Paris, Mùa Xuân 2001
Lướt Sóng mới nhận được bài "Kẻ sống sót trong trận hải chiến Hoàng
Sa" của tác gỉa Vương Văn Hà. Vì tính chất quan trọng của dữ kiện không ít
thì nhiều cũng là một sử liệu của cuộc hải chiến và đã biểu lộ được tinh thần
quả cảm và lòng căm hận của người chiến sĩ HQ/QLVNCH trước kẻ thù truyền kiếp
Trung Cộng luôn nuôi tham vọng xâm chiếm hải phận và đất đai của cha ông chúng
ta mà CSVN không những đã là kẻ nối giáo cho giặc mà còn công khai, trơ trẽn
bán đứng quê hương chúng ta nữa! Để tài liệu thêm phần khả tín, phần tiểu sử
người viết do chính tác giả cung cấp.
LS xin trình bày bài viết với bố cục:
Phần I : tiểu sử tác giả
Phần II : Người về từ Hoàng Sa
Lướt Sóng chân thành cảm tạ sự cộng tác nhiệt tình của tác giả và xin trân trọng
giới thiệu cùng đọc giả.
Lướt Sóng
----------------
Phần I : Tiểu sử tác giả
- Họ và tên : Vương Văn Hà
- Ngày và nơi sinh : 17/6/1950 tại Lạng Sơn, Bắc Việt
- Học Lực : Tốt nghiệp Trung Hoc Kỹ Thuật.
- Ra nhập HQ/VNCH tháng 11/1968.
- SQ: 70A 706340.
- Thụ huấn Khoá 53Tân Binh tại TTHL/HQ/Cam Ranh.
- Khoá I OJT năm 1969 do HQHK đảm trách huấn luyện về
Thủy Bộ, Tuần Dương, Tuần Giang.
- Cuối năm 1969 mãn khoá phục vụ thực tập với GD
Patrol Boat River 514 của HQHK.
- Thuyên chuyển về GD54TT(2GĐ 53 và 54 Tuần Thám do
HQHK giao lại cho HQVN/CH)
- Tham dự các chiến dịch Trần Hưng Đạo 1, 2, 3,
và 4.
- Thuyên chuyển về Hộ Tống Hạm Nhựt Tảo HQ 10
năm 1972.
- Bị thương, sống sót trong trận hải chiến Hoàng
Sa 21/1/1974.
- Huy Chương: Anh Dũng Bội Tinh, Chiến Thương Bội
Tinh, và Hải Dũng Bội Tinh.
- Được thăng cấp HS1/TP thuyên chuyển về TTTL/HQ
Saigon.
- Di tản ngày 30/4/1975 trên Hải Vận Hạm Lam
Giang HQ 402. Lúc đó chiến hạm BKZ đã phụ giúp Tr/Úy Hùng "Bắc Kỳ" giựt
máy ép gió, khởi động máy tàu ra khơi với gần 2000 đồng bào và quân cán chính.
( ** )
- Định cư tại Pháp Quốc.
- Làm việc cho hãng Citroen.
- Gia cảnh: ly dị-Có một con đã trưởng thành.
- Hiện sống với phụ cấp tàn phế 80%.
( *** ) Ghi chú của Lướt Sóng: HQ 402 đã được Đệ
Thất Hạm Đội của HQ/HK phá hủy và bắn chìm tại hải phận Quốc Tế để tránh trở ngại
cho các tàu qua lại vào chiều ngày 2/5/1975. Chi tiết xin đọc cuốn: HQ/VNCH Ra
Khơi năm 1975 của nhà văn nữ Điệp Mỹ Linh.
Phần II : Người về từ Hoàng Sa
Gần hai mươi bảy năm qua, Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ 10 đã và
đang nằm yên giấc ngàn thu dưới lòng biển Hoàng Sa mà nay Trung Cộng đã trắng
trợn xâm chiếm. Từ bấy lâu nay, tôi đã tưởng những kỷ niệm đau buồn này đã đi
vào quên lãng! Nhưng nay trước sự cổ võ của các bạn trong Hải Quân, dù rằng
chưa bao giờ tôi viết bất cứ một đề tài nào, nhưng nghĩ lại, là một trong những
người trực tiếp tham dự trận chiến Hoàng Sa thì cũng nên cố gắng ghi lại những
sự kiện có thật mà mình đã chứng kiến để rộng đường dư luận cùng tưởng niệm những
chiến hữu HQ/VNCH đã dâng hiến thân mình cho tổ quốc Việt Nam thân yêu của
chúng ta.
Tôi được tân đáo đến Hộ Tống Hạm Nhật Tảo vào mùa hè đỏ lửa năm 1972
sau một thời gian phục vụ tại Giang Đoàn 54 Tuần Thám với cấp bậc Hạ Sĩ trọng
pháo. Xuất thân khóa 53/TB Cam Ranh, SQ 70A706340. Ham Trưởng HQ 10 lúc đó là
HQ Thiếu Tá Đức sau làm Hạm Trưởng HQ 17. Những ngày đầu trên chiến hạm thật
khá vất vả đối với tôi vì nếp sống quen thuộc từ các đơn vị chiến đấu như Giang
Đoàn Thủy Bộ, Ngăn Chặn, Tuần Thám . . .nay phải bị gò bó nhiều về kỷ luật trên
chiến hạm. Một phần cũng có mặc cảm về hải nghiệp còn bỡ ngỡ. Nhưng với thời
gian tôi đã thích ứng rất mau. Khoảng gần một năm sau thì thay đổi Hạm Trưởng.
Tân Hạm Trưởng Ngụy Văn Thà là một vị Hạm Trưởng được rất nhiều cảm tình của Sĩ
Quan, Hạ Sĩ Quan, và Đoàn viên trên chiến hạm. Nhiệm vụ chính của HQ 10 vẫn thường
xuyên biệt phái cho Vùng I Duyên Hải với những cuộc tuần phòng viễn duyên. Thỉnh
thoảng có các cuộc yểm trợ hải pháo. Cứ mỗi lần yểm trợ hải pháo tôi thấy thích
thú vô vùng vì đã được sống lại với những kỷ niệm của các cuộc hành quân hồi
còn ở giang đoàn.
Tôi luôn luôn ở bên ổ trọng pháo 76. 2 ly mà sau này tôi rất
quen thuộc. Công việc trên chiến hạm của tôi là đi ca đài chỉ huy, tu bổ chiến
hạm, bảo trì cây 76.2 ly. Bản tính bẩm sinh đã hơi phóng túng và ngang tàng do
đó tôi thường hay bị ông Quản Nội Trưởng là Thượng Sĩ TP Châu la rày ( Thượng
Sĩ Châu là HSQ Huấn Luyện Viên của các khóa SVSQ). Trên chiến hạm lúc đó có hai
phe: một bên là những người rất quen thuộc với các chiến hạm thuộc Hạm Đội, một
bên là nhân viên từ các giang đoàn thuyên chuyển về do đó nhiệm vụ của ông Quản
Nội Trưởng rất mệt nhọc để tạo nên bầu không khí hài hoà thông cảm. Dù vậy, với
thời gian chúng tôi trở nên những người bạn thân thiết. Đời tôi nay đã quen với
biển cả trùng dương, dù rằng đôi lúc cũng nhớ tới lục bình Cửu Long Giang hoặc
Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây . . .
Chuyến ra khơi lần cuối của HQ 10.
Trời gần vào Xuân, Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ 10 tháo dây rời bến Hải Quân Công Xưởng
vào lúc xế chiều. Khí hậu Sài Gòn có phần nào mát mẻ, dễ chịu hơn. Chiến hạm từ
từ chạy qua Bộ Tư Lệnh Hải Quân, với hàng dàn chào trong quân phục tiểu lễ trắng
toát uy nghi. Quốc Kỳ, Chiến Kỳ của HQ 10 tung bay lộng gió. . . Tàu chạy ngang
qua nhà hàng Majestic tráng lệ để lần lần rời xa Sài Gòn với đầy thương nhớ:
gia đình, người yêu và thành phố thân yêu quen thuộc. Cũng như mọi chuyến tuần
dương, thời gian biệt phái công tác của HQ 10 từ tháng 11/73 đến cuối tháng
01/74.
Sau hai tháng chu toàn nhiệm vụ, tàu được lệnh về căn cứ thuộc Vùng I Duyên Hải
để bàn giao công tác cho Chiến Hạm thay thế là HQ 11.
Mọi người trên chiến hạm ai cũng hân hoan ra mặt vì sẽ được xum họp cùng gia
đình vợ con vào dip Xuân Con Cọp 1974. Hải Quân Đại Tá Trần Văn Triết đã lên
tàu chúc chiến hạm về Saigon ăn Tết vui vẻ. Chúng tôi lãnh lương và được đi bờ.
Chia nhau từng nhóm nhỏ ra phố mua sắm quà Tết cho gia đình. Có người lo gửi tiền
về để ở nhà kịp sắm sửa lo Tết trước. Tôi và một số các bạn khác tung hoành
trên các đường phố Đà Nẵng để tiêu khiển một vài chung lếu láo. Sau đó qua đường
rày xe lửa nổi tiếng là khu vực nóng của Đà Nẵng. . . thế là thoải mái sau những
ngày gò bó lênh đênh trên biển cả.
Cuộc chơi nào cũng tàn, chúng tôi trở về tàu thì chiến hạm lại được lệnh đi
công tác khẩn cấp đặc biệt. Tôi vẫn bình tĩnh phì phà điếu thuốc nhìn sang bên
kia sông thấy chiếc HQ 5 đang đậu tại cầu BTL/VIZH. Riêng HQ 10 đang đậu tại cầu
tàu CCYT/ĐN. Chiến Hạm HQ 10 rời cầu tàu vào khoảng 2000H. Trên HQ 5 có sự hiện
diện của HQ Đại Tá Hà Văn Ngạc, Chỉ Huy Trưởng Chiến Dịch Hoàng Sa.
Trên đài chỉ huy HQ 10, với không khí khác thường so với các cuộc tuần dương
thường lệ. Máy truyền tin inh ỏi. Tiếng ra lệnh lập lại liên hồi khiến tôi có cảm
tưởng chuyến công tác lần này rất quan trọng và khẩn trương. Tôi đi ca từ 20:00
giờ đến 24:00 giờ.
Đài chỉ huy có sự hiện diện của Hạm Trưởng HQ Th/Tá Thà và Hạm
Phó HQ Đ/úy Nguyễn Thành Trí cùng một vị sĩ quan đương phiên. Đoàn tàu vận chuyển
theo đội hình hàng dọc. Đi đầu là HQ 5. Lúc này tôi có dịp quan sát trên khuôn
mặt mọi người như có chuyện gì rất căng thẳng với chút ưu tư, lo lắng. Mãn ca,
như thường lệ, tôi trở về khu vực nghỉ ngơi. Sau một ngày mệt mỏi nên tôi đã ngủ
một giấc ngon lành.
Giật mình vào lúc sáng sớm vì tiếng còi gọi nhiệm sở tác
chiến kéo lên như thúc giục. Tôi vội vã mặc nhanh quân phục chạy vào nhiệm sở
tác chiến là khẩu 76.2 ly quen thuộc. Tại đây có HS/VC Trứ, HS/TP Hùng mập,
TT/TP Đức, TS/TP Nam và Trưởng khẩu là HQ/Tr/Úy Đông. Mọi người ở trong tư thế
sẵn sàng chiến đấu một mất một còn với bọn xâm lăng Trung Cộng. Về phía HQVN
tôi thấy có các chiến hạm như sau: HQ5, HQ10, HQ4, HQ16. Hạm đôi của chúng tôi
được chia làm hai toán. Toán 1 là HQ5 và HQ4; toán 2 là HQ10 và HQ16. Quan sát
phía địch tôi thấy chúng có 4 chiến hạm, tôi nghĩ có lẽ là loại Constadt của
Liên Sô? Phiá xa hơn xuất hiện thêm hai chiến hạm nhỏ có trang bị đại bác 57 ly
không giật.
Thấy bạn bè có vẻ căng thẳng tôi đã khích lệ họ và mời họ hút thuốc Captan cho
lên tình thần và xuống nhà bếp lấy cháo trắng với thịt mỡ lên ăn tại chỗ cho đỡ
đói vì nhiệm sở từ sáu giờ sáng mà bây giờ đã hơn chín giờ.
Không xa là quần đảo
Hoàng Sa, mảnh đất ngoài khơi từ đời nào vẫn thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trên
đảo cây cỏ mọc không cao lắm, chim én bay lượn đày trời. Trần mây dày và thấp.
Biển êm và rất oi bức. Lòng tôi rất rộn rã, bị kích thích bởi ý chí chiến đấu
chống kẻ thù xâm lăng, tôi tự nhủ khi được lệnh là đánh chìm ngay chiếc tàu địch
kế cận. . . Đang quan sát các tàu Trung Cộng thì Hạm Trưởng ra lệnh tất cả các
khẩu trọng pháo chĩa thẳng vào chúng. Nhờ ở sân trước với tầm nhìn khá xa, tôi
thấy HQ16 đang ở bên HQ10. Trái lại HQ4 và HQ5 ở khá xa chúng tôi. Nếu tôi nhớ
không lầm thì đó là ngày 21/01/74 và giờ giấc thì tôi hoàn toàn không nhớ rõ,
chúng tôi được lệnh từ đài chỉ huy là trực xạ ngay vào các tàu Trung Cộng.
Ngay từ phút đầu của cuộc hải chiến, trái đạn 76.2 ly từ khẩu hải pháo của HQ10
đã trúng ngay đài chỉ huy của tàu địch rồi tiếp theo là 10 trái nữa khiến tàu
Trung Cộng mất đều khiển và quay vòng vòng ở phiá tả hạm của HQ10.
Chiếc thứ
hai, bên hữu hạm HQ10 đã dùng hỏa tiễn bắn vao hầm máy HQ10, cùng lúc thi các
khẩu 37.2 ly nhả đạn vào đài chỉ huy của HQ10. Lần này thì đến phiên HQ10 bị bất
khiển dụng khiến cho tàu địch đã bị bắn ở phía tả hạm đụng vào tàu chúng tôi. Lợi
dụng lúc HQ10 bị mất ưu thế, tàu địch đã dùng 37.2 ly bắn tiếp vào đài chỉ huy
của HQ10 và khẩu 76.2 ly của chúng tôi.
Sau những loạt đạn của địch, trước mắt
tôi là cả một thảm kịch đau lòng. Trên đài chỉ huy Hạm Trưởng Ngụy Văn Thà đã
hy sinh. Thượng sĩ vận Chuyển Lễ bị đạn vào đầu gục chết ngay tại tay lái. Hạm
Phó Nguyễn Thành Trí bị thương nặng cùng các nhân viên giám lộ, vô tuyến khác.
Riêng ở khẩu 76 ly 2 Trung Úy Đông trưởng khẩu hy sinh. TS/TP Nam, HS/TP Trứ,
TT/TP Đức đều hy sinh tại vị trí chiến đấu. Chỉ mình tôi vô sự. Lòng tôi đau đớn
vô cùng trước cảnh Hạm Trưởng, các Sĩ Quan và bạn bè chung quanh đã hy sinh
không toàn thây!
Trong khi đó thì tàu địch quá sát tàu ta lại bắn xối xả vào. Đau đớn trong cảnh
bất lực của minh, tôi ao ước như được ở giang đoàn, giá mà có vài trái M72 tôi
sẽ đứng thẳng xơi tái ngay chúng nó. Ở phiá sân sau các khẩu Baufort 40 ly,
20ly vẫn còn đang nhả đạn oanh liệt tuy rằng một số đã bị thương và chết. Nhân
viên cơ khí còn đủ sức từ hầm máy chạy lên lối đào thoát phía trước, tôi thấy
người nào người nấy cũng bị cháy đen thui với thân mình đày dầu, mỡ. Sau một hồi
giao tranh thì một con sóng đã làm tàu địch và HQ10 tách ra xa khoảng 50 mét.
Tiếng súng đã êm bớt. Hạm Phó Trí mặt đầy máu đứng gần bè cấp cứu dõng dạc
tuyên bố: " Hạm Trưởng đã hy sinh, tôi thay mặt Hạm Trưởng tuyên bố ra lệnh
đào thoát". Còn một mình trên khẩu 76ly 2, tôi chạy nhanh đến hai bè bên hữu
hạm, giựt bè rớt xuống và nhảy xuống biển.
Bọn Trung Cộng đã không tôn trọng quy ước quốc tế tiếp tục bắn vào bè của chúng
tôi và lần này tôi bị trúng thương ở chân trái nhưng cũng may nhờ mang đôi giầy
chiến đấu ở giang đoàn nên không đến nỗi nặng lắm. Trong lúc nhảy xuống biển
đào thoát, xương sống tôi đã bị đập vào thành bè đó là hậu qủa nặng nề nhất cho
tôi tới ngày nay. Xương sống bị yếu gây thiệt thòi cho cuộc sống của tôi ở hải
ngoại.
Dù bị thương nặng, cuối cùng Hạm Phó Trí cũng đã xuống được bè đào
thoát. Tôi vớt được Trung Sĩ Vô Tuyến Tuấn, bị thương đang lềnh bềnh trôi xa
bè. Lúc này tôi thấy 4 chiếc bè trên mặt biển và bọn Trung Cộng vẫn tiếp tục nhả
đạn vào bè chúng tôi. Đạn văng tung toé trên mặt biển. Nhờ có chút kinh nghiệm
trên chiến trường, tôi vội la lớn anh em chỉ để l đầu ti xíu để tránh đạn địch.
Vào lúc này tôi không thấy hai chiếc HQ4 và HQ5. Chắc chắn cũng đang hải chiến
với các tàu Trung Cộng khác. Riêng HQ16, phần sau lái bên tả hạm đã bị nghiêng.
Tôi nghĩ có lẽ tàu Trung Cộng đã dồn hết hỏa lực để tấn công HQ10 vì là chiếc
khai hỏa đầu tiên và rất mãnh liệt tấn công gây thiệt hại nặng nề cho chúng. Bốn
chiếc bè đã được cột chặt vào nhau và rời xa tàu mẹ thân yêu đang từ từ chìm
vào lòng biển. Buổi lễ thủy táng đầu tiên cho TS/VT Tuấn bị thương nơi đầu vào
chiều tối đầu tiên của ngày đào thoát. Qua sáng hôm sau Hạm Phó Trí ra đi vì vết
thương qúa nặng.
Đến đêm thứ hai thì vì sóng gió 4 chiếc bè đã bị đứt giây nối văng ra xa mỗi
chiếc một nẻo. Thật đau đớn thay! Trên bè tôi vẫn còn một ít thực phẩm khô dù rằng
đã bị mục nát và ít nước ngọt. Được vậy là do công ơn của Thượng Sĩ Lê, lúc nào
ông cũng săn sóc để ý đến các bè cấp cứu. Tiếc thay ông đã ra đi ngay từ phút đầu.
Trên bè tôi gồm có Thượng Sĩ Châu, TS/GL Vương Thương, HS Tuấn và một người nữa
mà lâu ngày tôi không còn nhớ tên. Đến ngày thứ tư thì TS'/GL Thương đã bắt đầu
mê sảng vì thiếu nước và không chịu nổi sức nóng kinh khủng ở giữa biển và
Thương đã chết dù rằng trước đó anh không bị thương. Chúng tôi đã giữ xác anh
trên bè một ngày nhưng vì mùi hôi nên cuối cùng đã làm lễ thủy táng vào khoảng
17.00 giờ. Chúng tôi đã cầu nguyện và khấn vái anh:"là nghề nghiệp Giám Lộ,
xin anh chỉ dẫn đường để được gặp tàu bạn".
Đến khoảng 20.00 giờ, Thượng sĩ Châu đã bắt đầu quaù mệt mỏi. Còn lại tôi và
hai anh em khác nữa cũng gần trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê. Bỗng như có vong
hồn anh Thương cứu độ, tôi thấy một chiếc thương thuyền đang chạy từ đằng xa đã
đổi hướng quay đầu về phía chúng tôi.
Sau này tôi biết đó là chiếc tàu của Hoà
Lan. Trời đã tối, tôi thấy mấy ngọn đèn pha chiếu vào bè chúng tôi và sau đó
chiếc cano cấp cứu đã vớt chúng tôi lên tàu. Vì vết thương đã làm độc và quá mệt
mỏi sau bốn ngày ba đêm ngâm trong nước biển, nên tôi đã ngất xỉu hồi nào không
hay. Lúc tỉnh dậy, tôi thấy tất cả mọi người trên thương thuyền đã tận tình
giúp đõ lo lắng cho anh em HQ10. Các cô trên tàu đã cho chúng tôi dùng soup. Vì
quá đói, thay vì ăn uống từ từ, chúng tôi đã phạm sai lầm ăn uống quá nhiều nên
thân nhiệt tăng lên cao rất nhanh. Vì quá nóng, Thượng Sĩ Châu lê vào phòng tắm
xối nước cho mát đã ngất xỉu và chết trong buồng tắm trên tàu. Riêng tôi cũng gần
chết nhưng nhờ còn trẻ nên đã vượt qua được. Sau đó tàu Hoà Lan cũng vớt được
các bè khác trong đó có Thiếu Úy Ngưu. Có lẽ Thiếu Úy Ngưu là người biết nhiều
về cuộc vượt thoát này. Hiện ông đang ở Mỹ.
Sau cùng thì chúng tôi được chuyển sang HQ17 kể cả xác của Thượng Sĩ Châu đem về
Đà Nẵng. Vào đến Căn Cứ Hải Quân Đà Nẵng, Chúng tôi được Đại Tá Thiện, Phó Đề Đốc
Hồ Văn Kỳ Thoại đón tiếp. Riêng tôi được chuyển đến Bệnh Viện Duy Tân Đà Nẵng
để giải phẫu vết thương ở chân. Sau đó tôi được chuyển tiếp về Bệnh Viện Hải
Quân Saigon đìều trị . Về huy chương, tôi được Chiến Thương Bi Tinh do Đô Đốc
Trần Văn Chơn Tư Lệnh Hải Quân gắn. Trung Tướng Ngô Quang Trưởng Tư Lệnh VICT
ban tặng Anh Dũng Bội Tinh. Về đến Saigon được Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm gắn Hải
Dũng Bội Tinh.
Ngày nay khi viết lại những ngày này, tôi không khỏi bùi ngùi tưởng nhớ tới những
người anh, người bạn đã dũng cảm hy sinh thân xác để bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Xin ghi ơn những người đã vị quốc vong thân!
Miền Nam Việt Nam lúc đó một mặt
dù phảỉ chiến đấu cam go, và một mình đương đầu với CSBV có cả một khối Cộng Sản
Quốc Tế lớn lao đứng đằng sau, vẫn hiên ngang, can đảm bảo vệ chủ quyền đất nước
mà trận Hoàng Sa là tiêu biểu. Những người Cộng Sản cầm quyền ở Việt Nam vẫn
luôn luôn rêu rao, tuyên bố láo khoét là bảo vệ vùng đát, vùng biển, vùng trời
của nước Việt, vậy mà không giám đả động gì tới quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Cộng,
một đàn anh và cũng là một đồng chí của họ đã chiếm đoạt từ hai mươi bảy năm
nay. Than ôi !
HS1/TP Vương Văn Hà
Paris Mùa Xuân 2001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét