Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




SỰ LỰA CHỌN NÀO DÀNH CHO VIỆT NAM ĐÂY - Tiểu Luận 2

Nguyễn Trung- Trí Nhân Media
(Ghi lại tâm sự với người bạn già chí cốt)

Trí Nhân Media: Ông Nguyễn Trung, một nhà hoạt động chính trị nổi tiếng ở Việt Nam. Ông có nhiều bài viết phân tích tình hình thế giới và Việt Nam đầy sức thuyết phục. Ông nguyên là trợ lý của Thủ tướng Chính phủ thời ông Võ Văn Kiệt và ông Phan Văn Khải. Dưới hình thức hỏi và đáp ông Nguyễn Trung gửi đến Trí Nhân một bài viết mới tựa đề: SỰ LỰA CHỌN NÀO DÀNH CHO VIỆT NAM ĐÂY ? Trí Nhân Media xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết này. Và để tiện theo dõi Trí Nhân Media xin chia bài viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Trung thành 5 tiểu luận. Mời quí vị đọc tiếp Tiểu Luận 2.


Tiểu Luận 2

Hỏi: Vì sao vai trò quan hệ Mỹ - Trung lại có ý nghĩa quan trọng như thế đối với cục diện quốc tế mới đang hình thành?

Đáp: Có nhiều nguyên nhân, có thể diễn giải như sau:

So sánh các mối tương quan toàn cầu, trong cục diện thế giới hiện nay Mỹ tiếp tục suy yếu tương đối với tốc độ nhanh hơn so với các thập kỷ trước. Hiện nay, các dự báo lạc quan cũng cho rằng phải cần tới dăm năm hoặc lâu hơn nữa Mỹ mới có thể ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế đang lâm vào để đi vào một thời kỳ phát triển mới. Sau khi đưa cuộc chiến tranh Iraq và cuộc chiến tranh Afghanistan vào giai đoạn kết thúc mà không đạt được bao nhiêu mục tiêu chiến lược đề ra, Mỹ phải trả giá đắt. Bây giờ Mỹ phải thay đổi chiến lược toàn cầu theo chiều hướng: giảm bớt sư can dự vào một số khu vực, dồn sức tập trung vào châu Á, củng cố sự có mặt của mình tại khu vực phát triển năng động nhất của thế giới, và đồng thời để tập trung đối phó đối thủ chính của Mỹ ngày nay là Trung Quốc. 

Có lẽ trong vòng một thập kỷ nay chưa bao giờ ngay ở Mỹ có nhiều sách, nhiều bài viết phân tích về “tình hình sức khỏe và ảnh hưởng” của siêu cường Mỹ trên thế giới ngày nay ra sao, với khá nhiều ý kiến trái ngược nhau từ cực nọ đến cực kia. Song kết luận thỏa đáng nhất có thể là: Trong những thập kỷ tới, về nhiều mặt, Mỹ vẫn còn tiếp tục giữ được vai trò và ảnh hưởng của mình với tính cách là cường quốc số một, song ảnh hưởng giảm dần. Hàng ngũ đồng minh các nước phương Tây dẫn đầu là Mỹ nhìn chung không có thay đổi lớn. 

Tuy nhiên, điều khiến Mỹ và cả thế giới phương Tây lo lắng là sự suy yếu của cộng đồng EU và đồng Euro đang đặt ra nhiều vấn đề mới cho khối này với nhiều hệ lụy cho cả thế giới phương Tây; Nhật vừa mới ra khỏi được những thập kỷ suy thoái kéo dài thì lại bị thiên tai chưa từng có tàn phá (sự kiện Fukusima cách đây một năm). Toàn bộ tình hình này khiến Mỹ càng phải thận trọng hơn trong đương đầu với những thách thức mới. Tình hình còn trở nên phức tạp hơn ở chỗ EU nói chung, đặc biệt là Đức, Pháp.., cũng phải tìm cách tăng cường những mối quan hệ mới với Trung Quốc và Nga. – chủ yếu là quan hệ kinh tế, để giải quyết những khó khăn và những đòi hỏi phát triển mới (thị trường, nguyên nhiên liệu.., thậm chí đã có lúc EU phải tính đến cả khả năng tham gia của Trung Quốc cứu đồng Euro thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công của một số quốc gia thành viên). Một hiện tượng nữa là Nhật trong khi vẫn tiếp tục duy trì và phát triển các mối quan hệ truyền thống với Mỹ, phải chuyển sang dành nhiều công sức và mối quan tâm hơn nữa cho việc củng cố vị thế của Nhật ở châu Á để tự bổ sung sức hỗ trợ không còn được như trước của Mỹ, trước hết là Nhật đẩy mạnh những nỗ lực cải thiện quan hệ với Nga, tăng cường các mối quan hệ mọi mặt với các  nước châu Á khác, tất cả nhằm tăng cường vị thế của Nhật ở châu Á, đồng thời tăng khả năng đối phó tại chỗ của Nhật với những thách thức đến từ Trung Quốc – có cánh tay nối dài là Bắc Triều Tiên.

Trong khi đó vấn đề tên lửa tầm xa và vũ khí hạt nhân của Bắc Triều tiên, nguy cơ Iran sẽ có khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân, vấn đề nạn khủng bố al-Qeada và vai trò Pakistan chứa đựng nhiều yếu tố bất thường – đặc biệt là trong những vấn đề liên quan đến mối quan hệ tay ba Mỹ - Ấn Độ - Trung Quốc, vấn đề Syria, vấn đề Palestin – Israel, vấn đề Iran – Israel… Đấy là những điểm nóng thường trực, chứa đựng nhiều nguy cơ bùng nổ khó kiểm soát. Trong không ít những vấn đề nhạy cảm này có hiện tượng Nga và Trung Quốc giữ một lập trường riêng khác hẳn với đa số trong Hội đồng Bảo An cũng như các nước thành viên trong Liên minh các Quốc gia Ả-rập, rõ nhất là trong vấn đề Syria.

Một số học giả trên thế giới tỏ ý rất nghi ngại vai trò của Trung Quốc trong những vấn đề nóng của thế giới. Thực tế này làm cho cục diện thế giới một siêu đa cường đang hình thành chứa đựng những quan hệ chồng chéo, giằng xé hay đan xen nhau rất phức tạp; mặc dù sân chơi chính của các cường quốc bây giờ là khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, trước hết là châu Á.

Hiện tượng Trung Quốc trở thành nền kinh tế có khối lượng GDP lớn thứ 2 trên thế giới và là chủ nợ lớn nhất thế giới với dự trữ ngoại tế hiện nay lên tới 2300 tỷ USD không phải là nguyên nhân chính khiến cho Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ và là thách thức số 1. Tôi nghĩ như vậy.

Cho dù đến một thời điểm nào đó, vào khoảng gần giữa thế kỷ này hoặc sớm hơn, kinh tế Trung Quốc có thể sẽ có khối lượng GDP vượt Mỹ, song khoảng cách phát triển giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn là rất lớn. Hiện nay, nếu tính theo mức GDP đầu người thì Mỹ vẫn cao hơn Trung Quốc khoảng 5 lần; Mỹ vẫn đi trước Trung Quốc một khoảng cách khá xa về khoa học kỹ thuật – kể cả trong lĩnh vực quân sự. Ảnh hưởng kinh tế, chính trị, văn hóa của Mỹ hiện nay trên thế giới, nhất là ảnh hưởng của Mỹ đối với xu thế phát triển của thế giới vẫn là một thế mạnh mà Trung Quốc trong một thời gian dài nữa (thậm chí có thể là rất dài, hoặc không bao giờ) khó lòng với tới hay vượt qua được. Dù là Mỹ hiện nay suy yếu tương đối so với trước, song hầu như chắc chắn trong nhiều thập kỷ tới, (trong tranh luận sôi nổi, có ý kiến cho rằng  có thể trong thế kỷ này) không có khả năng Trung Quốc có thể giành lấy vai trò siêu cường số 1 của Mỹ hiện nay trên bàn cờ thế giới.

Hỏi: Cứ cho là như thế, nhưng vẫn chưa rõ lắm những nguyên nhân gì khiến Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ chính và làm cho quan hệ Mỹ - Trung trở thành nét chính của bức tranh địa chính trị thế giới ngày nay, nhất là ở châu Á?

Đáp:  Trước khi tìm câu trả lời, cần nhắc lại rằng từ thời Bush (con), Clinton, song càng rõ nét hơn nữa là từ thời Obama, Mỹ nói riêng và cùng với Mỹ là cả thế giới phương Tây ý thức rõ ràng tính phức tạp của sự phát triển dưới cái vỏ bọc “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc trên con đường trở thành siêu cường. Từ rất sớm Mỹ và các nước phương Tây chủ trương hướng sự phát triển của Trung Quốc vào  nguyên tắc “phát triển gắn với gánh vác trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế”. Đi xa hơn nữa, khi lên làm tổng thống, Obama đã có những nỗ lực lớn cố tạo ra một thể chế “G2”, với hy vọng Mỹ và Trung Quốc cùng nhau chia sẻ trách nhiệm của mình và góp phần của mình đối với cộng đồng quốc tế.

Bây giờ Mỹ công khai thừa nhận những nỗ lực nêu trên đã thất bại.

Vấn đề càng trở nên rắc rối ở chỗ, dù muốn hay không, sự phát triển kinh tế của Trung Quốc với tầm vóc là nền kinh tế số 2 thế giới liên quan mật thiết, tốt hoặc xấu, đến sự phát triển kinh tế của châu Á nói riêng và của cả thế giới nói chung. Nghĩa là: Dù hay hay dở, khốn khó hay thuận lợi thế nào đi nữa, không có cách gì có thể cô lập sự phát triển của kinh tế Trung Quốc ra khỏi sự phát triển của kinh tế thế giới nói chung. Vậy cách tốt nhất vẫn là làm sao cho Trung Quốc giữ một quỹ đạo phát triển chung với cả thế giới. Nhưng đến nay điều này vẫn chưa xảy ra. Chưa nói đến nguy cơ một khi kinh tế Trung Quốc có những “nổ bong bóng” dẫn tới khủng hoảng lớn, thậm chí có những đổ vỡ, liệu sẽ xảy ra điều gì trên thế giới, nhất là nước ta đứng sát nách Trung Quốc!

Có thể nói, kể từ khi tiến hành cải cách năm 1978, trong vòng gần 5 thập kỷ vừa qua Trung Quốc đã đi được chặng đường mà về nhiều mặt các nước tư bản trước kia phải đi mất khoảng 2 thế kỷ. Tận dụng lợi thế rất lớn về quy mô kinh tế của mình, Trung Quốc là nước thành công bậc nhất trong việc nắm bắt những đặc điểm của xu thế phát triển kinh tế của thế giới trong quá toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, đã tiến hành những biện pháp quyết liệt, nhiều khi rất tàn bạo đối với trong nước, và thực dụng một cách đáng sợ đối với bên ngoài, tất cả để giành lợi thế cho Trung Quốc.

Tất cả đã làm cho Trung Quốc trở thành “công xưởng của thế giới” gần như với bất kỳ giá nào, với nhiều tác động đối với toàn thế giới. Có ý kiến đã coi Trung Quốc là quả bom nổ chậm về môi sinh chưa biết hệ quả sẽ ra sao không chỉ đối với riêng Trung Quốc. Đấy chính là những thành quả không ít máu và nước mắt của chủ nghĩa tư bản nhà nước trong thể chế chính trị toàn trị một đảng có tên gọi là chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.

Nông dân Ô Khảm biểu tình chống giới chức tham nhũng
Hiện nay, trước hàng loạt vấn đề của Mãn – Mông – Hồi – Tạng, trước hàng loạt vấn đề nóng trong kinh tế như các hiện tượng sản xuất dư thừa quá lớn trong nhiều ngành so với khả năng tiêu thụ trong xuất khẩu, các hiện tượng trong đối nội loại “sự kiện Ô-khảm”, rồi đến tình hiếu chiến đang tăng lên của phái quân sự, bây giờ lai thêm “sự kiện Bạc Hy Lai”.., liệu Trung Quốc sẽ lại “chĩa” ra bên ngoài thế nào đây để “xì hơi” áp lực bên trong? Cuộc chiến tranh tháng 2-1979 đánh biên giới phía Bắc của Việt Nam là một trong nhiều ví dụ của hiện tượng của Trung Quốc “chĩa” ra bên ngoài như thế. Việt Nam sát nách Trung Quốc nên không thể thờ ơ.

Bằng mọi thủ đoạn của quyền lực rắn và quyền lực mềm, trên thực tế đến nay Trung Quốc đã tạo ra được một thứ quan hệ thiên triều - chư hầu kiểu mới dành cho một vài nước lệ thuộc.

Với quan điểm mục tiêu biện minh cho biện pháp, quyền lực mềm của Trung Quốc không quan tâm đến các giá trị, hành động theo nguyên lý cái gì không làm được thì để cho tiền làm, cái gì tiền không làm được thì nhiều tiền hơn nữa sẽ làm được; cái gì một năm chưa làm được thì hai năm, ba năm, một thập kỷ, vài thập kỷ sẽ làm được… Tại cả 5 châu lục trên thế giới, nhất là tại châu Phi, một số nước châu Mỹ La-tinh.., có thể nói Trung Quốc đã thực hiện được ở mức đáng kể việc “mua” các thứ như quyền lực, ảnh hưởng, quan hệ, cơ hội, nguyên liệu, hàng hóa… Các Chinatowns mới đang mọc lên tại khắp nơi. Đồng thời Trung Quốc cũng bán được rất nhiều  thứ, bao gồm từ hàng rẻ - hữu hình hoặc vô hình - không hiếm hàng độc hại với cả nghĩa đen và nghĩa bóng, trong đó có sản phẩm mang tên là “chống diễn biến hòa bình”, “chống can thiệp vào nội bộ”… Trung Quốc có quan hệ chính trị tốt với hầu hết các chế độ diệt chủng ở châu Phi, gây ra được sự lũng đoạn chính trị nghiêm trọng ở nhiều quốc gia, kể cả ở một vài nước phát triển (tới mức một vài chính khách của vài nước này phải ra đi vì mắc bãy tham nhũng của Trung Quốc). Nhiều học giả trên thế giới thừa nhận Trung Quốc ngày nay thành công vượt xa chủ nghĩa thực dân mới của thế giới phương Tây trước đây trong việc vơ vét tài nguyên, mở rông “quan hệ” bằng mọi cách, và bành trướng ảnh hưởng của mình[1].

Đặc biệt nghiêm trọng là Trung Quốc trở thành thách thức quân sự trực tiếp và có những tranh chấp biên giới đối với hầu hết các nước láng giềng (kể cả Nga và Ấn Độ) – gần đây nhất là các vụ đụng độ (2010 và 2011) với hải quân Nhật Bản liên quan đến tranh chấp đảo Senkaku, vai trò của Trung Quốc thế nào trong việc Bắc Triều Tiên bắn chìm tầu Cheonan của Hàn Quốc tháng 5-2010?; trong hiện tại đang nóng bỏng tham vọng “đường lưỡi bò 9 vạch” của Trung Quốc ở Biển Đông…

Trung Quốc đang vươn lên thành siêu cường không cần tuân thủ những giá trị cơ bản là các thành tố của trật tự quốc tế hiện hành, mà chỉ cần bằng mọi cách đạt được mục tiêu nó muốn.

Làm như vậy, Trung Quốc hiển nhiên không theo đuổi mục đích, hay không quan tâm bao nhiêu đến mục đích thúc đẩy xu thế phát triển chung của thế giới là hòa bình, hợp tác cùng phát triển, tự do, dân chủ, quyền con người, gìn giữ và bảo vệ môi trường.

Phương thức phát triển “mục tiêu biện minh cho biện pháp” của Trung Quốc trên thực tế đã lũng đoạn ở mức độ nhất định trật tự thế giới hiện tại. Một thực tế khách quan khác phải được xem xét, đó là trên thế giới hiện có không ít những lực trái chiều; trong những điều kiện nhất định và những vấn đề nhất định, những lực trái chiều này có thể bị lực Trung Quốc hấp dẫn, hoặc cùng phụ họa với lực Trung Quốc tạo ra các nguy cơ mới hay gia tăng các nguy cơ hiện có lũng đoạn trật tự thế giới hiện hành. Ví dụ thời sự nóng hổi nhất hiện nay là sự bất lực không vượt qua được bao lâu nay của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc trong vấn đề Syria (cuối cùng cả Nga và Trung Quốc cũng phải thuận theo ý kiến chung sau chuyến đi Syria của nguyên Tổng thư ký LHQ Kofi Annan). Thực tế này góp phần giải thích vì sao Trung Quốc đã khai thác được đáng kể tình hình Mỹ bị sa lầy tại Trung Đông và trong chiến tranh ở Afghanistan, thâm nhập tới mức nguy hiểm vào nhiều nền kinh tế, kể cả ở các nước phát triển… Trong tình huống nhất định nếu không kiểm soát được, thậm chí có thể xảy ra xung đột trực tiếp Mỹ - Trung Quốc.

Học giả Minxin Pei đã phải kết luận: Trung Quốc là cường quốc đơn độc nhất thế giới! Nhiều học giả Mỹ khác nói: Trung Quốc không vứt bỏ trật tự quốc tế hiện hành, Trung Quốc chơi một trò chơi khác hẳn!.. Tất cả những sự việc này cho thấy Trung Quốc trở thành vấn đề của cả thế giới.

Đã nhiều lần phía Trung Quốc phải tìm cách thanh minh. Gần đây nhất, tháng 6-2011, Trung Quốc ra bạch thư để trấn an dư luận, giữa lúc Trung Quốc đẩy nhanh việc đưa hàng không mẫu hạm của mình vào hoạt động cùng với việc chuẩn bị đưa dàn khoan khủng đi vào Biển Đông!.. Tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc tháng 3-2012 thông qua ngân sách quốc phòng đạt 100 tỷ USD, Ôn Gia Bảo giải thích lý do: Trung Quốc cần đánh thắng các cuộc chiến  tranh cục bộ.

Mỹ và phương Tây đều lo ngại để cho xu thế phát triển nói trên của Trung Quốc tiếp tục thoát khỏi tầm kiểm soát có hiệu quả, sẽ có thể là hiểm họa khó lường. Giới nghiên cứu Mỹ công khai thừa nhận trong khi Mỹ sa lầy vào chiến tranh Iraq và Afghanistan, Trung Quốc đã lấn sân quá xa, thừa nhận Mỹ đã phản ứng đối phó chậm, và đặt ra nhiều nghi vấn về vai trò của Trung Quốc trong một loạt vấn đề nóng bỏng của thế giới…

Cả Mỹ và phương Tây đã vỡ mộng: Sự phát triển kinh tế của Trung Quốc cũng như việc khuyến khích Trung Quốc hội nhập vào quá trình toàn cầu hóa kinh tế không làm cho dân chủ ở Trung Quốc phát triển, cũng không thúc đẩy được Trung Quốc gánh vác và chia sẻ trách nhiệm quốc tế của mình, mà chỉ mang lại cho Trung Quốc khả năng lợi dụng những thể chế hiện có và khai thác những cơ hội diễn ra trong quá trình hội nhập này.

Như vậy có thể kết luận:  Khối lượng GDP lớn thứ hai trên thế giới và 2300 tỷ USD dự trữ ngoại tệ không làm nên thách thức trực tiếp của Trung Quốc đối với Mỹ và thế giới phương Tây.

Thách thức của Trung Quốc đối với Mỹ và thế giới phương Tây đến từ phương thức phát triển của Trung Quốc dưới cái tên gọi “trỗi dậy hòa bình” – bằng mọi phương tiện kinh tế, chính trị, ngoại giao, quyền lực mềm, khi cần thiết và trong những điều kiện nhất định bao gồm cả bằng uy hiếp vũ trang, các bạo lực khác kết hợp cả quyền lực rắn và quyền lực mềm, với phương thức vận dụng là “mục tiêu biện minh cho biện pháp”.

Tóm lại: thách thức của Trung Quốc đối với Mỹ và phương Tây – có lẽ phải nói đối với cả thế giới nữa – đến từ việc Trung Quốc lựa chọn cho mình một hướng đi ngược hẳn với những giá trị cơ bản đang làm nên xu thế vận động chung hiện nay của thế giới.

Cần trỉnh táo và rất nên tránh miệt thị Trung Quốc, vì suy nghĩ cảm tính như vậy nếu không làm tình hình xấu thêm thì cũng chẳng giúp ích gì cho việc tìm các giải pháp. Song mọi sự việc Trung Quốc đã và đang làm cần được gọi đúng tên của nó để hiểu đúng và tìm đối sách.

(Tiểu Luận 3: Đối sách của Mỹ với đối thủ chính của mình như thế nào?) 



Nguyễn Trung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét