23-03-2013
Đi qua những thành phố khác nhau ở những quốc gia khác nhau, gặp những người Việt
khác nhau từ quê quán, lý do rời nước ra đi, quan điểm chính trị, tôn giáo, nghề
nghiệp trong quá khứ cho đến cuộc sống hiện tại. Câu chuyện giữa mọi người dù
có bắt đầu từ đâu, hầu như bao giờ cũng quay về với đề tài, chủ đề: Việt
Nam-quê nhà.
Tôi không hiểu các dân tộc sống tha hương khác thì sao, có lẽ cũng vậy. Tất
nhiên, với những người Việt rời đất nước ra đi khi còn quá nhỏ, hay những người
sinh ra và lớn lên tại xứ người thì có thể khác. Hai chữ Việt Nam khi ấy chẳng
gợi lên được nhiều kỷ niệm riêng tư.
Và khi câu chuyện quay trở về với đề tài, chủ đề Việt Nam, người ta nói với nhau về những gì đang xảy ra ở nhà, bất giác so sánh, liên tưởng đến chuyện nước người, để rồi buồn bực, bứt rứt, và cuối cùng là... chán nản, tuyệt vọng. Những câu nói chốt lại hầu như bao giờ cũng là: Sao cái vận mệnh nước mình (nó) bi kịch đến vậy. Không biết đến bao giờ thì mọi chuyện mới khác đi, bao giờ thì nước mình, dân mình được như nước người ta, dân người ta...
Đối với những người Việt rời nước ra đi ít nhất từ năm, mười năm cho đến hơn
hai, ba chục năm, cuộc sống của họ ở xứ người hầu hết đã ổn định. Nhiều người
còn leo lên được những vị trí khá cao trong xã hội như bác sĩ, luật sư, thẩm
phán... Con cái sinh ra và lớn lên ở xứ người, được ăn học tử tế, hội nhập,
không thua gì dân bản xứ. Cuộc đời họ có nhiều thứ để gắn bó với cái nơi mà số
phận đưa đẩy họ nhận làm quê hương thứ hai và rất nhiều khi sẽ là nơi họ nhắm mắt
xuôi tay. Về mặt “lý lịch” thì bây giờ họ đã là công dân nước khác. Như vậy,
đúng ra họ chẳng có lý do gì nhiều để bận tâm đến cái quê hương thứ nhất, mà
bây giờ dù chuyện gì xảy ra, họ cũng chỉ có thể dự phần hoặc hỗ trợ từ xa.
Thế nhưng vì sao phần lớn người Việt đang sống ở nước ngoài, dù thành đạt hay
chưa thành đạt, dù bằng lòng mãn nguyện với cuộc sống hiện tại hay chưa, vẫn
luôn nghĩ về Việt Nam. Vì sao phần lớn trong số họ, ngày đi làm, tối tối vẫn
dành thì giờ mở internet theo dõi tình hình ở nhà. Đã là công dân nước người,
được nước người cưu mang che chở, dành cho một nơi trú ngụ, một cuộc đời mới, vậy
mà rất nhiều người Việt không quan tâm đến chuyện chính trị nước sở tại như
chuyện ở VN. Khi có tiền thì lại ít làm từ thiện cho nước sở tại mà lại hay gửi
về VN giúp người nghèo hoặc đóng góp việc này việc kia.
Không chỉ vì lòng yêu nước. Dân tộc nào chẳng có lòng yêu nước. Dân nước nào sống
tha hương mà chẳng hay gửi tiền về giúp người nhà mình, nước mình. Nhưng có lẽ,
nỗi thương nhớ của người Việt xa quê còn bởi vì mấy chục năm sau khi họ rời nước
ra đi, tình hình đất nước dù có thay đổi, cải thiện phần nào về kinh tế nhưng vẫn
còn quá nhiều điều ngổn ngang, và thua kém rất xa so với các nước trong khu vực
chứ chưa nói đến thế giới.
Nếu 38 năm sau ngày thống nhất, nếu VN đã thực sự vươn lên thành một quốc gia
giàu mạnh, chí ít cũng ngang bằng Thái Lan, Indonesia, Singapore..., người dân
được hưởng các quyền tự do dân chủ tối thiểu, quyền con người được tôn trọng, nền
độc lập của đất nước được giữ vững...Có lẽ lòng những người con tha hương sẽ
không phải băn khoăn day dứt, họ sẽ yên tâm mà sống cuộc đời bình yên trên xứ
người. Đằng này, cứ mở internet ra là lại đọc thấy những thông tin không lấy gì
làm vui trên bức tranh toàn cảnh kinh tế-chính trị-xã hội-văn hóa VN. Và cứ
càng hưởng được đời sống tự do, dân chủ, bình yên trên xứ người thì càng nhói
lòng khi nghĩ đến người Việt ở quê nhà.
Tuy nhiên, dù có quan tâm đến VN, người Việt ở nước ngoài cũng không thể làm gì
để thay đổi vận mệnh đất nước. Họ chỉ có thể đóng vai trò hỗ trợ.
Sự thay đổi ấy phải do 90 triệu người dân trong nước quyết định.
Tâm trạng người Việt trong nước
Có thể nói phần lớn người Việt trong nước hiện nay đều nhìn ra những điểm tệ hại
của nhà cầm quyền và cái xã hội mà họ đang sống, phần lớn đều bực bội, bất mãn,
kể cả oán hận... Ở VN bây giờ đi đâu cũng nghe người dân chửi nhà nước - từ ông
tài xế xe ôm, bà bán thịt ngoài chợ cho đến những người trí thức, blogger trên
các trang mạng, kể cả một số quan chức đã về hưu và thức tỉnh, những đảng viên,
mẹ liệt sĩ, con em gia đình cách mạng một thời đi theo đảng...
Một người quen mà tôi xem như người anh, một nhà văn lưu vong từng sống ở Liên
Xô vào đúng giai đoạn Liên Xô sụp đổ, còn nói rằng so với Liên Xô lúc đó, người
Việt bây giờ chửi nhà nước còn mạnh hơn nhiều, một phần nhờ có... internet.
Song, vẫn có rất nhiều chuyện xảy ra ở VN mà nhiều người vẫn không biết, không
hiểu đến tận ngọn nguồn sự thật, nếu không theo dõi những nguồn tin tức khác với
báo chí truyền thông của nhà nước.
Bằng vào tất cả sự đàn áp, trừng phạt nặng nề dành cho những ai dám lên tiếng.
Bằng vào chính sách ngu dân, những luận điệu mỵ dân lặp đi lặp lại “chuyện
chính trị, chuyện lớn đã có đảng và nhà nước lo”. Bằng vào khái niệm “ổn định
chính trị, ổn định xã hội” mà nhà cầm quyền hay đem ra để lừa phỉnh người dân,
cộng với việc không bao giờ thèm lắng nghe mọi lời phản biện, khinh thường mọi
phản ứng của nhân dân... Tất cả đã tạo nên trong đại đa số người dân cái tâm lý
thờ ơ lẫn chán ngán, phó mặc vận mệnh đất nước cho nhà cầm quyền. Bởi có nói
thì cũng thay đổi được gì?
Tình trạng hiện tại và tương lai nào cho VN
Khi nhìn sang Miến Điện, một quốc gia nghèo và lạc hậu hơn VN, từng bị Hoa Kỳ
và nhiều quốc gia khác cấm vận trong suốt nhiều năm vì chế độ quân phiệt hà khắc,
từng lệ thuộc vào TQ nặng nề không kém gì VN... thế nhưng Miến Điện đã từng bước
thoát ra, một cách rõ ràng, dứt khoát về phía tự do dân chủ. Chỉ trong thời
gian chưa đầy hai năm, Miến Điện đã có những bước đi dài mà VN sau nhiều năm gọi
là “đổi mới” vẫn không làm được.
Trong rất nhiều nguyên nhân đưa đến sự thay đổi, cải cách của chính phủ Miến Điện
hiện nay, có nguyên nhân sâu xa từ chính nội lực, lương tri của dân tộc.
Bởi dù có một chế độ quân phiệt hà khắc, nhưng xã hội Miến Điện không bị tàn phá
đến tận cùng như xã hội TQ hay VN.
Như nhiều người đã từng du lịch đến xứ sở này nhận xét, dù nghèo khó lạc hậu
nhưng con người còn giữ được sự hiền lương, niềm tin vào Phật giáo, thế giới
tâm linh của con người chưa bị hủy diệt.
Phải chăng cũng chính triết học Phật giáo với sự khoan dung từ bi hỷ xả, niềm
tin vào luật nhân quả..., khiến cho những con người như Tổng thống Thein Sein
hay lãnh tụ đảng đối lập Aung San Suu Kyi có thể ngồi lại trò chuyện với nhau,
bỏ qua quá khứ, sự khác biệt?
Trong khi đó, xã hội VN hay TQ, một thời thì bị cái chủ nghĩa cộng sản ngoại
lai tôn sùng triết học duy vật, gạt bỏ cá nhân, gia đình, gạt bỏ thế giới tâm
linh... làm cho méo mó.
Tiếp theo lại bị cái mô hình “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”
què quặt, thực chất là sự kết hợp của tất cả những gì tệ hại nhất của chế độ
phong kiến lạc hậu, chủ nghĩa tư bản thời kỳ man rợ cộng với thể chế độc đảng độc
tài, phá hoại đến tận gốc rễ.
Con người không còn biết tin vào cái gì, dựa vào đâu, từ luật pháp, giáo dục
cho đến tín ngưỡng, tâm linh. Không tin vào nhà cầm quyền nhưng lại chưa vượt
qua được sự vô cảm với thời cuộc hoặc sự sợ hãi để chống lại nhà cầm quyền.
Sau bao nhiêu năm dài, quyền lợi của các quan chức từ trên xuống dưới đã sinh
sôi nảy nở ràng buộc quá chặt với chế độ, cộng với một hệ thống, cơ chế mà quyền
lực chồng chéo gắn chặt với nhau nên một vài cá nhân, nếu muốn, cũng rất khó
làm nên chuyện.
Quan trọng nhất, không một ai trong số những con người đang ngồi trên những cái
ghế lãnh đạo cao nhất hiện nay có một tầm nhìn xa hàng trăm năm. Để nhận ra
dòng chảy của thế giới, tương lai của các nước độc tài nói chung, VN nói riêng
và dứt khoát chọn lựa.
Do đó, những sự điều chỉnh, chỉnh đốn, những đợt phê và tự phê...cũng ví như chữa
mụn nhọt trong khi căn bệnh của xã hội VN đã là ung thư giai đoạn cuối, do sai
lầm của cả mô hình thể chế chính trị chứ không phải chỉ là loại bỏ vài cá nhân
hay điều chỉnh một vài chính sách.
Phong trào dân chủ ở VN thì rời rạc, yếu ớt, không thể tập hợp lại thành một khối,
cũng không lớn mạnh nổi.
Với một cái nhà nước và thực trạng dân tộc như vậy, mọi sự thay đổi là không hề
dễ dàng.
Tương lai nào cho VN, khi một lần nữa, ác mộng một ngàn năm lệ thuộc phương Bắc
lại có nguy cơ sắp xảy ra nhưng cả dân tộc vẫn chưa thực sự tỉnh thức?
(Nguồn SC-Treonline)
Quan Canh
Quan Canh
Đừng so sánh với Miến Điện..họ chưa từng bị CS !
Trả lờiXóa