất cả mọi người chỉ nghe theo một tiêng nói duy nhất mà đã nhẫn tâm dùng bạo lực tàn hại sinh linh. Từ đó cho thấy, tất cả những nỗ lực của con người nhằm hủy bỏ trạng thái đa nguyên đều là những nỗ lực vô đạo. Đều là những nỗ lực không phù hợp với một xã hội văn minh thiện đức.

Từ đó trong phạm trù tổ chức của một quốc gia, xã hội văn minh thiện đức cần phải được xây dựng trên nền tảng đa nguyên. Tự do tín ngưỡng phải được tôn trọng. Tự do ngôn luận phải được tôn trọng. Tự do biểu hiện tư duy phải được tôn trọng. Tất cả những thứ tự do khác phù trợ quyền sống của con người phải được tôn trọng.

Với tính chân thiện chân mỹ và tính khả thi khả duy của ba nền tảng vừa được triết luận,  LLDTQK tin rằng chỉ có hệ thống chính trị dân chủ, hệ thống kinh tế thị trường, và hệ thống xã hội đa nguyên mới khế hợp tự nhiên với dân tộc Việt Nam. Vì vậy, LLDTQK nhất quyết sẽ theo đuổi công cuộc xây dựng một Việt Nam Văn Minh Thiện Đức đặt trên ba nền tảng bất di bất dịch:

Chính trị dân chủ chung dự
Kinh tế thị trường hữu trách
Xã hội đa nguyên thiện đức

LLDTQK


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét