Nguyễn Chính Kết
24-4-2014
* Tiêu đề gốc: “Không Ưa Thì Dưa Có Giòi”
“Không ưa thì dưa có giòi”, “Muốn giết chó thì bảo là
chó dại”, “Ví dầu tình bậu muốn thôi, Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra”, v.v...
Đó là những câu nói kết tinh biết bao kinh nghiệm của cổ nhân ta xưa về tâm lý
con người, về nhân tình thế thái.
Khi người ta không ưa ai, có ác cảm với ai,
nhất là ghét hay có xung đột quyền lợi hoặc ảnh hưởng với ai, người ta rất dễ
nói xấu, cắt nghĩa xấu, dựng chuyện xấu, vu oan giá hoạ cho người ấy để mọi người
cùng ghét người ấy với mình, hoặc để ggây chuyện với người ấy. Điều đó chẳng những
đúng trong những chuyện đời thường, mà còn đúng trong nhiều lãnh vực khác, nhất
là trong lãnh vực chính trị.
Trong cuốn “tam thập lục kế” bàn về những mưu kế chính trị,
có những kế như “Tá đao sát nhân” (Mượn dao giết người, mượn tay người khác để
giết kẻ thù), “Sấn hỏa đả kiếp” (Tranh thủ nhà cháy mà đánh cướp, lợi dụng lửa
để hành động), “Vô trung sinh hữu” (Không có mà làm thành có, dựng chuyện
lên để vu khống), “Tiếu lý tàng đao” (Cười nụ giấu dao, khẩu Phật tâm xà), “Chi
tang mạ hòe” (Chỉ cây dâu để mắng cây hòe, chỉ chó mắng mèo), “Di thể giá họa”
(chuyển xác người đến nhà người khác để vu tội giết người cho họ), v.v... là những
kế mà các nhà chính trị bá đạo thường sử dụng để nói xấu hoặc vu oan giá họa
cho những người mình ghét hay không ưa.
Sư phụ của tất cả những người chuyên đặt điều nói xấu, vu
oan giá họa cho đối thủ chính là những ông tổ cộng sản như Lênin, Staline, Mao
Trạch Đông, Hồ Chí Minh cũng như các cán bộ cộng sản là những người học đòi
gương gian ác của họ...
Tuy nhiên, trong đời thường, trong thương trường cũng
như trong mọi cuộc tranh chấp, đấu tranh, kể cả trong hàng ngũ đấu tranh dân chủ,
vẫn luôn luôn có những người áp dụng những chiêu thức bá đạo này để hạ bệ hay
đánh phá những người mình không ưa, mình ganh tị hay đang là đối thủ của mình.
Chúng ta có thể thấy rõ điều này trong những cuộc tranh cử các cấp chính quyền.
Điều này cũng xảy ra trong cộng đồng người Việt nhất là khi có người được cộng
sản cài vào trong hàng ngũ đấu tranh dân chủ, hoặc bị chúng mua chuộc để hoạt động
cho chúng.
Thiết tưởng trong mục đích “khai dân trí”, là một trong 3 yếu
tố cần thiết để thực thi dân chủ mà cụ Phan Chu Trinh đã nêu ra (“Chấn dân khí,
khai dân trí và hậu dân sinh”), chúng ta cần tìm hiểu về tâm lý này
của con người, nhất là trong lãnh vực chính trị, để người dân chúng
ta nhận định sáng suốt hơn, trước những lời vu khống, dựng chuyện, đặt điều,
xuyên tạc của những người có ác ý, của những nhà chính trị bá đạo lẫn những tên
cộng sản nằm vùng trong hàng ngũ đấu tranh dân chủ. Tin vào những thông tin
tuyên truyền dối trá và hành động theo những thông tin sai lạc ấy là vô tình tiếp
tay cho người ác và hại người ngay chính.
“Không ưa thì dưa có giòi”. Như vậy, sở dĩ có chuyện “dưa
có giòi” tức đặt điều dựng chuyện là do tình trạng “không ưa” nhau. Do đó, trước
hết, ta cần tìm hiểu xem những lý do gì khiến người ta “không ưa” nhau.
Trong câu chuyện thường ngày của dân gian, người ta vẫn thường
trưng dẫn nhiều câu của cổ nhân: “Con gà ganh ghét nhau tiếng gáy”, “con chó cạnh
tranh tiếng sủa”, “hai ca sĩ có bao giờ ưa nhau?”.
Quả thật, tính đố kỵ của con
người là chuyện rất thường tình mà ai cũng dễ dàng cảm nghiệm được không nhiều
thí ít ngay trong tâm lý của chính bản thân mình, cũng như nơi người đời. Hai
người thân nhau cùng đi với nhau, nhưng một người luôn luôn được mọi người khen
là giỏi, là đẹp, là hay, còn người kia thì không hề được ai khen thì đâm ra buồn,
tự nhiên nảy sinh tâm tình ganh tị.
Ngay cả anh chị em ruột thịt với nhau, có
ai đó bỗng nhiên giàu có hẳn lên, hoặc thành công vượt bực, hoặc được cất nhắc
lên những địa vị cao trọng, thì những người khác tự nhiên phát sinh hai tâm
tình trái ngược nhau. Một đằng vui mừng cho người thân của mình được may mắn,
nhưng đằng khác buồn bã cho bản thân mình không được như vậy. Người vị tha thì
tâm tình trước nhiều hơn tâm tình sau, còn người ích kỷ thì tâm tình sau vượt
trội hơn tâm tình trước. Đối với người kém cao thượng thì từ hai tâm tình ấy
thường phát sinh một tâm tình thứ ba là đố kỵ, ghen ghét hay ganh tị… Từ chuyện
ghen ghét này mới phát sinh chuyện hại nhau, nói xấu nhau, vu oan giá họa cho
nhau, thậm chí giết nhau, làm cho nhau khổ đến tận cùng. Lúc đó người ta áp dụng
câu “muốn giết chó thì bảo là chó dại”
Truyện “Tấm Cám” về mẹ con cô Cám tìm cách hại cô Tấm, truyện
“Bạch Tuyết và bảy Chú Lùn” nói về mụ phù thủy hoàng hậu tìm cách hại công chúa
Bạch Tuyết… đều nói lên thực trạng tâm lý ấy.
Trong lãnh vực chính trị, đấu tranh, ngay cả trong lãnh vực
tôn giáo, tâm linh, cũng phát sinh những tâm lý đố kỵ ganh ghét như thế. Khi đã
có chuyện không ưa nhau, ghét nhau, thì chuyện cắt nghĩa xấu, xuyên tạc, dựng
chuyện rất dễ xảy ra. Vấn đề của chúng ta là làm sao phân biệt được đâu là những
lời vu khống do động lực đố kỵ, và đâu là những sự kiện có thật?
Dưới đây là một vài đề nghị:
1) Dùng lý luận để phân định:
Có những chuyện vừa nghe qua, nếu chúng ta chịu khó suy
nghĩ, chúng ta có thể nhận ra ngay hầu chắc đó là chuyện bịa đặt. Chẳng hạn,
chuyện mẹ của Tăng Sâm nghe người chung quanh đồn con mình giết người. Bà không
tin vì bà từng thấy con mình rất đạo đức: một việc xấu nhỏ mà có lợi thật nhiều
cho mình, Tăng Sâm cũng không chịu làm, lẽ nào lại làm một tội ác tày trời như
thế? Một người bị đồn là quỵt một món tiền nhỏ của ai đó, nhưng trong quá khứ
ta thấy người này luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác một cách quảng
đại, không tiếc tiền, thì ta biết lời đồn đãi ấy không đáng tin. Lời đồn ấy có
thể xuất phát từ một kẻ không ưa hay ghen ghét người ấy. Tuy nhiên, mẹ của Tăng
Sâm đã bị lung lạc niềm tin vào con mình khi thấy có nhiều người phao tin ấy.
Điều đó cho thấy không phải một tin tức được nhiều người nói hay nhiều người
tin thì tin ấy là sự thật.
Một người trong quá khứ có nhiều hành động chứng tỏ họ là
người rất tốt, thì ta đừng vội tin những lời đồn xấu về người ấy, mặc dù điều ấy
vẫn có thể xảy ra. Những người tin quá dễ dàng những tin đồn, những tin được
tung lên mạng internet mà không hề suy nghĩ xem thật giả ra sao, chuyện đó có hợp
lý không, người nói ra thuộc hạng người nào, có uy tín không, chính người ấy chứng
kiến sự việc hay chỉ nghe người khác thuật lại… thì người ấy dù có được nhiều
người suy tôn là đạo cao đức cả, hay có nhiều bằng cấp cao, thì về mặt chính trị
vẫn thuộc thành phần dân trí thấp!
2) Đòi hỏi bằng chứng cần và đủ:
Một kết luận được phát biểu chắc chắn như đinh đóng cột mà
không có bằng chứng hay không có đủ bằng chứng thì cũng không nên tin. Mới thấy
một đôi nam nữ thỉnh thoảng đi chung với nhau, hay thường rủ nhau uống cà-phê
mà vội cho rằng họ có tình ý với nhau thì quả là hồ đồ. Trước một bức hình của
người dân trong nước ra hải ngoại mà đằng sau có lá cờ vàng ba sọc đỏ của VNCH
thì công an CSVN thường chụp mũ người đó là phản động, là chống lại chế độ, như
thế thật hồ đồ! Đâu phải cứ đứng dưới lá cờ nào thì có nghĩa là mình theo lá cờ
ấy! Mấy tháng trước đây, ông Trương Tấn Sang qua Mỹ gặp Tổng thống Obama chắc
chắn có nhiều tấm hình ông ta đứng dưới lá cờ Mỹ. Điều đó phải chăng là ông ta
theo Mỹ? Hay ông bắt tay và ngồi nói chuyện với Obama thì có nghĩa là ông theo
Obama? Nếu đấu tranh dân chủ mà cũng hồ đồ như việt cộng, dân trí không cao hơn
bọn chúng thì làm sao thực hiện được dân chủ, vốn đòi hỏi mức dân trí phải
tương đối cao.
Bằng chứng cần mà chưa đủ cũng không thể kết luận chắc chắn
được. Hai tam giác mới có hai cạnh bằng nhau thì không thể kết luận chúng bằng
nhau được. Thấy một người cầm cờ đỏ sao vàng giông giống người bạn mình quen đã
kết luận chắc chắn người bạn ấy theo việt cộng thì quả là hồ đồ, vì trên đời có
biết bao người na ná giống nhau. Kết luận theo tinh thần “thà bắt lầm hơn bỏ
sót”, hay “thà kết án sai, oan còn hơn là để người có tội không bị kết
án” thì chỉ thích hợp với chế độ cộng sản thôi.
3) Suy nghĩ, tìm hiểu, kiểm chứng lại:
Sau khi nghe một tin nào đó và mình đã áp dụng hai nguyên tắc
trên để tìm hiểu sự việc mà vẫn không xác định được thật giả thì ta cần phải
tìm cách kiểm chứng, không nên vội xác định tin đó là thật hay giả, đúng
hay sai. Hãy tạm thời để bụng, treo phán đoán của mình về sự việc ấy cho tới
khi mình kiểm chứng được cách này hay cách khác. Những người suy nghĩ chín chắn
chỉ dám kết luận sau khi đã phối kiểm những bằng chứng về sự việc. Hãy áp dụng
nguyên tắc của Descartes: “Chỉ tin sau khi đã chứng minh”.
Thể chế dân chủ chỉ có lợi khi người dân trưởng thành trong
khả năng nhận định sự việc liên quan đến việc chung. Nếu người dân tin quá dễ
dàng những lời tuyên truyền, sẵn sàng nhắm mắt lại để người khác dẫn mình đi
đâu tùy ý chứ không dám tin vào chính đôi mắt của mình, thì ý kiến hay cách
nhìn của họ chỉ là ý kiến hay cách nhìn của một ai đó chứ không phải của họ. Nếu
người dân không dám nhìn bằng mắt mình, nghe bằng tai mình, ngửi bằng mũi mình,
suy nghĩ bằng khối óc của mình, mà bằng mắt, mũi, tai hay trí óc của người
khác, thì thể chế dân chủ không hẳn đã thích hợp với họ.
Chúng ta đã chọn thể chế dân chủ, và cương quyết chống lại độc
tài, thì chúng ta cần phải chuẩn bị dân trí thích hợp với thể chế dân chủ, để
thể chế này thật sự ích lợi cho dân tộc. Đó là việc chúng ta phải làm ngay từ
bây giờ chứ không phải chờ đến khi chế độ cộng sản sụp đổ mới bắt đầu làm.
Nguyễn Chính Kết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét