Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




PHỎNG VẤN KỸ SƯ ĐỖ NAM HẢI (PHƯƠNG NAM) TỪ SÀI GÒN

Đài Tập Hợp vì Nền Dân Chủ 
17-8-2012

KS Đỗ Nam Hải và BS Nguyễn Đan Quế
Phóng viên (PV): Xin thân chào kỹ sư Đỗ Nam Hải, một nhà đấu tranh dân chủ, một nhân vật bất đồng chính kiến từ Sài Gòn đã trả lời phỏng vấn của đài Tập hợp vì nền dân chủ hôm nay.

Kỹ sư Đỗ Nam Hải: Vâng, xin kính chào chị và xin kính chào quý thính giả của đài Tập hợp vì nền dân chủ. Tôi là Đỗ Nam Hải đang phát biểu từ thành phố Sài Gòn – Việt Nam.

PV: Mở đầu câu chuyện, anh có thể cho quý thính giả được biết vì sao cùng với bác sỹ Nguyển Đan Quế, anh là một trong những người đầu tiên ký tên vào Bản Lên Tiếng về cái chết bi thảm, đầy uẩn khúc của bà Đặng Thị Kim Liêng, mẹ của blogger Tạ Phong Tần, hiện còn đang bị ngồi tù?

Đỗ Nam Hải: Ngày 8/8/2012 vừa qua, tức là 9 ngày sau sự ra đi của bà Đặng Thị Kim Liêng, người mẹ của blogger Tạ Phong Tần hiện đang bị chế độ tù đày thì một Bản Lên Tiếng của hàng chục người Việt Nam ở cả trong và ngoài nước về cái chết của bà đã được chuyển đi rộng rãi qua mạng Internet. Quý thính giả có thể vào địa chỉ trang web, gồm cả tiếng Việt và tiếng Anh: http://vietnamhumanrightsdefenders.wordpress.com/ để biết thêm chi tiết. 

Từ con số hàng chục người ủng hộ ban đầu chỉ vài ngày sau, con số này đã tăng lên hàng trăm người. Theo tôi, ai là người có lương tri cũng đều hết sức xúc động và phẫn nộ về cái chết đầy bi thảm và nhiều uẩn khúc của bà Liêng. Bác sỹ Nguyễn Đan Quế và những người khởi xướng ra nó muốn một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về sự lộng hành của bộ máy an ninh Việt Nam. Họ được Nhà cầm quyền giao nhiệm vụ là bằng mọi giá, cho dù là độc ác và phi pháp đến đâu chăng nữa miễn là khuất phục được những tiếng nói đấu tranh ở trong nước, mà chị Tạ Phong Tần là một trong những người như vậy. Ngoài việc bắt giam chị, công an Việt Nam còn liên tục o ép, sách nhiễu bà Liêng và gia đình bà trong những năm qua.

PV: Vậy thưa anh, trong Bản lên tiếng ấy, quý vị lãnh đạo tinh thần, thân hào, nhân sĩ, trí thức, những nhân vật đấu tranh trong và ngoài nước đã đòi hỏi Nhà cầm quyền VN những điều kiện tiên quyết gì?

Đỗ Nam Hải: Sau khi nêu lên những việc diễn ra trong và sau cái chết của bà Liêng, sự quan tâm của đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước, sự lên tiếng mạnh mẽ của giới truyền thông và các cá nhân, tổ chức nhân quyền, ngoại giao,… quốc tế thì Bản Lên Tiếng nêu lên ba vấn đề đòi Nhà cầm quyền Việt Nam phải:

Điều tra và trả lời trước công luận rằng đây có phải là một vụ tự thiêu thực sự hay không? Nếu không chứng minh được rõ ràng, công luận có quyền nghi ngờ bà Liêng đã bị chết một cách nào đó khác, rồi Nhà cầm quyền dàn dựng như là bà đã tự thiêu để đánh lừa dư luận. Đồng thời, đòi Nhà cầm quyền phải trừng trị đích đáng những viên công an đã trực tiếp chỉ đạo việc sách nhiễu, o ép bà Liêng và gia đình bà.

Trả tự do ngay tức khắc và vô điều kiện cho chị Tạ Phong Tần cùng các anh Nguyễn Văn Hải, Phan Thanh Hải và những tù nhân lương tâm khác đang bị họ giam cầm trái phép.

Tôn trọng những giá trị phổ quát về nhân quyền và dân chủ mà Nhà cầm quyền VN đã ký với thế giới nhưng lại không được tôn trọng, để dân tộc Việt Nam có đủ sức mạnh làm chủ vận mệnh của mình nhằm chống lại được lũ giặc nội xâm tham nhũng và lũ giặc ngoại xâm phương Bắc.

PV: Theo anh thì Nhà cầm quyền VN có sẵn sàng đáp ứng những yêu sách đó không, hay là họ vẫn giữ thái độ hoàn toàn yên lặng như bấy lâu nay? Trong trường hợp đó, chúng ta sẽ phản ứng ra sao?

Đỗ Nam Hải: Có thể khẳng định rằng: từ trước đến nay, chưa bao giờ Nhà cầm quyền VN đáp ứng những đòi hỏi chính đáng từ những tiếng nói đấu tranh ở Việt Nam và lần này theo tôi cũng sẽ là như vậy. Thế nhưng, những người ký tên ủng hộ cho Bản lên tiếng này hướng tới mục tiêu khác. Đó là đánh thức lương tâm dân tộc và lương tâm nhân loại về việc các quyền con người ở Việt Nam vẫn đang bị Nhà cầm quyền chà đạp nghiêm trọng. Qua đó, từng bước xây dựng và phát triển các lực lượng dân tộc ngày càng lớn mạnh để đấu tranh cho một nền dân chủ thực sự ở Việt Nam, với sự ủng hộ ngày càng thiết thực và có hiệu quả của cộng đồng thế giới tiến bộ hôm nay.

Những tổ chức và cá nhân trên thế giới đã lên tiếng kịp thời về cái chết của bà Liêng như: Ủy ban bảo vệ ký giả, Tổ chức Phóng viên Không Biên Giới, Liên đoàn quốc tế về nhân quyền, Tổ chức chống tra tấn thế giới, Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Geneva – Thụy Sỹ, bà Loretta Sanchez và chính giới châu Âu, Úc, Mỹ… Cho dù lần này chính quyền vẫn tiếp tục im lặng và phớt lờ những đòi hỏi thiết thực, chính đáng của Bản Lên Tiếng như bao lần trước thì cuộc vận động nhất định sẽ không dừng lại mà vẫn tiếp diễn, để tạo áp lực ngày càng tăng. Theo tôi, đây chính là quá trình tích cực trong việc đòi những quyền tự do căn bản của con người về cho dân tộc Việt Nam!

PV: Theo anh, cũng vào dịp Bản Lên Tiếng vừa nói được phổ biến thì 71 nhân sĩ, trí thức hàng đầu tại Việt Nam cũng đã gửi thư ngỏ lên quốc hội, chủ tịch nước, chính phủ và bộ chính trị Đảng CSVN để cảnh báo về tình trạng nguy ngập của đất nước ta trước sự bành trướng thế lực và ngày càng lấn lướt của Bắc Kinh. Đồng thời yêu cầu đảng và chính phủ phải cải cách toàn diện về chính trị, anh có ý kiến gì về bức thư ngỏ này?

Đỗ Nam Hải: Trong bức thư ngỏ nêu trên, vào ngày 6/8/2012 có đoạn: “Trong việc bảo đảm thực hiện các quyền hiến định về tự do, dân chủ, cần nhấn mạnh quyền tự do kinh doanh, quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, quyền được thông tin, quyền lập hội, quyền được tự do bày tỏ thái độ chính trị thông qua các cuộc biểu tình ôn hòa”. Lý do để 71 vị nhân sỹ, trí thức ấy gửi bức thư ngỏ thứ ba này là trên cơ sở nhận định rằng: “Bắc Kinh đã đi được những bước quan trọng trong việc thực hiện mưu đồ chiến lược bá quyền của họ, nhằm làm cho Việt Nam suy yếu, chịu khuất phục hay lệ thuộc vào Trung Quốc”.

Theo tôi, đây là bức thư đầy tâm huyết của những người Việt Nam yêu nước. Nhưng cũng như bao lần trước đó, Nhà cầm quyền sẽ lại tiếp tục phớt lờ những đề nghị, khuyến cáo đúng đắn đó mà thôi. Cùng lắm, họ sẽ lại chơi trò ranh ma là chọn ra  một vài người trong số 71 người nói trên, rồi cử đại diện trả lời nhăng cuội cho xong chuyện. Sự việc 42 nhân sĩ, trí thức ở Sài Gòn vừa qua đề nghị các đoàn thể đứng ra tổ chức biểu tình chống những hành động leo thang xâm lược ngày càng ngang ngược của Trung Quốc và phản ứng của Nhà cầm quyền sau đó là thêm một thí dụ nữa để chứng minh cho nhận định này.

PV: Thưa Anh, còn đối với những vụ cưỡng chiếm đất đai bằng võ lực từng xảy ra ở Tiên Lãng, Văn Giang, Vụ Bản và mới đây tại Can Lộc - Hà Tĩnh thì Hà Nội có cách giải quyết thoả đáng hay không? Hay là họ lại để mọi việc chìm xuồng cho xong việc? Người dân nghĩ gì về những hành động sai trái đó?

Đỗ Nam Hải: Không bao giờ Nhà cầm quyền có thể giải quyết được thỏa đáng cho những vụ việc nêu trên. Sự tham nhũng về ruộng đất của các loại quan chức lớn – nhỏ, từ trung ương tới các địa phương và các “nhóm lợi ích” độc ác, tham lam là có đầy trên mảnh đất này! Cái gọi là “đền bù giải tỏa” trong các dự án luôn luôn là sự trao đổi không ngang giá mà bên chịu thiệt thòi chính là người dân. Nó đã đẩy số phận của hàng chục triệu nông dân Việt Nam vào bước đường cùng, không lối thoát. Khẩu hiệu “Người cày có ruộng” mà cuộc “cách mạng vô sản” vẫn thường rêu rao nay đang bị chính chế độ ấy hủy hoại. Mọi động thái mà Nhà cầm quyền đưa ra nhằm sửa Luật đất đai hiện hành, nhưng lại luôn tìm cách né tránh quyền tư hữu đất đai của người dân đều chỉ là những điều chỉnh vặt vãnh, không cơ bản hòng đánh lừa dư luận và tham nhũng vẫn hoàn tham nhũng!

PV: Tin tức thời sự từ Việt Nam cho biết các vụ cho công an đàn áp, bắt bớ, ngăn cản sinh hoạt tôn giáo, giải tán biểu tình yêu nước vẫn liên tục xảy ra, theo anh thì nhận định từ giới truyền thông quốc tế nói rằng Hà Nội ngày càng mạnh tay đối phó với người dân, điều đó có chính xác hay không?

Đỗ Nam Hải: Điều đó là hoàn toàn chính xác. Một mặt nó cho thấy phong trào đấu tranh của nhân dân với Nhà cầm quyền để đòi các quyền dân sinh, dân chủ, đòi bảo toàn đất tổ,… đã ngày càng phát triển nhanh chóng cả về lượng và chất, nỗi sợ của người dân đã dần mất đi. Mặt khác, nó cũng cho thấy sự lỳ lợm, ngoan cố của Nhà cầm quyền quyết tâm duy trì thứ quyền lực phi nhân, phi nghĩa của họ, cho dù có phải gây ra muôn vàn tội ác với nhân dân. Thế nhưng, ngày nay với các phương tiện như: truyền hình, radio, điện thoại, Internet, ghi âm, ghi hình… thì những sự đàn áp, bắt bớ đó của công an Việt Nam đối với nhân dân là rất khó che dấu. Điều này là rất khác so với trước kia.

Trong Tuyên bố của Khối 8406 vào ngày 28/7/2012 vừa qua có đoạn:“Lực lượng công an, quân đội sinh ra từ nhân dân và nuôi sống bởi nhân dân chớ để mình hay tự biến mình thành kẻ thù của nhân dân bằng cách đàn áp những tấm lòng yêu nước, theo lệnh các lãnh đạo cộng sản. Bằng không, anh em sẽ đắc tội trước lịch sử và sẽ trực tiếp hứng chịu sự trừng phạt của nhân dân khi những kẻ sai khiến anh em bỏ chạy ra nước ngoài.”

PV: Theo anh, cho dù bị công an, bộ đội trấn áp, hành hung, giam cầm thì những đợt biểu tình chống hiểm họa bá quyền Trung Quốc có bị ảnh hưởng hay bị dập tắt hay không?

Đỗ Nam Hải: Cho đến nay, quân đội Việt Nam chưa trực tiếp tham gia vào những hành động đàn áp những người biểu tình chống hiểm họa của chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc. Những lực lượng đàn áp người biểu tình năm 2011 và 2012 vừa qua là công an, dân phòng, “thanh niên tình nguyện”… Tuy nhiên, những vấn đề của quân đội Việt Nam lại nằm ở chỗ khác, đó là: hải quân Việt Nam trong thực tế đã không bảo vệ được ngư dân của mình, khi họ ra khơi đánh cá và cũng không ngăn chặn được tầu Trung Quốc khi chúng xâm phạm lãnh hải Việt Nam

Theo tôi, cho dù những cuộc biểu tình chống sự xâm lược của Trung Quốc có bị Nhà cầm quyền Việt Nam đàn áp khốc liệt đến đâu đi chăng nữa thì lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam cũng không bao giờ bị dập tắt. Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta từ ngàn đời nay đã chứng minh cho chân lý đó. Qua việc đàn áp những người biểu tình yêu nước, Nhà cầm quyền Việt Nam rõ ràng là đang tiếp tay cho dã tâm xâm lược của phía Trung Quốc và đang chống lại ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Tội lỗi đó, họ nhất định sẽ phải trả lời trước dân tộc và lịch sử khi dân tộc này chuyển mình!

PV: Anh có thể cho quý thính giả biết về tình trạng hiện nay của anh.

Đỗ Nam Hải: Tính từ tháng 8 năm 2004 đến nay là vừa đúng 8 năm, nhà tôi ở luôn bị công an Sài Gòn chốt gác chặt chẽ. Nhà tôi là 441 Nguyễn Kiệm, còn 3 – 4 cậu công an thì suốt ngày đêm ngồi ở ngôi nhà đối diện, số 430 Nguyễn Kiệm, Q. Phú Nhuận tức là chỉ cách con đường rộng khoảng 15 m, rồi nhìn ngó lom lom sang nhà tôi. Họ không nghỉ một ngày nào, kể cả những ngày lễ, tết, cuối tuần hay ngày thường. Tôi cũng đã hàng trăm lần bị họ chặn bắt trái phép dọc đường rồi đưa về đồn công an để “làm việc”, 9 lần bị hàng chục công an xông vào nhà tịch thu 9 máy tính và nhiều phương tiện làm việc khác, dưới chiêu bài: “kê biên tài sản để phát mãi, vì đương sự không chịu tự giác nộp phạt hành chính do vi phạm quy định về sử dụng Internet”. Mỗi khi tôi đi đâu thì họ bám theo như hình với bóng. Thế nhưng, tất cả những điều đó đều không làm tôi nản chí sờn lòng. Ngược lại, nó càng củng cố thêm cho tôi quyết cùng dân tộc và thời đại đứng lên giành lấy tự do dân chủ cho đất nước.

PV: Trước khi tạm biệt, anh có điều gì chia sẻ thêm với quý thính giả đang theo dõi chương trình của đài Tập hợp vì nền dân chủ?

Đỗ Nam Hải: Ở Việt Nam hôm nay, bất cứ ai lên tiếng tố cáo những sự tham nhũng, thối nát của bộ máy cầm quyền hoặc lên án sự xâm lược ngày càng trắng trợn và ngang ngược của Trung Quốc, nếu không đúng với sự “định hướng của Đảng ta” sẽ đều bị Nhà cầm quyền thẳng tay đàn áp. Họ luôn bị theo dõi, bao vây, ngăn chặn, cô lập hoặc bị hăm dọa, lăng nhục, đánh đập, giam cầm.

Vì vậy, có thể khẳng định rằng: sau bao năm dài chiến tranh, với hàng núi xương, sông máu của hàng triệu người Việt Nam đã đổ xuống thì những giá trị như: Tự do – Công lý - Bình đẳng – Bác ái vẫn hoàn toàn vắng bóng. Xã hội ngày càng xuống cấp, bất an và bất ổn với những nỗi bất công, oan khiên, đói nghèo, tụt hậu là có đầy trên mảnh đất hình chữ S này. Theo tôi, để giải quyết tận gốc những mối quốc nhục và quốc nạn của dân tộc ta hôm nay, ngoài con đường dân chủ, đa nguyên, đa đảng và pháp trị, nhân dân Việt Nam không còn con đường nào khác!

PV: Xin chân thành cám ơn kỹ sư Phương Nam - Đỗ Nam Hải từ Sài Gòn. Cầu chúc anh và quý quyến luôn được mạnh khoẻ, bình an và may mắn.

Washington, 17 tháng 8 năm 2012.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét