(Ghi lại tâm sự với người bạn già chí cốt)
Trí Nhân Media: Ông Nguyễn Trung, một nhà hoạt động chính trị nổi tiếng ở Việt Nam. Ông có nhiều bài viết phân tích tình hình thế giới và Việt Nam đầy sức thuyết phục. Ông nguyên là trợ lý của Thủ tướng Chính phủ thời ông Võ Văn Kiệt và ông Phan Văn Khải. Dưới hình thức hỏi và đáp ông Nguyễn Trung gửi đến Trí Nhân một bài viết mới tựa đề: SỰ LỰA CHỌN NÀO DÀNH CHO VIỆT NAM ĐÂY ? Trí Nhân Media xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết này. Và để tiện theo dõi Trí Nhân Media xin chia bài viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Trung thành 5 tiểu luận. Mời quí vị đọc tiếp Tiểu Luận 3.
----------------------------------------------------
Tiểu Luận 3
Nguyễn Trung
Đã Đăng:
----------------------------------------------------
Tiểu Luận 3
Hỏi: Đối sách của Mỹ với đối thủ
chính của mình như thế nào?
Đáp: Câu trả
lời đã được xác định của Mỹ đối với Trung Quốc là tránh đối đầu trong chừng mực
có thể, nhưng không tránh đối đầu trong đối ngoại, thông qua tập hợp cả thế giới
tìm cách giữ Trung Quốc trong quỹ đạo chung của xu thế phát triển trong khuôn
khổ trật tự thế giới hiện nay, bao gồm cả những biện pháp ngăn chặn Trung Quốc
bành trướng bằng vũ lực. Lợi ích phát triển của Mỹ và của thế giới phương Tây
cũng như của rất nhiều nước khác trên thế giới cũng đòi hỏi như vậy. Phương Tây
nhìn chung đi với Mỹ trong đối sách này.
Hơn nữa,
trên thực tế khả năng này là hiện thực, bởi vì càng phát triển, Trung Quốc càng
không thể thoát ly được sự phát triển chung của thế giới. Chưa nói đến kinh tế
Trung Quốc hiện nay cũng đang đày rãy những vấn đề nan giải, nguy cơ rơi vào khủng
hoảng lớn là thường trực; có nhiều vấn đề không đơn giản – thậm chí có những điểm
nguy hiểm – kể cả trong ổn định nội bộ. Sắp tới cuộc tranh chấp thị trường và
tranh chấp nguyên nhiên liệu trên thế giới sẽ còn quyết liệt hơn nữa, sẽ đặt
Trung Quốc trước nhiều khó khăn mới…
Về nhiều mặt,
dù một khi trở thành nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới, Trung Quốc vẫn
hoàn toàn không có khả năng trở thành một đế chế trong thế giới ngày nay. Thời
đại một đế chế chi phối sự phát triển của cả thế giới đã vĩnh viễn lùi vào quá
khứ. Trong khi đó sự chia sẻ các giá trị chung của văn minh nhân loại đã trở
thành xu thế tất yếu và đang ngày càng phát triển. Xu thế này cũng đang ngày một
mạnh lên cùng với sự phát triển kinh tế ngay trong lòng xã hội Trung Quốc, bất
chấp chế độ toàn trị của quốc gia này. Là một nước lớn có nền văn minh cổ đại rực
rỡ, Trung Quốc có nhiều đóng góp lớn vào văn minh nhân loại. Tuy nhiên, các giá
trị của văn minh Đại Hán một thời từng giữ thế thượng phong một vùng của trái đất
đã bị thế giới vượt qua từ nhiều thế kỷ nay rồi (song phải thừa nhận các giá trị
này để lại một di sản văn hóa vẫn đang còn tác động đáng kể đến đời sống kinh tế
và chính trị Trung Quốc hôm nay).
Bằng lời
nói và hành động, Mỹ khẳng định rõ ràng việc quay trở lại châu Á, nguyên nhân
hàng đầu là để đối phó với đối thủ chủ yếu là Trung Quốc, song đó còn là một
trong những phương thức quan trọng Mỹ tìm cách tiếp tục duy trì và phát triển sức
mạnh vai trò siêu cường số một của mình hiện nay.
Trên thực tế
Mỹ đang làm tất cả - từ việc khắc phục những yếu kém, đổi mới cơ cấu kinh tế,
phát triển kết cấu hạ tầng mới, đẩy mạnh cải cách giáo dục, nỗ lực tạo công ăn
việc làm mới, điều chỉnh lại hệ thống tài chính tiền tệ, bố trí lại lực lượng
quân sự và tiếp tục hiện đại hóa khả năng chiến đấu – đặc biệt ở khu vực châu Á
– bất chấp việc phải cắt giảm ngân sách, đổi mới chiến lược đối ngoại, trong đó
tập trung hơn nữa vào châu Á – Thái Bình Dương.., tất cả để làm chủ tình hình
(tham khảo thêm bài nói ngày 05-01-2012 của Obama tại Lầu Năm Góc về chiến lược
quân sự mới của Mỹ, và thông điệp đầu năm tại Nhà Trắng của Obama ngày
24-01-2012).
Trong những
nỗ lực nêu trên, Mỹ đặc biệt quan tâm thúc đẩy xu thế của trào lưu phát triển
chung trên thế giới trong trật tự quốc tế hiện nay (như đã trình bày trên) một
cách có lợi nhất cho việc duy trì vị thế dẫn đầu, vị thế số một thế giới hiện Mỹ
đang nắm giữ. Cần thấy rõ điều này để hiểu rằng một số vấn đề như các giá trị về tự do, dân chủ, quyền con
người, môi trường… Mỹ thường nêu lên trong chính sách đối ngoại của mình không
đơn thuần chỉ là một thứ “vũ khí diễn biến hòa bình” như một số người muốn diễn
giải theo cách này. Thật ra, quan trọng hơn thế nhiều, những giá trị này là các
thành tố không thể thiếu trong quốc sách đối ngoại của Mỹ, làm nên thế mạnh của
Mỹ. Thậm chí đấy là một thứ “vũ khí” – nếu thích dùng cách gọi này - của Mỹ là chính sách tập hợp lực lượng theo
cách ngược hẳn với cách làm của Trung Quốc, chính sách này là một trong những đối
sách quan trọng của Mỹ đối với Trung Quốc. Đơn giản là: Muốn dẫn đầu thế giới,
Mỹ phải tìm cách đi đầu trong trào lưu phát triển của thế giới, trước hết vì
chính lợi ích sống còn của Mỹ.
Hơn thế nữa
các vấn đề tự do, dân chủ, quyền con người, môi trường… còn là những giá trị cơ
bản của nền chính trị Mỹ hiện tại, đang làm nên nước Mỹ hôm nay, là nguồn gốc sức
mạnh Mỹ hiện tại mà cả nước Mỹ đang phải tiếp tục phấn đấu để giảm bớt đà suy yếu
của mình, là động lực phát triển thường trực của chính nước Mỹ, là xu thế phát
triển của Mỹ. Nói một cách khác, để những giá trị này mai một, bản thân nước Mỹ
cũng sẽ suy yếu nhanh chóng hơn nữa, trong khi nước Mỹ không phải là hiếm những
khó khăn đối nội.
Tuy nhiên,
cũng xin đừng lúc nào quên: Mỹ làm gì đi nữa thì trước hết là vì Mỹ, rồi mới đến
vì những người khác, vì nước khác, đó là lẽ tất yếu. Trong đối phó với Trung Quốc
không hiếm khi trong tình huống nào đó Mỹ đã có những “thỏa hiệp” – bản thân Việt
Nam đã từng được nếm mùi sự “thỏa hiệp” rất đáng nhớ năm 1972 mà đầu bếp là
Henry Kisinger. Nước lớn nào không hành xử như vậy? Và đây không phải là bài học
“thỏa hiệp” duy nhất trong quan hệ Mỹ - Trung.
Như vậy
càng rõ, không phải mối nguy Trung Quốc có thể cướp mất vị thế quốc tế số một của
Mỹ là nguyên nhân của hiện tượng Trung Quốc trở thành đối thủ chính của Mỹ. Có
tiềm tàng mối nguy này, nhưng nó chưa phải là vấn đề thời sự nóng bỏng, hoặc
còn rất lâu mới có thể trở thành vấn đề thời sự nóng bỏng.
Mỹ trở lại Á châu |
Có thế kết
luận, hai xu thế phát triển hoàn toàn ngược nhau như vậy với những hệ lụy toàn
cầu giữa Mỹ và Trung Quốc là nguyên nhân chủ yếu làm cho 2 quốc gia này trở
thành đối thủ chính của nhau trong cục diện thế giới mới hiện nay, nhất là ở
khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Thực tế này cũng là nét chính của bức tranh địa
chính trị thế giới hiện tại, việc tập hợp lực lượng trên thế giới đang được xắp
xếp lại. Muốn hay không, ai đi với ai?
trong cục diện thế giới mới này, sẽ ít hoặc nhiều, trực tiếp hay gián tiếp cũng
có thể hé ra ai lựa chọn xu thế nào? cho
sự phát triển của quốc gia mình.
Thách thức
từ một Trung Quốc đang trên đường trở thành siêu cường với phương thức phát triển
“mục tiêu biện minh cho biện pháp” theo kiểu
tư duy “mèo trắng – mèo đen” là những thách thức nguy hiểm, thậm chí rất
nguy hiểm đối với các nước nhỏ yếu và lệ thuộc. Tuy nhiên, thổi phồng hay đánh
giá thấp những thách thức này cũng nguy hiểm không kém.
Hỏi:
Vậy nên nhìn nhận Trung Quốc trên đường trở thành siêu cường như thế
nào?
Đáp: Trước
hết cần lưu ý không phải chỉ có tư tưởng bành trướng Đại Hán là động lực thúc đẩy
Trung Quốc vươn lên trở thành siêu cường. Ít nhiều có thể có nguyên nhân này
như là một di sản của văn hóa và lịch sử. Song quan trọng hơn thế nhiều, thậm
chí phải nói động lực chính của sự vươn lên này là đòi hỏi phát triển tự thân của
Trung Quốc. Sự thật là đòi hỏi này của nước đông dân nhất thế giới bức thiết đến
mức “tồn tại hay không tồn tại?” (to be or not to be?). Trở thành siêu cường số
một thế giới được Trung Quốc đưa lên thành động lực thúc đẩy (triebkraft) và đồng
thời cũng là biện pháp thực hiện để “giải quyết” đòi hỏi này.
Vấn đề cốt
lõi ở đây chính là phương thức Trung Quốc giải quyết đòi hỏi bức thiết này của
mình.
Đó là
phương thức “mục tiêu biện minh cho biện pháp” như đang tiến hành. Hiển nhiên về
nhiều mặt phương thức này đang gây nhiều mối nguy lớn cho thế giới.
Đây chính
là vấn đề.
Nếu như
Trung Quốc giải quyết đòi hỏi bức thiết của mình theo phương thức cùng phát triển
trong quỹ đạo phát triển chung của cả thế giới, đồng thời lấy sự phát triển của
mình góp phần hay thúc đẩy sự phát triển chung của cả thế giới, thì còn gì bằng!
Thực hiện phương thức phát triển gắn với trách nhiệm như vậy, câu chuyện Trung
Quốc sẽ đi hẳn một hướng khác, chắc chắn sẽ được cả thế giới hoan nghênh, vai
trò cường quốc của Trung Quốc càng được nâng cao. Song nếu làm theo phương thức
này, Trung Quốc có lẽ phải thay đổi nghiêm trọng đường lối đối nội của mình, một
điều hầu như không hiện thực hiện nay và gắn với nguy cơ tan rã Trung Quốc.
Tính quyết liệt của vấn đề Trung Quốc là ở chỗ này.
Hiểu đúng sự
thật khách quan “đòi hỏi bức thiết này” và “phương thức thực hiện nó” của Trung
Quốc, mới có thể hiểu được thấu đáo tính quyết liệt của cái gọi là “vấn đề
Trung Quốc” trong đời sống chính trị quốc tế hôm nay.
Thật ra
trong thời đại toàn cầu hóa kinh tế thế giới ở trình độ phát triển ngày nay, mở
rộng thị trường, mở rộng không gian phát triển của mình ra phạm vi toàn thế giới
vừa là một khả năng, vừa là một đòi hỏi bức thiết cho sự phát triển và lớn mạnh
của mỗi quốc gia, dù lớn hay nhỏ.
Thực tế cho
đến hôm nay cho thấy: Trung Quốc đang thực hiện phương thức hiện hành, và sẽ
còn tiếp tục làm như thế chừng nào Trung Quốc còn giành được mọi điều kiện cần
thiết cho phép tiếp tục duy trì phương thức hiện hành.
Không một sự
thông minh, thiện chí, lòng hảo tâm, hay ý thức hệ xã hội chủ nghĩa nào có thể
có được từ phía Trung Quốc khiến cho quốc gia này tự thay đổi phương thức phát
triển hiện nay của nó, ngoại trừ một khi sự xuất hiện tình hình quốc tế cùng với
sự xuất hiện những yêu cầu mới của dân chủ và phát triển ngay trong lòng Trung
Quốc buộc Trung Quốc phải thay đổi phương thức phát triển hiện nay, thì sự thay
đổi phương thức mới xảy ra.
Thủ tướng Ôn Gia Bảo |
Xin lưu ý:
Hiện nay một nửa số dân Trung Quốc (51%) sống tại đô thị, mức sống và trình độ
dân trí ngày càng cao, ảnh hưởng của tầng lớp trung lưu ngày càng sâu rộng
trong xã hội Trung Quốc, khiến cho đòi hỏi về phát triển hài hòa và về dân chủ
trong lòng xã hội Trung Quốc ngày càng lớn. Song cũng còn một thực tế khác:
Kinh tế càng phát triển, xã hội Trung Quốc càng nẩy sinh nhiều vấn đề mới – trước
hết do khoảng cách giàu nghèo càng rộng ra; bất cập, bất công và phân hóa xã hội
ngày càng nhiều. Gần đây chính thủ tướng Ôn Gia Bảo đã phát biểu phải sớm đẩy
nhanh cải cách chính trị, nếu không sẽ có nguy cơ xảy ra cuộc cách mạng văn hóa
mới theo hướng chủ nghĩa Mao ngày xưa. Nội bộ lãnh đạo Trung Quốc có một số vấn
đề lớn (hay nghiêm trọng? – ví dụ vấn đề Bạc Hy Lai hiện nay) là tất yếu trong
hệ thống chính trị một đảng khép kín, đã và đang diễn ra trong suốt lịch sử nước
CHNDTH. Đương nhiên những vấn đề nội bộ như thế cũng góp phần tăng thêm tính
quyết liệt của vấn đề Trung Quốc.
Mặt khác
các mâu thuẫn quốc tế với phương thức phát triển của Trung Quốc như hiện nay
ngày càng tăng, nhiều quốc gia – bao gồm một số nước đang phát triển – buộc phải
xem lại mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Trung Quốc vươn lên siêu cường
trong tình hình các hướng đi khác đều bị án ngữ khó lòng vượt qua hay đều đã có
chủ, do đó bành trướng quyền lực qua Biển Đông xuống phía Nam để mở đường ra đại
dương trở thành hướng đi khả dĩ nhất và duy nhất. Như vậy, địa lý tự nhiên trớ
trêu ốp vào Việt Nam số phận là chướng ngại vật đầu tiên đối với Trung Quốc
trên con đường độc đạo này. Đương nhiên Trung Quốc sẽ tìm mọi cách khắc phục
chướng ngại vật này.
Sự thật là
trong suốt chiều dài lịch sử quan hệ Việt – Trung sự trêu ngươi này của lịch sử
đối với nước ta diễn đi diễn lại nhiều lần, không hề đặt ra cho nước ta khả
năng tránh né nào, mà chỉ thách thức nước ta lựa chọn câu trả lời như thế nào
mà thôi. Cũng phải nói thêm, trong suốt chiều dài lịch sử ấy, chưa một lần nào
Việt Nam tự mình đứng ra diễn vai “châu chấu đá xe” thách thức Trung Quốc.
Myanmar - Mục tiêu của Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ |
Một khía cạnh
khác của vấn đề cần xem xét là: “Siêu cường tương lai Trung Quốc” sinh sau đẻ
muộn trong một thế giới có sẵn một trật tự như hiện nay, tự nhiên Trung Quốc đứng
trước yêu cầu phải tạo dựng ra cho mình các nước vệ tinh làm rào chắn trên độc
đạo hướng phía Nam còn để ngỏ, lý tưởng là làm sao có được các nước vệ tinh
theo mối quan hệ thiên triều – chư hầu kiểu mới cho mục đích này, lý tưởng nhất
là tạo ra được một nước bàn đạp hay nhiều nước bàn đạp trên hướng đi này. Không
phải vô cớ Trung Quốc đã công khai bày tỏ sự không bằng lòng với Myanmar về những
diễn biến hiện nay của quốc gia này.
Chắc chắn
Trung Quốc trong phạm vi có thể cũng sẽ không từ một biện pháp hay thủ đoạn nào
ngăn cản sự xuất hiện một quốc gia nào đó sát nách mình ở hướng Nam này trở
thành một “tiền đồn của dân chủ hay của thế giới phương Tây”. Bởi vì tự thân
Trung Quốc đã có quá nhiều việc để làm với các vấn đề dân chủ và quyền con người
ngay trong lòng đất nước họ (đây là gót chân Achilles của chế độ toàn trị của
quốc gia này), Trung Quốc lại càng không muốn có thêm cửa ngõ lan truyền hay
thâm nhập những giá trị này vào nội địa của họ.
Tổng kết
quan hệ Việt – Trung kể từ khi thực hiện bình thường hóa trở lại quan hệ hai nước
từ năm 1990 đến nay, có thể thấy Trung Quốc theo đuổi 2 kịch bản chính trong đối
sách với Việt Nam:
- Thượng sách là giương cao 16 chữ để tiếp tục
thâm nhập, lũng đoạn, nhằm thúc đẩy quá trình tạo ra một Việt Nam èo uột và lệ
thuộc; bằng mọi cách không để cho chế độ èo uột của Việt nam sụp đổ để Trung Quốc
dễ bề tiện dụng phù hợp với cái vỏ bọc “trỗi dậy hòa bình” của mình. Trung Quốc
chủ trương cô lập Việt Nam trên thế giới bằng những biện pháp khôn ngoan như một
mặt phân hóa các đồng minh láng giềng sống còn của Việt Nam, nhấn mạnh Việt Nam
phải gìn giữ đại cục quan hệ Trung – Việt để tăng sức ép, đồng thời mặt khác lại
dượng dẹ và lôi kéo Việt Nam đi với Trung Quốc trong những vấn đề khác. Đặc biệt
quan trọng là Trung Quốc vận dụng quyền lực mềm tác động nặng nề vào phát triển
kinh tế của Việt Nam, khuyến khích giương cao ngọn cờ “chống diễn biến hòa
bình” để ngăn cản những nỗ lực cải cách chính trị của Việt Nam. Trung Quốc tận
dụng mọi cơ hội tiếp tục uy hiếp biển - đảo, vừa nhằm tạo điều kiện cho những
bước lấn chiếm tiếp theo, vừa giữ Việt Nam trong quỹ đạo của mình… Có thể nhận
định: Trung Quốc đã đi được một chặng đường dài trong thực hiện thượng sách
này.
- Hạ sách là: đẩy mạnh các biện pháp đã và đang
thực hiện của thượng sách, chấp nhận hiện trạng một Việt Nam “tranh tối tranh
sáng”, nếu không ngăn cản được cải cách ở Việt Nam thì tìm mọi cách kìm hãm
công cuộc cải cách này, gia tăng các sức ép của quyền lực rắn và quyền lực mềm
để gia tăng thực trạng èo uột của Việt Nam, đảy mạnh phân hóa bên trong, tăng
các biện pháp lũng đoạn hay trừng phạt kinh tế, khi cần thiết lại có thể “cho một
bài học” kiểu chiến tranh biên giới tháng 2-1979 hay theo kịch bản đánh chiếm một
số đảo Trường Sa tháng 3-1988. “Bài học” lần này nếu xảy ra, có nhiều khả năng sẽ là trên Biển Đông; sắp tới có thể
có những biện pháp ngang nhiên thăm dò và khai thác Biển Đông phần thuộc hải phận
của nước ta, vân vân...
- Lưu ý 1: Trong mọi trường hợp, Biển Đông chỉ
là một mặt trận nóng, thậm chí có khi rất nóng trong đối xử của Trung Quốc đối
với Việt Nam. Tuy nhiên, mặt trận chính yếu của Trung Quốc là nhằm vào đối nội
của Việt nam, trên cả hai phương diện nội trị và kinh tế, với mục đích khoét
sâu những khả năng Việt Nam dễ bị chấn thương. Thắng trên mặt trận chính yếu
này, Trung Quốc hy vọng sẽ thắng trên các mặt trận khác.
- Lưu ý 2:
Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, nhất là trong các năm 2010 và 2011, cho thấy
không phải Trung Quốc muốn làm gì với Việt Nam cũng được. Trung Quốc rất ngại
có những bước đi đụng chạm vào tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam và thức
tỉnh dư luận thế giới.
Đối mặt
thành công với một Trung Quốc như vậy là một thách thức, thậm chí là thách thức
đối ngoại quan trọng nhất đối với nước ta hôm nay.
Hỏi: Thái độ của cộng đồng các quốc gia trên thế
giới như thế nào trước tình hình quan hệ Việt – Trung như vậy?
Đáp: Bàn cờ thế giới hôm nay đặt ra cho nước ta
tình huống: Ngoại trừ Trung Quốc, ngày nay hầu như phần lớn các quốc gia còn lại
không muốn thấy trên bản đồ thế giới có một Việt Nam èo uột, phải dựa vào hay
phải sống trong vòng tay ôm ấp của Trung Quốc.
Ngoại trừ
Trung Quốc, hầu như tất cả những quốc gia này đều mong muốn có một Việt Nam giầu
mạnh, phát triển, đứng vững trên đôi chân của mình và đảm đương tốt vai trò là
nhân tố quan trọng thúc đẩy hỏa bình, hữu nghi, hợp tác và phát triển tại khu vực
này và trên thế giới. Có lẽ cũng không có một đầu óc tỉnh táo nào trong những
quốc gia này nuôi ảo tưởng biến Việt Nam thành lính xung kích chống lại Trung
Quốc tại địa bàn này.
Địa chính
trị thế giới và khu vực hôm nay tự nó tất yếu tạo ra cho nước ta bối cảnh và
tình hình quốc tế như vậy. Thực tế khách quan này có nghĩa chưa bao giờ nước ta
lại có nhiều đồng minh tự nhiên hầu như khắp cả thế giới như bậy giờ - một thực
tế gần như là một sự đền bù của tự nhiên cho cái thế sự trêu ngươi Việt Nam là
chướng ngại vật tự nhiên trên đường đi lên siêu cường của Trung Quốc. Chẳng có
ý thức hệ nào hay lòng tốt nào ở đây cả, mà chỉ có xu thế phát triển của thế giới
hiện nay xắp xếp ra cho nước ta cái bối cảnh khách quan như vậy ở phạm vi khu vực
và quốc tế. Chừng nào Trung Quốc không thay đổi phương thức hiện hành, các đồng
minh tự nhiên của nước ta có lẽ vẫn đông như vậy, ngọai trừ những những tình huống
ngoại lệ rất đặc biệt nếu xảy ra. Đúng là một cơ hội lớn chưa từng có dành cho
nước ta! Mọi chuyện bây giờ chỉ phụ thuộc vào sự lựa chọn cách ứng xử của nước
ta.
Nguyễn Trung
Kỳ tới:
Đã Đăng:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét