Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




ĐỘC QUYỀN LÃNH ĐẠO, ĐỘC HỮU TÀI NGUYÊN, ĐỘC DỤNG CÔNG LỰC !!!

Tự do Ngôn luận số 165
Xã luận ngày 15-02-2013

Hiến pháp đúng nghĩa của mọi nước dân chủ văn minh là một «khế ước xã hội » (nguyên từ của triết gia Jean-Jacques Rousseau) xác định các quyền của nhân dân và nghĩa vụ của nhà nước qua các điều khoản kết thành một thể thống nhất, chặt chẽ. 

Trong các nước độc tài lạc hậu thì trái ngược, cái được gọi là «Hiến pháp» lại xác định các quyền của nhà nước và nghĩa vụ của nhân dân, cũng qua nhiều điều khoản kết thành một thể chặt chẽ, thống nhất. Thật ra đó chỉ là cương lĩnh của chính đảng độc tôn đang nắm trọn quyền thống trị quốc gia dân tộc.

Cái mà thường dân ngây thơ và trí thức lầm lẫn gọi là «Hiến pháp» của Việt Nam dân chủ cộng hòa (1959) rồi của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1980 và 1992), nơi đảng Cộng sản mặc sức tung hoành, làm mưa làm gió suốt gần 60 năm qua, cũng chỉ là cương lĩnh của đảng không hơn không kém. 

Nó càng lúc càng củng cố quyền lực mạnh mẽ cho nhà nước (tức cho đảng) và gia tăng các nghĩa vụ ngặt nghèo cho nhân dân. Điều này nay thấy rõ hơn nữa trong «Dự thảo Hiến pháp sửa đổi năm 2013» đang được gởi ra công luận để gọi là «lấy ý kiến» nhân dân (chứ không phải để được nhân dân phúc quyết).

Dự thảo 124 điều này, được biên soạn do các thành viên Quốc hội kiêm thành viên của đảng CS, mà đa phần thông thạo luật rừng hơn luật pháp, tựu trung có lẽ chỉ quy về 3 điểm : độc quyền lãnh đạo, độc hữu tài nguyên và độc dụng công lực. Ba điểm này liên hệ chặt chẽ với nhau.

1- Độc quyền lãnh đạo của đảng thì đã quá rõ qua điều 4

Trong đó các đồ đệ của Hồ Chí Minh vừa vỗ ngực tự khen: «Đảng CSVN, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc VN, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc», vừa mù quáng ảo tưởng: «lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng HCM làm nền tảng tư tưởng», vừa nghênh ngang lộng quyền: «là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội», vừa mỵ dân lường gạt: «Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình», vừa khiêm tốn đểu giả: «Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật».
            
Người ta biết rằng đây chẳng phải là sáng kiến gì mới của đảng CSVN. Điều 4 đó đã cảm hứng từ Điều 6 Hiến pháp năm 1977 của Liên bang Xô viết: «Đảng CS Liên Xô là lực lượng lãnh đạo và hướng dẫn xã hội Xô viết, là trọng tâm của hệ thống chính trị, mọi tổ chức nhà nước và tổ chức quần chúng. Đảng CSLX hiện hữu vì dân và phục vụ nhân dân. Đảng CSLX trang bị bởi chủ thuyết Mác-Lê, quyết định tổng quát đường hướng phát triển xã hội cho các chính sách đối nội và đối ngoại của LB Xô viết, lãnh đạo công tác xây dựng vĩ đại của nhân dân Xô viết... Mọi cơ cấu của đảng hoạt động trong phạm vi hiến pháp LB Xô viết » Và điều 6 này cũng đã cảm hứng từ bộ luật ngày 14-7-1933 của chế độ phát xít Hitler, quy định «Đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội chủ nghĩa [gọi tắt là Đảng Quốc Xã] là đảng chính trị duy nhất ở Đức. Bất kỳ người nào duy trì cơ cấu tổ chức của một đảng chính trị khác hoặc thành lập một đảng chính trị mới sẽ bị phạt với mức án đến ba năm khổ sai hoặc với án tù giam từ sáu tháng đến ba năm, nếu hành động không chịu hình phạt cao hơn chiếu theo quy định khác».
            
Gần đây, tuyên giáo trung ương đảng bắt đầu tung ra nhiều luận điệu biện hộ cho điều 4 này. To miệng nhất là ông Phan Trung Lý, chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật QH kiêm Trưởng ban biên tập «Dự thảo sửa đổi HP». Trong một cuộc phỏng vấn của đài BBC, tay chủ nhiệm này đã ngoác mồm biện minh cho điều 4 hiến pháp bằng bốn luận điểm. 

Thứ nhất là vì công trạng : đảng đương nhiên độc quyền vì đã được “lịch sử cách mạng chứng minh”. Đây là kiểu “ăn mày dĩ vãng” khi hiện tại đã quá bệ rạc. 
Thứ hai là vì đảng khẳng định như thế : «đảng phải tiếp tục cai trị, phải giữ vai trò lãnh đạo”. Đây là lối ngụy biện ngang ngược khi nhân dân bắt đầu chống đối. 
Thứ ba là vì thực tế cuộc sống «cũng yêu cầu liên tục khẳng định và duy trì điều 4”. Đây là sự khỏa lấp hiện tình bi đát và ảm đạm của xã hội. 
Thứ tư là vì «muốn nhấn mạnh trách nhiệm của đảng». Đây là kiểu cố đấm ăn xôi, tham quyền cố vị sau khi đã hoàn toàn vô trách nhiệm trước nhân dân và đất nước.
            
Dĩ nhiên trước sự độc quyền lãnh đạo muôn niên này thì nhân dân chỉ có một nghĩa vụ là vâng lời và các chính đảng khác chỉ có một số phận là bị tiêu diệt.
            
2- Độc hữu tài nguyên

Muốn giữ quyền thì đương nhiên đảng phải có tiền. Tiền ở đâu ra? Chính là ở tài nguyên đất nước. Do đó, bất chấp phản đối của toàn dân, đảng tiếp tục khẳng định qua Điều 57 (sửa đổi, bổ sung Điều 17, Điều 18): «Đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên khác, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa, vùng trời và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật». Chỉ cần phất một câu trong bộ luật tối cao này, đảng đã thu tóm ngon ơ mọi đất đai mà các cá nhân đã làm chủ từ bao đời và mọi công điền công thổ do tổ tiên để lại mà nhà nước chỉ có bổn phận quản lý.
            
Ở đây cần nói thêm về tài nguyên đất nước. Đó là tài sản của toàn dân, vì chính hàng triệu người qua bao thế hệ đã chiến đấu, đã sống gian khổ, thậm chí đã chết thảm thương để gìn giữ, bảo vệ và phát triển nó. Ngày nay việc khai thác tài nguyên này là độc quyền của nhà nước, trong khi nhà nước ấy do đảng lãnh đạo. Lãnh đạo các tập đoàn khai khoáng lại là người của đảng. Chưa hết, truyền thông về chuyện này đảng nắm, luật lệ về chuyện này đảng ra… trên dưới một giuộc, thì dễ hiểu hiểu tài sản chung này bị thất thoát, bị ăn chia đến mức nào. Và thực tế chứng tỏ đã bi thảm như vậy qua các tin tức như «Tập đoàn dầu khí để ngoài sổ sách hơn 10 ngàn tỷ», «Biếu không cho nước ngoài mỏ than tốt nhất Việt Nam»… Đang khi đó thì cái nhà nước tự gọi là «đầy tớ nhân dân» này -qua bao năm tháng- đã chẳng hề công khai và tự nguyện cho nhân dân biết đã khai thác những gì, bán cho ai, thu về bao nhiêu tiền bạc và tiền bạc ấy đã chi dùng vào việc gì.
            
Quyền độc hữu tài nguyên còn bày tỏ qua Điều 58 : «2- Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất để sử dụng ổn định lâu dài hoặc có thời hạn. Người sử dụng đất có trách nhiệm bảo vệ, bồi bổ, khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm, đúng mục đích...». Tất cả đều là ân huệ của nhà nước (của đảng) còn nhân dân, kẻ thuê mướn đất, thì chỉ có nghĩa vụ và nghĩa vụ. Chưa hết, «3- Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng... trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế xã hội ». Không có trong Điều 18 HP 1992,  điểm mới này một đàng hợp thức hóa những dự án đã làm đổ máu và nước mắt của nhân dân tại Văn Giang, Thủ Thiêm, Tiên Lãng, Vụ Bản, Dương Nội... và mở đường cho các đảng viên cao cấp kiêm đại gia tư bản tiếp tục tước ngay cả quyền sử dụng còn sót lại của nhân dân.
            
3- Độc dụng công lực

Đã có quyền (ngai vàng) và tiền (túi bạc), mà có một cách bất chính, thì đảng phải bảo vệ cả hai cho tới cùng. Do đó mà có Điều 70 (sửa đổi, bổ sung Điều 45) :

«Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng CSVN, Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế»

Đây là điều hết sức mới mẻ, mới mẻ một cách quái đản, vì HP 1946 không có điều khoản riêng về Lực lượng vũ trang này. 

HP 1959, Điều 8 chỉ nói «Lực lượng vũ trang là của nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ thành quả của cách mạng, bảo vệ độc lập, chủ quyền, lãnh thổ toàn vẹn và an ninh của Tổ quốc, bảo vệ tự do, hạnh phúc và sự nghiệp lao động hòa bình của nhân dân». 

HP 1980, Điều 51 và HP 1992, Điều 45 chỉ xác định «các lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và những thành quả của cách mạng, cùng toàn dân xây dựng đất nước». 

Nghĩa là ngay trong các HP 1980 và 1992, khi đang ở đỉnh cao của quyền lực, đảng CS cũng chưa dám khẳng định là lực lượng vũ trang phải trung thành với đảng. Hôm nay, khi chủ nghĩa và chế độ CS quốc tế đã hoàn toàn tan rã vì bị nhân loại phỉ nhổ, khi đảng CSVN không hoàn thành nhiệm vụ gìn giữ biên cương hải đảo của Tổ quốc, khi việc đặt quyền lợi của đảng lên trên quyền lợi quốc gia dân tộc bị phơi trần bộ mặt, khi nhân dân ngày càng coi đảng như kẻ thù (và ngược lại) thì đảng lại ma giáo đòi hỏi mọi lực lượng vũ trang (quân đội, công an, dân phòng...) phải tuyệt đối trung thành với đảng và phải bảo vệ đảng trước cả nhân dân đất nước. 

Luận điệu này đã được những tên tướng tá đê hèn như Phạm Tuấn Quang, Võ Tiến Trung, Nguyễn Tiến Bình bênh vực một cách trơ trẽn và ngu xuẩn. 

Quân đội được nhân dân sinh ra và tốn công  nuôi nấng thì phải phục vụ nhân dân, bảo vệ giang sơn đất nước chứ đâu phải tuyệt đối trung thành với đảng để rồi phải tuyệt đối xả thân bảo vệ cái nền tảng tư tưởng Mác-Lênin chết tiệt. Tệ hại hơn nữa, vì cái nền tảng tư tưởng quái dị ấy mà phải dấn thân làm đồ đệ cho một “mẫu quốc” nào đó như lập trường của Phùng Quang Thanh và Nguyễn Chí Vịnh trước Tàu cộng hiện nay.
            
Kết : 

Rõ ràng cái gọi là «Dự thảo HP» với 3 mục tiêu (độc quyền lãnh đạo, độc hữu tài nguyên và độc dụng công lực) chỉ là một mệnh lệnh ngang ngược của «chủ đảng» với «tớ dân» không hơn không kém. Theo lẽ thường, trước việc lấy ý kiến mang tính chất lường gạt công luận, khinh rẻ quốc dân và đầy mưu mô thâm độc như thế, toàn dân phải đồng loạt xuống đường đả đảo, thậm chí hỏi tội những tên đã ngang ngược viết ra nó. Nhưng với sự cố chấp và ngạo mạn của các lãnh đạo Cộng sản, sự mù quáng và tàn bạo của các lực lượng vũ trang sẵn sàng đàn áp dân lành, phải chăng toàn dân nên dùng một hình thức biểu tình khác là gởi thư đến Quốc hội Cộng sản Việt Nam để bày tỏ lập trường, thẳng thừng phản đối điều 4 và các điều liên hệ?

BAN BIÊN TẬP


1 nhận xét:

  1. Cuối cùng thì theo Ban Biên Tập là : "phải chăng toàn dân nên dùng một hình thức biểu tình khác là gởi thư đến Quốc hội Cộng sản Việt Nam để bày tỏ lập trường, thẳng thừng phản đối điều 4 và các điều liên hệ?" có nghĩa là dân nói, nói và chỉ là nói thôi à? Nếu chỉ nói(bằng thư) thôi để được gì hay là ngồi tù 7 năm như Cù Huy Hà Vũ, hay "phục hồi nhân phẩm" như Bùi Minh Hằng?

    Trả lờiXóa